Ngành Y tế và người thầy thuốc học tập và làm theo lời Bác
Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người” – Đó là tình cảm bao la của Bác Hồ được ngợi ca – Trái tim mênh mông của Người ôm ấp, bao bọc cả non sông, mọi kiếp người nói chung và cho ngành y nói riêng. Hơn ai hết và không ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn đánh giá cao vai trò, nhiệm vụ của ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và trong sự nghiệp cách mạng.
Trên cơ sở đánh giá vị trí, tầm quan trọng của ngành Y tế, Người chủ trương xây dựng ngành Y tế không chỉ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, mà còn xây dựng được nền y học của chế độ xã hội mới, hướng tới phát triển y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chính vì thế, ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã đưa ra quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Suốt 69 năm qua, những lời căn dặn, chỉ bảo của Bác để “Lương y phải như từ mẫu” đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc nước ta trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Điểm cốt lõi trong “tư tưởng y đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người thầy thuốc phải như một mẹ hiền”. Trong lời căn dặn “Lương y phải như từ mẫu”, Bác dùng chữ “phải” với mong muốn nhấn mạnh, người thầy thuốc đồng thời phải là người mẹ hiền, phải hội tụ đầy đủ các đức tính tốt đẹp như dịu dàng, tận tình, chu đáo, chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng hy sinh để làm tròn phận sự cứu người. Có tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu, như vụ lợi, tiêu cực, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc với người bệnh, tắc trách trong công việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Theo Bác, thầy thuốc là phải hết lòng yêu thương, tận tình chăm sóc, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người bệnh. Bởi để chữa trị bệnh tật tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bề ngoài. Những vấn đề về tinh thần, tình cảm càng cần phải được quan tâm để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như y đức của người thầy thuốc.
Bác thường căn dặn, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác”. Bác còn nhắc nhở cán bộ y tế: “Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn…”.
Không chỉ chú ý đến mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, Bác còn quan tâm đến mỗi quan hệ giữa các thầy thuốc, cán bộ làm công tác y tế với nhau. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, tháng 2/1955, Bác nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sĩ, Dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”. Đoàn kết trong ngành Y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và cùng hướng tới mục đích vì sức khỏe con người.
Ngày nay, không thể phủ nhận những lợi ích của sự phát triển khoa học kỹ thuật khi ứng dụng trong đời sống của con người và xã hội trong đó có ngành y tế. Vì vậy, để có được cái nhìn tổng quan, có hướng đi cụ thể, cần tận dụng thành công khoa học kỹ thuật trong y học nhưng không được lơ là mà phải luôn nâng cao đạo đức y tế. Dù ở đâu, công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng đã nhận định: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Không phải tự nhiên, nghề y luôn được gắn cùng “y đức” bởi đây là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người thầy thuốc. Và những người bệnh, chắc hẳn sẽ nhớ đến những thầy thuốc tận tâm, tốt bụng hơn là những thầy thuốc giỏi mà vô cảm trước người bệnh. “Y đức” – hai chữ thiêng liêng ấy đã mang lại giá trị tinh thần, giá trị xã hội và giá trị đạo đức mà bất cứ thời đại nào, xã hội nào cũng cần và đang hướng đến.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thời gian qua, ngành Y tế cả nước nói chung và tỉnh An Giang cũng như thành phố Long Xuyên nói riêng đã triển khai đồng bộ, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp và nhiều mô hình hoạt động thiết thực trong việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện và làm theo Bác trong từng cán bộ, đảng viên, xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, có năng lực công tác sát với tình hình thực tế; thấy được vai trò trách nhiệm của mình, hết lòng vì bệnh nhân, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là những người làm công tác y tế nước ta chung tay phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả để “không ai bị bỏ lại phía sau” thì những tấm gương hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc Việt Nam đã làm sáng mãi phẩm chất cao quý “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” theo lời dạy của Bác Hồ và xứng đáng với tình cảm tốt đẹp của Người dành cho ngành y tế. Tất cả cùng đoàn kết, chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân.
Trần Thạnh Hữu