Những dòng suối ngược
Tôi đến Bảy Núi lần này cũng vì một câu hỏi cắc cớ của anh bạn, rằng lên miệt đó mà có biết gì về những người “ăn cơm dưới đất làm chuyện trên trời” chưa. Cách nói lấp lửng của anh khiến tôi tò mò, nhưng hỏi thêm nhất định anh không giải thích. Đích thân lân la cùng bà con trên này một thời gian mới rõ, ý anh bạn nói đến những người làm nghề trèo thốt nốt. Cây thốt nốt là một trong những đặc trưng của vùng Bảy Núi, chủ yếu ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, Tỉnh An Giang. Giữa mênh mông nắng gió của cái vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” này, sự hiện hữu của thốt nốt như là một bất ngờ, nhất là những ai lần đầu đặt chân đến đây. Thốt nốt mọc tự nhiên hoặc được trồng thành từng khu rậm rạp như một vạt rừng. Có nơi, thốt nốt đứng thành từng hàng, xen lẫn vào cái xanh vàng bất tận của lúa. Cũng có khi, giữa quãng đồng trống vút lên ngọn thốt nốt cao vợi như nỗi cô đơn.
Thốt nốt có tên khoa học là Borassus flabellifer. Người Khmer gọi cây này là th’nốt, dần dần dân bản địa đọc trại âm thành thốt nốt hay thốt lốt. Đây là một giống cây thuộc họ Cau, phân bố chủ yếu ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Thân mọc thẳng, trơn, chiều cao trung bình của cây trưởng thành khoảng 30m. Trên ngọn cây có một vòm lá giống lá cọ, mọc tỏa ra như chiếc lộng. Hoa và trái cũng mọc ở ngọn cây. Thốt nốt chịu nắng giỏi, rễ cắm sâu, có thể sống trên các vùng đất cát pha. Có lần, tôi gặp anh Chau Sum ở gần Nhà Bàng. Anh sống bằng nghề trèo thốt nốt. Khu vườn nhà anh có khoảng một trăm cây, anh trèo từ sáng sớm đến trưa là giáp. Bàn chân, bàn tay anh chai cứng vì phải bám thân cây ngày này qua ngày nọ. Bắp thịt anh như thỏi thép, da đen bóng như trái thốt nốt già. Thấy tôi có vẻ hào hứng với cây thốt nốt, anh hỏi, muốn bứng một cây đem về trồng không. Tôi chưa kịp trả lời thì ảnh chỉ ra góc sân, có cây thốt nốt non vừa nhú lên chừng một tấc, lá bắt đầu chúm chím xanh. Anh Sum đưa tôi cái leng, bảo đào đến khi nào thấy chóp của rễ cái mới bứng được, nếu rễ cái mà đứt thì cây sẽ chết. Tôi hì hục đào. Ba tấc rồi năm tấc. Bảy tấc rồi một thước. Vẫn không thấy đầu rễ cái. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng cũng không bỏ cuộc, mặc cái nắng thiêu đốt thịt da. Nhìn tôi quyết tâm trong vô vọng, lúc này anh Thọ mới cười bảo, hễ cây thốt nốt nào nhú được mầm lên khỏi mặt đất thì rễ cái đã ăn sâu xuống từ 2 thước trở lên. Chính vì vậy, trái thốt nốt khi đem trồng thì ít nhất là 2 năm mới nhú mầm. Có lẽ do thân thốt nốt cao, lại chẳng có cành nhánh để tựa nương, nó phải tự chuẩn bị cho cuộc sinh tồn bằng cách bám sâu vào đất. Lại nữa, đa phần thốt nốt sống ở những vùng đất khô cằn, nếu rễ không đủ sâu để chạm tới mạch nguồn thì sự sống ấy không thể nào được xác lập. Đó là những quy luật muôn đời của tạo vật. Chỉ có những kẻ ngu ngơ như tôi mới manh nha tham vọng biến chuyển hoặc chiếm hữu nó. Có lẽ sợ tôi bị quê nên anh Chau Sum chuyển chủ đề, anh rủ tôi cùng đi lấy nước thốt nốt với anh.
Tôi gánh hai cái thùng to tướng theo chân anh Sum ra phía cánh đồng bạt ngàn thốt nốt. Từng hàng mọc thẳng tắp như các chiến sĩ trong buổi duyệt binh. Đến nơi, anh bảo tôi đứng đợi ở dưới gốc, còn anh thì trèo thoăn thoắt lên ngọn. Cây thốt nốt thân trơn như cây cau, cây dừa nên rất khó trèo. Người ta phải buộc dọc theo thân cây những nhánh tre và bước bám chân lên đó. Tôi thử trèo lên một đoạn nhưng chỉ đến độ cao chừng mười mét là chân run, tay mỏi. Bám giữa thân cây thốt nốt, nhìn lên vòm lá vẫn còn xa vời vợi, nhìn xuống mặt đất đã hun hút quả là một thử thách đối với những người sợ độ cao như tôi. Đã nhiều lần, tôi nghe kể về những người gặp nạn khi trèo thốt nốt. Ở cái xứ này, người ta thường quy mọi chuyện về giải thích dưới góc độ tâm linh. Và cây thốt nốt cũng được khoác lên tấm áo huyền bí để những ai chẳng may trượt chân luôn bị cho là thần cây trừng phạt. Tôi thì nghĩ đơn giản, với một độ cao như cây thốt nốt, rơi từ trên đó xuống hẳn phải từ chết đến bị thương. Người trèo thốt nốt lại không dùng bất cứ hình thức bảo hộ nào, chỉ leo thân không tay không, đôi khi chuyền qua chuyền lại giữa các cây bằng cách bám vào tàu lá, nên nếu chẳng may trượt chân thì sẽ không tránh khỏi thương vong. Tôi hỏi khéo anh Sum, rằng hiểm nguy như thế sao bà con chẳng kiếm nghiệp khác mưu sinh. Câu trả lời không ngoài phỏng đoán của tôi, rằng sinh nghề tử nghiệp là chuyện thường, rằng đã chọn nghề này rồi thì phải có niềm tin. Vả lại, không mưu sinh bằng nghề trèo thốt nốt thì dân nơi đây cũng chẳng biết sống bằng nghề gì với cái vùng đất chỉ toàn cát sỏi và nắng gió.
Khi tôi vẫn còn lãng đãng với những ý nghĩ bâng quơ thì anh Sum đã khuất trong vòm lá. Anh lấy từng chiếc ống đã đặt sẵn từ tối hôm qua, cột vào dây rồi chuyền xuống cho tôi đổ nước vào thùng, sau đó anh kéo các ống trở lại để đặt tiếp. Tôi tranh thủ uống thử một ngụm nước thốt nốt nguyên chất, vị ngọt thanh của nó khiến tôi ngỡ ngàng. Nước thốt nốt không xa lạ gì với dân bản địa. Tôi đã từng được thưởng thức nhiều lần ở các quán giải khát dọc quốc lộ 91 thuộc địa phận Tri Tôn, Tịnh Biên. Ngày nay, người ta còn mang nước thốt nốt đến bán ở các thành phố lớn. Nhưng đó là nước đã được pha chế, đã được dùng các chất bảo quản nên không giữ được mùi vị thanh khiết như khi ta vừa mang từ ngọn cây xuống và uống ngay. Một điều nữa là ít ai ngờ rằng, cây thốt nốt lại cho nước từ hoa. Cuốn hoa thốt nốt vươn dài chừng hai tấc, bán kính khoảng 3cm. Người ta chỉ cần cắt một lát mỏng ở đầu cuốn hoa, đặt ống vào đó, sau một đêm nước sẽ rỏ ra. Mỗi cây thốt nốt người ta cắt và đặt ống khoảng mười cuốn hoa, mùa bội thu mỗi cuốn cho gần nửa lít nước một ngày.
Không hiểu sao, trong đầu tôi cứ mãi lẩn quẩn với ý nghĩ, mỗi cây thốt nốt là một dòng suối ngược. Những dòng suối ấy cắm rễ thật sâu vào lòng đất, xuyên qua cả những cát đá cỗi cằn để chắt lọc từng giọt nước, dùng chính thân mình lưu chuyển nước ngược lên ngọn cây, rồi rỏ ra những giọt ngọt mát ở đầu cuốn hoa. Dòng suối ấy cứ miệt mài, cần mẫn biến những giọt nước bình thường trong lòng đất thành từng giọt mật nuôi sống đồng bào vùng Bảy Núi tự bao đời.
Thật ra, lượng nước thốt nốt dùng để uống trực tiếp giải khát chiếm tỉ lệ rất thấp. Đa phần người dân dùng nước thốt nốt để nấu đường. Với độ ngọt tự nhiên, chỉ cần nấu cô đặc lại là đã cho ra những thỏi đường vàng ươm độc nhất vô nhị. Thường thì khoảng 4 lít nước thốt nốt sẽ cho ra một ký đường thành phẩm. Đường thốt nốt ngọt vị ngọt thanh như tấm lòng dân Bảy Núi. Gần đây, vài hộ dân còn lên men nước thốt nốt để ủ rượu. Rượu thốt nốt cay mà không nồng, uống vô rồi mà như vẫn còn chút dư vị ngọt ngào đọng nơi đầu lưỡi. Cái say của rượu thốt nốt là say đằm thắm, giống cái cách gã tài tử “say” cô gái quê, không nồng mà đậm, để rồi một lần vẫn nhớ mãi không thôi.
Có lẽ trên thế gian này ít có loài cây nào lại dâng hiến cả phần đời của mình cho con người trọn vẹn như cây thốt nốt. Nước thốt nốt dùng để làm đường, nấu rượu, làm nước màu hoặc uống trực tiếp giải khát. Trái thốt nốt đen bóng, chặt ra bên trong có 3 múi trắng tinh, ăn thơm ngon, dẻo dai hơn trái dừa nước. Đặc biệt, trái thốt nốt chín rất thơm. Người dân nơi đây bào xớ của trái chín, lấy chất bột bào được ủ men làm thành món bánh bò thốt nốt. Thân cây thốt nốt thì dùng làm cột nhà, làm cầu, làm các đồ thủ công mỹ nghệ như tủ, bàn ghế, đũa, muỗng… Lá thốt nốt khô rất đượm lửa, được dùng để nấu đường hoặc đun bếp nấu ăn. Có lần khi đi ngang cánh đồng Tà Pạ, tôi ngạc nhiên thấy vài đứa trẻ Khmer đứng quanh đống lửa vàng ươm cao quá đầu người. Dừng lại hỏi mới biết, các em đang dùng lá thốt nốt để nướng gà. Tò mò, tôi hỏi xem cách nướng thế nào. Thì ra, con gà được bọc trong mấy lớp lá chuối, lót phía bên dưới vài nhánh cây cho khỏi dính đất. Đoạn, chất lá thốt nốt lên đốt, chừng nửa tiếng là gà chín. Đó là cách thuyết minh của một em bé chừng 13 tuổi, ra vẻ là trưởng nhóm trẻ đang đứng quanh đống lửa. Khi lửa tàn, các em lôi ra một cục đen sì. Tôi cứ tưởng gà đã khét thành than nhưng không, từng lớp lá chuối được bóc dần, con gà hiện ra bóng nhậy. Sau khi hơ qua hơ lại với mấy hòn than còn sót trên đống lửa, gà trở nên vàng ươm. Các em để ra một lá chuối tươi trải trên bờ mẫu, xé từng miếng ăn ngấu nghiếng ngon lành. Tôi cũng được mời dùng thử một miếng, thật bất ngờ với độ thơm ngọt của nó. Các em nói, lá thốt nốt thơm lắm, ngọt lắm, nướng con gì ăn cũng thơm ngon. Ngày nay, một số nghệ nhân còn dùng lá thốt nốt làm chất liệu để vẽ tranh. Những lá thốt nốt non được cắt đem về ngâm trong nước phèn, sau đó phơi khô đến một độ vừa phải. Người thợ ghép các lá thốt nốt khô lại với nhau, cố định bằng nẹp rồi vẽ bút than lên đó. Tranh lá thốt nốt là một trong những sản phẩm độc đáo của vùng Bảy Núi khi kết hợp giữa nguyên liệu thiên nhiên và chất tài hoa của những nghệ sĩ dân gian.
Thật không ngoa khi đồng nhất hình ảnh cây thốt nốt Bảy Núi với chính người dân Khmer sinh sống nơi đây. Đồng bào Khmer thường định cư ở những giồng đất cao, khô cằn, kém màu mỡ, quanh năm đầy nắng gió. Tuy quanh năm phải bám vào những mảnh đồng nắng cháy, mùa màn thất bát nhưng họ vẫn lạc quan, hài lòng với cuộc sống tự bao đời. Họ chắt chiêu từng giọt nước nơi đáy giếng, hứng từng giọt mưa rơi để tắm táp đồng khô, để sinh tồn trong sự hòa hợp với thiên nhiên khắc nghiệt. Cũng như cây thốt nốt dù mọc trên mảnh đất cỗi cằn nhưng vẫn kiên trì bám đất, vẫn đứng sừng sững mặc cho tạo hóa biến thiên. Không những thế, nó còn cho trái lành, nước ngọt. Mỗi cây thốt nốt là minh chứng cho sự kiên định mộc mạc và độ lượng.
Những dòng suối vẫn ngày đêm tuôn chảy từ đỉnh Thất Sơn, tích trữ nước tại các hồ Soài So, Ô Tà Sóc, Ô Tức Sa, La Ti Na, Tà Pạ, Ô Thum… Qua những gập ghềnh đá sỏi, nước hồ nào cũng trong xanh, mát ngọt như tấm lòng người dân Bảy Núi. Và, giữa điệp trùng sơn địa, người ta còn thấy hàng ngàn “dòng suối ngược” vẫn âm ỉ ngày đêm đem nước từ lòng đất cỗi cằn sỏi đá, quặn mình chắt lọc để cho ra những giọt mật thơm tho, đó chính là thốt nốt. Ẩn đằng sau lớp vỏ xù xì của thân cây, thốt nốt luôn biết ngọt ngào hiến tặng cả đời mình cho nỗi mưu sinh của người dân chất phác./.
Trương Chí Hùng