Người thầy giáo Khmer học tập và làm theo lời Bác

Đến miệt Tri Tôn, hỏi thăm thầy Chau Mô Ni Sóc Kha thì hầu như ai cũng biết. Không chỉ biết qua loa, mà mọi người thường nói về kru (thầy) Kha một cách tỉ mỉ, tường tận, với một thái độ trân trọng, bởi kru là một trí thức tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực cho đồng bào Khmer nơi đây.

Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền núi Tri Tôn đầy nắng gió, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha ngay từ nhỏ đã nung nấu tâm nguyện đóng góp cho quê hương. Thời sau giải phóng, đời sống đồng bào dân tộc Khmer nơi đây còn nhiều khó khăn, thầy phải vượt qua hoàn cảnh nghèo khó của gia đình để đeo đuổi sự học, quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng tri thức. Những năm học cấp 3, thầy phải đi tu tại chùa theo tục lệ mà vẫn mặc áo casa đi học ở trường. Học hết phổ thông, thầy theo học lớp Bồi dưỡng về quản lý hành chính tại Trường Quản lý Hành chính Tỉnh An Giang, sau đó về công tác tại Ban Tuyên huấn Huyện ủy Tri Tôn.

Những năm 1985 đến 1990, vùng đất Tri Tôn còn hoang sơ lắm. Thầy Kha nhớ lại, có những ngày cuối tuần, thầy cùng gia đình đi đốn củi trên núi Cô Tô hay trên đồi Tà Pạ, thỉnh thoảng bắt được rắn, trăn, khỉ… Điều đáng nói là, dân cư khu vực này hầu hết là người Khmer, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, số người biết tiếng Việt rất ít, vì vậy mà việc chuyển tải những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân hết sức nhiêu khê. Là một cán bộ tuyên huấn thông thạo cả tiếng Khmer lẫn tiếng Việt, lại từng được tu học trong chùa, nắm vững văn hóa và tập tục tập quán của đồng bào Khmer, nên thầy Kha tiếp cận bà con Khmer khá thuận lợi. Khi người dân Khmer chưa thấu hiểu hoặc chưa chấp hành tốt chính sách, thầy Kha thường tận tình giảng giải khiến người dân thông suốt và vui vẻ chấp hành. Cũng trong giai đoạn này, thầy Sóc Kha nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận ra chân lý trong lời dạy của Bác: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2000, tập 4, tr.8). Bởi thế, thầy đã mạnh dạn đăng ký học Đại học Sư phạm Văn với mong muốn trở thành một người thầy truyền dạy tri thức cho con em dân tộc Khmer ở quê nhà.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn, thầy Kha chuyển về dạy tại Trường THPT Dân tộc Nội trú An Giang, sau đó được đề đạt giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng nhà trường (nhiệm kỳ 2010 – 2015). Hiện nay, thầy giữ chức vụ Bí thư chi bộ kiêm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tri Tôn. Tròn 20 năm gắn bó với công tác giáo dục, các thế hệ học trò được thầy Kha dìu dắt trưởng thành không sao nhớ hết. Nhiều học trò của thầy giờ làm cán bộ huyện, xã; làm chủ các doanh nghiệp; làm kỹ sư, bác sĩ; cũng không ít người đi theo con đường Sư phạm như thầy, đang ngày ngày gieo chữ trên mảnh đất Tri Tôn cằn cỗi. Ngồi trò chuyện với thầy tại Văn phòng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tri Tôn, chốc chốc cuộc trò chuyện lại gián đoạn vì thầy bận tiếp chuyện điện thoại. Cứ nhấc máy lên là thầy nói hai thứ tiếng Khmer và Việt đan xen. Kết thúc một cuộc điện thoại thầy lại cười tươi, bảo đó là đứa học trò cũ, nay lập nghiệp ở nơi nào đó gọi về hỏi thăm thầy, “khoe” những thành quả mà các em đạt được. Là người thầy mà được những “lứa” học trò như vậy thì còn hạnh phúc nào hơn!

Thầy Chau Mên, giáo viên dạy Tiếng Khmer tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT An Giang, cũng là học trò cũ của thầy Kha cho biết: “thầy Kha là một người thầy mẫu mực, đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê học vấn, chính thầy là tấm gương tiêu biểu để tôi quyết chí học hành, vượt khó để trở thành người giáo viên như hiện nay.” Hiện tại, không chỉ giảng dạy, thầy Chau Mên còn được thầy Kha hướng dẫn nghiên cứu soạn thảo các loại tài liệu tiếng Khmer phục vụ việc dạy học. Thầy Mên rất hào hứng với công việc này: “Tôi đổi đời là nhờ con chữ, nay phải tiếp tục gắn bó với con chữ, dùng con chữ để giúp đồng bào tôi. Thầy Kha đã “mở đường” thì nay tôi tiếp bước.”

Một trí thức Khmer mẫu mực

Vừa từ trường về nhà, thầy Kha lại ngồi ngay vào bàn làm việc, giở tài liệu sách báo tiếng Khmer và tiếng Việt ra cặm cụi nghiên cứu. Hỏi ra mới biết, thầy tham gia nhóm Biên soạn từ điển Khmer – Việt và Việt – Khmer do Trường Đại học Trà Vinh chủ trì. Đây là một công trình quan trọng nhằm trang bị tư liệu cho việc học tập, nghiên cứu chữ Khmer ở Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khi chúng tôi hỏi việc giảng dạy, quản lý ở trường đã chiếm nhiều thời gian, sao thầy vẫn “gánh” thêm việc nghiên cứu biên soạn từ điển chi cho cực thân. Thầy cười bảo, hiện giờ thầy dạy chủ yếu là môn Ngữ văn Khmer, không chỉ dạy ở trường thầy đang công tác mà còn đi dạy hợp đồng cho nhiều nơi, “cần đâu đánh đó”. Thầy đã từng hợp đồng dạy tiếng Khmer cho Tổng Cục Hải quan An Giang; Biên phòng An Giang; Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang; Công an tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang; Kiểm lâm huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, các lớp bồi dưỡng tiếng Khmer của cán bộ công chức huyện nhà… Việc nghiên cứu và viết sách tiếng Khmer giúp thầy rất nhiều trong việc giảng dạy. Bên cạnh đó, nó còn là đam mê của thầy nên vất vả chút ít thì có hề gì. Thầy còn “khoe”, thầy là tác giả Bộ sách Tiếng Khmer (quyển 1) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành; Tác giả bộ Tài liệu tiếng Khmer do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chủ trì biên soạn (dùng cho cán bộ, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc Khmer) và là tác giả Tài liệu tiếng Khmer do Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang chủ trì biên soạn (dùng cho cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục ở An Giang)…

Chính những đóng góp thiết thực ấy, Thầy Chau Mô Ni Sóc Kha được khen tặng: Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục (Bộ Giáo dục – 2006); Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc (Ủy Ban dân tộc – 2009); Kỷ niệm chương vì chủ quyền an ninh biên giới (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng – 2011); Bằng khen của UBND Tỉnh An Giang (2014); Bằng khen của Bộ Giáo dục (2015)…

Những lúc rảnh rỗi, thầy Kha thường rong ruỗi đạp xe ra ngoại ô thị trấn, ngắm nhìn khung cảnh rừng núi quê hương thay đổi từng ngày. Đi đâu, thầy cũng không quên mang theo máy ảnh. Khi thấy nhành cây, ngọn cỏ, chim chóc hay một địa danh, một di tích nào đó là lạ, thầy liền đem máy ảnh ra chụp lại. Chụp không chỉ để ngắm nhìn mà thầy còn nghiên cứu tên gọi tiếng Việt và tiếng Khmer của sự vật, để rồi giới thiệu cho học trò và mọi người cùng biết, cho những ai đam mê tìm hiểu. Đó không đơn thuần là sở thích, mà còn là hành động thể hiện trách nhiệm với quê hương, mong muốn các thế hệ sau lưu giữ.

Khi chúng tôi hỏi, những gì khiến thầy trăn trở nhất hiện nay, thầy Kha đăm chiêu không trả lời, mắt thầy vời vợi như bóng núi. Rồi thầy dẫn chúng tôi đi vào một sóc người Khmer ở Châu Lăng. Nơi ấy, mặc dù đời sống đã cải thiện ít nhiều nhưng người dân nhìn chung vẫn nghèo khó, những phận người vẫn đang lầm lũi mưu sinh. Thầy Kha và tôi đi quanh phum sóc, chốc chốc thầy đứng lại chào hỏi và trò chuyện với một người dân. Đi hết một vòng, thầy bảo, đó là trăn trở lớn nhất của thầy. Trăn trở vì đời sống người dân đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn, thậm chí nhiều hộ đói nghèo, mặc dù người dân nơi đây luôn chí thú làm ăn, cần cù chịu khó. Mắt thầy buồn rười rượi, thầy nói như nói với chính mình: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác dân tộc, Người nhất quán hai điều quan trọng nhất là đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Nay, vấn đề đoàn kết dân tộc ta làm khá tốt rồi, nhưng việc nâng cao đời sống đồng bào theo di nguyện của Bác thì vẫn còn chưa triệt để, mặc dù Đảng và Nhà nước ta luôn dành những ưu đãi cho đồng bào dân tộc. Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc ta nghĩ đến chuyện cho nhân dân cần câu, thay vì cho họ con cá!”

Có lẽ, chỉ những trí thức Khmer đầy tâm huyết, nặng lòng với đồng bào dân tộc thì mới có những trăn trở đầy trách nhiệm, đáng quý như thầy. Tin rằng, với nhiệt huyết và cái tâm của mình, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha cùng với những trí thức Khmer như thầy sẽ làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer miệt Tri Tôn này ngày càng khởi sắc hơn.

Trương Chí Hùng