Núi giữa đồng bằng
“Núi giữa đồng bằng trầm tư dáng đá
thả mây trôi theo mùa nước minh mang”
Năm Rựa dẫn tôi lên thăm núi giữa đồng bằng nên đường đi cũng dễ. Từ thị xã, chạy xe máy chỉ già một buổi là tới.
Chúng tôi tới chân Núi Dài Lương Phi lóng ba giờ chiều. Ngôi nhà trống trếnh, có vẻ như vắng chủ. Bốn phía bao bọc toàn tầm vông. Cây nào cây nấy sáng lên ong óng, chắc lõi; có điều, lá trên cây chỉ còn lớt phớt, lại oi lên màu vàng hực như bị lửa hun. Hai chúng tôi vừa dựng chiếc xe dưới gốc xoài khô khẳng, đã thấy từ đâu phóng ra một chú phèn lực lưỡng, bụng thót, tai dựng, ức rộng, có móng đeo lủng lẳng dưới bốn chân. Chú phèn không sủa rít lên, trái lại chú vẩy đuôi rối rít, hết liếm tay lại hửi hạ bộ Năm Rựa, tuồng như chú đã quen với với Năm Rựa từ hồi nào đến giờ. Quanh quẩn bên Năm Rựa một chập, chú cong đuôi phóng biến vào đám tầm vông.
Nó đi gọi chủ nhà (Năm Rựa nói với tôi). Ông tranh thủ ra sau nhà tắm một miếng cho mát.
Cái lối tắm giữa đồng bằng của tôi là cứ đứng xổng lưng mà dội ào ào. Đã thiệt. Suốt cả chặng đường dài lầm bụi, chỉ có nắng khét và gió hầm hầm quần thảo, giờ được xối đẫm nước, da thịt nghe cứ lịm đi rười rượi.
Trời ạ! Cha nội tắm kiểu đó, chết phần con nghen cha! Ở đây khan nước, người ta tắm xà tón, chỉ mỗi chậu nước là sạch sẻ cả người. Tắm cái kiểu cha, có mà bán nhà mua nước.
Năm Rựa vừa dứt lời, tôi đã nghe tiếng phụ nữ chen vào:
Anh Năm, cứ để ảnh tắm thoải mái. Lương Phi giờ không khát nước nữa đâu mà sợ.
Người mới nói là một phụ nữ vóc người tầm tầm, da bánh mật, coi giòn như cái bánh cam. Gương mặt chị ta chỉ thấy sáng lên đôi mắt là đẹp.
Năm Rựa vỗ vai chị ta một cách vồn vã.
A, chào bà chủ! Vậy chớ ổng đâu?
Ảnh trên núi, anh Năm à!
Vậy hả! Vậy bà khỏi lo cơm nước, tụi tui tắm xong, uống miếng nước rồi lên trển, có gì nhậu, bà sắp sẵn cho một mớ.
***
Túp lều canh rừng của Bảy Toài cất thoi loi trên núi. Lúc chúng tôi leo lên tới nơi, còn cách khoảng hơn chục mét, tôi nhác thấy bóng một người phụ nữ chạy cun cút vô lùm cây. Liền đó, Bảy Toài hiện ra lừng lửng trước túp lều với bộ quần áo xộc xệch, đầu tóc rối bù. Nhận ra Năm Rựa, Bảy Toài như muốn nhảy dựng lên mừng rỡ.
Ôi trời, anh Năm! Anh lên tới hồi nào?
Năm Rựa với Bảy Toài ôm chầm lấy nhau, hệt như hai con gấu.
Mầy vừa léng phéng với đứa nào phải hông?
Bảy Toài cười vả lả:
Báo cáo anh, vẫn con Chín chớ ai. Nó đeo em đã hai năm nay, em thả nó ra, chắc nó chết.
Nói xong, Bảy Toài bụm hai bàn tay làm loa gọi rum trời:
Chín, Chín ơi! Vô làm mồi Chín ơi! Có khách quý nè!
Người tên Chín chắc khoảng hăm ba hăm bốn tuổi, cô ta coi bầu bầu như con vịt xiêm, cặp mắt sắc lẻm cứ liếc ngang liếc dọc, đôi môi mọng lên như hai trái ớt. Sau này tôi mới biết, cô ta từng bị dụ bán qua biên giới làm điếm trong nhà thổ. Bảy Toài bỏ tiền chuộc cô ta đem về, rồi bị cô ta đeo dính như vợ chồng. Vợ Bảy Toài lúc đầu cũng làm mình làm mẩy dữ dằn, nhưng rồi sau thấy cô ta giúp được việc cho chồng trên núi, dần dà cũng nguôi đi, thây kệ chồng đối xử với cô ta ra sao cũng được. Tôi đồ chừng, có lẽ do vợ Bảy Toài ăn ở với chồng hơn mười năm mà không có con, thành ra chị mới chịu lép cho Bảy Toàn kiếm thêm bà nhỏ.
Đêm đó, dẫu ở chon von trên núi, bữa tiệc vẫn có rượu ngon, mồi ngon, và có cả thuốc lá thơm.
Năm Rựa tay thì bóc gói Jet, nhưng miệng lại nói:
Dẹp thứ này nha cha! Tụi tui hút thuốc đen quen rồi. Cha làm như tỉ phú không bằng.
Báo cáo anh, tỉ phú thì em chưa, chứ triệu phú thì em có thừa. Quanh đây, ngon ngót gần ba chục héc ta rừng là của em. Sao, dâu, keo, xoài, mít, lại còn hơn cả năm ngàn cây trầm tóc. Mấy ông khoa học kích thích gen sao đó, trầm tóc chỉ trồng năm bảy năm đã cho bắp trầm thơm lựng, tha hồ bán hốt bạc. Chục năm nữa, nếu trời không bắt giò, em lên tỉ phú. Chừng đó, cất hẳn tòa biệt thự kế dồ Ma Thiên Lãnh tiếp mấy anh.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Bảy Toài cười cười:
Cái dồ đá núi Dài Lương Phi này thiêng lắm. Cấp trước cọp vẫn leo mỏm đá ngắm trăng, nhiều khi động cỡn kêu um cả đêm. Tới thợ săn còn ngán đến đây, đừng nói dân sơn tràng. Bởi vậy, người ta mới kêu là dồ Ma Thiên Lãnh.
Bữa tiệc nhậu thịt chuột núi xào lá cách, thịt rắn mối ướp sả chiên, có cả cà chua hườm hườm xắt lát, có cả trăng lưỡi liềm chênh chếch treo ngang, Bảy Toài tỏ ra là người hứng nhất. Ngất ngư men rượu, anh ta kể đủ thứ chuyện trên đời.
Năm 1978, cả nhà Bảy Toài bị lính Pôn Pốt đập đầu chết trong chùa ở Ba Chúc. Gần cả trăm con người ta chạy vô chùa nương cửa Phật bị giết. Máu chảy lênh láng ngập ngụa. Bảy Toài là đứa bé mười bốn tuổi duy nhất còn sống. Bảy Toài lồm cồm bò ra từ đống xác thịt bấy nhầy, mình mẩy dính bết máu đặc quánh. Như cái xác không hồn, Bảy Toài trườn lết tới gần sáng thì tới được chân núi. Không ai ngoài linh tính mách bảo, Bảy Toài mò tới đống xác chất chất xếp lớp, rúc vô nằm vùi trú nắng cả ngày. Đêm xuống, chờ lúc trời tối hù tối hịt, Bảy Toài lại la lết trườn như con rắn lên núi Dài. Trốn chui trốn lủi trong lùm, trong bụi, trong hốc đá suốt sáu bảy ngày; le lưỡi liếm sương, vẹo mồm nhai lá, Bảy Toài qua được sáu ngày trên núi, sang ngày thứ bảy thì gặp bộ đội sư 320 cứu về, sống nhăn tới tận bây giờ.
Lớn lên, gặp lúc túng cùng, Bảy Toài tự xung vào đội quân buôn lậu xe Honda qua biên giới. Công việc chủ yếu là chạy xe Honda cho người ta từ Nông Pênh về nước, hưởng tiền đầu xe và hưởng tiền cò bán xe. Trong một chuyến chạy xe về cho chủ vựa, Bảy Toài gặp cô Nghi lả đi vì khát bên gốc thốt nốt, lúc đang còng lưng cõng thuốc lá thơm giữa đồng năng nắng đổ chang chang. Động lòng với người cùng cảnh ngộ, Bảy Toài chở cô Nghi đi trót lọt về tới Châu Lăng. Gái buôn chui, trai buôn lậu, hai người tựa lưng vào nhau làm ăn. Không ít lần họ bị thuế vụ, bị biên phòng bắt giữ. Hồi đó Năm Rựa từng là lính biên phòng, từng bắt giữ Bảy Toài nhốt trong đồn mấy chục lần, nhờ vậy mà họ quen nhau.
Chuyện Bảy Toài cưới vợ cũng lạ đời.
Lần đó Bảy Toài với cô Nghi vượt kinh Vĩnh Tế qua biên giới. Đang trên đường đi kiếm hàng, họ gặp một con trâu lạc. Thấy con trâu cui còn sợi dây thừng xỏ qua mũi lòng thòng, hai người xúm lại, kẻ dắt người đập, lôi luôn nó đem về. Nửa đêm hôm sau họ vượt qua biên giới trót lọt. Chiều hôm sau, họ đang dong trâu dọc theo biên giới thì gặp giông. Giông nổi đùng đùng vần vũ. Thấy cái chòi bán nước để trống bên đường, cả hai cột trâu vô gốc cây kế cái chòi, chun vô chòi đụt mưa. Gió quần tơi tả. Mưa trút ào ào. Sét đánh nhoáng nhoàng. Sấm gầm chuyển đất. Màn đêm chụp đen kịn như đúc thành miếng. Màn đêm và giông gió cột hai người lại với nhau, hòa tan họ vào cơn sung mãn của đất trời sôi sục. Đang lúc mùi mẩm tột cùng, thốt một lưỡi tầm sét xanh lè bủa thẳng xuống ngọn cây sát căn lều một tiếng nổ chói óc. Hai con người trần trụi văng ra khỏi nhau. Mùi khét lẹt sực lên nồng nặc. Cây sao cổ thụ bị đánh chẻ thân rách toác. Con trâu cui bị đánh chết thui, nằm chổng vó. Thoát được con thịnh nộ huyền bí ấy, hai người biện lễ vô chùa tạ ơn thần thánh, rồi đưa nhau về Lương Phi lập nghiệp. Chung đụng ăn ở với nhau hơn năm trời, bấy giờ hai người mới sực nhớ tới pháp luật, kéo nhau ra ủy ban lăn tay lập giấy hôn thú.
Đồng tiền buôn lậu ở bạc với người. Không đầy hai năm đầu ấp tay gối với nhau, bao nhiêu bạc tiền cắc củm một thời chui lủi luồn lách, hè nhau kéo đi tuốt luốt. Vợ chồng Bảy Toài ra ngồi chợ xã bán cá đen, bán bông súng, cù nèo, đắp đổi sống lay lắt qua ngày. Tới một hôm Năm Rựa với anh cần vụ đi chơi ghé chợ mua mấy ký cá lóc nhìn thấy, mới xin được cho Bảy Toài chân kiểm lâm; nhờ vậy giờ mới thành người trồng rừng miệt Bảy Núi.
Coi cả một triền núi thăm thẳm mà vợ chồng Bảy Toài chỉ trơ khấc cái nhà lá lụp xụp, cất giáp mí bờ ruộng dưới chân núi. Bởi vậy, tiếng là người gác rừng, mà không biết đã bao lần Bảy Toài nhắm mắt làm ngơ, để mặc cho người ta phá rừng. Có ăn bà ăn giải gì lúc đó. Buông cho họ, họ còn biết điều với mình chút đỉnh, chỉ chặt phá cây nhỏ gọi là, còn cây to cây quý họ tha cho, họ không đụng vào. Đói quá thì ai cũng chăm chắm lo cho cuộc sống. Buông cho họ, Bảy Toài còn được họ để cho yên thân, được có lúc rảnh rang, vọt đại qua đường biên cõng hàng lậu đem về, lận lưng vài xấp giấy bạc.
Gặp lúc nhà nước có chủ trương khoán rừng, rồi bán rừng, vợ chồng Bảy Toài lúc đầu nhận khoán, về sau mua hẳn gần ba chục héc ta đất núi theo phương thức trả góp. Vậy là dần dà thành triệu phú, thành ông chủ, bà chủ. Vốn vay trồng rừng, lập trang trại nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi rắn ri voi, ri cá, đã gần tỉ bạc. Tiền làm ra hàng tháng, đủ trả lãi và trang trải lặt vặt; đủ cho lâu lâu Bảy Toài phới về Châu Đốc, Long Xuyên, tươi mát với bạn bè một chầu tới bến. Giàu thì chưa giàu như người ta ở thành phố nhà lầu xe hơi, nhưng dầu gì vợ chồng Bảy Toài cũng đã là ông chủ bà chủ, điều mà cha ông họ có nằm mơ cũng không thấy.
***
Năm Rựa lay tôi thức dậy lúc mặt trời đã lên ngang đỉnh núi.
Dậy húp miếng cháo nóng cho tỉnh, rồi lang thang cho biết Bảy Núi thời chuyển mình, cha ơi! Ở đó nằm một chỗ ngủ hoài thì biết gì!
Không biết cô Chín xuống núi hồi nào, mà mới bảnh mắt đã có nối cháo rắn ri voi nấu đậu xanh nước cốt dừa thơm lựng.
Lại vẫn Bảy Toài cười cười với tôi.
Báo cáo anh, đã nói em là triệu phú mà. Triệu phú không tiền trong túi nhưng vẫn cứ là triệu phú. Triệu phú theo kiểu Thất Sơn. Không sẵn tiền trong túi, nhưng vẫn thả sức ăn xài xả láng. Nói thiệt, gạo thơm Jacmin của Mỹ nấu cơm ăn dở ẹc, nhưng nấu cháu thì khỏi chê. Cái khoản cháo rắn, cần nhất là gạo phải dẻo phải thơm. Hèn chi tụi Mỹ không biết ăn cơm, chỉ biết ăn súp. Coi như bữa nay anh em mình ăn súp cháo rắn.
Con ri voi chắc phải nặng tới hai ký rưởi là ít. Thịt rắn trắng tươi, ngọt lừ. Đối với nó, thịt gà chẳng là cái đinh gì. Tôi vừa ăn vừa tiếc. Không phải tiếc con rắn mắc tiền, tiếc là không có chai rượu nếp thượng thặng. Mồi bén ngon vậy mà ăn suông thì uổng quá, phí của trời quá thể.
Như biết ý tôi, Bảy Toài lại cười cười.
Em còn rộng sẵn trên núi cả hổ đất, cả tê tê, kỳ đà. Muốn ăn, hai anh cứ ở lại chơi vài ngày. Ếch rùa dưới ao, chồn cáo trên núi. Đất này của em. Báo cáo với hai anh, em yên trí lắm. Từ cái hang cái hốc, em không bỏ sót nơi nào. Con rắn, con chồn, con cáo nào ở đâu, coi như em rộng sẵn ở đó. Có điều phải biết ăn biết để. Ăn hết rắn, chuột kéo đàn phá hết mầm cây, làm sao em giữ nổi mấy ngàn cây trầm tóc mới trồng, theo chương trình rừng mưa nhiệt đới do tụi nước ngoài nó tài trợ. Hôm nay gặp mấy anh, vung tay chơi một trận cho đã. Đời mà!
Ngay tróc Bảy Toài là người rất đời, rất điệu đời. Ăn sạch bách nồi cháo, dù hai chúng tôi no cành hông, chỉ muốn nằm ì ra, Bảy Toài cũng nhất mực buộc chúng tôi phải xuống núi đi nhậu bia.
Mấy anh biết sao hông? Trên núi em rộng rắn, dưới núi em rộng rùa, nhưng mà em báo cáo, rắn trên núi muốn bắt phải có thời gian, rùa dưới ao nhà em còn nhỏ, rùa em rộng ở quán nặng hàng ký ăn mới ngon. Bây giờ em là tổng giám đốc trồng rừng, bà Nghi là tổng giám đốc trang trại, bà Chín là giám đốc tư vấn.
Năm Rựa nhìn tôi nói:
Thằng Bảy mồi côi này coi vậy mà giỏi. Nhà có hai bà mà nó cầm cương chắc khụ. Tính toan đâu vào đấy.
Bảy Toài cười giả lả.
Coi vậy mà không phải vậy, anh Năm ui. Bà Chín đây vô tư làm lẻ, chứ bà Nghi thì ngấm ngầm dữ lắm. Bả ngoài mặt phân công thời gian sống chung đụng hàng tháng, chứ tháng nào sống một mình, bả cũng lên chùa hốt thuốc vô sinh, quyết thi đua đoạt chức sanh con trước. Bởi vậy, tháng nào đến lượt em phải xuống núi, bả vần em cả đêm muốn nhừ củ tỏi. Có điều từ khi hai bả hòa thuận, em lại khỏe ra, đáp ứng cả hai đâu vào đấy, chẳng bà nào phàn nàn hay thắc mắc điều gì. Xứ này thiếu đờn ông từ hồi chiến tranh ì đùng, nên chẳng ai thắc mắc điều tiếng gì. Ưu tiên bà lớn, em nhường con phèn sống dưới núi với bả. Nói thiệt có dồ Ma Thiên Lãnh làm chứng, xa con phèn em buồn thúi ruột.
Con phèn là giống chó săn thứ thiệt. Nó to con, lực lưỡng, dám quần nhau với cả rắn hổ mây, hổ đất. Một bữa Bảy Toài phát lùm, đánh động một con hổ đất to như bắp tay trờn ra, ngóc đầu phùng mang phun nọc phè phè. Không có con phèn nhảy xổ từ phía sau ngoạm ngang cần cổ, vật nhau với con rắn, dám chừng Bảy Toài đã tiêu mạng vì con hổ đất bất ngờ từ trong lùm cây phóng ra trước mặt rồi.
***
Bà Nghi chính phi là người tham công tiếc việc. Từ trên núi, chúng tôi xuống lúc gần trưa, bà ta đã ra trang trại lo việc, rồi đi đâu từ hồi nào.
Bả đi thửa mồi cho rắn cho ếch dưới Tri Tôn. Chiều tối bả về tới, thế nào anh em mình cũng có món mới để nhậu. Xấu dây tốt củ mấy anh ơi. Cái khoản chiều chồng, bả số dách. Ngặt trời ông địa, tới giờ tụi em vẫn điếc con. Điếc con bả mới buông xả cho em, chứ không thì đừng có mà hòng hó hé gì với bả.
Ba chúng tôi thả tà tà trên hai chiếc xe. Chạy lầm trong bụi và nắng đến Thủy Đài Sơn.
Thủy Đài Sơn là ngọn núi đá có tên trong Bảy Núi, vậy mà nó nhỏ thó tới không ngờ. Người chơi kiểng cứ tỉnh bơ gọi nó là hòn non bộ của đồng bằng, mọc làm dáng cho đồng bằng thêm chút đỏng đảnh liêu trai.
Núi nhỏ như bụm tay, vậy mà dưới chân núi, lối con đường độc đạo băng qua đồng nước dẫn tới khu vườn chùa mát rượi, có tới ba cái quán, bày bán ê hề bia rượu. Không biết quán đắt khách vào mùa nào mùa nào, chứ lúc ba chúng tôi đến nơi, cả ba cái quán đều vắng teo vắng ngắt, vắng tới sinh tình.
Dẫn chúng tôi vào cái quán trong cùng, nửa cất dựa vào chân núi lổn nhổn đá cục đá hòn, nửa cát de ra mặt đầm ỏng nước, mọc đặc ngừ bông súng, Bảy Toài không chút lịch sự, đi xồng xộc vào cái phòng có treo rèm vải bông màu đỏ, nói oang oang ở trong.
Dậy, dậy! Dậy Út ơi! Bữa nay anh Bảy có khách ngoài thành. Kéo cho anh thùng bia với con rùa lên núi.
Út đẹp tới không ngờ. Môi đỏ như bông súng. Da trắng như bông bưởi. Khổ cái là ngực với mông cứ căng vồng lên như đánh đố. Đã vậy, đôi mắt còn lung liêng lúng liếng như có mồi lửa, sẵn sàng để ai đó châm vào cho ngún khói, cho bốc lửa, cho cháy rụi thành than.
Bảy Toài tỏ vẻ xắng xai hớn hở, nói bốc lên:
Anh Năm đây, Út rành rồi hén. Nhà văn nức nở của xứ mình. Còn anh Ba đây là nhà báo. Ai biểu nhà báo nói láo ăn tiền? Tầm bậy! Mấy ổng chỉ cần guýnh một chưởng trên giấy nhựt trình, tới trời cũng tiêu mạng sa tràng, đừng nói tới cái quán của Út. Được mấy ổng khen nửa bài, đủ lên tới trời xanh. Út ơi, bia với đậu phộng trước đi. Lẹ nghen!
Không biết ở đâu ra một thằng nhóc chừng mười ba tuổi. Nó đen nhẻm như cục than hầm, chắc lõi như cục gạch nung. Tóc loăn xoan xoắn tít. Trần trùng trục, thằng bé chân không vác thùng bia, chạy một lèo lên tận đỉnh núi, vậy mà nó không hề rớt một hột mồ hôi lấy có. Nó khỏe một phần, mà núi cũng quá nhỏ một phần.
Trên đỉnh núi có một tảng đá lớn, phẳng rang như ai gọt bằng dao, gọi là trảng đá hay gộp đá cũng được. Trảng đá gần như có mặt hình vuông. Hai cạnh giáp nhau về phía đông, được xây quây lại bằng đá tảng tự nhiên, cao ngang tầm ngực. Hai cạnh giáp nhau còn lại, người nhà chùa của Thủy Đài Sơn đã xây tường gạch thành bao lơn, cao ngang bụng. Cạnh phía đông xòe tán một cây da cổ thụ. Cạnh phía tây tỏa bóng rợp một cây bồ đề. Trảng đá thành ra mát rượi, tha hồ mà thi phú, văn chương.
Ê nhỏ (Bảy Toài cao giọng)! Biểu má Út đem lên thùng bia nữa. Ngoài rùa, còn món gì bén, mần luôn nghen mầy.
Trên núi lớn của mình, Bảy Toài tỏ ra thật thà chất phác bao nhiêu, ở núi nhỏ có quán của cô Út nhỏ con, Bảy Toài lại tỏ ra điệu đời bấy nhiêu. Anh ta khui bia bồm bộp. Anh ta cười nói rổn rảng oang oang.
Trỏ tay về hướng cầu sắt Vĩnh Thông, Bảy Toài nói:
Nhà cô Út bị Pôn Pốt bắn chỗ đó. Chỗ đám ruộng giáp trạm bơm Kinh Mới. Chết ráo. Chỉ mình ên cổ còn sống. Một thời tui với cổ được tập huấn, đi nói chuyện giáp vòng trong nước về chuyện đập đầu người diệt chủng của tụi Pôn Pốt Yêng Xa Ri, sống với nhau, ăn cơm với nhau hoài hà. Mà cấp còn con nít, cổ đâu có đẹp ác ôn như vầy. Xây qua trở lại, lúc tui có bà xã rồi, tình cờ về Ba Chúc gặp lại cổ, báo cáo thiệt với hai anh, tui ngó cổ muốn rụng con ngươi.
Cục yết hầu trên cổ Bảy Toài nhô lên nhọn hoắt. Anh ta ngửa cổ dốc tuột ly bia vào miệng. Cục yết hầu trôi xuống cái ực; bọt bia đóng thành vòng trắng xốp quanh miệng.
Đã thiệt! Uống bia trên Thủy Đài Sơn ngọt lịm hà. Chút nữa đây cô Út đem mồi lên tới, tha hồ ngon. Thằng nhỏ đó là con nuôi. Cô Út tới giờ vẫn sống mình ên. Tui độ chắc cổ bị tụi nó bắn nhằm chỗ hiểm, chớ ai đời, đẹp vậy mà để chín rụng trái sung bao giờ.
***
Chúng tôi trở về ngủ lại chân núi Dài Lương Phi thêm một đêm. Nói ngủ tức là chúng tôi ở lại, chứ thực ra là thức trắng. Bởi đêm đó, Bảy Toài hú anh em trong trạm kiểm lâm tới nhậu rần ì. Dân kiểm lâm Lương Phi ai cũng trẻ khô. Họ đem theo cái chắc lõi của núi đá, cái tươi nõn của rừng non, ồn ào thả xuống bàn nhậu từng lít từng lít. Họ nhậu kiểu chìm xuồng tại bến, kiểu xả láng sáng về sớm. Mồi màng chủ nhà dọn ra mới vơi phân nửa, lập tức đã có anh co cẳng phóng đi, kiếm thêm mồi bổ sung. Có thể là vài chục hột vịt lộn, vịt xác, vịt ung; có thể là mớ cá khô; có thể là vài trái xoài xanh. Họ gặp thứ nào bợ thứ nấy đem tới. Cái bàn dã chiến ngoài sân của Bảy Toài, là thứ bàn tận dụng ống cuốn dây điện trung thế của điện lực bỏ lại sau khi đã chạy xong đường dây điện cho xã, trong chớp chá đã đầy lùm các thứ đồ nhậu hầm bà lằng.
Ngược hẳn với lúc ở Thủy dài Sơn, lúc có người đẹp mặn mà tiếp khách, giờ đây Bảy Toài ra dáng ông chủ nhà, ăn nói chậm rải, uống từng nửa ly nửa ly chắc nịch.
Xứ tui là xứ núi giữa đồng bằng. Mùa mưa, nước lũ về ngập linh láng, núi non bồng bềnh như hải đảo. Hồi xưa, rừng trên núi còn ken dày bít chịt. Rừng chạy từ núi xuống, xông cả ra đồng. Bởi vậy dân vô rừng ăn ong, phải lội nước lỏm bỏm, thành ra mới nói đi rừng là lội rừng. Riết rồi thành quen, tuốt luốt gì đâu cũng gọi là lội. Lên núi thì gọi là lội núi. Đi ruộng thì gọi là lội ruộng. Bơi dưới sông, gọi là lội sông. Đi bộ cũng gọi là lội bộ. Dân xứ tui là dân xứ núi giữa đồng bằng, cái gì cũng lội không hà! Lội tới tới. Lội tới tới cùng với nhau kiếm sống. Tới chơi cũng chơi tới tới, được tới đâu hay tới đó. Mơi mốt đây, cây cối xanh um như rừng đại ngàn, phải nhà nước cứ cho vay thêm tiền, tụi tui dám mua cọp về nuôi. Ai đời, rừng mà không có thú thì… Báo cáo thiệt với hai anh… rừng mà không có thú nó còn ra cái giống ôn hoàng gì!
Quá nửa đêm, chị Nghi vợ Bảy Toài, khệ nệ bưng nồi cháo gà nóng hổi ra sân, nói chen vào.
Hồi nẳm, ảnh với tui đi bán rắn hổ cho trại rắn Đồng Tâm, thấy người ta nuôi gấu trong chuồng, ảnh đứng ngẩn ra như ăn phải bả. Rồi thì xăm xe hỏi giá gấu đực, gấu cái, hỏi cách nuôi gấu; làm như ảnh đang có trong túi bạc tỉ. Ai chớ ảnh, tui rành sáu câu. Hễ có tiền, ảnh mua liền cái rụp. Ảnh có tiếc tiền bao giờ.
Bảy Toài đã có vẻ ngấm rượu, đã sắp quắt cần câu, vung tay vỗ cái bốp vào bàn mông to như cái thúng của vợ, phát cười hề hề.
Thôi bà ui! Người ta tính mua gấu về nuôi, trích lấy mật cho bà uống, đặng mà sanh thằng Đực, con Tím. Chứ ai đời cứ điếc tịt như vầy, sau này, lấy ai mà canh chừng mấy chục héc ta rừng trên núi. Bà dám gan lì không sanh, tui dám bỏ qua Thủy Đài Sơn à nghen!
Chị vợ giòn như cái bánh cam của Bảy Toài, nguýt chồng đánh cóc một cái.
Dóc tổ ông ơi! Trên núi dưới núi ông kham còn không xuể, ở đó đòi sanh tật. Chừng tui chịu thuốc, tui sanh cho ông cả tiểu đoàn. Để rồi coi. Tới đó ông còn có nước đi tu, chứ chịu đời gì thấu.
Bảy Toài tự thưởng cho mình một ly đầy có ngọn. Không hiểu sao, đang khỏe như bò kéo, Bảy Toài chỉ gặc đầu một cái, ngoẹo ngang xuống bàn ngủ ngon lành. Mấy anh kiểm lâm chắc cũng đã thấm, lần lượt xin kiếu ra về. Còn lại bên cái bàn làm bằng cuộn dây điện gỗ thông, có cái dù vải xanh vàng tím đỏ xòe ra che bên trên, trơ khấc tôi với Năm Rựa.
Năm Rựa lắc đầu nói với tôi.
Thằng này nó cũng khổ lắm! Một lúc đa đoan những hai bà. Có bà nào đẻ đái được gì đâu. Bà lớn hơn mười năm. Bà nhỏ hơn hai năm. Điếc tịt cả ra. Tôi nghĩ nó cũng như cây trầm tóc trên núi. Có ngậm trầm rồi thì cũng để cho ai hưởng, chứ thân nó thì xốp xộp ra.
Nhìn qua dáng ngủ ngồi gù gù của Bảy Toài, tôi chợt thấy núi Dài hiện ra sừng sững ngay trước mặt. Ánh trăng chan trên dãy núi lênh lang thành vạt. Gió từ miệt Hà Tiên thổi về, càng làm cho ánh trăng như sáng lên óng ánh. Dãy núi dường như đang rung rinh lay động, đang sắp trôi tuột xuống, hòa tan vào với đêm đồng bằng ngút ngát.
Con phèn không biết mò tới lúc nào, gác chân lên cái đùi phải hơi co lên cao của Bảy Toài, ngủ say sưa.
Hồ Tĩnh Tâm
(Minh họa: Vương Lê)