Tri Tôn với điều bình dị

“Tri Tôn, Châu Đốc rất gần

Thương anh em nhớ, em lần xuống thăm”

Mỗi lần đi công tác xa xứ núi Sà Tón, tối thảnh thơi nơi đất khách, ngẫm lại nhớ quê nhà đến lạ lùng. Nỗi nhớ làm cho tôi lẩm bẩm trong tâm, nhớ câu ca dao mà đã từng nghe và đọc cho người bạn tâm giao đồng cảm hướng về núi.

“Tri Tôn” tiếng Việt và “Svay Ton” gọi theo địa phương-gói gọn trong hai âm tiết mà lại là thân thương đến lạ lùng. Tôi rất tự hào là người sinh ra nơi đây với rừng cây bạt ngàn, gió hú ào ào mỗi khi lùa qua thung lũng. Tôi vốn ít nói nhưng mà cảnh quê hữu tình thì cũng làm nên tâm trạng để viết nên dòng văn thơ song ngữ Việt-Khmer để gọi là tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn với những ước mơ cháy bỏng là muốn cống hiến cho quê hương xứ núi nhiều hơn.

Những người Tri Tôn tự thuở nào đã ngấm vào lòng khi nghe ngôn ngữ ba dân tộc mỗi khi ra họp chợ, từng ăn những món đặc trưng vùng, từng chứng kiến những lễ hội vui chung. Nhớ thuở trường cấp 2 chỉ có một, nhất là những ngày nghỉ học hay tiết nghỉ học, nhóm bạn lấy bọc muối ớt mang theo để trong giỏ đệm (chiếc cặp hồi đó) rủ nhau lên vườn đào Chơn Pnum tà pạ (chân núi), đi len lỏi dưới hàng cây đào, nhặt trái rụng chín rồi cả nhóm hồn nhiên ngồi ăn vừa ho sặc sụa vì mùi chát của trái đào và cay như xé lưỡi của muối đâm trộn ớt hiểm mà người quê tôi gọi là ớt chim ỉa. Sở dĩ gọi tên như vậy là vì ớt tự nhiên là món khoái khẩu của chim sáo và ớt được gieo xạ giống từ trên cao bởi chim sáo.

Tri Tôn tên gọi thân thương tự hào đối với mọi người, đối với bọn trẻ thì nhiều tự mãn hơn ra vẻ ta đây khi nghe hoặc thấy ai đó từ xa vừa đến. Cứ nghĩ là họ không bằng quê mình, bất kể họ là người tỉnh, người chợ xứ khác. Trong trí tưởng tượng non nớt của bọn trẻ, chỉ có quê hương con người Tri Tôn là số một “ở nhà nhất mẹ nhì con”.

Trưởng thành cùng với sự phát triển nơi quê hương, thấu hiểu “ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” đã thôi thúc mãnh liệt ước mơ, hoài bão của lớp trẻ nghèo nơi xứ núi. Nhiều người đã kiên nhẫn học tập và thành công dân hữu ích phục vụ ngay tại nơi đất khô cằn này, họ tự chủ, tự hào nơi họ sinh ra. Nơi vốn là trước đây người trí thức từ xứ khác thường đến chọn để tập sự cho thành thạo nghề rồi bỏ đi, ít có ai nhập cư “đất lành cu đậu” hoặc “đất lành chim đậu”…

Tri Tôn xưa không có nhiều nhà cao bởi bom đạn, pháo kích mà lại có nhiều khu nhà ngói cổ xưa của các dân tộc Khmer, Hoa nép mình bên con lộ nhỏ, lộ làng được trồng đầy những cây vú sữa, xoài thanh ca ở hai bên. Những căn nhà sàn bên bờ Kinh, điểm dân cư gần chợ là của người Việt. Đặc trưng vùng đất có các dân tộc sa-ma-ki (đoàn kết) sẽ vương vấn ai đó ở lại mến người mến cảnh tình nguyện làm con dân xứ Bảy Núi “Tri Tôn, Châu Đốc rất gần, thương anh em nhớ, em lần xuống thăm”, bởi vì chàng và nàng đã thích nhau rồi “Em ơi đừng chê anh đen, Anh tắm nước phèn, anh đen có duyên”. Bất kể anh ấy bộ dạng, da trắng đen, tóc duỗi, tóc xoăn cũng thương. “Đồi Tức dụp trăng thanh gió mát, trai tiểu đoàn không lác cũng lang beng”, ừ thì kệ quanh chân núi có đọt muồng hoa vàng mọc hoang minh thiêng, xức chà vô vài hôm là hết bệnh.

Người Tri Tôn bình dị và đơn giản. Tôi còn nhớ chỗ tiệm của chị bán bánh bao ngã tư chơn num gần giếng nước, người bán bánh gia truyền, người mua cũng vậy. Tôi nhớ cảm giác tuyệt vời của bánh tằm bà Huê (mẹ của thầy tôi) ngồi bán gần nhà ông Chec kăng. Bánh tằm ngon giá bình dân, mỗi sáng đầy nghẹt khách, hết ghế, khách ngồi chèm bẹp chờ ăn, bà Huê luôn cười tươi vì ba ngôn ngữ bà đều nghe được tất. Nhớ khu phố người Hoa lai Khmer (đường Nguyễn Văn Trỗi), mỗi lần theo hầu sư chùa Svay ton khất thực nơi ấy, họ nấu ăn ngon. Nhớ phố bán áo cà sa, sách kinh phật, thuốc rê. Nhớ ông cụ chuyên làm tượng phật nơi chổ gần ngân hàng và nhất là tôi vẫn nhớ bà Neang Chronh, thầy Sec La-tiệm vàng lớn nhất ở chợ. Tôi nhớ khá rõ vì mẹ tôi là thân thích, mối ruột nhờ vả khi cần tiền và sau này mộ bà Chronh trang trọng ở khuôn viên chùa Svayton sát nhà tôi. Các hậu thế con cháu bà chắc cũng còn ở nơi đây vài thành viên, vì mồ mã tháp cốt ông bà cũng còn ở chùa hoặc đồi Tà Pạ.

Vòng quay thời gian ngày lại ngày qua, tôi may mắn vẫn ở lại Tri Tôn trong khi đó đồng hương, thầy cô, bạn bè theo vợ theo chồng về xứ gần, xứ xa sinh sống lập nghiệp. Cuộc sống cứ như vậy như ngày nào nhưng có nhiều đổi thay. Tri Tôn bây giờ rộng hơn, nhiều phố xá cao tầng, xe cộ cũng nhiều hơn, nhiều người mới nhập cư và có tiếng nói lớn oang oang cả vùng làm cho người gốc Tri tôn xưa càng tĩnh lặng hơn. Nhưng đối với tôi, cảnh Tri Tôn vẫn đẹp y chang trong tâm từ ngày nào.

***

Mỗi sớm, tôi thường đi thể dục ở con đường chính, bên hàng cây giáng hương thẳng đẹp, vừa nghe những câu chuyện trên đời, nào là khoe của giàu có. Quái lạ nhiều người đi thể dục mà miệng nói không ngớt về sự sang giàu có của đứa em, thằng cháu ở nơi xa lắc xa lơ nào đó gửi cả ngàn đô về xài chơi. Người thì thể dục là nắm tình hình cư dân địa bàn, ngắm nghía lô đất mặt tiền, ngã ba… và nhiều câu chuyện vui khác. Thôi mặc kệ họ, mình lao động đủ ăn như vậy là được rồi, đi co ro mà nghe dòng chảy cuộc sống, “tránh voi chả xấu mặt nào”, bận tâm gì cái chuyện khoe của cải, đeo vàng nhiều đi thể dục sớm có lợi không, lâu lâu nghe chuyện đi thể dục sớm bị giựt dây chuyền, điện thoại đắt tiền.

Tôi ưa đi và nghe, kể lại cho các trò tôi về chuyện xưa của Tri Tôn. Tụi nó chắc không thích thú gì đâu khi mà tối ngày sống với hiện đại, chăm chú lướt web, zalo, face book, muốn con hay chữ thì vô goole. Phải chăng là tôi bắt chúng nghe một cách cưỡng bức. Chả sao đâu vì tôi thích vậy, bởi Tri Tôn là nơi tôi sinh ra và mãi mãi tôi đã nguyện làm đứa con xứ núi của vùng mang tên Khỉ đeo Sà Tón-Tri Tôn.

Chau Mo Ni Sóc Kha
(Ảnh: La Lam)