Sắc xanh trên rẫy vùng biên
Quê tôi, một biên cương khô khốc nắng gió chùm lên nương rẫy. Thỉnh thoảng, tôi lại vòng quanh với những đường dốc, xóm làng, những con người đã quen và người vừa nghe tên mà tìm đến. Qua một buổi trò chuyện với anh Lê Trung Lĩnh (Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Phú, huyện Tịnh Biên) ở trụ sở UBND xã, tôi cảm nhận công tác Đoàn ở xã An Phú rất tập trung và thiết thực. Đó là quá trình mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; xây dựng, củng cố và nâng chất hoạt động của tổ chức Đoàn – Hội nhằm tạo môi trường lành mạnh, phát huy tiềm lực, khả năng sáng tạo, tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ trong lập thân, lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn nơi đây chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ qua việc vận dụng tư tưởng, lời dạy của Bác trong học tập, lao động, sản xuất.
Mạnh dạn khởi nghiệp bằng ý tưởng “giải pháp xanh”
Đó là điều mà hầu hết những vị khách có thể nhận định khi đến thăm vườn nhà chị Nguyễn Thị Diệu Thu (sinh năm 1993). Tôi không vì nghe qua thông tin chị Thu đạt Giải Nhất Hội thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang” năm 2018 mà tìm đến. Có lẽ, khi anh Lĩnh nhắc đến vườn dưa lưới giữa điều kiện khí hậu nơi này, sự hứng thú với việc trồng rẫy giục tôi dù có bận cỡ nào cũng ghé qua một chuyến, xem người thanh niên ấy đã khởi nghiệp như thế nào.
Con đường dẫn vào Tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới (thuộc ấp Phú Hiệp) không mấy xa lạ nên tôi không nghĩ quanh đây lại có một nhà vườn trồng dưa lưới công nghệ cao. Trong hình dung ban đầu của tôi, chị Thu có thể sẽ giống như những người phụ nữ làm vườn mà tôi từng gặp. Nhưng người ra tiếp chúng tôi là một người xởi lởi, nhanh nhẹn và khéo léo. Câu hỏi đầu tiên chưa diễn đạt xong, tôi đã nhận được ngay câu trả lời. “Mặc dù tốt nghiệp sư phạm mầm non (năm 2013) nhưng em chưa một ngày chính thức làm cô giáo anh à. Anh định hỏi vì sao em chọn việc này phải không? Anh thấy đó, người dân vùng này ít ai làm rẫy nông nghiệp công nghệ cao, họ cần được tiếp cận mô hình trồng rau củ quả sạch để đảm bảo sức khỏe”.
Bắt tay vào thực hiện từ cuối năm 2016, nhờ sự giúp sức của người thân những đợt xuống giống hoặc cao điểm, đến nay bước đầu khởi nghiệp của chị cơ bản đi vào nền tảng. So với những ngày đầu sau khi tìm hiểu và được tư vấn về đặc điểm giống cây trồng, tự làm mẫu xét nghiệm nước, rồi xin giấy phép kinh doanh… chị Thu đã lĩnh thụ được nhiều kiến thức hữu ích. Chị muốn làm theo suy nghĩ cá nhân một cách chủ động và thoải mái nhất, nhưng không vì thế mà quên đi cả việc tiếp thu có chọn lọc những luồn ý kiến khác nhau. Trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên thường gặp khó khăn về vốn và thiếu kiến thức. Vụ xuống giống đầu tiên, trái nhỏ, cây bệnh… chị rất hoang mang. Nhưng sự động viên đúng lúc của người thân bên cạnh đã đưa bàn tay ra cho chị vịn lấy và đứng vững hơn, tìm ra nguyên nhân mà có hướng khắc phục.
Từ thông tin trên các phương tiện đại chúng, chị đã lựa chọn ra thương hiệu uy tín, không đưa hai giống vào cùng một nhà lưới, chăm sóc kỹ và biết cách xử lí dinh dưỡng đảm bảo sự phát triển của cây. Tùy theo thời điểm và đặc tính thụ phấn của cây, chị Thu cho trồng lần lượt những loại giống phù hợp.
Chúng tôi được chị Thu dẫn vào nhà lưới. Dưa lưới đã hơn 30 ngày tuổi nên khả năng kháng bệnh rất ổn và có thể cho tham quan được. Lúc chúng tôi đến, vườn dưa chuẩn bị thu hoạch, mỗi trái chừng từ 1,2 – 1,3 kg. Để có được những trái dưa nhìn rất mê như thế, chị đã phải tìm hiểu loại dây leo “tiểu thư” này ngay từ những ngày đầu quyết định chọn giống, xuống giống. Chị Thu cho biết, “chăm sóc không đúng cách sẽ không mang lại lợi nhuận như ý muốn”. Thú thật, lần đầu tôi được tận mắt thấy trái dưa lưới (giống Taki Nhật do Cty Giải pháp xanh Sài Gòn cung cấp) chứ không phải đang xem trên tivi. Cũng phải, loại trái này dường như người Tây ăn nhiều, các cơ sở nội địa có trồng thì chỉ để xuất khẩu… nên tôi cũng như người dân quê mình còn xa lạ với trái dưa lưới vì họ không biết ăn cũng chưa rõ nó có tác dụng gì. Tên là dưa lưới vì vỏ hình đan lưới, ruột đặc màu cam. Chị Thu tả thêm, dưa lưới có vị thanh ngọt, có chút mùi của dưa gan và giòn như dưa hoàn kim nhưng độ đường vừa phải, không gắt. Thì ra đều là họ dưa, thảo nào chị cứ làm tôi ngạc nhiên khi cắt bỏ những trái nhỏ ở phần đọt trên, một dây chỉ chừa một trái gần gốc, bỏ bớt “nụ dưa” như dưa hấu vậy. Đáng mừng cho bà con hơn với những lợi ích tuyệt vời của dưa lưới là tốt cho mắt và tim mạch, phòng ngừa ung thư, tăng cường hệ miễn dịch…
Dưa lưới nhà chị Thu được trồng gồm 02 nhà màng với tổng diện tích 550 m2, thời gian qua mô hình này đã đẳng định dinh dưỡng sạch so với chợ và đã nhập cho siêu thị có giá từ 35 – 44 ngàn đồng/ kg, bán tại vườn 50 ngàn/ kg, chuyển lên Thành phố 75 ngàn đồng/ kg. Ngoài ra, sau khi tham quan, người mua còn có thể chọn cho mình dây dưa lưới ưng ý nhất để sở hữu, giao chủ vườn chăm sóc, ghi tên, thu hoạch với giá 100 ngàn đồng/ trái.
Cần có một quá trình khởi nghiệp được tạo dựng lâu dài để ổn định tương lai cho thanh niên. Vì thế, chị Thu còn đang trong quá trình đầu tư nhiều mô hình phù hợp với thổ nhưỡng tận dụng quỹ đất xung quanh nhà chứ không chỉ dừng lại ở một mô hình vừa thực hiện. Ngoài dưa lưới, chị cũng đã thử nghiệm trồng rau công nghệ mới. Chỉ 60 m2 đất bên hông nhà, chị cho trang bị hệ thống đèn led trong nhà kín để trồng xà lách giống Hà Lan, sử dụng dinh dưỡng hợp lí. Đây là mô hình tránh phụ thuộc vào thiên nhiên, nếu cần giảm ánh sáng thì tắt đèn led một thời gian nhất định. Mô hình này giúp rau hấp thụ và phát triển nhanh hơn. Rau có thể dùng tại chỗ, cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng và các hộ dân. Nhiều người ngán tiền, nhưng thấy rau tươi, ăn một lần là cảm nhận được, họ tìm tới vườn thu mua, đóng gói và chuyển đi các tỉnh lân cận. Nếu đầu ra ổn định, chị sẽ đầu tư thêm. Chị Thu dự tính sẽ phối hợp sử dụng ánh sáng tự nhiên ngoài trời.
Nắng đã lên cao, chị Thu chỉ tay về phía có những cây giống con mới vừa trồng. Hai năm nữa, vườn thanh nhãn Bạc Liêu ấy sẽ cho trái. Loại trái dày cơm hơn nhãn xuồng và ráo nước. Cùng hệ thống tưới bằng công nghệ hỗ trợ, nhưng nhãn phải được tưới từ nước giếng khoan từ thời ông ngoại chị để lại. Ông chọn ngay hố đắp thành giếng. Đây là thuận lợi giữa khu vực có nhiều đá bàn, có sắt, kìm và nhiễm mặn, nhưng phải xét nghiệm trước rồi mới cho tưới.
Sắp tới, chị sẽ phát triển mô hình sinh thái, cây cảnh, bon sai (mai, vú sữa, thị…). Dự tính này của chị Thu làm tôi suy ngẫm thêm một điều, sự sáng tạo là yếu tố quyết định thành công và góp phần vào mục tiêu vươn xa hơn cho người trẻ.
Gia đình không có truyền thống nông nghiệp, dù được cha mẹ ủng hộ, nhưng bản thân chị Thu tự quán xuyến là chính. Người thân hỗ trợ một phần, chị phải vay ngân hàng thêm. Dù khó khăn về vay vốn khởi nghiệp phải chịu lãi cao, bắt đầu đóng vốn lẫn lãi sớm… nhưng nhìn cách chị nâng niu từng trái dưa, tôi vẫn thấy chị làm việc không nao núng. Chị Thu vẫn thấy mình may mắn hơn các bạn trẻ khác về đất đai, tài chính và sự nhất trí của người thân trong gia đình. Nhưng tôi lại nghĩ: Có người, điều kiện thì đủ, nhưng họ ỷ lại hoặc thiếu chí cầu tiến. Có người, điều kiện khách quan không cho phép, nhưng họ thiếu sự quyết đoán. Tôi ủng hộ chị Thu, mạnh dạn triển khai kế hoạch xuất phát từ chính hoài bão thiết thực của bản thân mình. Cho dù tương lai cây trái của vườn nhà chị có thế nào, thì cũng là sự trải nghiệm quý báu. Thế hệ trẻ của chúng tôi, phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ và kỹ thuật để phục vụ cho cuộc sống gia đình và xã hội.
Màu xanh cộng đồng, màu xanh trên vườn rẫy Ngũ Hồ Sơn
Tạm biệt vườn nhà chị Thu, hòa vào dòng người xe dưới trời nắng nóng biên cương, chúng tôi ngược lên một con dốc đi về hướng núi Dài Năm Giếng ghé qua nhà anh Trần Phước Thọ (Bí thư Chi đoàn ấp Phú Hòa). Trước sân nhà là một gian hàng đủ loại nông sản, bên trong là quán giải khát, hai bên mắc võng phục vụ du khách đường xa dừng lại nghỉ lưng. Chúng tôi vừa dừng xe thì anh Thọ từ trong nhà dắt xe ra. Trên yên xe gắn sẵn một gánh thồ treo giỏ đựng trái cây hai bên to đùng. Trong lúc anh Thọ đang loay hoay với hai ly nước mời khách thì anh Lĩnh nói với tôi, “đồng chí Thọ coi vậy mà một bụng chuyện tiếu lâm, vận động hiến máu là khỏi lo hụt chỉ tiêu nghen”. Tôi hỏi, “tính riêng anh thì đã mấy lần hiến máu rồi?”, anh nhìn tôi “không nhớ, mà nhớ để làm gì giờ!”. Rồi theo cái tiếng “đồng chí” của anh Lĩnh, anh Thọ quay sang nói gì đó với người em rễ, tôi hơi ngại vì có thể mình làm công việc của người khác phải nán lại. Như hiểu ý tôi, anh Lĩnh trấn an rằng người mà tôi cần gặp sẽ sắp xếp được. Nếu tiện thì thử làm nông dân theo chân anh Thọ một bữa.
Thấy tôi hiếu kì đưa mắt sang mấy hủ rượu đặt sát vách nhà, rồi với tính mến khách của mình, mẹ anh Thọ bưng một rổ trái hồng quân cho tôi ăn thử. Loại trái da đỏ khi chín có vị vừa chát vừa chua được dì chọn lọc ngâm rượu, trong 3 tháng có thể bán cho khách du lịch với giá 300 ngàn đồng/ 10 lít (gồm 4 lít rượu gốc). Rượu hồng quân là vị thuốc trị nhức mỏi, ăn được, ngủ ngon. Qua tết có mưa, hồng quân sẽ rụng lá và bắt đầu cho trái. Ăn trái hồng quân tươi phải vò nhẹ cho bớt chát, các cô gái thích nhâm nhi món này thì ghé lại mua, chỉ 17 – 30 ngàn đồng/ kg. Hiện anh Thọ đang bầu 200 nhánh hồng quân trồng xen với 200 gốc lớn. Tôi lại nôn nao được lên thăm khu vườn đang mùa cho trái trên ngọn núi kia. Thế là sau khi được giải khát giữa tiết trời oi nóng bằng một ly nước thốt nốt, chúng tôi được anh Thọ dẫn lên thăm vườn. Xe vượt dốc leo núi khoảng hơn 1km thì cây trái cứ liên tục hiện ra trước mắt.
Từ tháng tư đến tháng sáu hằng năm và từ tháng bảy cho đến tháng giêng năm sau, xoài thanh ca và cát hòa lộc trung bình bán ra chỉ từ 8 – 10 ngàn đồng/ kg. Xoài trái vụ lác đác đợi mùa được giá. Khoảng 150 gốc đào lộn hột cũng bị hạ bớt vì ít đậu trái và rớt giá. Khi cây xoài cây đào đang bấp bênh, vườn nhà anh Thọ vẫn luân phiên cho trái. Giống như dòng sữa của hàng trăm cây vú sữa trong vườn, chúng cho trái quanh năm. Vừa thôi học phổ thông, anh Thọ cùng với cha đi hái gánh về rất cực, mỗi giỏ đựng 60 – 70 kg. Bây giờ có phương tiện xe gắn máy đỡ hơn trước nhiều rồi mà vẫn không thể quên. Lúc đầu gia đình chỉ có 5 công đất vườn. Người cha trụ cột gia đình phải chạy xe ôm dành dụm, đến nay vườn nhà đã được phát triển thêm.
Tôi ngồi phía sau, nghe anh Thọ nói về những củ khoai lùn. Cứ tháng tám, khách hành hương lại tìm đến mua, loại củ này có thể luộc ăn thanh nhiệt hoặc đập cho mềm ướp gia vị chiên làm món chay được nhiều người ưa thích. Đại khái là cùng với những loại cây ăn trái lâu năm thì vườn rẫy cũng sẵn có không ít loại cây bám từ trong đất đá, lâu lâu lãng quên cho đến khi từng lứa bông báo hiệu mới hay mùa về… đều mang lại lợi nhuận. Rồi anh cùng với người thân mỗi mùa hai cử mang giày, mặc áo kín tay kín cổ leo lên vách đá xịt sâu và dưỡng thanh long. Chỉ riêng trái thơm nằm rải rác bờ rào, dịp Tết gánh về, một cặp trái bán cũng được từ 20 – 30 ngàn đồng.
Cây trên núi không cần tưới, nhưng hằng ngày anh Thọ phải lên thăm, làm cỏ, vệ sinh vườn rẫy. Vì phải tham gia buổi cảm hóa thanh niên chậm tiến tại văn phòng ấp đầu giờ trưa, nếu không, anh Thọ sẽ dẫn chúng tôi tham quan năm cái giếng trên tảng đá to làm nên một danh lam từ ngọn núi có cây ăn trái nhiều nhất vùng.
Trước đây, đoạn đi về ngang nghĩa trang liệt sĩ huyện Tịnh Biên, tôi cứ muốn dừng lại, mua một ít trái cây vườn rẫy làm quà. Trên những kệ đủ loại trái cây, tuy trái xoài trái đào càng ít đi, nhưng mùi thơm dịu ngọt của nó vẫn vương đầy. Ngày nào anh Trần Phước Thọ cũng mang trái về, thiếu loại trái này thì cũng có loại trái khác, không ngừng tăng gia sản xuất để còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đăng kí nhãn hiệu cho rượu hồng quân Bảy Núi vang xa.
Lời kết
Tôi đã từng chứng kiến những mảnh vườn tiềm năng hắt hiu sau những vụ mùa đầu tư không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và cả kĩ thuật nhà vườn. Hoặc đâu đó, những dự tính của vài thanh niên chỉ là dự tính. Nguyễn Thị Diệu Thu, cô nàng 9X chỉ bắt đầu từ sự tìm tòi và đam mê… Trần Phước Thọ, anh chàng có vẻ thích pha trò mà suốt ngày cứ quần quật lên núi xuống chiền… Đâu chỉ duy nhất là cánh cửa đại học hay phải được tuyển dụng làm việc tại các cơ quan, tập đoàn nào đó. Những khu vườn ấy ngày thêm xanh, mang về một luồng sinh khí mới, khơi dậy sự hăng say cho sức sống vùng biên.
Bài & ảnh: Nghiêm Quốc Thanh