Bình Phú vươn mình đi lên

“Tiến công” vào Sình Hù

Trong tiềm thức của người dân Châu Phú và những vùng lân cận, thời khai khẩn đất hoang thì ai ai cũng nhớ đến địa danh Gò ông Gọ, lung Sình Hù, Bà Láy. Nó gợi nhớ cho mỗi người về sự xa xôi cách trở, gian truân khó nhọc của buổi đầu sơ khai đi mở đất. Nhưng bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và những người nông dân đậm chất miền Tây rắn rỏi, da nám chân phèn, đã biến vùng đất hoang sơ trở thành trù phú, màu mỡ như ngày hôm nay.

Bốn mươi năm trước khi mới thành lập xã, thực hiện mục tiêu “tiến công vào Sình Hù” trong bối cảnh thiếu lương thực và Bình Phú nằm trong số những xã mà huyện, tỉnh phải “cứu đói”. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chỉ độc canh cây lúa mùa nổi, phụ thuộc vào thiên nhiên, thiên tai lũ lụt đe dọa hàng năm, năng suất thấp. Nhiều hộ nông dân cuộc sống không ổn định, hộ không có đất sản xuất phải làm thuê, thường thiếu ăn vào lúc giáp hạt. Nhưng lúc này tinh thần tương trợ đã phát huy “lá lành đùm lá rách” cứu trợ các gia đình gặp khó khăn. Từ đó, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong nhân dân được phát huy, tình cảm Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân càng thêm gắn bó. Hạ tầng cơ sở thiếu thốn, di chuyển chủ yếu là giao thông thủy với tuyến kênh xáng Cây Dương, chưa có đường bộ, mùa khô đi bộ theo các lối mòn, bờ mương, bờ kênh; mùa nước bốn bề lênh láng, đi lại khó khăn, chủ yếu sử dụng ghe xuồng. Mạng lưới giao thông đường bộ không có gì đáng kể.

Khi thành công, vấn đề thiếu đói không chỉ trở thành “ký ức” xa vời trong lòng một thế hệ cha anh giờ nhắc lại có người còn người mất. Chuyện quá khứ một thời cả xã, cả huyện cùng nhau “gồng mình” lao vào gian khó để rồi cuối cùng đã thành công vẫn còn nguyên đây. Quá khứ là con số với thời gian hơn 40 năm chừng như khá dài, nhưng ở khía cạnh nào đó cũng mới rành rành đây chứ có xa xôi gì đâu! Vì thế việc mình nhìn lại, soi rọi, chắt lọc phương châm, kinh nghiệm của những người đi trước như thế nào, trong điều kiện, bối cảnh như thế mà họ đã vượt qua, nhất là tìm ra những giải pháp để giải quyết căn cơ giữa cái chung và cái riêng, giữa ý thức và tự nguyện và niềm tin “ý Đảng lòng dân” cùng nhau đồng tâm hiệp lực của mọi tầng lớp nhân dân để có được một Bình Phú ngày nay với những cánh đồng mênh mông, đất đai màu mỡ.

Không ai đứng ngoài cuộc

Từ những ngày đầu, Chi bộ xã chỉ có 2 đảng viên nhưng đã quyết tâm tập trung xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền, các đoàn thể để kịp thời lãnh đạo, quản lý kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, giữ vững ổn định tình hình, giải quyết tốt vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại, học tập của nhân dân và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ của giai đoạn mới. Từ sự quyết tâm, năng nổ của các bộ xã bằng sự đi đầu trong mọi công tác nên nhân dân làm theo, yên tâm ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, hăng hái tham gia sản xuất, trước hết là lương thực, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Qua quá trình xây dựng và củng cố, công tác quản lý nhà nước từng bước đi vào nề nếp; nhân dân Bình Phú yên tâm sản xuất, bước đầu tạo ra thu nhập, nhiều gia đình khó khăn dần dần ổn định cuộc sống.

Qua các lần Đại hội, Đảng bộ xã đã xác định tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, vận động nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất lên 3 vụ/năm. Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Quốc Phong, Bí thư, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để phục vụ sản xuất, đến nay xã đã thành lập được 02 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã sản xuất giống lúa xác nhận, xây dựng 01 hợp tác xã phục vụ tưới, tiêu và chống úng vụ 3; 01 Câu lạc bộ nông dân với 52 hộ tham gia và 11 hộ sản xuất đạt tiêu chí trang trại. Tổ chức khôi phục đường cộ, đường nước bị lấn chiếm; vận động nhân dân mua máy làm đất, máy suốt lúa, máy sấy lúa, máy bơm phục vụ tưới, tiêu, máy gặt đập liên hợp và phương tiện vận chuyển nhằm giải quyết cơ giới hóa trong khâu thu họach.”

Khi đời sống kinh tế của người  dân đã được ổn định và phát triển thì nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần cũng được nâng theo, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội nâng cao là điều tiên quyết của chính quyền và người dân cần phải được đáp ứng. Qua đó, hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng điện thường xuyên đạt tỷ lệ 98{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} . Xây dựng được 06 trường học với 67 phòng học gồm mầm non, mẫu giáo,  tiểu học và trung học cơ sở; 01 nhà văn hóa, diện tích 2.303 mét vuông. Hàng năm khám và điều trị cho 7 ngàn lượt người. Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 78{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}. Trạm y tế xã có 01 bác sĩ, 07 y sĩ, cán bộ y tế. Trạm y tế xã đã đạt chuẩn Quốc gia y tế.

Không chỉ vậy, bộ mặt nông thôn xã Bình Phú từng bước đổi mới và phát triển, kết cấu hạ tầng dần được đầu tư, hệ thống đê bao kết hợp với giao thông nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt giao thương của nhân dân trong xã với các địa phương khác. Các đoàn thể còn vận động nhân dân xây dựng cầu bê tông thay cho cầu gỗ xuống cấp và tôn cao, mở rộng, trải đá chống lầy các đoạn đê bao kết hợp giao thông nông thôn. Sáng tạo các mô hình đem lại lợi ích cho xã hội như mô hình tổ cất nhà từ thiện bằng vật liệu kim loại kẽm, mua 3 xe chuyển bệnh chuyên dụng trị giá gần 2 tỷ đồng; Mô hình ống tre Bác Hồ và đoạn đường “Sạch, nở hoa”; Mô hình gắn bóng đèn đoạn đường “Sáng, xanh, sạch, an toàn, văn minh”; Mô hình nắm gạo tình thương để giúp cho hộ nghèo, khó khăn, xây dựng nghĩa trang nhân dân tại ấp Bình Đức, diện tích 4.000m2 và tổ hùn vốn mua nhiên liệu cho xe chuyển bệnh từ thiện; Mô hình chuyển đất gần khu dân cư làm lúa hiệu quả không cao chuyển sang làm vườn trồng các loại cây ăn trái như bưởi, cam, xoài, quýt, mít, dừa, mãng cầu, chanh. Hầu hết nằm trong vùng sản xuất lúa 3 vụ, bước đầu cho hiệu quả.

Tất cả các chủ trương của xã đều hướng tới mục tiêu làm lợi cho người dân, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất, thửa ruộng của mình, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống nhân dân được nâng lên, tăng tỷ lệ hộ khá, giàu, nhà kiên cố xây dựng ngày càng nhiều, đó là bằng tất cả sự đồng lòng chung sức của cả Đảng bộ cùng nhân dân đồng tình hưởng ứng không ai đứng ngoài cuộc để tạo nên một diện mạo mới, làm tiền đề vững chắc cho xã vùng sâu Bình Phú xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục đổi thay từ một dự án

Trên chiếc tắc ráng ngược dòng kênh xáng Cây Dương, ngồi kế bên tôi, anh Trần Trung Tín, Phó chủ tịch UBND xã, vừa chỉ tay về phía bờ kinh vừa nói: “Đây là diện tích lúa 3 vụ của xã nằm ngoài dự án lớn vừa mới hình thành, đi một chút nữa thôi là ta đi vào vùng dự án. Anh Tín vừa nói vừa ra vẻ tâm đắc – Khi triển khai dự án này bà con đồng tình lắm, bởi vì đất của bà con được nhà đầu tư thỏa thuận với giá hợp lý, khi dự án hình thành con em của người dân giao đất cho dự án được nhận vào làm việc cho dự án với mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng nên bà con rất phấn khởi. Có những hộ gia đình 4 đến 5 thành viên đều làm công nhân cho dự án. Những lao động trong xã trước đây đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân trong các khu công nghiệp, bây giờ dần dần trở về lao động tại vùng dự án đóng góp công sức cho quê nhà”.

Đó là Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, được Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nuôi trồng Thủy sản Nam Việt Bình Phú (thuộc Tập đoàn Nam Việt), tọa lạc tại ấp Bình Đức, Bình Quới và Bình Thới đầu tư, với quy mô 600 ha.

Tiếp chúng tôi trên bờ kênh cũng là đường nội bộ của dự án, anh Nguyễn Văn Vỹ, Phó Tổng giám đốc công ty, vui vẻ hướng dẫn chúng tôi tham quan vùng dự án đang hình thành được trên 50{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} khối lượng công trình và đang thả nuôi cá thương phẩm ở một số ao thử nghiệm. Anh Vỹ cho biết: “Đây được xem là dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung quy mô lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cả nước. Dự án được đầu tư trang thiết bị với công nghệ hiện đại, đồng bộ và chuyên sâu mang tầm cỡ khu vực. Công ty sẽ sử dụng công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture của Nhật Bản để xử lý nước trong ao nuôi. Bằng công nghệ này, trên toàn bộ diện tích của dự án sẽ không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh dự án, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty. Một trong những mục tiêu mà dự án hướng đến là hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bền vững của doanh nghiệp. Thông qua dự án này, Nam Việt sẽ tự chủ 100{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu; qua đó gia tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm phi lê của công ty tại các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần hạ thấp chi phí sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thu về lợi nhuận nhiều hơn tạo nhiều việc làm cho người tại địa phương của vùng dự án.”

Thật vậy, dự án đã làm thay đổi diện mạo của xã Bình Phú từ góc độ kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đời sống của người dân trong xã sẽ được nâng lên một mức cao hơn, hưởng thụ lợi ích mà dự án đã mang lại.

Quyết tâm xây dựng nông thôn mới

Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, cơ cấu nông nghiệp chiếm trên 75{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người thấp. Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cách làm sáng tạo, hiệu quả và bước đi phù hợp. Đến cuối tháng 6/2019, xã Bình Phú đạt 11/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, Thủy lợi, Điện, Cơ sở vật chất văn hóa, Thông tin và truyền thông, Thu nhập, Tỷ lệ hộ nghèo, Lao động có việc làm, Y tế, Văn hóa, An ninh và quốc phòng và quyết tâm tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí và chỉ tiêu đã đạt được, củng cố hồ sơ minh chứng các tiêu chí chỉ tiêu theo quy định để cuối năm 2019 đạt thêm 04 tiêu chí để đưa tổng số tiêu chí đạt 15/19 và đạt 44/49 chỉ tiêu và điều đáng lưu ý nhất là thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bằng những giải pháp chủ yếu, xã quyết tâm tráng nhựa 9,5 km đường từ xã đến huyện, hiện đã láng nhựa 5 km, còn lại 4,5 km tiếp tục láng nhựa trong năm 2019 từ nguồn vốn của huyện. Tuyên truyền vận động người dân giải phóng mặt bằng để láng nhựa tuyến đường này trong thời gian tới. Láng nhựa và bê tông 15,5km gồm các tuyến đường liên ấp từ nguồn ngân sách cấp trên. Trải đá cấp phối 16km các tuyến đường nội đồng từ kênh 8 đến kênh 13 theo quy hoạch vận động nhân dân đóng kinh phí theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Thành lập một hợp tác xã chăn nuôi. Đồng thời quản lý tình hình hoạt động của hợp tác xã này theo Luật Hợp tác xã.

Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhận thức sâu sắc  của nhân dân về việc thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt là việc chăm lo đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Xác định rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Bình Phú đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến với người dân; kiểm tra đôn đốc các ấp trên địa bàn xã tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cuộc sống sung túc đã hiện hữu, đó là nhờ phát huy tối đa sức mạnh nội lực với phương châm “lấy dân làm gốc” để làm điểm tựa, tâm thế hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh góp phần quan trọng để Chương trình  Mục tiêu Quốc gia về  xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả khả quan. Tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhiều gia đình đã góp công, góp của, hiến đất xây dựng và tu sửa các tuyến đường nội thôn, kênh mương nội đồng phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản và tưới tiêu cho cây trồng. Với cách làm, tình cảm, trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của xã Bình Phú đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đó là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho nhân dân. Quyết tâm, cố gắng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, về đích đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2021 để không phụ lòng mong mỏi của người dân.

Võ Quốc Tuấn
(Ảnh: Quảng Ngọc Minh)