Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 – lời thề của một dân tộc

Bảy mươi sáu năm trước, ngày 2-9-1945, trên quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt dân tộc Việt Nam đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự ra đời của một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, lần đầu tiên trong lịch sử các dân tộc bị áp bức, cuộc cách mạng thuộc địa đi theo con đường cách mạng vô sản đã thành công đưa một dân tộc nô lệ lên ngang bằng với các dân tộc khác trên thế giới. Nhân dân cả nước hân hoan, phấn khởi đoàn kết một lòng với quyết tâm bảo vệ và xây dựng chế độ mới.

Trái lại, những phần tử tay sai thực dân, đế quốc, những thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội thì tìm đủ mọi cách chống phá Nhà nước Việt Nam non trẻ rồi đẩy Việt Nam đi vào cuộc chiến tranh thảm khốc suốt 30 năm trường. Từ mùa xuân năm 1975, trong lúc nhân dân cả nước đang cố xây dựng một Việt Nam độc lập, thống nhất từ đóng tro tàn đổ nát của chiến tranh thì họ vẫn không ngừng xuyên tạc lịch sử, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm trong việc quản lý Nhà nước của Đảng để rồi đi đến phủ nhận những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc, và lớn hơn hết, bán rao cả nền độc lập, tự do của Tổ quốc mà không nghĩ gì đến công lao xương máu của biết bao người yêu nước, người cộng sản đã đổ ra để giành và giữ cho được nền độc lập, tự do ấy!

Đã qua 76 năm (1945 – 2021) nhưng bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9- 1945 vẫn còn mang tính dân tộc và thời đại sâu sắc.

Trước hết, Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền bình đẳng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới là nguyên tắc pháp lý và đạo lý của loài người. Ngay trong những dòng đầu tiên, Tuyên ngôn độc lập đã dẫn lại những lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ, trong Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1871 để chỉ ra rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (1).

Vì vậy, thực dân Pháp cướp nước, áp bức đồng bào ta hơn 80 năm là hành động trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa, phản bội ngọn cờ tự do, bình đẳng, bác ái gắn liền với nền cộng hòa Pháp. Còn Mỹ, một đất nước đã tiến hành chiến tranh giải phóng thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Anh, một đất nước đã góp phần đánh tan phát xít Đức, Nhật và cùng năm mươi nước khác lập nên bảng hiến chương Cựu Kim Sơn(2) công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng, lẽ nào lại không công nhận quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam cùng cảnh ngộ như mình?

Với tinh thần đó, Tuyên ngôn độc lập 2-9 năm 1945 đã khẳng định rằng: “Một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” (3). Một sự thật lịch sử không thể chối cãi: Nhân dân Việt Nam tự lật đổ phát xít Nhật để tự giải phóng mình bằng cuộc Cách mạng tháng Tám trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân Nhật. Thế nhưng quyền dân tộc bình đẳng bị chà đạp thô bạo, nhân dân Việt Nam buộc phải làm cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp vì không muốn tiếp tục làm nô lệ cho một nước Pháp “quốc mẫu” đã từng đầu hàng phát xít Đức – Ý ngày 22-6-1940, dâng Đông Dương cho Nhật vào mùa thu năm 1940 và rút chạy khỏi Việt Nam sau cuộc đảo chánh nắm quyền của phát xít Nhật ngày 9-3-1945, một cách nhục nhã.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi từ tháng 7-1954, đế quốc Mỹ – kẻ thù mới lại không muốn nhìn thấy một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất – ngọn cờ tiên phong chống chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á, tiếp tục gây ra cuộc chiến tranh trong suốt 21 năm dài chia cắt đất nước thành hai miền Nam – Bắc. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam phải cầm súng tiếp tục cuộc trường chinh cứu nước và giữ nước. Và cho đến tận hôm nay, mọi người Việt Nam đều biết rằng, quyền bình đẳng dân tộc không thể nào có được một khi chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại và thống trị trên thế giới này. Van xin các cường quốc luôn nuôi tham vọng bá quyền thế giới ban cho quyền dân tộc bình đẳng là điều hoàn toàn vô ích, mỗi dân tộc phải biết đấu tranh giành và giữ lấy.

Nội dung bản Tuyên ngôn độc lập 2-9 còn thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của con người Việt Nam, đó là lòng khoan dung đối với kẻ thù. Tuyên ngôn độc lập đã chỉ ra cho toàn nhân loại thấy tội ác của thực dân Pháp trong suốt 80 năm qua để cuối cùng đưa đến việc hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói trong cảnh “một cổ hai tròng” dưới ách cai trị của Nhật – Pháp. Từ trước ngày 9-3-1945, biết bao lần Mặt trận Việt Minh kêu gọi người Pháp liên minh chống Nhật, họ không đáp ứng lại mà thẳng tay đàn áp người cách mạng, thậm chí còn giết tù chính trị ở Yên Bái, Cao Bằng trước khi trốn chạy khỏi sự truy bắt của phát xít Nhật. Thế nhưng sau cuộc binh biến ngày 9-3-1945, chính Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp trốn tránh chạy qua Trung Quốc, cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam của Nhật và bảo vệ tính mạng tài sản của họ.

Truyền thống nhân đạo và lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta là nhất quán. Từ xưa mỗi lần qua cuộc chiến tranh chống các triều đại phong kiến Trung Hoa xâm lược, Việt Nam luôn chủ động nối lại sự bang giao cho nhân dân hai nước sống trong bầu không khí hòa bình. Đối với nước Pháp và nước Mỹ, nhân dân Việt Nam yêu mến người lao động Pháp, Mỹ, kính trọng những người Pháp yêu nước kháng chiến chống phát xít Đức, Nhật và những người Mỹ yêu chuộng hòa bình.

Sau cuộc Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhân nhượng để tỏ rõ tinh thần đại đoàn kết dân tộc: giành 70 ghế Quốc hội (không qua bầu cử) cho các đảng phái theo chân quân Tàu Tưởng về Việt Nam, để thành lập Chính phủ liên hiệp… và ngày 11-11-1945 Đảng Cộng sản Đông Dương ra thông cáo tự ý giải tán:

“ Để tỏ rằng: những Đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng huy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp, huy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc”(4) .

Nhưng ta càng nhân nhượng thì kẻ thù càng lấn tới. Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp tái xâm lược nổ ra trên phạm vi toàn quốc là điều không tránh khỏi một khi nhân dân Việt Nam mong muốn độc lập, hòa bình còn thực dân Pháp và tay sai lại muốn nước Việt Nam tiếp tục là thuộc địa, dân Việt Nam tiếp tục là nô lệ. Ngày 22-12- 1946, cả nước với súng, giáo, cuốc, thuổng, gậy gộc…bước vào cuộc kháng chiến đi đến đánh đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn cõi Đông Dương, rồi tiếp tục đương đầu với chủ nghĩa thực dân kiểu mới suốt 21 năm nữa…

Chiến thắng 30-4-1975 ba mươi năm sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đã chứng minh cho dân tộc Việt Nam và thế giới thấy một chân lý: chỉ có sự hy sinh xương máu của những người cộng sản, những người yêu nước chân chính, đất nước ta mới thật sự có độc lập, tự do, dân tộc ta mới có quyền bình đẳng.

Ngày nay, đất nước đã độc lập, tự do, thống nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân cùng mưu cầu hạnh phúc bằng con đường đổi mới phù hợp với lòng dân, phù hợp với sự phát triển tất yếu của lịch sử. Thế nhưng kẻ thù của dân tộc, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội lại muốn Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo, muốn đất nước Việt Nam trở lại thân phận thuộc địa kiểu mới của phương Tây. Trước đây, họ ủng hộ chính sách cấm vận của Mỹ để đất nước Việt Nam bị suy kiệt, nhân dân bị chết đói rồi lại kích động các cuộc bạo loạn mang màu sắc tôn giáo, dân tộc để chế độ ta sụp đổ, để cho dân ta tiếp tục đổ máu giống như một số nước trong khối xã hội chủ nghĩa trước đây ở châu Âu. Nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận điều đó!

Vượt qua chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, vượt qua bao vây cấm vận, vượt qua diễn biến hòa bình…, với những thành tựu của sự nghiệp đổi mới hiện nay và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, dân tộc ta có quyền ngẩng cao đầu tự hào vì đã giữ cho bằng được quyền độc lập, tự do và bình đẳng ấy kể từ mùa thu lịch sử năm 1945. Lịch sử đã chứng minh rằng: nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ thì độc lập – tự do – hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ đến được với người dân Việt Nam!

Đoạn kết bản Tuyên ngôn độc lập 2-9 bảy mươi sáu năm trước:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(5), vẫn tiếp tục là lời thề của một dân tộc đã, đang và sẽ không bao giờ chịu cúi đầu chấp nhận lệ thuộc trước các thế lực ngoại bang.

Ngô Quang Láng

 

Chú thích

(1)- Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 9.

(2)- Hội nghị Cựu Kim Sơn (San Francisco) của 51 nước do Liên Xô, Mỹ, Anh, Trung Hoa triệu tập họp ở Mỹ từ ngày 25/4 đến 26/6/1945 để thành lập Liên hiệp quốc và công bố bản Hiến chương Cựu Kim Sơn tôn trọng quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc.

(3)- Tuyên ngôn độc lập, Sách đã dẫn, trang 12.

(4)- Thông cáo đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán, Văn kiện Đảng, tập I (1945-1954), Ban NC LSD TW xuất bản, 1978, trang 19.