Việc chung và việc riêng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dù đề cập đến rất nhiều vấn đề, song tựu trung, có hai mảng thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc riêng và việc chung. Sự phân bổ dung lượng cũng như sắp xếp thứ tự đề cập các nội dung của việc riêng và việc chung chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Tính chất “tuyệt đối bí mật” và sự cẩn trọng của Hồ Chí Minh trong quá trình viết Di chúc cho thấy mỗi sự sắp xếp thứ tự vấn đề, dung lượng nội dung đề cập, cả từng từ, từng dấu đều phản ánh tâm ý và di nguyện của Người.

Hồ Chí Minh có sự phân bổ dung lượng đề cập đến việc chung và việc riêng với một tỉ lệ nhất quán qua tất cả những lần viết, bổ sung, điều chỉnh. Dung lượng đề cập đến việc chung hơn gấp nhiều lần so với đề cập đến việc riêng. Xét về thứ tự đề cập, việc chung được Hồ Chí Minh nói đến trước; sau khi đã đề cập hết rồi mới dặn dò việc riêng. Về nội dung:

Ở khía cạnh việc chung, Hồ Chí Minh đề cập đến nhiều vấn đề: (1) Đảng cầm quyền; (2) Đoàn viên và thanh niên; (3) Nhân dân lao động; (4) Cuộc kháng chiến chống Mỹ; (5) Phong trào cộng sản thế giới. Hồ Chí Minh không viết rõ đây là “việc chung” nhưng tiêu đề và nội dung phản ánh điều đó. Ở mỗi chủ đề lớn của việc chung, Hồ Chí Minh đề cập đến những khía cạnh cụ thể trên hai phương diện: Đánh giá tổng kết và dặn dò, chỉ dẫn.

– Ở khía cạnh việc riêng, Hồ Chí Minh đặt hẳn tiêu đề rõ ràng “Về việc riêng”. Người nhìn nhận cuộc đời mình – “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận…”1, và bày tỏ nỗi niềm trăn trở khi về với thế giới người hiền – “tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”2. Câu cuối trong việc riêng, Hồ Chí Minh di nguyện: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”3.

Với dung lượng, thứ tự trình bày và nội dung đề cập, việc riêng và việc chung đã được thể hiện và giải quyết một cách khéo léo, hài hòa trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh dành trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới với phương châm “hiến cả cuộc đời cho dân tộc”; với mong muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; ngay trong phần kết Di chúc, điều mong muốn cuối cùng của Bác là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Tinh thần “dĩ công vi thượng” luôn được đề cao, đặt lên vị trí trước tiên, chi phối mọi nhận thức và hành động của Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện nhất quán trong suốt quá trình sống và hoạt động yêu nước, tham gia cách mạng. Viết Di chúc, Hồ Chí Minh cũng thể hiện rất rõ điều đó với việc đặt lên trước và dành dung lượng hơn gấp nhiều lần cho đề cập đến những việc chung. Tất nhiên, trong vài trang, không thể đề cập đến mọi vấn đề chung được, nhưng Hồ Chí Minh đã nói về những điểm trọng yếu một cách toàn diện, từ Việt Nam đến thế giới, từ Đảng đến nhân dân, từ thế hệ hiện tại đến chủ nhân tương lai của đất nước, từ xây dựng đến chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Những vấn đề chung này được viết ở tầm mức khái quát hóa cao, mang tính tổng kết, chỉ ra những vấn đề và dặn dò cách thực hiện để đi đến thắng lợi, qua cách diễn đạt rất đơn giản, dễ hiểu.

Quan tâm đến việc chung là vậy song Hồ Chí Minh cũng đề cập đến việc riêng. Đây là một trong số ít lần Hồ Chí Minh đề cập đến việc riêng của Người. Không khó để lý giải bởi đây là văn bản có tính chất Di chúc nên nhìn nhận cuộc đời và dặn dò việc riêng là điều đương nhiên. Mặc dù dung lượng ít, được đặt sau nhưng việc đặt hẳn tiêu đề “Về việc riêng” cho thấy Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh các tâm ý, di nguyện của mình đề cập trong nội dung này. Dù là ngắn nhưng Hồ Chí Minh đã nhìn nhận, tổng kết cuộc đời, thể hiện niềm trăn trở và dặn dò di nguyện việc an táng rất rõ ràng, cụ thể và chu đáo.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã giải quyết việc chung và việc riêng một cách chu đáo, cẩn trọng, rõ ràng trong Di chúc. Dù tách riêng ra từng phần nhưng giữa nội dung đề cập đến việc chung và việc riêng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, rất hài hòa, tạo nên sự liền mạch của nội dung chính trong Di chúc. Trong nội dung đề cập đến việc chung có nỗi niềm riêng: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”; “Phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; “Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”; “Tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em”4;… Nỗi niềm riêng đó lại chỉ nghĩ đến sự nghiệp chung, lợi ích chung mà hoàn toàn không một chút mảy may nào nghĩ cho riêng mình. Trong nội dung đề cập đến việc riêng, dù rất ngắn, Hồ Chí Minh lại cũng nghĩ cho cái chung, cho cách mạng, nhân dân và Tổ quốc – “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”5. Cái chung trong cái riêng, cái riêng trong cái chung – quan hệ biện chứng rất hài hòa, sắp xếp rất khéo léo, giải quyết rõ ràng.

CHÚ THÍCH:

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 623.
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 623.
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 623.
  4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 621 – 624.
  5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 623.

Nguyễn Phương An
(Ảnh tư liệu)