Khúc ca trên sông vắng
Mỗi năm, khi cơn gió Nam đưa nước lớn về, cánh đồng quê tôi lại trổ vàng bông điên điển. Nhà tôi day lưng về phía bờ sông, nơi những cây điên điển chen nhau mọc. Ba tôi nói, điên điển có bộ rễ chùm, trồng sau nhà chắn sóng rất tốt. Tôi chẳng cần biết bộ rễ của nó như thế nào, chỉ cần mỗi buổi chiều, cứ việc ra sau nhà hái một rổ bông vàng tươi vô nấu canh chua cá lóc là tôi khoái. Ký ức tuổi thơ tôi không thể thiếu sắc vàng của loài hoa dung dị ấy!
Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm, không có lấy một cục đất chọi chim. Ba mẹ tôi lại sanh nhiều con, cả thảy mười đứa vừa trai vừa gái. Tôi là con út trong nhà. Có lẽ, vì thế nên tôi không phải chịu đựng những cơ cực mà ba mẹ, anh chị tôi đã trải. Cả nhà tôi ai cũng phải ra đồng mần mướn kiếm miếng ăn. Quanh năm suốt tháng chỉ biết sống trong đồng trong bái, ít khi được ở nhà. Mùa khô còn đỡ, thà cực mà không sợ đói. Tháng nước mới là mối lo lớn.
Mùa nước, ba tôi với mấy anh đi giăng câu. Mẹ tôi và mấy chị thì đi hái bông điên điển bán. Tôi thường theo mẹ lắm. Nói là đi theo mần tiếp mẹ nhưng thật ra tôi chỉ theo chơi. Mẹ nói, tôi theo cho vui, nói chuyện cho mẹ nghe để mẹ đỡ mệt. Thường thì hai mẹ con bơi xuồng đi từ sáng sớm, hái đến khi mặt trời đứng bóng mẹ mới nghỉ tay. Mẹ múc nước lạnh chan chén cơm nguội đem theo, ăn với mấy cục muối rồi tiếp tục bơi xuồng đi bán mớ bông điên điển vừa hái được. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được tiếng rao trong trẻo mà khắc khoải của mẹ. Nhiều khi đi ngang mấy khúc sông vắng, mẹ không rao nữa mà cất lên một câu hát nghe buồn não ruột. Tôi hỏi sao mẹ ca nghe buồn dữ vậy? Mẹ nói, nhờ mẹ ca buồn vậy ba con mới thương mẹ đó! Rồi mẹ cười. Cái cười hiền từ, khắc khổ.
Thường thì bán hết mớ điên điển là trời chiều. Mẹ tranh thủ ghé chợ đong mấy lon gạo về nấu cơm. Mẹ cũng không quên mua cho tôi một cái bánh in, bánh da lợn hay vài cục kẹo. Rồi hai mẹ con cùng bơi xuồng về. Cả nhà tôi lại quây quần bên bữa cơm chiều đạm bạc. Đó là những bữa trời yên gió lặng, gặp cỡ trời bão, cả nhà tôi không ai dám bơi xuồng vô đồng. Hơn chục con người xúm xít trong căn nhà chật hẹp nhìn nhau ngao ngán. Lon gạo cuối cùng cũng nấu hết. Cả nhà lại ăn độn rau muống, bông súng trừ cơm chờ trời yên gió lặng. Mấy cây điên điển sau nhà cũng oằn mình theo từng đợt gió, những chùm hoa vàng tơi tả, xác xơ…
Mấy năm gần đây, cánh đồng quê tôi được bao đê để làm ba vụ. Mùa lúa xong thì mùa rẫy tới, công ăn việc làm cũng nhiều. Nhà tôi nhờ vậy cũng không còn thiếu trước hụt sau. Hàng điên điển sau hè ba tôi chặt hết vì không còn sợ sóng tạt vào nhà nữa. Lâu lắm rồi tôi không còn được nghe tiếng rao của mẹ văng vẳng một khúc sông! Và mãi mãi, tiếng rao ấy chỉ còn trong ký ức! Mẹ tôi đã qua đời sau một cơn bạo bệnh, để lại trong tôi nỗi đau vô bờ bến. Ngày mẹ về trời, mưa rơi trắng cả một khúc sông… Năm nay, nước lũ lại về ngập cánh đồng quê tôi. Những đám điên điển lại đua nhau nở hoa vàng rưng rức. Quanh ngôi mộ mẹ tôi, ba cũng trồng mấy hàng điên điển. Có lẽ, ba không muốn sóng vỗ làm mẹ trở giấc?! Chiều, tôi ra nơi mộ mẹ, nhìn những bông hoa vàng đu mình trong gió mà lòng thấy xốn xang. Những kỷ niệm êm đềm của một thời tuổi thơ bên mẹ lại ùa về trong tôi mãnh liệt. Bất giác, tôi nghe như tiếng rao của mẹ còn lanh lảnh đâu đây!
Trương Chí Hùng
(Ảnh: La Lam)