Hội mái ấm Tình thương huyện Châu Thành, ấm những tấm lòng
Châu Thành là huyện nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, với diện tích tự nhiên là hơn 35.500 hecta, trong đó đất nông nghiệp là khoảng 30.700 hecta, chiếm 86{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} diện tích tự nhiên. Toàn huyện có khoảng 170.910 gồm 4 dân tộc sinh sống: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản nên từ đó hộ nghèo và cận nghèo, hộ khó khăn còn khá cao, có khoảng 1.800 hộ nghèo và 2.600 hộ cận nghèo. Với phương châm “lá lành đùm lá rách”, những năm qua, phong trào xã hội từ thiện trên địa bàn huyện luôn diễn ra sôi nổi như: phong trào vận động quỹ cây mùa xuân, quỹ hậu phương quân đội, cất cầu, làm đường, bếp ăn miễn phí… Khi tìm thông tin để viết bài về phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tôi lại cảm thấy xúc động hơn hết là phong trào cất nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Bởi lẽ ông bà ta có câu “an cư, lạc nghiệp”, vì chỉ khi có mái nhà ấm áp, lành lặn, vững chãi trong mưa dông, thì bà con mới an tâm lao động sản xuất. Tuy nhiên, để có được một mái nhà che mưa che nắng vững vàng thì không phải ai cũng có khả năng. Có những người quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng bữa cơm no bụng còn khó, huống hồ gì sửa căn nhà, tính ra tiền triệu là cả một mơ ước lớn lao. Trước khó khăn của bà con nghèo nhiều phong trào cất nhà từ thiện xuất hiện nhưng hoạt động riêng lẻ, độc lập, dẫn đến khó khăn trong việc vận động kinh phí từ các mạnh thường quân. Nhận thấy cần có một tổ chức có thể huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, và cũng có địa chỉ để các mạnh thường quân đóng góp, thường trực huyện ủy Châu Thành lúc bấy giờ gồm đồng chí Hồ Văn Răng, Nguyễn Tiếc Hùng, Nguyễn Văn Ngại cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Châu Thành, các ban ngành, đoàn thể với sự gợi ý của đồng chí Lê Văn Nưng, Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn (nay là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang), ngày 5 tháng 3 năm 2014, Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành ký quyết định công nhận ban vận động hội “Mái ấm tình thương” và đến ngày 3 tháng 6 năm 2014 Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 473 chấp thuận cho việc thành lập “Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành”, trụ sở chính đặt tại ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành. Từ đó đến nay, Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành đã hoạt động hơn 4 năm, tặng hơn 1000 bộ cột cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với giá trị quy đổi khoảng 2 tỷ 800 triệu đồng. Sau khi Hội Mái ấm tình thương quyết định tặng cột cho một hộ gia đình thì chính quyền địa phương sẽ phối hợp vận động thêm kinh phí để giúp các gia đình hoàn thiện ngôi nhà có chi phí từ 40 đến 50 triệu đồng, với độ bền từ 10 đến 20 năm, so với chất lượng trước kia thì lâu bền gấp 2 đến 3 lần. Nhưng điều làm tôi quan tâm và muốn tìm đến Hội Mái ấm tình thương nhiều hơn là nghe người bạn chỉ đường nói đa số những hội viên đang tham gia tại “Mái ấm” chủ yếu là các cụ già. Và số lượng hội viên người cao tuổi tăng hằng năm, nếu như vào năm 2014 số lượng hội viên khoảng hơn 100 người, thì đến năm 2018 đã tăng lên khoảng 142 hội viên. Mà đặc biệt, đa số là các hội viên đều lớn tuổi (từ 60 đến 70 tuổi), hàng tuần các hội viên cùng với bà con nhân dân ai có tấm lòng thiện nguyện sẽ đến tại trụ sở Mái ấm tình thương để tham gia đổ cột.
Tôi tìm đến hội Mái ấm tình thương vào một ngày đầu hè nắng chang chang như đổ lửa, gió từ con rạch Long Xuyên thổi lên mát rượi nhưng cũng không xua được cái nóng hầm hập trong Mái ấm, tiếng cắt sắt nghe chan chát, tiếng hàn sắt vang lên đều đều càng làm cho không khí thêm ngột ngạt. Ở bên trong hội mái ấm khoảng hơn 60 cô chú lớn tuổi đang lúi húi kéo sắt, cắt sắt, trộn hồ, đổ bê tông, đổ cột… Vừa làm các cô, chú vừa nói chuyện rôm rả về vụ đông xuân sắp tới, về đứa cháu chuẩn bị vào đại học… Thấy khách lạ dừng xe, một cô khoảng chừng 60 bước ra chào khách, khi nghe tôi trình bày lý do mình đến đây để tìm hiểu về hoạt động thiện nguyện của các cụ cao tuổi, cô giới thiệu cho tôi gặp ông Hồ Quang Hoài, chủ tịch Hội Mái ấm tình thương, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành.
Chú Năm (ông Hồ Quang Hoài) cho biết: Hiện hội mái ấm tình thương có 5 tổ: hậu cần, bẻ co, kéo sắt, buộc khung, kỹ thuật. Bao gồm các công việc kéo sắt, bẻ co, buộc khung, trộn xi măng, đổ cột, nấu ăn… tùy theo sức khỏe, khả năng mà hội viên tham gia vào tổ phù hợp. Kinh phí để duy trì hoạt động của hội thì tất cả đều do các mạnh thường quân đóng góp, điển hình có thể kể đến như ông Nguyễn Tấn Danh, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác và chế biến đá An Giang; ông Phạm Văn Thọ, nhà máy xay lúa Vọng Đông; doanh nghiệp tư nhân Tiến Khoa… Thức ăn cho các hội viên và bà con nhân dân vào ngày đổ cột thì đa số do bản thân hội viên đóng góp hoặc là bà con cho gì dùng đó từ rau, củ, cho đến nước tương, tàu hũ, cà phê… chú cũng nhấn mạnh, hội hoàn toàn không có một nguồn quỹ nào, tất cả những nguồn hỗ trợ đều được công khai, minh bạch. Sau một thời gian hoạt động, thấy hội mái ấm làm việc có hiệu quả, bà con chủ động tham gia đóng góp ngày càng nhiều. Theo thống kê của Hội Mái ấm tình thương sau 4 năm hoạt động từ năm 2014 đến năm 2018, Hội đã nhận hơn 6.000 miếng tàu hũ, gần 3000 kg gạo, hơn 3100 kg rau quả các loại… ngoài ra còn vận động công ty Ngọc Tùng hỗ trợ hàng trăm bộ tol để hoàn chỉnh căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Để việc tặng cột cho các hộ gia đình đảm bảo công bằng, hàng năm, các xã, thị trấn trên cơ sở họp, bình xét công khai, dân chủ báo cáo về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện nhu cầu nhà ở của địa phương mình. Sau đó, mặt trận huyện thống nhất tiến hành cấp phát các bộ cột về địa phương, địa phương sẽ vận động các mạnh thường quân và gia đình đối ứng thêm kinh phí để mua thêm vật tư để hoàn thiện căn nhà, kế đến, các đội thi công thiện nguyện ở địa phương sẽ thi công cất nhà cho các hộ. Đối với các xã không có đội thi công thì Mái ấm sẽ cử đội thi công của chú Nguyễn Văn Mạnh đến cùng tham gia lắp, dựng.
Tôi đem thắc mắc của mình hỏi chú Năm: “Sao con thấy ở đây toàn các cô chú lớn tuổi thì làm sao làm nổi mấy việc nặng hả chú?” Nhấp một ngụm trà thấm giọng chú Năm Hoài cho biết: “Do bà con ở đây đời sống còn nhiều khó khăn nên những người trẻ đều lo đi kiếm sống, chỉ có mấy cụ lớn tuổi sau khi rảnh rỗi thì lại đây làm từ thiện, tùy theo sức của mình mà làm thôi con, mấy cụ bà thì bẻ sắt, nấu cơm, mấy ông thì khiêng đá, trộn hồ, đổ cột… khi mệt thì nghỉ lấy sức làm tiếp”. Mặc dù là làm công việc thiện nguyện nhưng mà ai cũng chăm chút từng công đoạn để cho ra một bộ cột đẹp, chắc chắn, chú Năm vừa nói người chỉ tay về hướng một bác lớn tuổi đang gạt từng viên đá dư ra khỏi cây cột vừa được đổ, đó là chú Ba Mạnh, phụ trách kỹ thuật… “ổng” kỹ lắm, làm chắc, nhưng phải đẹp, chứ không làm đơn sơ qua loa đâu.
Được chú Năm đồng ý cho đi xung quanh để coi các cụ làm và chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, tôi đi qua khu lấy đá, cát để trộn hồ. Mặc dù không phải là giữa trưa nhưng nắng gay gắt, hai chú cứ thay nhau xúc từng len đá, cát bỏ vào thùng, để các chú khác khiêng vào khu trộn xi măng. Không có thùng đá, thùng cát nào hơn phân nửa nhưng sức nặng của chiếc thùng đủ làm cho những ông cụ trên 60 bước đi xiêu vẹo, mồ hôi thi nhau đổ xuống ướt đẫm cả lưng áo bạc màu.
Cách đó không xa là khu đổ cột, các mẻ hồ sau được trộn xong được các chú thay nhau khiêng vô và đổ vào các khuôn cột đặt sẵn. Người này mệt thì người khác lại thay, các khung cột khi nãy còn nằm không, giờ đã đầy ắp xi măng. Theo chú Nguyễn Văn Mạnh, phụ trách kỹ thuật của Hội Mái ấm thì cột sau khi đổ xi măng vào để một thời gian cho khô rồi khiêng qua bên khu dự trữ, khi nào có nhu cầu thì sẽ phân loại cột rồi tặng cho các hộ.
Rời khu đổ cột tôi vào khu vực bếp để gặp các cô các chị đang tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa. Không khí trong bếp oi nồng hơn bên ngoài do mấy cái nồi canh, nồi kho cỡ lớn đang sôi sùng sục. Mặc dù vậy nhưng các cô, các bà luôn tay. Người thì múc đồ ăn, người thì xới cơm, nói cười rộn rã. Khi nghe tôi kể là đi ghi nhận về những tấm gương thiện nguyện, các cô đều xua tay, vừa cười bẽn lẽn vừa nói “không có gì đâu con ơi, nhà cũng gần đây nên lại đây “xúm lại” nấu cơm bẻ sắt tiếp các chú người một tay một chân cho nhanh chứ có gì đâu mà viết báo, viết truyện”. Tôi phải năn nỉ lắm thì mới có một người đứng ra trả lời, bà tên Huỳnh Thị Tư năm nay 76 tuổi, tham gia vào hội từ khi được thành lập đến nay, cứ vào mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật khi hội mái ấm bắt đầu tổ chức đổ cột, thì bà cũng đi đến để nấu cơm hoặc là đập sắt tiếp. Tôi hỏi: “bà lớn tuổi như vậy lại đi làm có mệt nhiều không?” Bà cười trả lời: “đi quen rồi nếu tới thứ bảy, chủ nhật mà mệt trong mình không lại được thì thấy khó chịu lắm, phải đi lại đây làm chung với mọi người mới thấy khỏe”.
Theo chú Võ Văn Cửu, phụ trách tổ hậu cần cho biết: “tất cả đồ ăn ở đây đều là món chay, ngoài bữa ăn chính thì các cô, các chị còn nấu thêm bữa phụ, làm rau câu, nước uống….”. Đang trò chuyện rôm rả thì tôi nghe bên ngoài ồn ào, mọi người bỏ chạy ra để xem có chuyện gì, thì có một ông cụ bị mũi dao cắt sắt trúng, máu chảy khá nhiều nhưng ông cụ vẫn kiên quyết không muốn đi trạm xá nói băng bó sơ là được. Khuyên giải không được, một ông chú ngồi phía trước chở một người ngồi phía sau “áp giải” ông cụ lên trạm y tế. Có tận mắt chứng kiến hoạt động của Hội Mái ấm tình thương thì mới thấy được từng bộ cột được cho đi không chỉ mồ hôi mà trong đó còn có cả máu, tấm lòng của những người tham gia làm công tác thiện nguyện.
Đối với các cô chú làm từ thiện ở Hội Mái ấm tình thương khi cho đi công sức của mình, các cô chú luôn tâm niệm “Thi ân bất cầu báo”, coi đó như là một chuyện dĩ nhiên, nhưng còn đối với người nhận đó là cả một niềm hạnh phúc lớn lao.
Rời hội mái ấm tình thương tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Kim Nương, một hộ may mắn được hỗ trợ bộ cột của hội mái ấm cách không xa. Đón khách là một người phụ nữ ăn vận lôi thôi, ánh nhìn dò xét. Khi tôi hỏi đây có phải là nhà của chị Kim Nương không? Chị khẽ gật đầu nhưng ánh nhìn vẫn không rời khỏi tôi như muốn dò xét điều gì đó. Nghe có khách ghé thăm, một chị phụ nữ tất tả từ bên kia đường chạy qua, rối rít xin lỗi “tại con Nương bị bệnh, em đừng trách”.
Rồi chị cho biết chị là Trần Thị Kim Yến, chị ruột của Nương, đưa ánh mắt xa xăm, giọng buồn buồn chị kể. Chị Nương đã bị bệnh tâm thần đến nay hơn 10 năm, chị Nương đang sống cùng đứa con trai năm nay khoảng 18 tuổi, con trai của chị Nương đi làm đủ thứ nghề từ làm hồ, giữ vịt, ai thuê gì làm đó để có tiền lo cuộc sống cho hai mẹ con. Cuộc sống khó khăn lắm, trước đây khi thằng bé còn nhỏ chưa làm có tiền, cơm gạo hàng ngày là do bà con hàng xóm giúp đỡ. Chị Yến chỉ cái nhà nhỏ đang làm nhà kho gần đó nói, đó là cái nhà của mẹ con nó lúc trước, (nói là nhà cho sang chứ thực chất đó giống như một cái chòi nhỏ làm bằng tre, lá), cứ mưa tới là mẹ con không có chỗ ngủ, giữa đêm chạy xuống nhà tôi tá túc ké. Tôi nhìn về hướng tay của chị chỉ, đúng là căn nhà bé tẹo, bề ngang khoảng hơn 3m, bề dài chắc cũng cỡ đó, xiêu vẹo, tôi nghĩ thầm “đúng rồi, căn nhà bé tí tẹo như vậy, không bị những cơn mưa đầu mùa đánh sập cũng đã là kỳ tích”.
Chị Yến tiếp lời: “Tôi làm chị thương lắm, nhưng hoàn cảnh của tôi cũng thiếu trước hụt sau không dư giả gì nên không thể nào giúp đỡ nó được”. Đôi mắt rưng rưng, chị nói tiếp: “nhưng nhờ có mấy cô chú bên Hội Mái ấm và cán bộ ở xã hỗ trợ được căn nhà này cho mẹ con nó che mưa tránh nắng, cho thằng nhỏ đi làm không sợ mưa giông sập nhà”. Nhưng không thể kìm nén được chị bật khóc, nắm tay tôi nói: “thiệt tình mừng lắm, cảm ơn các vị mạnh thường quân các cô chú trên xã đã giúp đỡ cho con Nương có được căn nhà khang trang, hết cảnh mưa dột”. Tôi nhìn chị Nương đang quét đi quét lại căn nhà mới cất, thỉnh thoảng chị ngồi xuống lau lau những vết bụi, rồi dựa vào vách cười cười như vui lắm, nhưng không diễn tả được thành lời. Chị Yến tiếp lời, nó cứ bệnh như vậy, con nó thì chỉ làm đủ ăn huống hồ nghĩ tới chuyện sửa nhà, sửa cửa… Tôi làm công tác viết tin, bài nhiều năm, tôi từng thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng ở hoàn cảnh của chị tôi mường tượng đến cảnh một thuyền con đơn lẻ, đang cố gắng chống chọi giữa những con sóng đời bạc đầu. Nếu chị không có người con trai để tựa vào, không biết con thuyền đời của chị trôi dạt đến nơi nao. Tôi lặng lẽ nhìn chị, không dám lên tiếng vì sợ, sẽ phá vỡ đi cái không khí bình yên đến lạ. Chị Nương vẫn vậy, vẫn nụ cười không vướng chút ưu tư, nhưng người thấy lại đầy tâm trạng.
Tôi rời nhà chị Kim Nương mà trong đầu mang theo một suy nghĩ, nếu Hội Mái ấm tình thương không hỗ trợ kịp thời, nếu chính quyền địa phương không thông tin kịp để các vị mạnh thường quân hỗ trợ thì chắc mùa mưa này chị và con trai lại tiếp tục cảnh mưa dột, nửa đêm gõ cửa nhà chị gái ở nhờ. Và nếu như không có những cụ ông, cụ bà mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tham gia công tác xã hội từ thiện thì những bộ cột không thể hoàn thành để tặng cho những gia đình cần lắm một mái nhà. Tôi chợt nhớ đến “lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” của chủ tịch Hồ Chí Minh được viết vào tháng 6 năm 1941. Người nêu rõ: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh vác trách nhiệm rất nặng nề…” Thật vậy, những đóng góp của các chú, các bác, các cô đã góp phần làm cho nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, những cây cầu bê tông thay thế cho cây cầu khỉ lắc lẻo ngày xưa, để các em đến trường được thuận lợi, an toàn. Những cô năm, thím bảy, bà ba, ông sáu, góp từng miếng tàu hũ, từng ký rau, ký đường… có thể đó là số tiền tiết kiệm được của gia đình đem vào chia sẻ với hội viên trong mái ấm, những đóng góp không mang giá trị vật chất, nhưng mang giá trị tinh thần to lớn. Như chú Năm Hoài đã nói: “Thương lắm, có những hội viên cách xa mấy chục cây số nhưng cứ đến thứ bảy, chủ nhật lại đạp xe lặn lội đến đây để tham gia cùng với hội, các anh chị cũng đem theo gạo, muối, đường để đóng góp cho hội Mái ấm tình thương duy trì hoạt động”. Ngày nay, giữa thời buổi kinh tế thị trường tất cả điều được đong đếm bằng lợi ích kinh tế, thì ở “ Hội Mái ấm tình thương” huyện Châu Thành lại đong đầy những tấm lòng nhân ái, sự cho đi mà không cần báo đáp. Các cụ vui vì giúp được người, thậm chí khi được hỏi vì lý do gì chọn công việc từ thiện thì các cụ cũng chỉ cười xoà, vì đó là cái tâm, cái mong muốn được làm, cứ như nó là trong máu, trong bản chất- Dẫn lời chú Võ Văn Cửu. Các cụ học Bác, tiếp nối tư tưởng của Bác không bằng những lý luận mênh mông, mà bằng những việc làm thiết thực cụ thể để giúp cho đời. Những đóng góp của cô chú âm thầm, lặng lẽ không cần tượng đồng, bia đá, nhưng góp phần lớn trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước.
Xin mượn lời Bác Hồ nói về các cụ:
“Tuổi già nhưng trí không già,
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”
Tôi hi vọng trong thời gian tới các chính quyền địa phương cùng với bà con nhân dân sẽ tiếp tục chung tay để Hội Mái ấm tình thương được duy trì và ngày càng có nhiều bộ cột chất lượng được làm ra giúp vơi đi những khó khăn cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, để không còn cảnh nhà tranh vách lá xiêu vẹo trong nắng mưa.
Bích Thủy
Thất Sơn số 253