Nước mắt chảy xuôi

Nền mộ hiện dáng dần dần trên bãi cỏ. Cô nhớ  lại cái nấm đất nhỏ như đụn đất heo ủi mà cô từng nghĩ là mộ con mình. Cảm giác cũng giống bữa  nay.

Chỉ có điều lúc ấy cô không nghĩ gì nhiều. Còn lúc này cô hơi bối rối. Cái mắt nhỏ xíu của nó thụt sâu quá nên khi nó chết không biết cô đã vuốt mắt nó rồi hay chưa. Nhiều khi cô thấy mình hồ đồ không chịu nổi. Dù đã kê sát tai vào ngực nó, cô chỉ nghe một tiếng thở nghèn nghẹn của mình và cái lạnh toát ra từ lòng ngực đứa nhỏ. Cô cứ tự hỏi mình hoài. Không biết mình có nghe lộn không? Hơi thở nó mỏng quá như không thở, cả nhịp đập của tim cũng mong manh như tiếng đàn bằng tơ nhện – Có khi nào cô và mấy người trong trại không nghe được a thần phù đem chôn nó không? Có thể lắm. Vì nào có ai nghe được tiếng đàn bằng tơ nhện?

Đối với Trân, mỗi đứa nhỏ trong trại ra đi là mỗi lần cô nhìn kỹ hơn về tuổi trẻ của mình. Thời nồng nàn với vòng tay dạn dày của Tạo. “Tình yêu chúng mình sẽ đưa mình lên cung trăng”. Trân cười. Câu nói không có chút hồn vía nào vậy mà Trân cũng ngây ngất. Mà thật ra Tạo nói đúng đoạn đầu, khi cái bụng bầu chưa đội áo. Đoạn còn lại Trân độc lập diễn, độc lập suy diễn. Trân rối rắm không chịu nổi, lần dò đi kiếm Tạo.

Trân không gặp Tạo, chỉ nhận được một lời nhắn: “Ba em nói tôi còn gặp em sẽ đem chôn sống em”.  Người cha nào cũng thừa sức nói câu đó khi nghe tin con gái danh giá của mình đã thúi từ trong bụng thúi ra. Dù trong bụng là một mầm sống.

Cũng phải tiếc chớ. Có một đứa con gái xinh đẹp nhu mì, ba có quyền hãnh diện. Trước nhà Trân, những chàng trai tự chấm mình ở mức khá cho tới hoàn hảo đều ngấp nghé muốn vô. Ba đã vừa ý anh chàng Thái, con trai phó chủ tịch thị xã. Trân nói anh đó nhìn không cảm tình. Ba hỏi: “Nó có bị cùi đui sứt mẻ gì không? Con cưng mà thịt da chắc lọi, mặt mày sáng láng. Y như tướng ba nó. Lại làm quan cho coi. Nghe nói cưới xong họ sẽ chia cho thằng con trai ba căn phố liền nhau, ngay mặt tiền con đường bự nhất thị xã”. Có khi ba đã cười một mình lúc nghĩ tới ngày được tay bắt mặt mừng, ngồi chung chiếu sui gia với một người có máu mặt. Vậy mà cái bụng Trân lại đổ nợ.

Từ nhà Tạo về, Trân bước vô nhà như một dề lục bình trôi lúc nước lưng chừng lớn. Ba nằm đọc báo trên ghế bố, kéo trễ cái soi xuống tận cánh mũi, cắm vào mặt Trân một cái nhìn. Như Trân là cái gai đâm từ trong mắt đâm ra.

Hồng Trân nghe hai bên tai mình như có gió thổi rất mạnh, ù  ù và vỡ oà tất cả liêm sĩ trong lòng. Cô có cảm  giác hình như ba có mặt ngay lúc đó, găm găm cái nhìn theo đôi mắt nhắm nghiền của Trân, theo đôi tay gấp rút  say sưa của Tạo. Để rồi nghiến răng trèo trẹo khi hai đứa rên siết trong hơi thở trộn vào nhau. Những háo hức, những ngọt ngào lúc nằm trong vòng tay Tạo chợt như ngọn lửa hừng hực bị dội một gáo nước lạnh ngắt. Lửa kêu cái xèo rồi tắt ngúm. Và mớ tàn tro nặng như chì hất ngay mặt Trân, chèn ép lòng ngực Trân.

***

Cơn đau đầu tiên ào tới khi Trân đang bưng trên tay mâm chén. Nghe tiếng chén bể, ba nhóng đầu ra khỏi phòng. Nhác thấy bóng Trân ôm bụng oằn người sang một bên, ông lia ánh mắt lòng trắng nhiều hơn lòng đen rồi  tiếp tục đọc báo.

Những cơn đau như thế cứ độ mười lăm, hai mươi phút lại tới một lần, kéo dài hơn hai ngày. Bà mụ vườn nhìn cái bụng không chịu sụt, cao lêu nghêu ở dạ trên của Trân, nói như nín thở:

– Hồi có bầu cổ không chịu đi lại, giờ cổ tử cung nở chậm lắm. Đưa cổ đi bệnh viện đi! Kẻo…

Ba bước tới, lại kéo trễ cái soi xuống sóng mũi:

– Bà cứ lo việc bà! Không đi đâu hết. Ởnhà… đã thúi um cả xóm, mang mặt vô bệnh viện cho cả thị xã biết mùi hả?

Rồi Hồng Trân cũng tỉnh sau hai giờ lã đi. Mẹ ngồi bên giường chắp tay trước ngực vái lia lịa:

–  Mô phật! Nhờ phước đức ông bà. Con thấy trong mình sao rồi con…?

– Con con đâu má? – Trân nghiêng người nhìn khắp phòng

– Bỏ rồi?

– Bỏ… là sao má? -Trân bật ngồi dậy

– Ơ không! Nó… chết rồi. Dị tật nặng lắm.

Trân uể oải gieo người xuống giường, nhìn lên trần nhà không chớp mắt. Chắc vậy rồi, lúc mơ mơ màng màng cô có nghe tiếng bà mụ. “Con gái, thiếu cân mà còn dị tật nữa”. Cô lại chồm người  bật dậy.

– Chôn nó ở đâu, má?

Người mẹ giật mình, tránh ánh nhìn con gái:

-Thì… ở ngoài hè.

– Con muốn đi thăm nó?

– Bây giờ? Nhưng… con còn yếu lắm, vài ngày nữa hẳn đi!

Cũng được! Dẫu gì nó cũng chỉ là nấm mồ, có thể chạy đi đâu mà gấp.

Nấm mộ nhỏ xíu như một đụn đất heo ủi. Trân nghe nói con mình thiếu cân nhưng không hình dung nó nhỏ cỡ nào. Bằng bắp chân, bằng cổ tay hay chỉ bằng ngón tay út? Nó đã làm cô đau kinh khiếp. Cô chỉ mang máng nhớ có một vật thể cồm cộm chui tọt ra… Trân lượm đất xung quanh đắp thêm lên cái mộ, sửa lại vài chỗ cho cân đối. Bà mẹ ái ngại:

– Mộ con nít mà, vậy được rồi. Con vô nhà nghỉ đi, còn non ngày non tháng lắm!

Trân nằm im trên giường, không trở mình trằn trọc. Lòng nhẹ hững như một người bệnh nan y nay trút được hơi thở sau cùng, hồn thoát được khỏi cái xác nồng nặc mùi bệnh hoạn… Nỗi buồn thi thoảng nhói lên khi cô bất chợt thấy má ngồi thẫn thờ nhìn lưng mình. Thấy ánh nhìn của Trân, bà giật mình lặng người quay mặt đi, kín đáo đưa một tay kéo vạt áo chậm nước mắt. Chắc là má xót cho phận lỡ làng của Trân. Thấy thương má. Mà má biết không, thời buổi bây giờ dẫu hư kiểu gì thì con vẫn lấy được chồng, lo gì hả má? Má coi, con còn đẹp lắm? Cái dáng gái một con vẫn tròn quây săn chắc…

Trân còn đẹp, mọi người đều công nhận vậy. Ngày ngày yên tâm ôm gối chờ một người không ngại câu cũ người mới ta tới rước đi. Mà đi tới bến bờ nào có trời mới biết. Cuộc sống cứ trôi đều đều đến độ Trân nghe được tiếng ngáy ngủ của cuộc sống.

Rồi một ngày tiếng ngáy kia ngừng bặt khi Trân cùng má đi chợ. Phía đầu chợ, một gã đàn ông, có gương mặt rạm đen, cầm xấp vé số chen trong nắng mời mấy người chạy xe ôm. Mồ hôi áo trên mặt ông một lớp bóng nhẩy. Nhìn màu da đó cứ tưởng nắng thêm một chút nữa lớp nhớt trên mặt sẽ sôi. Má đi trước một đỗi ngừng lại chờ hỏi con kiếm mua gì mà dòm dữ vậy. Cô chỉ tay:

– Má, sao mà có người đen dữ hé má, nhìn mặt ổng dữ dữ sao đâu.

-Thì bán vé số phải giang nắng… – Má sững người nhìn ông.

Má biểu Trân ngồi coi chừng giỏ đồ, đợi má đi đằng kia mua ít kim chỉ. Có một thứ linh tính nào đó thúc cô đi theo má. Má cô đang đứng bên  trong một con hẻm, tay nâng tay ông  bán vé số… Dáng má thành khẩn quỵ luỵ, nhét vào tay ông một món tiền:

– Tôi kiếm chú cực khổ quá. Chú làm ơn chỉ giùm cháu tôi ai nuôi để tôi tới đó dòm coi cháu khỏe không?

Ánh mắt ông bán vé số nhìn món tiền như con chuột cống bị dính phải keo diệt chuột (thứ thiệt). Ông dùng hết sức bình sinh bứt ra, oằn oại khổ sở. Cuối  cùng ông cũng làm được cái việc khó khăn ấy cùng lúc với việc bứt tay khỏi bàn tay người mẹ:

– Tôi làm sao biết nó ở đâu. Bà thấy đó, nó bị què mà… Ai dám nhận nuôi một đứa con gái mới đẻ mà còn què… Cháu ruột bà còn bỏ được huống gì là tôi… Tôi… để nó ngoài vườn bông chỗ  bệnh viện…

– Trời, sao lại…? Má Trân chỉ kịp thét lên như thế rồi rũ người bệt xuống vệ đường.

Ông bán vé số quay người bỏ chạy, đâm sầm vào Hồng Trân. Cô đứng như trời trồng, hai hàng nước mắt đang đua nhau chảy, giọt trước đuổi giọt sau rồi cuối cùng đọng lại ở cằm, nhiễu độp xuống hè đường…

***

Trân như người bị thôi miên, đi theo tới mấy ngả đường, mắt không rời khỏi mẹ con người đàn bà. Người phụ nữ tay đang dắt tay bé gái độ tám tuổi, không hay có người đang theo mình. Đứa bé đi sau mẹ một chút, bước thẳng bước nghiêng. Họ quẹo vào cổng một cơ sở gì đó. Trân nhìn lên địa chỉ. Trung tâm…? Tim cô thắt một cơn mạnh nhưng mắt chợt sáng. Bất chợt cô phát hiện mình là người ngu lâu. Gần mười năm tìm kiếm sao cô không nghĩ đến những chỗ như vầy?

Cổng trại khép hờ. Hồng Trân đẩy nhẹ,  nó bật mở. Cô đảo mắt. Phía cuối sân có vài tiếng trẻ đang giỡn nhau. Trong số đó có hai đứa độ tám chín tuổi đều có những bước chân đi như sắp té. Hồng Trân không biết đứa nào là đứa vừa đi ngoài đường, càng không thể biết trong số đó có đứa nào là con cô không?

Diệu Linh và những người trong trại rất ngạc nhiên về sự có mặt của Trân. Trại, ngoài lũ trẻ có những dáng đi không bình thường, có những triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm, kể cả lao, kể cả HIV, chưa từng có mặt người đẹp như Trân.

Trân làm quen với không khí ở đây rất mau. Cô không còn miên man nghĩ đứa nào là con của mình. Cô nhìn thấy trong từng đứa đều có những nét quen thuộc. Con bé Hiền hình như có nụ cười giống cô, bé Thu Dung có mái tóc mật quăn tít như cô hồi nhỏ. Chúng giống nhau ở chỗ đều bị bỏ tại bệnh viện khi mới sinh được vài giờ, có khi là chỉ vài phút.

Mỗi sáng, sau một đêm trở mình liên tục, cô lắc đầu, vươn vai một cái, tát một ít nước lên mặt cho tươi tỉnh rồi gọi các bé dậy tập thể dục? Những lúc này mắt Hồng Trân sáng nhất, cười  tròn trịa. Hồi Thu Dung còn sống nó cũng thắc mắc hoài:

– Lúc nhìn tụi con tập thể dục thấy má Trân đẹp quá trời!

Cô lại cười, đưa tay vuốt nhẹ, lắc lắc cái mũi nhỏ xíu của nó, vuốt mấy sợi tóc mật lơ thơ của nó, biểu nó nhún người mạnh lên… Thu Dung vừa lắc mình vừa chạy lăng xăng, tiếng nói của nó rớt theo nhịp bước:

– Tụi con phải tập giỏi mau lớn, đẹp như má Trân, hé má?

Hồng Trân lãng nhìn hướng khác, những tia máu trong mắt cô căng  lên, nhìn mỗi lúc một rõ, đỏ hoe. Dù lãng tránh cô cũng thấy rất rõ.

Nó, gương mặt xao xác, cái mũi nhỏ gầy tọp trên một viền môi mỏng tăng như sắp đứt ra, thừa hưởng vô tư  sự sống lượm lặt, héo xào. Nó không còn reo réo đòi hỏi, hiền lành như một mớ cỏ khô. Điều làm Hồng Trân xót là nó không hoảng loạn lên dù có khi ngày mai hay lát nữa nó sẽ đi. Nó có biết gì đâu? Chết? Sống? Ăn? Chơi? Chỉ là những cái tiếng để người ta gọi, ngang nhau thôi. Nó chỉ biết một điều nó thèm mẹ. Khi Hồng Trân ôm nó vô mình, hôn lên mái tóc mật của nó ‘’con là con của má’’ là nó không còn cần gì nữa.

Hồng Trân nhìn quanh, cô nghĩ tới chuyện sẽ dọn sạch cỏ quanh mộ Thu Dung. Diệu Linh kể mấy ngày đầu mới tới đây Thu Dung không dám bước tới bãi đất đầy cỏ này. Thu Dung sợ cỏ lắm.

–  Cái mả ông kẹ…

Nó kể, ổng ở bên cạnh nhà bà cháu nó. Trong một chiều trên đường đi bán vé số về mệt đừ, nó nằm ngủ quên trên cỏ. Ông len lén tới bên nó rồi lật ngửa nó giữa làn cỏ rối. Nơi đó, cỏ hun  hút chạy tới cuối con đường, đuổi theo bước chân người lẻ loi đi làm đồng về muộn.

Khi nấm mộ người đàn ông cỏ dại mọc xanh (lại cỏ), bà ngoại dắt Thu Dung tới trại, hai mắt bà sưng húp “cái thằng trời đánh, chết vì chơi bời quá độ. Đồ thú vật bê tha cả đời, có bao nhiêu tiền dành dụm đi bạc bài gái gú, vậy mà một đứa con nít quặc quại cũng không tha, báo hại con nhỏ bị lây bệnh”.

– Ba má nó đâu mà chỉ nghe nhắc tới người bà – Hồng Trân hỏi dồn.

– Họ muộn con, lượm nó về nuôi chỉ để đỡ đầu. Nay họ có con rồi cần gì tới một đứa tật nguyền. May mà còn bà già có lòng thương người. Giờ thì bà già quá rồi, không nuôi nó nổi.

Mỗi lần nghe bà nguyền rủa ông ta, Thu Dung tròn mắt nhíu đôi mày suy nghĩ, coi họ đang nói là gì, tại sao lại gọi là “thú vật” mà không gọi là “ông kẹ”.

– Má Trân ơi ông kẹ nặng lắm. Ổng đè vầy nè – Nó lấy tay ấn lên giữa cái ngực lép xẹp của nó – Không thở được, đau nhiều chỗ lắm, mỗi lần đái đau con khóc.

Trân thấy mình nghẹt thở. Cảm giác êm dịu ngọt ngào ngày nào Tạo trượt dài trên người cô bỗng dưng nặng như cả một trái núi đổ xuống. Cô thấy mình thở mỗi lúc một khó, sức nặng như đè tận tim. Hay là có ai đó đang lòn mười ngón tay lực lưỡng sâu vô ngực mà xoay trái tim cô vắt kiệt. Cô nghe máu trào ra rất mạnh, giòn giọt qua kẻ mười ngón tay thô bạo đó…

***

– Má Trân ơi – Tiếng Diệu Linh từ ngoài cổng.

Khi Thu Dung vừa tắt thở, thấy Trân ngồi một bên nín thinh, Diệu Linh vuốt tay Trân “Coi như kiếp số nó tới đó hết nợ! Mình ráng bình tâm để nuôi mấy đứa kia. Má Trân ở nhà để tôi đi chợ mua chút gì làm mâm cơm tiễn nó’’. Diệu Linh là một người của tôn giáo, chuyện chết sống chỉ là căn cơ số kiếp một con người. Nói được vậy chớ bước ra cổng mắt cũng đỏ hoe.

Trân đón Diệu Linh sau cổng. Diệu Linh oằn người với giỏ đồ và một đứa nhỏ trên tay.

– Nó nằm một mình trên giường ở bệnh viện đa khoa. Ở đó đông quá rồi. Ba… ông bà cụ định xin nó về nuôi. Mình thấy họ già quá nuôi sao tiện nên ẵm về.

– Để tôi ẵm cho, đi ăn cơm đi!

Diệu Linh bới một tô cơm đầy, chan ít nước tương, tay kia cầm một trái dưa leo lại gần Hồng Trân.

– Trân này? Ông bà cụ chỗ bệnh viện đòi nuôi thằng cu là… ba má Trân đó. Họ đang thèm cháu…

Trân đang lau bàn tay đóng một lớp đất của thằng nhỏ vừa nhìn Diệu Linh. Mắt cô lóng lánh như chực khóc. Lâu quá rồi cô không về nhà.

Đứa con cô chưa từng nhìn thấy mặt lần nào đã vắt cạn nước mắt cô. Những đứa con trong trại không ruột rà máu mủ mà cô còn quên hạnh phúc cả đời vì chúng. Huống gì một đứa con ba mẹ từng nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.

Trân đưa tay vuốt tóc thằng bé. Những sợi tóc mật. Bất giác cô vuốt tóc mình. Hình như đã có vài sợi bạc. Tóc ba má chắc bạc trắng hết rồi.

Võ Diệu Thanh
Thất Sơn số 253
Minh họa: Quang Vinh