Tân binh thời “a còng”

Đây là lần thứ hai tôi đến với Sư đoàn BB 330, Quân khu 9, đứng chân trên vùng đất biên cương Tây Nam của Tổ quốc thuộc địa bàn tỉnh An Giang. Những ngày đầu hè, trời như thiêu đốt vạn vật có trên mặt đất, nhưng cũng không ngăn được không khí hân hoan trên mỗi khuôn mặt và sự nhịp nhàng rầm rập nơi thao trường của những tân binh mới nhập ngũ cố gắng hoàn thành những bài tập cùng đồng đội, hô vang khẩu hiệu trong huấn luyện, hoàn thành tốt công tác huấn luyện theo kế hoạch được phê duyệt.

Những ngày đầu nhập ngũ.

Thượng úy Phạm Hoàng Anh, Trung đội trưởng, Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 14, cối 100, chia sẽ với chúng tôi bên lề hội trường khi đang quản lý tân binh đang học bài 4 chính trị. Đây là những chiến sĩ mới của tiểu đoàn vừa quán triệt rút kinh nghiệm sau một tháng huấn luyện. Đại đội trưởng đang huấn thị cho anh em chiến sĩ những gì còn tồn đọng trong thời gian qua cần phải khắc phục sửa chữa và tuyên dương những chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện. Trình độ, nhận thức của tân binh không đồng đều nên việc tiếp thu lý thuyết, chính trị, huấn luyện quân sự không như nhau, nhưng đều được cán bộ huấn luyện hướng dẫn và chỉ bảo cặn kẻ, từ đó nhiều chiến sĩ mới không còn ngại khó, ngại khổ. Cán bộ đại đội và trung đội đều thường xuyên gặp gỡ chiến sĩ tìm hiểu, động viên tinh thần cho anh em trong những ngày đầu mới xa nhà, xa người thân, lấy sinh hoạt tập thể, môi trường rèn luyện mới làm động lực phấn đấu, để các “cậu ấm” khi còn bên gia đình thường hay thức khuya, ngủ nướng, phải bật dậy sau tiếng kẻng điều lệnh.

Tân binh Nguyễn Hữu Lượng thuộc Tiểu đoàn 14, cối 100, nhập ngũ được gần hai tháng, làn da chưa kịp cháy nắng hết, chỉ có gương mặt và hai cánh tay đen sạm đi. Ngồi trao đổi với chúng tôi lính cười, hàm răng trắng muốt tương phản với làn da khiến nụ cười thêm lấp lánh giữa cái nắng vàng ươm. Trước khi nhập ngũ Lượng là công nhân cho một doanh nghiệp tại địa phương, sau khi tan ca thì ung dung tự tại, chè chén với bạn bè, điện thoại lúc nào cũng ở chế độ “trực chiến” để chát với người yêu, khoe việc ăn uống, vui chơi với cộng đồng trên facebook, nhưng khi nhập ngũ thì đã khác rồi đâu còn được như ở nhà, giờ ăn, nghỉ, huấn luyện, học tập, sinh hoạt đều được quy định hẳn hoi buộc phải tuân thủ, hai ngày đầu không được sử dụng điện thoại di động và hút thuốc lá nơi công cộng, Lượng như người lơ lơ lãng lãng, nhưng rồi nhìn thấy mọi người ai cũng chấp hành nên buộc phải chấp hành theo. Tân binh Phạm Thành Trung, cùng trung đội với Lượng ngồi kế bên xen vào. “Coi vậy chứ nó sướng hơn em đó anh, tuần nào cũng được người yêu vào thăm, hai đứa nó quấn quýt bên nhau líu lo mà mình phải ganh tỵ”.

Trung thì khác, quê xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tốt nghiệp xong đại học chuyên ngành Giáo dục chính trị, Trung làm việc tại Ban chỉ huy quân sự xã được 4 tháng thì tình nguyện nhập ngũ. Những ngày đầu Trung cũng rất bỡ ngỡ với môi trường mới, đi nhầm phòng vì không biết phòng mình ở đâu, nhưng được ít ngày thì đã quen và được cấp trên khen ngợi là chiến sĩ giỏi trong huấn luyện, học tập chính trị và được đơn vị tiếp nhận hồ sơ đi học 18 tháng theo nguyện vọng trở thành sĩ quan chính trị của quân đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ hai năm tại đơn vị. Người yêu cùng gia đình của Trung lên thăm được hai lần rồi, tuần vừa qua bận việc thu hoạch nên không đi được, nhưng không sao, chẳng buồn đâu, nhà không lên thăm thì mình dùng tiệc chung với các bạn đồng đội vui lắm, ở đây nhiều mẹ lắm. Chẳng cần biết mẹ của ai, mẹ nào mang đồ ăn lên thì cứ gọi là mẹ thôi, Trung chia sẻ.

Thiếu úy Nguyễn Thành Đạt, Trung đội trưởng, Trung đội 5, Tiểu đoàn 306 đang huấn luyện môn Kỹ thuật thuốc nổ cho chiến sĩ cũng đã dành một ít thời gian chia sẽ với chúng tôi. Ngoài việc những ngày đầu nhập ngũ, lính mới thường hay đi nhầm phòng, lấy nhầm quần áo phơi ngoài sào, ngủ mớ…là chuyện bình thường. Còn có những chuyện ngớ ngẩn khác nhưng xem ra rất thú vị vì chưa quen với môi trường kỷ luật quân đội. Một lính mới đã khiến cán bộ trung đoàn phải bật cười khi mọi người đang tập trung lấy danh sách trích ngang, em đột ngột đứng dậy nói: “Báo cáo thủ trưởng, thủ trưởng làm nhanh lên, em đói lắm rồi”. Ưu tiên cho chàng tân binh đói bụng, người cán bộ gọi em này lên và lấy trích ngang trước. Anh giải thích, việc lấy trích ngang là để cán bộ nắm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của chiến sĩ, từ đó giúp đỡ các em hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự.  Lấy tên, tuổi, quê quán của chiến sĩ đó xong, vị cán bộ hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, giờ giấc ăn trưa khi em ở nhà. “Lúc ở nhà em thường ăn trưa lúc 12g30”, chiến sĩ nói. “Nhưng bây giờ mới 12 giờ em đã kêu đói thì hơi vô lý. Chúng ta sẽ ngồi trò chuyện, đúng 30 phút nữa đi ăn nhé”, vị cán bộ nói. Vậy là cậu chiến sĩ ngớ người và hiểu ra hành động thật trẻ con của mình.

Thiếu tá Nguyễn Văn Phong, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 3, cho hay một ngày tân binh phải thực hiện đủ 11 chế độ, từ thức dậy, gấp nội vụ gọn gàng, đánh răng, rửa mặt rồi ăn sáng. Khoảng 7 giờ, tất cả tập trung thành hàng rồi hành quân ra thao trường. Sau những bài tập về đội hình, đội ngũ, các chiến sĩ mới được trung đội trưởng hướng dẫn cách lăn, lê, bò, nheo mắt ngắm bắn…

Bắn đạn thật và xuồng tác chiến

Sáng hôm sau, chúng tôi tham gia cùng với các chiến sĩ Tiểu đoàn 306 đến bãi tập bắn đạn thật. Từ ngày đầu nhập ngũ đến nay, chiến sĩ mới của ta đã bắn đạn thật được 3 lần, hôm nay là lần bắn bia số 8. Chiến sĩ Danh Trường Sơn, người dân tộc Khmer, quê Châu Thành, Kiên Giang, thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 308 vừa mới thực hiện bài bắn 3 viên xong bước xuống nói với chúng tôi: Lần thứ nhất em bắn không đạt, lần thứ hai bán đạt 25 điểm và lần này thì không đạt, chỉ có 14 điểm. Do yếu tố tâm lý nữa anh ơi, nhưng sau đó chúng em sẽ được cán bộ trung đội hướng dẫn lại sẽ đạt kết quả tốt ở lần bắn tiếp theo. Lần đầu tiên cầm súng bắn đạn thật em run như thằn lằn đứt đuôi, nhưng nhờ có cán bộ hướng dẫn đứng kế bên chỉ dạy cách cầm súng, nhịp thở, trấn an tâm lý em mới dần trở lại bình thường nhưng rồi viên đạn cũng bay đâu mất, không trúng bia. Chỉ tay sang phía bên phải là những chiến sĩ chung trung đội đang ngồi xếp hàng dọc chờ đến lượt bắn, Sơn nói: Trong đó có thằng Danh Toản, Danh Chí Hồng, cũng là dân tộc Khmer, cùng quê với em, lần trước khi hay tin ba, mẹ của nó bệnh không lên thăm được nó buồn, ảnh hưởng đến tâm lý nên bắn trật lất. Khi hiểu sự việc, cán bộ đại đội tới an ủi, động viên và đặt cách cho gọi điện thoại về nhà thăm hỏi gia đình. Hoàn cảnh gia đình em cũng khó khăn, ba mẹ em lên thăm được 2 lần, nhưng em nói ba mẹ đừng đi thăm nữa, đường đi xa quá, tốn kém, dành tiền chăm sóc hai đứa em còn đi học. Ở đây con quen rồi, không nhớ nhà nữa, ăn uống đầy đủ hơn ở nhà và có đồng đội xung quanh chia sẽ, sinh hoạt văn nghệ, thể thao vui lắm, ba mẹ đừng lo cho con, Sơn tâm sự.

Những chia sẽ của chiến sĩ mới Danh Trường Sơn, gợi cho chúng tôi một điều. Tất cả các tân binh dù xuất thân từ hoàn cảnh nào thì các chiến sĩ ta đều có chung tâm lý là nhớ nhà, nhớ người thân, hồn nhiên, tinh nghịch, vụn về. Nhưng qua thời gian huấn luyện của quân đội các chàng trai của thời @ ấy trở nên rắn rỏi, nề nếp, khuôn phép và buồn thế nào thì buồn, vui thế nào thì vui miễn là không quên nhiệm vụ ngày mai.

Đại úy Trần Quốc Truyền, đại đội trưởng, đại đội 7, tiểu đoàn 312, người có trên 5 năm huấn luyện tân binh sử dụng xuồng chiến đấu cho biết. Trong toàn quân chỉ có Quân khu 9 là có phát hành tài liệu, giáo án của môn học này do các sĩ quan thế hệ trước đúc kết kinh nghiệm truyền dạy lại cho thế hệ sau. Do địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long nhiều kênh rạch, nước lũ hàng năm nên dùng xuồng tác chiến cho bộ binh hiệu quả rất cao. Xuồng có 2 loại, loại 0,4 tấn chở được 03 chiến sĩ cùng quân trang, vũ khí; loại 0,6 tấn chở được được 03 chiến sĩ cùng với hỏa lực cối các loại. 2 chèo phía sau, 1 dằm phía trước, chính giữa làm nhiệm vụ cảnh giới.

Huấn luyện tân binh sử dụng xuồng chiến đấu cũng có nhiều chuyện vui. Với 30 giờ trong giáo trình, mấy ngày đầu huấn luyện có những anh em gặp chiếc xuồng không dám bước xuống, khi bước được xuống xuồng thì ngồi nắm be xuồng cứng đơ không nhúc nhích, chân thì run cằm cặp. Hỏi ra mới hiểu là chàng ta không biết bơi lội, sợ chết đuối. Cán bộ huấn luyện mới tập lại từ đầu cho biết bơi, không sợ nước nữa mới tiếp tục xuống xuồng. Đa số tân binh những năm gần đây đều không biết sử dụng xuồng, nhưng qua một tuần huấn luyện thì các chiến sĩ ta biết rành rẽ động tác bước xuống, bước lên xuồng như thế nào, vị trí ngồi, hướng đi luân phiên chèo và bơi xuồng. Biết giữ tốc độ xuồng đi, giữ khoản cách giữa các xuồng trong đội hình, giữ thăng bằng và lướt qua các con sóng xuôi, sóng ngược tác lực bên ngoài. Xong phần căn bản, các chiến sĩ sẽ được huấn luyện ngoại khóa về chiến thuật sử dụng xuồng.

Trung tá Dương Công Sang, Chính ủy trung đoàn 3 cho biết. “Việc huấn luyện chiến thuật được xem là trung tâm, gắn với các nội dung chính trị, hậu cần, kỹ thuật và huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh. Chiến sĩ mới được giáo dục chính trị để hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc. Ngoài rèn luyện quân sự, khả năng cơ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chiến sĩ còn được huấn luyện phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ và các nhiệm vụ đột xuất khác. Tân binh cũng được đào tạo để biết băng bó, chuyển thương hỏa tuyến, đào và sử dụng bếp Hoàng Cầm, trồng và nhận biết một số loại rau, củ, quả trong rừng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường doanh trại, sau thời gian huấn luyện, chiến sĩ sẽ trưởng thành lên rất nhiều”.

LÊ QUỐC