Thạnh Mỹ Tây ngày ấy, bây giờ

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng đất Láng Linh, Thạnh Mỹ Tây của huyện Châu Phú là vùng căn cứ Cách mạng mạng nổi tiếng của tỉnh An Giang. Yếu tố “thiên thời, địa lợi” là không phủ nhận được, nhưng ở đây muốn nói đến “nhân hòa”, tức yếu tố con người. Người dân Thạnh Mỹ Tây đã từ lâu đời đã có tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, mà dấu son oanh liệt là những nghĩa binh Gia Nghị của cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa.

Người Láng Linh

Đại đa số người dân Láng Linh sống bằng nghề nông. Đứng giữa Thạnh Mỹ Tây đã vạn lần đổi mới hôm nay, ta khó hình dung cảnh lúc ông bà ta áo rách, chân trần, thiếu cả dao phảng, cày cuốc, trâu bò, thiếu cả ghe xuồng, lương thực, bồng bế nhau tới vùng đất này chịu muỗi vây, đỉa đeo, sống lẫn với rắn, trăn, cá sấu. Ngâm phèn, phơi nắng ăn lúa trời, củ co, bông súng, chặt sậy, đế mở từng lõm trồng lúa, bắp, khoai. Có hiểu hết tình cảnh đó, ta mới thấy hết thiên lao vạn khổ mà ông bà ta đã chịu đựng và vượt qua. Không ai tổng kết được có bao nhiêu người đã chết vì rắn độc, vì dịch bệnh. Đó là những người nông dân đã đổ mồ hôi, công sức cả trí tuệ và máu xương ra khai phá vùng đất Láng Linh, đó là những người không chịu nỗi sự thống trị của triều đình nhà Nguyễn phong kiến, áp bức của thực dân Pháp, vì cơm áo, vì tự do, sẵn sàng rời bỏ quê ương đến vùng đất mới, nơi con người sống tự lập bằng ý chí và sức lao động của chính mình. Với phong cách và ý chí ấy người nông dân đã đoàn kết với nhau cùng khai phá vùng đất đầy lao sậy, phèn dậy thành một vùng đất trù phú, kết hợp với sản vật thiên nhiên ban tặng với nhiều cá tôm, trên trời cao đầy nắng, thừa gió, dưới là đồng bằng mặt đất chạy tít nối chân trời. Qua năm tháng đã tạo nên tâm hồn, phong cách người nông dân Láng Linh thành cái chất cần cù lao động, chịu thương, chịu khó, đùm bọc lẫn nhau, tánh tình phóng khoáng, hiếu khách, rộng rãi, cởi mở, yêu lẽ phải, ghét bất công, thích tự do và cả ngang tàng, bất khuất. Những con người như vậy dễ dàng đón lấy và gia nhập nghĩa binh Gia Nghị, góp cả sức người, sức của, tính mạng của cả dòng họ, gia đình để chống lại bọn tay sai và thực dân Pháp bất chấp triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Không thể lấy gì đong, đo được lượng mồ hôi, máu xương, công sức của ông cha ta đã đổ xuống vùng đất này để nó thành những cánh đồng ngập lúa vàng, thành xóm, thành làng, và thành tên Thạnh Mỹ Tây.

Dấu ấn Thạnh Mỹ Tây

Thời kháng chiến chống Mỹ, Thạnh Mỹ Tây là vùng đất chịu nhiều cuộc bố ráp của Mỹ, Ngụy, vì đây là nơi nuôi chứa, che chở cho cán bộ Cách mạng hoạt động bí mật và là cầu nối giao liên các vùng với căn cứ Tỉnh ủy An Giang ở bảy núi. Một lần nữa, với lòng yêu nước, yêu quê hương và được tôi luyện trong máu lửa, thực tiễn cuộc sống, người dân Thạnh Mỹ Tây đã làm trọn lòng tin của Đảng đối với mình và với bề dày thành tích xã đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sang thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạnh Mỹ Tây lại lao vào một thử thách mới, gần như hoàn toàn mới lạ. Đó là sự thử thách không chỉ bằng sự gan dạ, bằng tình cảm, ý chí mà bằng cả kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, kiến thức khoa học, kỹ thuật, trình độ văn hóa và một tầm nhìn vượt khỏi hàng tre xóm làng. Trước tiên phải nói đến chuyện chuyển vụ. Vùng này từ xa xưa một năm có hai mùa, mùa khô và mùa nước. Mùa khô thì lấy rơm của mùa lúa trước ủ đất trồng đậu, mè, dưa, bắp, thu hoạch xong đốt đồng, chờ sa mưa thì cày đất, sạ lúa giống. Sạ xong coi như giao cho trời. Người làm ruộng xâm canh dỡ trại, về nhà ở vùng bờ kênh cao ráo. Nước lên tới đâu, lúa ngoi theo đến đó. Khi nước hạ, lúa trổ và chín. Tính từ khi sạ cỡ tháng tư âm lịch đến khi cắt gần tháng chạp, tuổi đời cây lúa gần chín tháng, cho nên mỗi năm chỉ được một vụ. Chất lượng gạo thì không ngon, cứng cơm, gạo đỏ và năng suất thấp. Năm nào trúng thì cũng chỉ hơn 10 giạ một công. Cái tiện lợi là không mất công chăm sóc, không phải làm cỏ, tốn tiền phân bón, bơm nước gì cả. Bà con thường nói vui là làm chơi ăn thiệt.

Rồi bắt đầu một “mặt trận” mới, Đảng bộ và Chính quyền Thạnh Mỹ Tây dốc toàn lực lao vào vận động bà con chuyển tập quán làm lúa mùa một vụ lâu đời của bà con nông dân thành hai vụ, phải thay đổi giống mới ngắn ngày, lúa có năng suất cao và chất lượng gạo ngon hơn để xuất khẩu. Một “mặt trận” không tiếng súng, đấu tranh nhau giằng co quyết liệt giữa tư duy mới với nhận thức cũ, giữa cách làm ăn mới với cách làm ăn cũ đã thành tập quán lâu đời.

Ông Trần Minh Hiển, Phó Ban bảo vệ di tích đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, người làm ruộng kỳ cựu ở Thạnh Mỹ Tây nhớ lại: “Lúc đó cũng có nhiều người phản đối kịch liệt, không chịu cách làm ăn mới vì làm lúa 2 vụ phải trang sửa mặt ruộng bằng phẳng tốn nhiều công sức, phải đắp bờ để bơm nước vô, tháo nước ra; phải dùng giống lúa mới ngắn ngày, mà các giống này như tiểu thơ đài các, dễ nhiễm các thứ bệnh, dễ bị các loại sâu rầy tấn công, nên phải thường xuyên thăm đồng, phải bón đúng phân, đúng lúc, nói tóm lại là phải tốn công, tốn tiền nên đa số người dân ngần ngại. Nhưng rồi vụ Đông Xuân trúng mùa, rồi vụ Hè Thu cũng trúng mùa, lúa chất tới nóc nhà, những hộ phản đối trước đây nhìn những đống lúa cười ngỏn ngoẻn, bắt chước làm theo.”

Đến bây giờ toàn xã đã trồng lúa 3 vụ gần 80{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} diện tích, tổng sản lượng lương thực đạt 355.765 tấn, giá trị sản xuất đất nông nghiệp từ 130 triệu đồng lên 180 triệu đồng/ha, tăng 50 triệu đồng so với những năm trước đây. Ngoài ra,         một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao, được nhân dân đồng thuận như: Tổ hợp tác rau màu an toàn, Tổ hợp tác chăn nuôi lươn VietGAP, ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm lúa với doanh nghiệp được 3.205 ha. Thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) 543,95ha. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới phun tự động và đo ẩm độ đất; từng bước cơ giới hóa trong nông nghiệp, hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Đã qua rồi cái thời gian lao, thử thách và trong ngần ấy thử thách, không ít cán bộ, đảng viên của xã vui lòng nhường bước người sau, từng lớp người có trình độ đại học, cao đẳng được đào tạo bổ sung vào bộ máy, và rồi với sức trẻ năng động, linh hoạt, đã chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những tiến bộ khoa học, kỷ thuật đến với người dân một cách nhanh chóng. Các chú bác, cả các bà các cô cũng quen thuộc với các giống lúa mới, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, quy trình sản xuất, sử dụng thành thạo các loại máy móc phục vụ nông nghiệp, gặp nhau bàn cả chuyện thời sự quốc tế, trong nước, rồi kết nối với nhau qua email, Facebook, zalo, cộng với kinh nghiệm truyền thống và bằng áp dụng với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, người nông dân Thạnh Mỹ Tây rất thông minh, nhạy bén vận dụng một cách phù hợp với điều kiện lao động sản xuất của mình để cùng nhau phát triển, cùng nhau đạt năng suất, đạt chất lượng. Thạnh Mỹ Tây anh dũng có thành tích cao trong kháng chiến, nay Thạnh Mỹ Tây là xã anh hùng có thành tích cao trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới. Chủ trương đổi mới của Đảng được chứng minh ở nơi này. Lực lượng cán bộ trẻ trung, năng động đang nảy nở, phát triển mà điển hình là lãnh đạo trẻ Lê Trần Minh Hiếu, Bí thư, Chủ tịch UBND xã, thuộc thế hệ 8X.

Anh Đặng Vũ Linh, chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng là cán bộ trẻ của xã đã hướng dần chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi lươn theo mô hình VietGAP của anh Nguyễn Phước Điền ở ấp Thạnh Phú. Anh Điền cho biết, qua thời gian nuôi theo mô hình mới này có nhiều lợi thế hơn kiểu nuôi truyền thống. Nuôi lươn không bùn giảm khoảng 30{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} chi phí đầu tư chuồng sau mỗi đợt nuôi, chủ yếu là khỏi tốn tiền thay đất so với nuôi truyền thống. Vệ sinh bồn nuôi rất dễ, không có mùi hôi, nước thải không gây ô nhiễm môi trường. Quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng phát triển, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như quản lý số lượng. Lươn nuôi lớn đều và nhanh hơn, đến lúc thu hoạch đặc biệt dễ, ít tốn nhân công và chi phí so với cách nuôi truyền thống. Anh Điền còn ương thêm lươn giống để tạo nguồn giống cho những đợt nuôi tiếp theo và bán cho người nuôi các vùng lân cận và trồng cây ăn trái xung quanh bồn nuôi. Giá bán lươn theo tiêu chuẩn VietGap cao hơn giá lươn thường bởi lươn khỏe, đồng đều và không tồn dư kháng sinh chăn nuôi. Nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGap giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng. Mô hình nuôi lươn không bùn, kết hợp với trồng cây ăn trái như mít, xoài có liên kết giữa các hộ dân và nơi tiêu thụ, đã tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo đấu ra, giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp anh Điền phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như hướng dẫn nông dân cả một vùng làm theo cùng phát triển.

Diện mạo nông thôn mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiếp tục xác định nông nghiệp là trọng tâm, tập trung tổ chức lại sản xuất, quy hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học – công nghệ, thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất đất nông nghiệp. Nâng chất hoạt động của tổ hợp tác và thành lập 01 hợp tác xã đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Luôn chuyển dịch câu cấu kinh tế về cây trồng vật nuôi, nhằm đưa kinh tế tiếp tục phát triển ổn đinh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục nâng lên, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, hộ nghèo hàng năm được giảm dần và thoát nghèo bền vững, đồng thời được hỗ trợ về nhà ở, cho mượn vốn chăn nuôi, làm ăn vươn lên thoát nghèo, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Thạnh Mỹ Tây có 01 chợ thuận lợi cho việc mua bán giao lưu hàng hóa; có 01 trường Mẫu giáo, 1 trường Mầm Non, 03 trường Tiểu học; 01 trường THCS, 1 trường THPT đảm bảo việc học hành của con em trong xã và các xã lân cận quanh vùng; 01 Phòng khám khu vực và 01 trạm Y tế phụ vụ cho việc khám và điều trị tốt cho nhân dân. Tình hình an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.

Diện mạo nông thôn Thạnh Mỹ Tây tiếp tục thay đổi khi Khu dân cư kết nối đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành và tỉnh lộ 945 mới đi ngang qua, với diện tích gần 10 ha, vốn đầu tư 126 tỷ đồng, do công ty Tài Lộc Phát đầu tư đã dần hình thành mở ra một hướng phát triển mới nhằm khai thác tiền năng về du lịch, thương mại, dịch vụ, gắn liền với phát triển đô thị.

Nói như vậy, không có nghĩa mọi việc ở Thạnh Mỹ tây đều đẹp, đều hay. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạnh Mỹ Tây còn phải phấn đấu nhiều, dài lâu để đổi mới hơn nữa, luôn luôn cải tạo mình, rứt bỏ nếp nghĩ, thói quen lạc hậu, tùy tiện của người sản xuất nhỏ, cá thể, tiếp nhận tính chất, tác phong, sự suy nghĩ để trở thành người công nhân nông nghiệp, xây dựng một vùng nông thôn văn minh, hiện đại và luôn luôn tin vào lớp lãnh đạo trẻ hiện tại cũng như kế cận những năm tiếp theo.

TÙNG LÂM