Để tình người luôn còn mãi
Chúng tôi tìm đến Vĩnh An vào những ngày đầu mùa mưa. Dọc theo tỉnh lộ 941, hai bên đường nhà cửa và ruộng đồng ngút ngát xanh. Đúng như tên gọi, một vùng quê êm đềm, an vui như vốn có từ bao đời là cảm giác của người phương xa lần đầu ghé thăm.
Được sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh An, huyện Châu Thành tỉnh An Giang, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn Út. Mới khoảng tám giờ sáng, khu vực sân bãi nhà ông Út tập trung gần hai mươi người đàn ông độ từ ngoài bốn mươi tuổi trở lên. Người khuôn vác, người hàn, người đóng, người cưa, người bào… Không khí làm việc khẩn trương giữa ồn ào những thanh âm của máy móc. Ông Út dừng tay làm việc, ra hiệu mời chúng tôi lại bàn uống trà đợi ông. Từ sân bãi, ông bước chệnh choạng chậm rãi, mãi mới tới chiếc bàn đặt trước hàng ba. Hỏi ra mới biết, ông vừa trải qua một cơn bạo bệnh, vậy nên sức khỏe suy giảm nhiều, biểu hiện rõ nhất là ở đôi chân không còn vững chãi như xưa. Thế mà điều đó dường như chưa bao giờ là rào cản cho sự miệt mài tham gia công tác thiện nguyện nơi ông.
Ngồi đối diện tôi là một ông lão đã tám mươi tuổi, khuôn mặt chữ điền phúc hậu, vầng trán cao và đôi mắt hiền. Ông Út tham gia làm công tác từ thiện từ trước giải phóng. Bắt đầu từ những gói thuốc nam, túi gạo, bọc đường cho những người cơ nhỡ, hàng xóm bệnh tật, thiếu cơm ăn áo mặc. Sau này khi con cái đã khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho các con xong xuôi, ông mạnh dạn tham gia nhiều mặt trong hoạt động xã hội. Chúng tôi hỏi ông đã cất được bao nhiêu ngôi nhà, xây bao nhiêu cây cầu, cho bao nhiêu quan tài, bao nhiêu phần quà trong một năm đến những hoàn cảnh khó khăn. Ông cau đôi mày, miệng nhẩm tính rồi lắc đầu kêu không nhớ cũng không ghi chép lại. Tôi quay mặt sang cầu cứu vị cán bộ Mặt trận đi cùng, anh cười trừ, hứa sẽ cung cấp cho tôi bằng số liệu qua văn bản chớ con số lớn quá, lại gồm nhiều lĩnh vực, bất chợt hỏi, anh cũng không nhớ hết được.
Nhưng nhân dân thì không bao giờ quên. Trên đường tìm đến nhà ông, chúng tôi có ghé qua chợ, vừa đi thăm thú vừa để bắt chuyện các bà, các chị tiểu thương – những người buôn bán lâu năm tại chợ xã. Họ chỉ chúng tôi con đường dẫn vào chợ là do ông Út đứng ra vận động để hỗ trợ trải đá, tôn cao cho mùa mưa lũ không ngập úng, tù đọng. Họ hướng tay đến chiếc cầu đổ xuống chợ là cầu Tư Lê vừa mới xây xong trên dưới 700.000.000 đ là do ông Út thi công miễn phí. Họ chỉ qua căn nhà nằm sát bờ kênh, đó là nhà bà Hai Lợi, chồng bà chết vài tháng trước được ông Út cho hàng, rồi cũng đưa về nghĩa trang từ thiện của ông Út chôn. Hay cô bé bán vé số mồ côi Tết nào cũng được ông Út tặng cho gạo, cho bánh mứt… Tên ông đã ghi rất sâu với niềm tri ân của bà con làng xóm.
Ông Út có ba người con, hai trai một gái đều ở sát vách. Các con ông đều ủng hộ việc làm của cha và góp công góp của vào những việc ông đang làm. Ông Út chỉ tay ra ngoài ngõ, nơi chiếc xe tải nhỏ đang ngơi nghỉ sau những hành trình miệt mài cùng ông đi gieo rắc yêu thương tới những vùng đất còn cần lắm những tấm lòng bác ái. Mô hình thiện nguyện của ông Út giờ đây đã lan tỏa rất xa, vượt ra ngoài biên giới của làng xã trong tỉnh. Ông đã mang theo những thương yêu đến tận Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… nơi còn nhiều lắm những mảnh đời bất hạnh. Để thực hiện những chuyến thiện nguyện xa xôi, ông đã lên một kế hoạch rất cụ thể, sau khi đã vận động đủ sức người và sức của. Một xe chở nhân công, một xe chở vật liệu lại có vài các cô các bà đi theo. Đến nơi, đàn ông thì lao vào xây dựng, phụ nữ thì làm hậu cần, cơm nước. Ai vào việc nấy bằng tất cả tấm lòng và sức lực. Một mình làm từ thiện đã khó, để mọi người hiểu, thấy và cộng sự với mình còn khó hơn rất nhiều. Ông Út luôn làm việc trên nguyên tắc công khai, minh bạch và khi đã đủ nhân lực, vật lực cho công trình nào là ông ngưng ngay, không nhận thêm sự trợ giúp nào cho đến khi hoàn thành và tiếp tục kêu gọi, nhận sự hỗ trợ khi bắt tay vào một việc thiện nguyện mới. Vậy nên, tiếng lành đồn xa, người ta tìm đến ông, nhất là những người thợ có tay nghề trong xây dựng, để mong góp chút công sức vào công tác xã hội. Ông Tư Phú, nhà ở xã Tà Đãnh, Tri Tôn năm nay cũng ngoài bảy mươi tuổi là một trong những cộng sự gắn bó lâu năm với ông Út. Theo lời ông Tư Phú: “Ông Út luôn tâm niệm phải làm sao để người nghèo có nhà ở, người đói có gạo, người bệnh có thuốc, người chết có hàng, chỗ an nghỉ. Ổng làm vì cái tâm, vì tấm lòng chớ không phải vì lợi danh. Ngày Tết năm nào ổng cũng cho 100 phần quà, mỗi phần quà trị giá 300.000đ cho các hộ cận nghèo, hộ nghèo. Ổng còn có tâm nguyện, sau khi chết sẽ hiến xác cho khoa học”. Ông Út đưa tay, ra hiệu để cho ông bạn ngừng câu chuyện. Ông khiêm tốn, không muốn nghe người khác ca ngợi mình. Ông Út chia sẻ: “Quốc gia mạnh giàu lòng ta mới ấm. Làm cho xứ sở nên cường thịnh tâm ta mới an. Tui nghe đâu đó người ta nói vậy, thấy đúng nên cố gắng làm theo, được chút nào hay chút đó vậy mà”.
Chúng tôi dạo một vòng tham quan sân bãi, nơi các tay thợ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đang miệt mài lao động. Chú Nguyễn Phú Lộc, sinh năm 1951, người đã năm năm tham gia nhóm thiện nguyện của ông Út, quanh xã, chú Năm Lộc được đánh giá là người thợ hàn giỏi nhất. Quệt vội những giọt mồ hôi đang thi nhau rớt trên mặt, chú nói to át tiếng máy hàn: “Chúng tôi làm ở đây vui lắm, không ai so đo, tị nạnh ai, trái lại ai cũng muốn làm được thật nhiều, thật nhiều. Anh em khắng khít, vui vẻ, không có xích mích bao giờ. Trong đội đùm bọc nhau, nhà nào gặp khó khăn, hay cần xây cất gì, anh em đều hỗ trợ hết mình. Khẩu hiệu của đội là: Việc nhà quý bạn đã xong, rủ nhau làm phước”.
“Rủ nhau làm phước” câu nói của chú Năm Lộc làm tôi suy nghĩ mãi. Mô típ “rủ nhau” rất phổ biến trong ca dao để mở đầu cho việc cùng nhau làm một việc gì đó như: “Rủ nhau đi cấy đi cày” hay “Rủ nhau lên núi bẻ ngô”. Còn ở sân bãi này, ông Út đang rủ mọi người tham gia công tác thiện nguyện nghe dân dã, gần gũi mà ý nghĩa cao đẹp biết bao. Rồi tôi lại nghĩ đến câu chuyện của ông Tư Phú, ông kể lần đi xây cầu ở Cần Thơ vào độ nước ròng, chiều đến chiếc chẹt mắc cạn ở lòng sông không thể nhúc nhích được. Không còn cách nào khác, ông Út lội xuống sông, móc bùn để lòng sông sâu xuống. Thấy ông Út già mà lặn lội bì bõm giữa bùn đất, các anh em đồng loạt nhảy xuống móc tiếp. Nhờ đồng lòng mà chẳng bao lâu sau, chiếc chẹt đã có thể di chuyển được qua chỗ mắc kẹt. Đúng là chẳng có gì khó nếu chúng ta đoàn kết, hợp sức hợp lòng.
Chúng tôi lại hỏi đường tới nghĩa trang. Thực ra, ông Út đã chỉ đường đi nhưng chúng tôi vẫn lấy đó làm cái cớ để bắt chuyện với bà con. “Người trong vùng quen gọi ông là Út Ngộ”, một chú xe ôm nhanh miệng góp chuyện. Cứ nhắc đến tên ông Út gần gũi hơn là ông Út Ngộ là ai cũng đều trả lời rất nhiệt tình. Nghĩa trang do ông Út Ngộ hiến 04 công đất ruộng nhà để xây dựng. Trên cơ sở đó ông vận động thêm các nhà hảo tâm xây dựng sẵn 1.000 cái huyệt. Vĩnh An là vùng đất phẳng, trũng. Ngày chưa có nghĩa trang của ông Út, mùa lũ người không may qua đời không có chỗ chôn cất, phải đặt xóc chéo lơ lửng giữa ruộng. Hay những người không có nổi “cục đất chọi chim” khi chết không biết an nghỉ ở đâu. Cảnh tượng ấy làm ông Út xót xa, nghĩ tới việc hiến ruộng, đổ nền, xây huyệt. Người ta gọi khu nghĩa trang với những huyệt mộ được xây cất ngay ngắn giữa mênh mông ruộng lúa ấy là Nghĩa trang ông Út.
Ông Út Ngộ – cái tên mà bà con thân thương đặt cho ông tưởng rất ngộ song lại là cái “ngộ” đáng trân trọng, hiếm có. Hay phải chăng như lời ông bộc bạch: “Tui từng nghe câu chuyện ngày Tết cụ Hồ đến chúc tuổi người nghèo, có người nhìn thấy nói Bác cũng đến nơi đây nữa à, Bác nói tôi không đi đến đây thì còn đi đến đâu”. Đến với người nghèo khó, chia sẻ với họ để xoa dịu, để lan tỏa tình người yêu thương. Đó có lẽ là bài học sâu sắc nhất mà ông Út đã “ngộ” ra qua câu chuyện về Bác.
Hoàng Thị Trúc Ly
(Ảnh: La Lam)