Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ huyện Châu Phú

Qua 5 năm thực hiện, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội huyện Châu Phú đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, từ thực tiễn cuộc sống, trong thời gian tới công tác này đòi hỏi tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành.

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh, của Huyện ủy về thực hiện Quy chế, Quy định và căn cứ vào tình hình thực tiễn của huyện, đã tổ chức giám sát giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức trên địa bàn huyện; Giám sát quy trình xét và đề nghị công nhận hộ nghèo và hộ thoát nghèo; Giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách để thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; Giám sát quy trình xét tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm; Giám sát việc thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện; Giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm và giám sát dân vận chính quyền.

Song song đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp Hội đồng nhân dân khảo sát, giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND huyện, cùng các ngành Phòng Tài Chính – kế hoạch, Phòng Nội vụ lấy phiếu khảo sát công ty, doanh nghiệp tư nhân về thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang trên địa bàn huyện; Viện kiểm sát nhân dân huyện tham gia giám sát nhà tạm giữ Công an huyện Châu Phú; phối hợp với Phòng Y tế giám sát về an toàn thực phẩm; Phòng Nội vụ kiểm tra cải cách hành chánh và kiểm tra công vụ. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện luôn phối hợp và tạo điều kiện cho các hoạt động giám sát của các ban ngành đoàn thể cũng như Mặt trận các xã, thị trấn thực hiện Giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ chốt do HĐND cấp xã bầu; giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; giám sát An toàn vệ sinh thực phẩm các căn tin của Trường tiểu học; giám sát đảng viên thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú theo Quy định 124 của Bộ Chính trị.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Phú Bùi Văn Xinh, mặc dù kết quả giám sát được thực hiện chưa nhiều nhưng những vụ, việc được giám sát đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam huyện trong việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Những vụ việc giám sát này được nhân dân và dư luận quan tâm, đánh giá tốt, coi đây là những tín hiệu tích cực trong đổi mới công tác Mặt trận. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát đã phát hiện một số tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện; sau giám sát các Đoàn giám sát đã có thông báo kết quả giám sát gửi đến đơn vị được giám sát, kiến nghị với chính quyền, các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát cho cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp. Các đơn vị được giám sát nhận khuyết điểm, hứa khắc phục, sửa chữa khuyết điểm và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội đạt kết quả bước đầu. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức góp ý, phản biện xã hội đối với Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật; Báo cáo tình hình thực hiện các Chính sách  An sinh xã hội năm 2016 và kế hoạch thực hiện năm 2017; Hướng dẫn phương pháp xác định đánh giá tiêu chí xã Nông thôn mới tỉnh An Giang; Thực hiện Chương trình nhà ở huyện Châu Phú năm 2017; Kế hoạch củng cố nâng chất, thành lập mới Hợp tác xã nông nghiệp, Tổ hợp tác nông nghiệp năm 2017; Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp và thực hiện “Năm doanh nghiệp” trên địa bàn huyện Châu Phú; Kế hoạch phòng-chống ma túy và cai nghiện ma túy; Quy chế vận động, quản lý, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh An Giang sửa đổi; Kế hoạch tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực 2017; Báo cáo thẩm tra hồ sơ và mức đạt từng tiêu chí cho xã Khánh Hòa, Bình Mỹ đủ điều kiện đề nghị công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới; Quy chế Thi đua-khen thưởng của tỉnh thực hiện trên địa bàn huyện; Kế hoạch triểm tra Vệ sinh an toàn thực phẩm và hành nghề y tế tư nhân; Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, quy ước ấp và chuẩn tiếp cận Pháp luật trên địa bàn huyện 2018;

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện kết hợp 02 Ban Tư vấn Dân chủ – Pháp luật, Ban Kinh tế – Xã hội, đại diện các tổ chức, các giới, cá nhân tiêu biểu, các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và xã, thị trấn tổ chức Hội thảo phản biện, đóng góp dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI. Tổ chức Hội thảo phản biện Đề án “Xây dựng trường chất lượng cao và tự chủ kinh phí hoạt động trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020”. Tổ chức phản biện “Kế hoạch cải cách hành chính huyện Châu Phú giai đoạn 2016 – 2020.

Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Hội đồng nhân dân huyện và các ngành liên quan tổ chức đại biểu Quốc hội, HĐND 3 cấp tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND 3 cấp, đã có 1.605 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống và sản xuất của người dân. Thông qua các buổi Hội nghị nhân dân, diễn đàn công an lắng nghe ý kiến của người dân và các buổi sinh hoạt tổ của các tổ chức chính trị xã hội Mặt trận tổng hợp ý kiến để góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Thông qua các ý kiến tổng hợp báo báo dư luận xã hội hàng tháng của các thành viên của Ủy ban Mặt trận hàng tháng. Đa số các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được các đại biểu giải trình và ghi nhận, hoặc được MTTQ tổng hợp chuyển đến các cơ quan chức năng có trách nhiệm phản hồi để có trả lời cho cử tri tại kỳ họp kế tiếp.

Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Châu Phú Bùi Văn Xinh cho biết thêm: Việc phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được MTTQ từ huyện đến cơ sở tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thông qua việc các hình thức công khai cho dân biết các nội dung dân chủ ở cơ sở; tổ chức cho người dân bàn bạc góp ý kiến đối với tổ chức, cá nhân lãnh đạo Đảng, chính quyền ngày càng có hiệu quả, như việc: Duy trì tổ chức Hội nghị Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân hàng quý; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với Nhân dân theo phương châm “Nói dân nghe – nghe dân nói”. Qua đó, góp phần phát huy dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia góp ý đối với tập thể, cá nhân công tác quản lý điều hành của Nhà nước trên các lĩnh vực; nhiều nơi đã kịp thời giải quyết vướng mắc, bức xúc của người dân; được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thông qua hoạt động này đã góp phần tăng cường trách nhiệm tiếp thu, giải trình của các cơ quan đảng, chính quyền địa phương với Nhân dân; tạo được niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo Đảng, chính quyền, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy tốt hơn.

Hiện nay, các quy định, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội ngày càng được hoàn thiện. Cụ thể, ngày 15/6/2017, Nghị quyết số 403 liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được ban hành, là cơ sở quan trọng tiếp theo để MTTQ Việt Nam các cấp triển khai hiệu quả hơn nữa hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Trong thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với Cấp ủy, chính quyền cùng cấp  triển khai các hoạt động giám sát tập trung vào một số lĩnh vực như: Cải cách thủ tục hành chính; xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; về môi trường, an toàn thực phẩm, nhằm phát huy vai trò giám sát, quyền làm chủ của nhân dân, huy động sức dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Châu Phú.

Hoạt động phản biện xã hội của huyện Châu Phú đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân.

Võ Quốc Tuấn
(Ảnh: UB MTTQVN AG | Mặt trận Châu Phú huy động sức dân xây dựng cầu nông thôn)