“Tốt đời đẹp đạo” ở Phú Tân

Xe cấp cứu chuyển bệnh miễn phí, nhà ăn miễn phí, xây cầu làm đường miễn phí, cất nhà miễn phí, xây nghĩa trang miễn phí… và rất nhiều chuyện miễn phí khác đầy khắp thôn cùng, ngõ hẹp ở miền Tây. Đó là những đóng góp rất lớn của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cho quê hương, cho đất nước. Những việc thiện phước ấy góp phần lớn lao vào công tác an sinh xã hội của địa phương, chung tay cho công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Phía sau những công trạng ấy chính là ước vọng giúp đời của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (Ban Trị sự Trung ương), là mong muốn thắt chặt thêm tình đoàn kết dân tộc, tôn giáo cho xã hội thịnh vượng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phú Tân (Ủy ban Mặt trận Phú Tân).

Ông Lê Ngọc Lợi, Trưởng ban Từ thiện – Xã hội, Ban Trị sự Trung ương cho biết: Các tín đồ, người có công thì góp công, người có của thì góp của. Có người được truyền thông biết đến, có người không. Không ít tín đồ là Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Những đóng góp đó không thể kể hết. Theo số liệu thống kê được trong năm 2018, đã có gần 485 tỉ đồng do tín đồ khắp nơi đóng góp cho công tác xã hội từ thiện. Riêng An Giang là hơn 120 tỉ đồng, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều nếu được thống kê đầy đủ. Qua đó mà thấy được tiềm lực cũng như đóng góp rất lớn của bà con trong công cuộc xây dựng quê hương.

Theo chị Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Phú Tân, mỗi năm Ban Trị sự Trung ương đều ủng hộ cho huyện 200 triệu đồng dùng để làm quà lễ, quà Tết cho hộ nghèo và hộ khó khăn cũng như phát học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi. Các công tác từ thiện khác do Ủy ban Mặt trận huyện phát động thì Ban Trị sự ủng hộ rất nhiệt tình. Hai bên hỗ trợ nhau rất tốt để thực hiện công tác an sinh xã hội cho nhân dân trên địa bàn. Ban Trị sự Trung ương có khả năng vận động công, của trong tín đồ rất lớn và hướng nguồn lực ấy vào việc giúp đỡ những người khó khăn, giảm gánh nặng cho địa phương.

An Giang là một điển hình trong cả nước về công tác tôn giáo và là điển hình về sự đóng góp của tôn giáo cho sự phát triển chung của đất nước. Nhiều người ở xa đến thăm không khỏi bất ngờ và trầm trồ với những cống hiến không mệt mỏi của tín đồ PGHH và cũng thán phục trước sự lãnh đạo của địa phương, tạo điều kiện để tôn giáo phát huy lợi thế của mình. Những năm trước, khi văn hóa mạng mới phát triển, một hai đối tượng tự nhận là tín đồ PGHH tiến hành xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây mất đoàn kết, gây hiểu sai, hiểu nhầm trong tín đồ để phá hoại uy tín của tôn giáo và Nhà nước. Tuy nhiên do đại đa số bà con tín đồ có trình độ nhận thức cao, sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân, nhà nước cùng sự hỗ trợ hết mình của Ban Trị sự Trung ương nên những âm mưu ấy đều thất bại. Đến nay các lớp giáo lý, các lớp về luật tín ngưỡng tôn giáo, các chuyên đề về đoàn kết dân tộc được Ban Trị sự Trung ương và Ủy ban Mặt trận Phú Tân triển khai đến cấp cơ sở.

“Theo hiến chương Giáo hội PGHH với đường hành đạo “vì đạo pháp, vì dân tộc”, Ban Trị sự Trung ương là đại diện điều hành toàn hệ thống giáo hội, luôn xem công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho Trị sự viên, Chức việc và tín đồ nhận thức đúng tôn chỉ, giáo lý để tu hành, bên cạnh đó còn quan tâm phối hợp với các ngành, các cấp, Ủy ban Mặt trận trong việc sinh hoạt học tập chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tín đồ có cuộc sống tốt đời đẹp đạo.” – Ông Lê Ngọc Lợi cho biết. Cũng theo ông Lợi thì ngoài việc học giáo lý, Ban Trị sự Trung ương còn mời đại diện Ban Tôn giáo, Ủy ban Mặt trận báo cáo về các chuyên đề chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo nói chung và Phật giáo Hòa Hảo nói riêng. Trong đó có các chuyên đề về đoàn kết dân tộc, biến đổi khí hậu.

Chị Nga tâm sự: Để có được hiệu quả trong công tác dân tộc, tôn giáo ở Phú Tân thì cấp ủy và chính quyền địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, chức sắc, chức việc, tín đồ tạo sự gần gũi, tin tưởng để lắng nghe những khó khăn của bà con. Vào những ngày lễ, Tết Ủy ban Mặt trận tham gia cùng đoàn của Huyện ủy thăm và tặng quà các cơ sở thờ tự. Đặc biệt duy trì họp mặt chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu hàng quý. Qua đó thông báo những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế xã hội, chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Đảng bộ và Chính quyền địa phương phải đối mặt đồng thời lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Nhờ vậy mà kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, hoàn thành tốt những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của huyện.

Ban Trị sự Trung Ương Giáo hội PGHH và Ủy ban Mặt trận TQVN huyện Phú Tân cùng chung tay trong công tác an sinh xã hội

Ông Lợi cho biết: Ở chỗ Ủy ban Mặt trận Phú Tân sẽ chọn lọc, đề xuất đến Ban Trị sự Trung ương những hoàn cảnh, những mảnh đời cần giúp đỡ. Phía Ban Trị sự sẽ đến thực địa hỏi han và hỗ trợ theo những mô hình thích hợp. Giúp người cũng cần phải giúp đúng người mới không phụ những tấm lòng của người đóng góp. Chỗ chúng tôi chẳng qua là trạm trung chuyển những tấm lòng nhân ái, góp sức vào hạnh phúc của mọi người để mong đóng góp cho xã hội ngày một tươi đẹp hơn. Phía Ban Trị sự có vấn đề gì cần hỗ trợ về thủ tục pháp lý sẽ nhờ đến Ủy ban Mặt trận huyện, tránh những trường hợp như cất nhà cho người đang ở đậu, hay xây dựng trên đất đang quy hoạch, cho không đúng người tạo dư luận không tốt trong xã hội… Ủy ban Mặt trận cần hỗ trợ về vá đường làm cầu thì chúng tôi đi vận động bà con tín đồ thực hiện để đạt chỉ tiêu nông thôn mới. Cùng phối hợp hỗ trợ để mưu cầu cho quốc thới, dân an. Tạo điều kiện để bà con sống tốt đời đẹp đạo.

“Sống ở đời, ai cũng muốn có một cuộc sống tốt đẹp. Bản thân mỗi tín đồ đã được học và hiểu rằng, khi có duyên được sống tốt thì cần chia sẻ cái tốt đó cho mọi người, cho những hoàn cảnh bất hạnh hơn mình như lời dạy của Đức Thầy là “đem lại cái phước cho toàn thể chúng sanh”. Trên tinh thần đó, mỗi năm hoạt động xã hội – từ thiện của bà con tín đồ thêm mở rộng, lan tỏa về hiệu quả, tăng thêm mô hình mới giúp được ngày càng nhiều người khó khăn. Không những vậy, những năm qua bà con tín đồ tích cực tham gia với Chính quyền xây dựng nông thôn mới, thực hiện mô hình dân vận khéo, chăm lo an sinh xã hội như sửa chữa cầu đường, hiến máu, cất nhà, đóng hòm miễn phí, xe cứu thương từ thiện… Những hoạt động đó đều dựa theo chuyên đề học tập và làm theo gương Bác Hồ do Ủy ban Mặt trận, Đảng ủy xã triển khai nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Mỗi năm có nhiều tín đồ, tổ chức từ thiện được các cấp ủy đảng, chính quyền biểu dương, khen thưởng” – Ông Lê Ngọc Lợi nói.

Chị Nga nói thêm: Huy động được một tiềm lực to lớn như vậy để phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung một phần lớn là nhờ hiệu quả của công tác dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo sẽ phát huy được truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

La Lam
(Ảnh: Thái Vĩnh Phú, La Lam)