Đêm chờ mùa lên xanh

Nào giờ, vùng đất thấp này có nước sông Mê kông đổ về sông Hậu, chia nhánh và  ngập đồng rồi tràn ra sông Thoại Giang, ra cửa biển Rạch Giá, là thuận nguồn. Giờ, bỗng dưng nước biển dâng, mùa hạn khô, nước sông trên nguồn không đổ về, nước dưới biển ninh lên, lên hoài, đến cánh đồng sâu của hai xã Vọng Thê và Bình Thành này cách bờ biển hơn 30km bị nhiễm mặn, đến nỗi kỹ sư Năng nửa đêm tăm tối phải lần mò ra chỗ cống đập ngăn mặn này để “canh” ngài Thủy thần (1)  của biển Đông mò về hại lúa của nông dân trong xã.

Ai mà biết kỹ sư Năng đã phải vất vả “lặn hụp” ở cánh đồng vùng sâu này như vậy đâu. Năm giờ chiều, tan việc ở phòng nông nghiệp ra, người ta lo đi nhậu nhẹt với bạn bè, đi về nhà cơm nước với vợ con hoặc bồ bịch, kỹ sư Năng băng băng chạy ra chỗ cống đập của hai xã này để đo độ nhiễm mặn của nước biển dâng lên, coi tới mức độ nào, đặng bỏ đập xuống, chặn lại. Nhiệm vụ của trưởng phòng giao cho kỹ sư Năng mà, và không phải nhiệm vụ được giao đi nữa, kỹ sư Năng cũng biết phận sự của mình là phải làm sao để cánh đồng trồng lúa nước này thích ứng được với sự thay đổi của trời đất, khí hậu và thiên nhiên sông biển ở xứ này thôi.

Chiều hôm kia, kỹ sư Năng đứng với ông Ba Thời, cha vợ hụt của mình, bên đầu cống đập. Hai người đàn ông, một già, một trẻ, không lo đến chuyện cha vợ hụt hay con rể hụt gì của mình đâu. Ông Ba thời cho kỹ sư Năng biết, sáng nay, ông sẽ xuống giống vụ Hè này rồi, mà không tính nước lớn, nước ròng của con sông này được nữa, cứ tính chuyện dọn đất xong là phải rải giống, mới kịp tới lúc gặt hái với mùa nước lụt trong vài tháng tới đây. Ông lão nói “cứng như đinh”

– Đâu có chờ Trời tính cho mình. Mình phải tính cho mình. Kịp hay không kịp gặt lúa trước lụt tới, là do mình, chớ sao do Trời được, hả hông, ông kỹ sư?

Kỹ sư Năng chỉ biết “dạ”, không biết nói gì hơn. Ông lão không đợi kỹ sư Năng, nói tiếp

– Nhưng mà chú em mày (2) phải giúp qua (3), chịu cực một chút xíu, khi qua rải giống rồi, chú em mày chạy vô đây, coi chừng giùm cái thằng nước mặn (4) dưới sông mò lên, không cho nó lên đồng, đặng mình dưỡng hột giống, chứ thẳng (5) mà mò lên, cũng một chút xíu thôi, là miếng ruộng của qua “đi đời”. Người mình đây, nghèo không nghèo, giàu chưa giàu, chỉ cần thất bát, thua lỗ một mùa thôi, là đủ đói khổ rồi nghen, chú em!

Kỹ sư Năng đứng lặng ngắt. Trời đất à! Cha vợ hụt nói chuyện “ngọt như mía lùi lửa than” như vậy, làm sao mà mình “lắc” được đây? Chuyện ổng không gả được Út Thắm cho mình là tại mình, chớ đâu phải tại cha con của ổng! Hồi Trưởng phòng giao nhiệm vụ cho kỹ sư Năng vào “lo” cho cánh đồng này, năm kia chớ năm nào đâu, kỹ sư Năng đã đến nhà ông Ba Thời, và đã biết nhà ổng có con gái út đang học đại học ở Long Xuyên. Một nông dân trồng trọt mà là nông dân giỏi như ông Ba Thời nuôi con gái học tới đại học là chuyện bình thường thôi, ý chí sống và vươn lên của một đẳng cấp, một gia đình ở vùng quê xa này vẫn được nuôi dưỡng một cách chân chất, thật thà. Nhưng kỹ sư Năng hỏi kỹ lại, thì ra cô Út Thắm không học nuôi trồng thủy sản hay trồng trọt nông nghiệp gì đâu; cô Út Thắm học ngoại ngữ (tiếng Anh), lại là khoa sư phạm (học ra trường sẽ dạy ngoại ngữ, tiếng Anh cho học trò). Biết nhiêu đó, bỗng dưng kỹ sư Năng thấy mình “tuột dốc”. Anh mặc cảm tự ti ngay, vì kỹ sư nông nghiệp như anh lấm láp, bụi bùn có thua gì người nông dân đâu, chỉ hơn người nông dân ở kiến thức mà anh học ở nhà trường, và còn thua mấy lão nông ở quê xứ này về kinh nghiệm gieo trồng nữa. Kỹ sư Năng ngời ngời của ngày mới ra trường bỗng dưng cảm thấy mình xiêu vẹo, trước con gái Út Thắm của lão nông Ba Thời.

Một tuần lễ, Út Thắm mới về nhà thăm gia đình một lần, chỉ vào ngày chủ nhật, và có tuần cô bận rộn những gì đó ở trường, ở bạn bè… không về. Bấy giờ, kỹ sư Năng phải đi “canh” đồng ruộng và canh nước mặn ở cống đập liên xã này đến cả ngày chủ nhật để mong gặp được con gái Út Thắm của ông Ba Thời. Khổ thân cho kỹ sư Năng, gặp được thì gặp, con gái nhà quê mà đẹp như bông hoa, cũng có lẽ vì  Út Thắm đã học đến năm thứ hai ở trường thành phố, ăn diện và kiểu cách đã gần giống với gái thành phố  rồi, nên đẹp duyên dáng mà kiêu hãnh, không còn vẻ quê mùa thôn dã nữa. Nhưng kỹ sư Năng vẫn thích Út Thắm như vậy, và anh giống như người nông dân cần cù với mảnh ruộng và hạt lúa, cứ đến và gặp và nhìn ngắm Út Thắm cùng với mối tình thầm và  yêu xa của mình. Kỹ sư Năng trở thành bạn vong niên của lão nông Ba Thời lúc nào không hay, không biết nữa. Lão nông Ba thời vẫn rất vui vì có chàng kỹ sư trẻ năng tới lui nhà mình, chuyện đời, chuyện ruộng lúa, chuyện mùa màng, nước nôi, cống đập… Ông lão tinh ý, chờ đợi, và chờ đợi. Đến một ngày, kỹ sư Năng không nói gì với Út Thắm, lại thì thầm với ông Ba Thời, nửa đùa như nửa thật, ở bữa nhậu bờ ruộng sau khi Hội thảo đầu bờ giống lúa mới IR

– Chú Ba cho con làm rể chú Ba nghen?

– Hả

Kỹ sư Năng lắp bắp nói lại. Ông Ba Thời lên giọng cha, ông:

– Rể hả? Đứa nào? Tao nhiều con, cháu lắm!

– Dạ! Út Thắm!

– Vậy hả? Chú em mày hỏi nó chưa?

– Dạ! Chưa!

– Trời đất!… Để tao… hỏi ý của con gái tao lại coi! Sao giờ tao gật với chú em mày được?

– Dạ!

Lâu lắc, lâu lơ, kỹ sư Năng không thấy ông Ba Thời trả lời gì cả. Kỹ sư Năng nghĩ là mình nói với ông lão lúc nhậu nhẹt như vậy, e rằng khi ổng lão hết rượu thì đã quên rồi! Nhưng không phải như vậy. Năm cuối của Út Thắm tốt nghiệp cô giáo dạy ngoại ngữ, ông Ba Thời lần lựa mãi mới nói với Kỹ sư Năng tại bàn trà ở nhà khách của ông, sau khi cả buổi nó chuyện ruộng đất, mùa vụ

– Chú em mày biết không? Gì cũng có số cả! Chú em mày đâu có số làm con rể tao? Con Út tháng sau tốt nghiệp thì thẳng của nó đã nhắn lời, tháng sau ba má của thẳng đã  đến “dạm hỏi” con Út cho thẳng rồi! Nhà đó ở chợ Long Xuyên, thẳng cùng học chung khóa với con Út. Thiếm Ba mày và con Út gật, sao tao lắc được đây? Tao đành phải chiều vợ, con thôi! Dạo trước, tao về hỏi giùm chú em mày, vụ chú em mày xin làm rể, mà con Út nói “Để coi sao, ba ơi!”. Thì tao cũng… chờ, như chú em mày thôi! Giờ, nó về nói có mối đó… Biết làm sao đây?

Kỹ sư Năng lặng thinh, rồi lặng lẽ ra về! Mối tình thầm và tình xa mà anh dành cho Út Thắm chấm hết chỗ đó. Hờn trách ai đây, chỉ là anh tự trách mình, gì cũng gan dạ mà sao chỉ có chuyện này lại nhút nhát? Sao bao lâu nay anh không bước tới, không đưa tay ra cho Út Thắm? Sao mà Út Thắm đem cuộc đời của mình chờ đợi, gởi gắm vào duyên phận mong manh, vào một câu nói bâng quơ của ai kia ở buổi nhậu đầu bờ ruộng? Một câu xin làm rể ở bữa ăn nhậu, thì nghĩa lý gì đâu?

Nhà ông Ba Thời ở đằng kia, cái sân trước nhà rộng thênh thang mà đêm đó, đêm Út Thắm làm tiệc đám hỏi rình rang, đèn đuốc sáng choang, bàn ghế chật ních người. Kỹ sư Năng không đủ lòng dạ đến dự tiệc đính hôn đó của Út Thắm, dù anh được ông Ba Thời mời mọc tận tình. Anh đứng ở chỗ này, chỗ cái cống đập ngăn nước mặn từ biển dâng lên này, đứng hèn lâu, như là người kỹ sư nông nghiệp tận tụy nhất với công việc của mình. Rồi anh đo độ mặn của nước. Rồi anh lặng lẽ lên xe quày ra đường lộ cái, và về thẳng… quên luôn cái thiệp mời đám tiệc con gái út mà ông Ba Thời gửi cho anh hôm trước ở trong túi áo ngực. Lúc chuẩn bị đi, anh định đến gửi thiệp chúc mừng thôi, rồi cáo lỗi vì bận việc mà về và không dự tiệc được. Trời ơi, là trời! Đến cái thiệp đi ăn mừng đám tiệc của người ta còn không đưa được, nói đến chuyện gì nữa đây? Kỹ sư Năng không biết mình nên khóc hay cười với chính mình!

Út Thắm sau đám tiệc chắc đã đi vắng, xa nhà rồi. Cô có thể trở lại nhà trọ ở trường hoặc đi chơi nghỉ hè đâu đó, chờ nhận bằng tốt nghiệp và chờ ngày lành tháng tốt để cưới nhau với người ta. Đêm nay, cách đêm đó cũng khá lâu rồi, mà kỹ sư Năng chưa đủ dũng cảm để lai vãng tới sân nhà của lão nông Ba Thời như dạo trước.

Kỹ sư Năng muốn đến để hỏi ông lão, xem ông đã sạ giống xuống chưa, và cho ông biết là anh đã giữ đúng lời hứa, đến kiểm tra mực nước sông và đo độ nhiễm mặn để xử lý đập ngăn mặn, cho ông lão yên tâm. Nhưng anh cứ chần chừ! Con rể thì không thể hại cha vợ được, mà không con rể cũng không thể hại ông lão nông này được. Câu nói của ông lão vẫn như vẳng bên tai kỹ sư Năng “Người mình đây, nghèo không nghèo, giàu chưa giàu, chỉ cần thất bát, thua lỗ một mùa thôi, là đủ đói khổ rồi nghen chú em!”. Kỹ sư Năng bật cười. Ỏng lão chân chất có thua gì anh đâu? Ổng hỏi con gái ổng giùm cho anh không được, thì cho anh biết đi, ai đâu làm thinh mà chờ… và sao anh cũng cứ chờ ông lão?

Hình như có ai đó đã nói với anh, không tại ai cả, do duyên phận mà thôi!

Kỹ sư Năng cúi xuống, nhấc chiếc nắp cống đập, vừa nhấn xuống vừa xem xét, kiểm tra, vừa lầm bầm, “Duyên phận! Duyên phận! Duyên phận!”. Anh biết rằng, cả cánh đồng phía kia, không chỉ riêng thửa ruộng của cha vợ hụt của anh, đang chờ anh làm việc này để mùa được lên xanh.

CHÚ THÍCH
1. Sự tích Thủy tinh, trong truyện cổ tích Việt Nam, Sơn tinh, Thủy tinh
2. 3. Cách xưng hô của người lớn tuổi với người nhỏ tuổi hơn mình
4. Nước biển dâng
5. Thằng ấy

Nguyễn Lập Em
(Minh họa: Vương Lê)