Xã nông thôn mới Tây Phú như chuyện cổ tích…

Thời gian hai chiều thời tiết nắng mưa khác xưa và dưới sự lao động bàn tay cần cù của con người đã làm cuộc sống thay đổi mọi thứ để viết ra được câu chuyện cổ tích. Mới ngày nào từ huyện Huệ Đức đổi thành huyện Thoại Sơn đã 40 năm trôi qua. Trong buổi lễ kỷ niệm huyện hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới không thể bỏ qua cái xã vùng sâu vùng xa đồng Tứ giác Long Xuyên. Nhất là xã Tây Phú cũng được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2018. Mà chuyện cổ tích bắt đầu bằng hai tiếng ngày xưa…

Ngày xưa, lịch sử khẩn hoang đất phương Nam được nhà văn Sơn Nam ghi lại. Những người lưu dân gồm những dân nghèo, trốn xâu lậu thuế, dân đầu đội trời, chân đạp đất nơi nào sống được thì cứ đi. Thà sống nơi hoang vu trên bờ có cọp, rắn dưới sông có cá sấu còn hơn là sống với bọn cường hào ác bá… đôi chân đã đưa họ tới đồng Tứ giác Long Xuyên, đám lưu dân như choáng ngợp trước cánh đồng năn lác chạy giáp với đường chân trời, 6 tháng mùa khô đất nẻ dấu chân trâu, 6 tháng hình thành biển nước, sóng gió đì đùng. Lỡ đau bệnh không thuốc men chết không có đất chôn. Nếu như Tây Tạng người chết để xác cho chim ăn gọi là điểu táng thì nơi đây chết neo cái xác dưới nước cho cá ăn gọi là thủy táng.  Quạnh hiu cơ cực một chỗ khắc nghiệt nhưng lại là vùng đất đầy tiềm năng với tôm cá rùa rắn chim cò đầy đồng. Lại có giống lúa trời, còn gọi là lúa ma không trồng mà mọc, hột nhỏ có cái duôi dài. Lúa chín bơi xuồng vô, lấy chiếc xào quơ lúa rụng vô xuồng mang về. Rồi cánh đồng hoang vắng thành những xóm làng khi ông cố đạo người Pháp phát hiện giống lúa xạ ở Campuchia mang về. Đồng Tứ giác Long Xuyên trở thành vựa lúa gạo nuôi dân An Giang cũng như Đồng Tháp có Đồng Tháp Mười vậy. Hình như ở khoảng không gian rộng lớn nó luôn có tiếng gọi mời. Đó là tiếng đồng nội, tiếng gọi hoang dã như là ai cũng nghe tiếng gọi này, nó luôn gọi mời nhưng vì cuộc sống nhiều chuyện che lấp mất. Tôi đọc Sơn Nam lúc chín mười tuổi mãi tới năm 1978 tôi học Trung học Sư phạm. Gần tới ngày mãn khóa tôi đi một vòng các huyện để coi nơi nào thích hợp để lúc ra trường xin phục vụ. Tôi vô huyện Thoại Sơn, tình cờ hay là cái duyên do trời đã sắp đặt cho cuộc đời. Đêm ấy ở Thoại Sơn có cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng mừng ngày giải phóng, đặc biệt tôi chú ý đến xã Tây Phú. Với các màn tự biên, tự ca, tự diễn tất nhiên là không hay vì trình độ lúc bấy giờ bài nào cũng na ná giống nhau để ca ngợi cách mạng. Ai ca tôi cũng quên nhưng mấy chục năm qua nhớ mãi người ngồi chơi ghita, mù, gọi là mù Xưởng. Phải nói tiếng đàn nhặt thưa nhấn nhá điêu luyện không thua gì nghệ sĩ Văn Vỹ nổi tiếng cũng mù. Tuy nhiên có gì đó tôi lấy làm khó chịu khi thấy mù Xưởng đứng trên sân khấu dưới bộ quần áo cũ mèm lại có miếng vá vai nữa. Ban đầu tôi nói không được bôi bác quá, hay đây là sự dàn dựng để cho mọi người biết xã vùng sâu còn nghèo. Nhưng cuối buổi diễn tôi bước lên cánh gà tìm mù Xưởng để khen mới biết là không phải. Một nhân vật đầy cá tính thú vị sau khi nghe thắc mắc, mù Xưởng hỏi ngược lại – mình đờn có mùi không? Vậy người đến để nghe đờn hay là xem quần áo? Câu nói của mù Xưởng có vẻ làm phách, làm tàng, anh trưởng đoàn văn nghệ thấy vậy mới xen vô – mù Xưởng vậy đó, kêu mặc áo vô biểu diễn, không chịu nói mình mù chẳng quan tâm bên ngoài. Và tiểu sử của mù Xưởng thật đặc biệt. Mấy anh em tham gia kháng chiến, mù Xưởng ở nhà buồn lò mò tìm vô tận đồng sâu xin tham gia. Ban đầu tổ chức nhận nhưng sau mấy trận đánh mù Xưởng trở nên vướng víu tay chân mọi người, đành khuyên mù Xưởng trở về. Anh chọn xã Tây Phú để tiện việc gần gũi với du kích trong đồng, sống bằng nghề dạy đờn. Càng buồn cho thân phận, cho đất nước, mù Xưởng đàn càng hay. Năm 2010, đọc báo tôi thấy Nhà nước phong tặng mù Xưởng là Nghệ nhân ưu tú. Người nghệ sĩ mù sống tận trong vùng sâu như ít người biết nhưng ai biết thì thấy anh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu phong tặng.

Lúc gần ra trường, một số vị hiệu trưởng trong tỉnh đến nói chuyện cho giáo sinh nghe.  Tôi đặc biệt chú ý nhân vật số 2 cũng ở Tây Phú đó là anh Lê Văn Cò. Ban đầu tôi cho cha nầy mà làm hiệu trưởng sao. Lê Văn Cò đi đâu cũng kè kè bọc thuốc rê, đặc biệt các thầy hiệu trưởng ai cũng không giày thì dép, Lê Văn Cò lại đi chân đất. Nhưng khi anh bước lên bục thì tôi như bị cuốn hút, đầu tiên như anh nhận thấy ánh mắt giáo sinh tò mò hướng về mình nên mở đầu bằng việc nói vì sao mình đi chân đất… và qua đó giới thiệu khung cảnh của xã Tây Phú đồng ruộng hắt hiu… người dân nơi đây rất tốt bụng nuôi chứa cán bộ nhưng sau giải phóng vì ở tận đồng sâu nên chịu nhiều thiệt thòi, thật là nghịch lý. Không biết các giáo sinh nghĩ sao, riêng tôi nghe ông Cò nói lấy làm xúc động, nhất là biết trẻ em nơi đây suốt ngày ở ngoài đồng chăn trâu, cắt cỏ bò, giăng lưới bắt cá, đào chuột, cuộc sống hồn nhiên nhưng rất nhiều đứa lớn tồng ngồng vẫn chưa biết chữ. Bỗng dưng tôi nhớ lại những gì của Sơn Nam viết. Và nhiều người ngạc nhiên khi thấy tôi đậu điểm cao được ưu tiên chọn trường lại đi theo chân thầy giáo Lê Văn Cò về đồng, cuộc sống vất vả với bao khó khăn đang chờ.

Khung cảnh Tứ giác Long Xuyên mấy xã như xã Tây Phú không khác gì Sơn Nam tả mấy chục năm về trước. Đồng không mông quạnh gió thổi lồng lộng. Không thứ gì sống nổi với mùa nước nên dọc theo bờ kinh chỉ thấy tre gai, gáo, cà na hoang dại. Xa xa một mái nhà tranh. Xã Tây phú như biệt lập với thế giới bên ngoài. Đường xá là đường đất gập ghềnh mưa xuống lầy lội, cầu tre lắt lẻo, đã vậy nhiều con mương lại không bắt cầu phải xăn quần lội qua, nên dân nơi đây vì vậy như quen không mang dày dép, đi chân đất, tối rửa chân leo lên giường. Muốn đi đâu phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng đợi chuyến đò máy, thức trễ phải đi đò chèo cà rịch cà tang. Trễ nữa phải xăn quần lội bộ vất vả. Từ Tây Phú về Núi Sập khoảng 30 cây số, có công việc muốn đi phải dự trừ hai ngày đi về. Vì thế dân đồng nhà ai nấy ở, lối sống tự cung tự cấp, trồng rau, nuôi gà, vác cần câu ra đồng kiếm cá về ăn. Không có chợ búa, việc trao đổi hàng hóa là nhờ mấy chị ghe hàng để mua mấy món cần thiết như kim chỉ đá lửa, đường, xà bông… Toàn xã có ba máy truyền hình đen trắng hát bằng bình ắc quy. Nhiều đứa trẻ lớn lên vẫn không biết xe honda là gì. Những năm 80 khi đường xá được sửa sang để xe chạy được, lần đầu tiên Tây Phú xuất hiện xe honda và trẻ con bu lại coi vỗ tay rần rần. Không đâu buồn bằng cuộc sống vùng sâu vào thời điểm nầy, rất nhiều giáo viên về Tây Phú được một hai tháng bỏ nhiệm sở, trốn. Trong đó có lý do xã vẫn chưa có trạm xá, bệnh nhẹ thì cạo gió bứt lá tràm, lá xả, lá ổi làm nồi xông hơi, nửa đêm gặp bệnh cấp cứu coi như tiêu đời. Dân địa phương thì quen, người xa đến thì nghĩ tới rất sợ. Về trường học xã Tây Phú có 3 điểm trường. Trường chính là ngôi trường cũ hồi còn ấp chiến lược bị bom đạn đánh sập hai vách bỏ hoang mấy chục năm. Anh Lê Văn Cò, giáo viên chế độ cũ rất giỏi biết đủ nghề như nề, mộc, vẽ tài hoa. Người ta nói bá nghề hảo nuôi thân nhưng anh Cò lại lận đận với bầy con sáu đứa nên dẫn nhau về đồng làm ruộng để sống bỏ nghề. Tới Tây Phú nhìn ngôi trường và thấy đàn trẻ con đồng sâu hoang dã anh bỗng ngứa nghề. Anh lên Ủy ban xin mở lớp dạy rồi vận động dân tu sửa làm lại ngôi trường và vận động cất thêm hai địa điểm mới bằng tre lá, rồi đi tìm giáo viên về Tây Phú. Nhưng mấy thầy vì buồn lại bỏ đi. Đến lượt tôi với mấy thầy Đức, Liêm, Khoảnh, Tuấn, Luân, Khiết là những thầy giáo thứ ba tới và trụ lại được sau nhiều năm. Có vẻ là do bản chất con người thích hợp khung cảnh “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ – người khôn người đến chốn lao xao” vậy. Ngày nay như ít nghe nói đến “người giáo viên nhân dân”. Vào thời điểm ấy vị trí của người giáo viên nhân dân chốn đồng sâu thật đặc biệt. Ngoài việc dạy dỗ ra họ có vai trò như cán bộ xây dựng nông thôn. Trên xã mở ra phong trào gì trong khi đoàn thanh niên, hội phụ nữ không có bao nhiêu người thì giáo viên trở thành cán bộ tiếp sức vận động. Trường học bàn ghế ọp ẹp không đủ chỗ cho học sinh ngồi, không có nhà ở tập thể nên giáo viên phải tự túc ở nhà dân. Nếu như giáo viên ngoài thành với số lương 15 đồng cuộc sống khó khăn, thì đời sống của giáo viên đồng sâu như được dân đùm bọc giống như đi kháng chiến vậy. Ăn, ở nhà của dân thì xem như ngôi nhà của mình chia sẻ buồn vui, chia sẻ công việc. Nhà phơi lúa gặp mưa phải nhảy vào cào lúa tiếp, nhà đang suốt lúa cũng nhảy vô tiếp, chẳng lẽ ngồi nhìn. Đồng thời còn có bổn phận kìm cặp mấy đứa trẻ trong nhà. Đúng nghĩa là người giáo viên nhân dân, hai bên thật gắn bó. Hồi đó tôi ở nhà chú Bảy Tường, sau về điểm trường B thì ở nhà anh Tám Định Chủ tịch xã Tây Phú. Ba mươi năm sau về Long Xuyên gặp nhau mừng rỡ cũng như gặp lại bà con ở xa về. Rất nhiều kỷ niệm để cho tôi nhớ cánh đồng nầy. Đồng sâu không có quán xá không có gì để giải trí nên dân thì giờ nhàn rỗi như dành cho chuyện nhậu nhẹt đờn ca tài tử.

Ban đầu chỉ một hai người sau đó là cả một đoàn bảy tám người, có sự hiện diện của một hai giáo viên lại thêm mù Xưởng. Có thể nói thói quen nhậu nhẹt là tệ nạn cho dân sống ở đồng nhưng khó nói vì đồng như kho dự trữ các món rau ngổ, bông súng, rau đắng, rồi chim chuột rùa, cá… lúc nào cũng có sẵn. Về đây thầy giáo mà không biết nhậu thì rất khó hòa đồng với người địa phương. Đời người gồm những phút giây ngắn dài cộng lại, tôi có bốn năm ở xã Tây Phú nên tôi luôn coi đó là khoảng đời mình nhớ mãi vì vui và có ý nghĩa để lại nơi ấy nhiều kỷ niệm. Vui vì được sống với những người nông dân sống hết mình, bản chất chân thật. Rảnh ra thì nhậu nhưng khi trường học có việc cần chỉ cần hô lên một tiếng thì như có đủ mặt mọi người. Làm đường, bắc cầu cũng vậy, công sức người bỏ ra tính tiền công không thua gì nhà nước bỏ ra. Hòa đồng với nông dân coi vậy không dễ dàng. Cán bộ không thể nói với nông dân chỉ cái miệng, mà phải làm sao để họ tâm phục khẩu phục. Tỉ như mù Xưởng. Đám cưới người ta mời anh tới đờn trả tiền nhưng nửa chừng anh ôm đàn lò dò chống gậy về trường học kiếm mấy ông thầy ở xa đến đờn ca chơi. Hỏi lý do thì nghe anh trả lời – tui đờn mà thiên hạ lo nói chuyện có ai nghe đâu. Về ý nghĩa thầy dạy vùng sâu thì như vậy. Chương trình dạy học thì giống như mọi trường không có chương trình dành riêng cho vùng sâu phải nghỉ một hai tháng nước lên. Thêm một cái nghỉ đặc biệt nữa là đến mùa lúa học sinh hay trốn học. Lúa xạ không cần chăm sóc, tháng Tư cày bừa gieo xạ để đó. Tháng bảy nước nhảy lên khỏi bờ đồng hóa thành biển nước sâu bốn năm thước, nước lên tới đâu lúa mọc dài theo đó rồi trổ bông. Tháng mười một nước rút lúa chín bắt đầu thu hoạch. Từ chỗ đồng không mông quạnh thưa người thì tháng mười một Tứ giác Long Xuyên như mở hội người các nơi nhất là dân huyện Chợ Mới kéo tới để gặt lúa đông chen vai nhau. Trên bờ lều trại dựng san sát, dưới sông xuồng ghe không có chỗ đậu. Tây Phú lúc nầy thật vui. Từ chỗ không ai buôn bán gì đến chỗ muốn mua món gì cũng có như thịt, cá, cà phê, cháo lòng, sương sáo, sương sa, chè… Ai không có tiền đem lúa tới đổi. Không làm gì đi mót lúa cũng mót được một hai giạ nên mùa lúa bọn trẻ hay trốn học để đi mót lúa về đổi sương sáo, bánh lọt, các món ăn chỉ thấy xuất hiện vào mùa nầy. Do đó giáo viên vùng sâu phải là người có kinh nghiệm và từng trải. Phải rút, tổng hợp chương trình, phải nghĩ cách nào dạy bù sao cho học sinh tuy nghỉ mà vẫn học đầy đủ để thi chuyển cấp. Được dân đùm bọc nên lương tâm không cho phép lơ là cho qua mọi điều. Vào mùa lúa thầy phải lội ra đồng để kiếm mấy đứa học trò về. Buổi nào học sinh trốn đi mót lúa đông buộc phải nghỉ thì gom chúng lại dạy ban đêm. Bao lâu dân đồng sâu quen lối sống – lấy thúng đong lúa không ai lấy thúng đong chữ, người nông dân qua trường học qua các thầy cô đã hiểu thế nào là đời sống của người có học, có văn hóa. Trường học là cơ sở để tạo ra lớp cán bộ trẻ cho xã, cũng là nền để phát triển xã Tây Phú trở thành xã Nông thôn mới sau nầy. Chuyện cũ kể lại thế hệ sau nghe chắc là ngạc nhiên giống như nghe chuyện đời xưa vậy.

***

Mà thật như vậy.

Từ một nơi heo hút không chợ búa mua bán, vài trăm hộ dân xa xa một mái nhà tranh vách lá. Đường đất lầy lội khi mưa xuống, không có cầu như sống biệt lập với xã hội bên ngoài.

Nay trở nên nhộn nhịp chợ mở ra đầy hàng hóa, dân số tăng lên 7500 hộ, nhà cửa đông đúc khang trang, lát gạch tráng men. Xưa lắm đứa trẻ lớn mà không biết chiếc xe honda ra sao thì nay đường xá đã được bê tông hóa, nhà nào cũng có một hai chiếc xe để chạy. Có nhà còn sắm xe hơi.

Từ một địa phương nghèo xác xơ đến mức trường học không đủ ghế ngồi, nhiều học sinh đi học phải đem theo ghế ngồi dưới đất để học. Thiếu giáo viên đến độ một thầy giáo phải phụ trách dạy hai, ba lớp học. Nay thì ngôi trường được hoành tráng, có lầu đạt chuẩn quốc gia, có sân thể thao, thư viện, phòng thí nghiệm và đang có “dự án” thêm trường cấp ba.

Từ một chỗ không có trạm xá, đau yếu phải nhờ cây cỏ xung quanh, tin vào mấy ông lang băm thầy bùa. Nay đã có trạm xá khang trang, nhiều giường nằm, có ý tá, bác sĩ trên tỉnh về khám chữa bệnh tận tình.

Hình như trong đầu của người dân xã Tây Phú nhất là lớn tuổi như có phim chiếu chậm về những ngày tháng cũ. Trải qua bao buồn vui thăng trầm… đời sống của nhân dân. Làm lúa xạ thì giờ rảnh rỗi nhưng năng suất thấp mọi thứ đám tiệc, con cái chợ búa, đều dựa vô bồ lúa. Mới giải phóng nhà nước chưa có kinh nghiệm đề ra những chủ trương như không cho xâm canh, như không cho bán lúa nơi khác làm đảo lộn nếp sống dân tình. Đến độ là một nơi dư lúa gạo phải thiếu ăn, một năm mấy mươi lần nhiều nhà phải ăn cháo. Rồi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trâu bò, máy móc dồn về một chỗ làm nhiều người bỏ ruộng hoang hóa cho cỏ mọc. Dân quê lúc chuyện trò hay nhắc tới Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vì ông là người đề xuất phải đổi mới, với những việc cần làm ngay sửa sai mọi việc cũ chấn chỉnh hợp tác xã, phân phối lưu thông, cho nạo vét đào thêm các con kinh chuyển một vụ sang thành hai vụ. Ban đầu dân vẫn chưa tin còn rụt rè, Ủy ban xã phải nhờ đoàn thể, trong đó có các thầy cô giáo đi vận động tuyên truyền một số gia đình nghe theo lời vận động xuống giống nhưng là xuống giống thử chứ bụng không tin tưởng chính sách lúc vầy lúc khác. Qua mấy mùa vụ, dân nhận ra thiện chí của nhà nước, thuế giảm xuống, lúa làm ra bán đâu cũng được, đường xá bắt đầu tu sửa để tiện việc vận chuyển. Dân bắt đầu có lòng tin, tâm phục khẩu phục, những ai đã bỏ ruộng, lục tục trở về chỗ cũ cất nhà tái định cư làm ăn. Để rồi đồng Tứ giác Long Xuyên có xã Tây Phú những năm đổi mới đã góp phần cho tỉnh An Giang nổi tiếng xuất khẩu một triệu tấn gạo. Một con số kỷ lục nhưng rồi An Giang nhận ra một nền kinh tế thuần nông nghiệp nếu không tái cơ cấu sản xuất lớn, trồng lúa với chất lượng cao thì kinh tế đời sống người nông dân chỉ có vậy không giàu hơn. Tái cơ cấu kinh tế gắn liền với ứng dụng khoa học, thu hút đầu tư, liên kết các doanh nghiệp với nông dân. Tâm lý người dân phải thích hợp góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu nầy. Và như vậy phải có chương trình xây dựng nông thôn mới. Dân không tin không đồng lòng thì không hoàn thành công việc nầy. Đây cũng là mục tiêu của quốc gia chứ không riêng gì của An Giang, của huyện Thoại Sơn hay riêng cho xã Tây Phú. Chủ tịch xã Tây Phú Nguyễn Thanh Tuấn cho biết – người dân vẫn là chủ thể, là người thụ hưởng thành quả từ xây dựng nông thôn mới. Qua công việc đổi mới, sửa sai những chính sách, dân đã bắt đầu tin, nhưng chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của quốc gia nên cần phải đẩy mạnh vận động, tuyên truyền cho dân thông suốt và đồng tình. Nên suốt 7 năm vừa qua UBND xã thống kê, huyện cùng với xã đã tổ chức trên ba trăm cuộc họp dân hàng chục ngàn người tham dự. Để rồi qua 7 năm chuyển đổi nông thôn mới từ cánh đồng nước nổi xã Tây Phú làm lúa năng suất cao trong bờ đê bao khép kín. Trước kia là vườn tạp, tre gáo nay chuyển sang trồng rau màu 63 hecta, cây ăn quả 36 hecta, phát triển đàn bò lai giá trị cao trên 400 con.  Từ năm 2016 có dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững có 357 hộ tham gia với diện tích là 850 ha. Qua đây, chi phí sản xuất giảm xuống 2 triệu đồng/ ha. Các tiêu chí như điện, nhà ở, trường học… Tây Phú đều đạt và vượt chuẩn theo quy định. Có thể nói, dân Tây Phú ngày nay đã giàu. Nhưng thế nào là giàu, chuyện này khó nói. Tuy nhiên ngày 29.8.2018 xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn đã được UBND tỉnh công nhận là xã Nông thôn mới. Tây Phú từ thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 21.5 triệu/1 năm, đến nay đã tăng lên 43,7 triệu/năm… Cho thấy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã nâng lên rõ rệt…

Kỷ niệm 40 năm ngày tách và lập lại huyện Thoại Sơn và công nhận là Huyện Nông thôn mới. Với bộ mặt xã Tây Phú của huyện hiện nay so với trước kia nhớ lại thì tôi thấy giống như chuyện cổ tích vậy còn gì nữa… Trước kia Tết đến thì đám thanh niên chạy xe ra Núi Sập, Long Xuyên chơi, nay ngược lại những ngày lễ Tết đám trẻ ngoài thành thị đổ ngược về đồng vừa vui vừa hưởng làn gió mới…

Ngô Khắc Tài
(Ảnh: UBND Thoại Sơn)