Bông ô môi rực hồng trong nắng sớm

1. Năm 1973, đám học trò lớp 11B trường Trung học Lấp Vò hứng chí hè nhau đi chơi núi. Toàn dân miệt ruộng đồng, suốt ngày quanh quẩn với sách vở và đồng sâu ruộng cạn, nghe nói đi núi, đứa nào cũng mừng húm trong bụng rồi hí hửng ra mặt. Bao nguyên một chiếc xe đò, một số phải ngồi trên mui xe. Hồi đó xe đò chạy đường dài chất lểnh nghểnh hàng hóa trên mui, xe đò đi đường ngắn để hành khách ngồi lủ khủ trên mui xe, xem như chuyện thường ngày trên đường lộ. Trên mui xe nào cũng rắn chắc dàn xắc-xi để kềm nắm, ràng buộc, có thang leo lên tuột xuống dễ ợt. Ngồi trên mui xe chỉ mỏi tay vịn nhưng sướng con mắt, được dòm ngó đã đời bốn phương tám hướng trên đường đi. Từ lúc cha sanh mẹ đẻ tới lần đầu được thấy núi, leo núi, đứng trên núi nhìn mút mắt đồng ruộng ngút ngàn, thấy tâm hồn như bay bỗng, hòa quyện vào hồn thiêng xứ sở. Nhưng rồi lại ngậm ngùi nuối tiếc, sao ngọn núi lại cô đơn, trơ trọi, loang lổ, đầy rẫy hầm hố, trơ ra cái thân hình xương xẩu trắng bệch như người sắp chết. Phải chăng bởi thương tích đầy mình, trầm kha bệnh hoạn, hấp hối lìa đời nên gọi núi sập? Cũng cảm giác ngơ ngớ, là lạ trên cung đường Long Xuyên – Núi Sập. Ngồi trên mui xe, chúng tôi thu nhận hết trơn khung cảnh hai bên trên quãng đường gần ba chục cây số. Nhớ hoài con đường nhỏ xíu, hai xe đò qua mặt phải chầm chậm né nhau. Mặt đường lổm chổm đá bích- toong, ổ gà, bụi bặm mịt mù trời đất. Hai bên đường minh thiên me nước. Nhà dân đa phần tre lá, nhưng nhà nào cũng trồng me nước. Những cây me nước ốm o và gai góc, bám đầy bụi đường, lơ thơ tơ liễu, oằn nhánh ra lòng đường, lủng lẳng những chùm trái như trêu ghẹo lữ khách. Có những chùm trái chín đỏ, no tròn, chúng tôi chỉ đưa tay chộp dính rồi lột ra chia nhau ăn sướng cái miệng nhưng trong lòng rười rượi nôn nao khó tả. Ở quê, tụi nhỏ khoái me nước bởi trái me nước hương vị thơm tho, vừa chát vừa ngọt, ăn vào khô ran cổ họng, ực vô một ca nước lạnh no cành hông rồi chơi đùa tới chấu. Cũng được bắt con cam, con quýt có đôi cánh xanh ngắt, bóng hới, đem về nuôi. Nhưng me nước ở đây sao hẩm hiu, quạnh quẽ quá. Nghe các bậc trưởng thượng bảo rằng, những miệt đất mới khai mở sau này, còn nhiều khốn khó, cư dân thường trồng nhiều me nước và trâm bầu. Hai loại này trồng theo mé đường sẽ phát tán mau, gốc rễ bám giữ đất khỏi sạt lở, tàng lá che mát, lấy thân cây chất chà cá vào ở nhiều, sau cùng làm củi chụm rất đượm lửa.

Mùa hè năm sau, một nhóm học trò lớp 11B Trung học Lấp Vò lọ mọ lên Long Xuyên học “cua” để chuẩn bị vào lớp 12 gian khó cho kỳ thi Tú Tài. Vào lớp học, cũng như chỗ trọ, anh em hó hé nhau rằng mấy chàng ăn mặc bảnh bao, đeo đồng hồ mới cáu, con gái đeo dính như sam, đó là con mấy ông chủ hầm đá ở Núi Sập. Tụi nó tiền bạc rủng rỉnh, ăn xài như nước, sang chảnh như công tử thời xưa. Rồi lại nghe nói mấy hầm đá trong đó, giới chủ giàu nứt trứng, của cải phủ phê, còn công nhân khai thác đá lại nghèo tàn nghèo mạc, nghèo khạc ra tro, nghèo ho ra bụi… Nai lưng đục đá, bắn đá, chẻ đá, đập đá, gánh đá… từ đời cha sang đời con, tấm thân còm cõi, phận đời tối tăm bẩn chật, rồi chết chóc do tai nạn lao động luôn rình rập như ma trơi phủ lên những mảnh đời đen bạc. Nghe vậy từ đó về sau chúng tôi xem mấy đứa con chủ hầm đá như bọn Lý Thông, Bùi Kiệm, những thằng đáng ghét phải xa lánh.

Mấy năm sau giải phóng, mỗi lần về quê bên Lấp Vò, đều nghe các chú, các anh đi làm ruộng ở miệt Huệ Đức lẫn những địa phương khác, than thở rát ruột bởi tình cảnh ngăn sông cấm chợ, hắt hủi người xâm canh. Làm ruộng trần ai khoai củ, gian khó trăm bề mới ra được ba hột lúa, trong khi nhà thiếu gạo ăn cũng chẳng chở được lúa về nhà, bởi phải bán sạch sẽ cho trạm thu mua với giá rẻ rề, rẻ mạt. Vậy cũng còn đỡ, ngặt nghèo hơn khi bị chính quyền sở tại thu hồi đất của người đi xâm canh để chia cho người địa phương. Trong số những người được chia, có người từ cha sanh mẹ đẻ chỉ biết đi mần mướn, chẳng rành rẽ ruộng nương, thất bát trầm ê, cỏ lác mịt trời. Tiếc hùi hụi đất đai ông cha để lại hoặc dày công khai phá, chủ đất xâm canh len lén thương lượng mua lại của người được chia. Té ra mình phải mua lại đất của chính mình nhưng phải núp ló. Thật tréo nghoe cẳng ngỗng của một thời quan liêu bao cấp.

Khoảng năm 1985, anh Sáu Thành cùng Hai Nghiệp, cán bộ Văn phòng Thị xã ủy Long Xuyên, đi thăm gia đình chính sách ở xã Tây Phú- Thoại Sơn. Người cần đi thăm, bà Năm, gia đình Việt kiều Campuchia có công giúp đỡ, nuôi chứa nhiều cán bộ Thị xã ủy Long Xuyên. Bà Năm có người con gái, gọi thân mật là chị Út Lá Sen, vợ anh Hai Thanh, nhiều năm làm cơ sở cách mạng và giao liên trong kháng chiến. Mấy năm gần giải phóng bà Năm cất trại trên bờ kinh 10 giáp lộ Huệ Đức làm trạm liên lạc, cung cấp lương thực và thực phẩm cho căn cứ của Thị xã ủy Long Xuyên ở đồng tràm Huệ Đức. Một gia đình hiền như cục đất, chất phác như cây năng cây lác giữa đồng nội nhưng kiên trung, chí cốt với cách mạng từ buổi ban đầu cho tới ngày giải phóng, công lao không nhỏ. Vậy nhưng cái nghèo khó vẫn đeo bám xuyên suốt, nên thằng Kiểng con chị Út nó đèo đẹt, đen thủi đen thui, thấy tội nghiệp lắm. Bởi nghèo nên phiêu dạt, gia đình từng tá túc nhiều nơi rồi về xã Tây Phú định cư. Được tin, Thị xã ủy cử cán bộ tới tận nơi xem hoàn cảnh ra sao để tìm cách giúp đỡ.

Hồi đó xã Tây Phú thuộc vùng xa lắc tít mù, miệt xa xôi vời vợi của huyện Thoại Sơn. Hỏi thăm, có hai ngả vào tới trung tâm xã. Một, đi từ cầu số 5 tỉnh lộ 941 thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành đi vào, khá xa. Hai, đi từ cầu Mướp Giăng ở Ba Thê đi qua, gần hơn. Nhưng ngặt nỗi cả hai ngả này chỉ đi được bằng ghe tàu, bởi trên bộ toàn cầu khỉ, đường sá lỏm chỏm gồ ghề. Một ngày chủ nhật trời quang mây tạnh, Sáu Thành và Hai Nghiệp chạy xe Honda vào gặp anh Năm Thái, Bí thư cấp ủy xã Định Thành. Khi nghe đồng chí, đồng môn thân tình khăng khít suốt hai năm sôi kinh nấu sử chốn trường an Nguyễn Ái Quốc II, nay ở đơn vị bạn có yêu cầu trợ giúp, uống xong bình trà rồi chủ nhà dắt xe Honda ra nổ máy dẫn đường đi Tây Phú.

Nhờ dẫn đường chỉ lối, anh em đi thăm chính sách mới biết có con đường đi Tây Phú theo đường tắt băng đồng từ xã Vọng Đông dẫn qua. Đường này gần hơn hết, đi xe gắn máy được nhưng phải lọ mọ như rùa bò, mấy phen hú hồn hú vía vì phải chạy xe theo đường mòn, bờ ruộng đầy dấu chân trâu bò. Xe Năm Thái chạy trước, Sáu Thành và Hai Nghiệp đi xe sau bám theo y chang lằn bánh để khỏi sụp lỗ hang lểnh nghểnh hoặc trật bờ lề rớt xuống mương. Gắt củ kiệu nhứt có hai ba chỗ đường mòn bị mương nước cắt ngang giữa đồng. Ba người hì hục khiêng hai chiếc xe Honda qua khỏi, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, miệng thở phì phò rồi nói vui rằng còn khỏe hơn mấy anh trong kháng chiến. Bởi gian lao cực nhọc nhưng không phải chết chóc hy sinh, đi thăm gia đình chính sách phải gian khó mới thấm thía công lao đóng góp cho chiến thắng, cho hòa bình độc lập.

2. Bước sang thời kỳ đổi mới. Những lần về quê Lấp Vò đều được anh em, bà con cô bác tỉ tê, nhân nha những điều mới mẻ xung quanh chuyện đi làm ruộng ở miệt Ba Thê, Núi Sập. Đại loại như ruộng đồng trong ấy phì nhiêu màu mỡ, nhiều lắm phù sa, làm ruộng trúng bể tay. Hết rồi thời ngăn sông, bắt phải bán lúa giá thấp tí tè cho địa phương. Qua rồi những ánh mắt “mang hình viên đạn” khi làng lính bố ráp những nông dân tay lấm chân bùn nhưng bị gán cho là “dân xâm canh” để buộc phải “làm nghĩa vụ” cho địa phương. Bây giờ vô tới ruộng được xã ấp thân tình giúp đỡ, họ bảo rằng chẳng còn phân biệt trực canh và xâm canh nữa đâu, miễn ai siêng năng làm ăn giỏi, trúng mùa lúa thóc và cây trái, để làm giàu cho địa phương và gia đình, sẽ được nâng niu hết mức. Tới làm việc với các xã mới chia tách sau này, Mỹ Phú Đông, An Bình, Bình Thành, Vĩnh Phú, lãnh đạo xã cho biết nhờ địa phương chăm chút dân các nơi khác tới làm ruộng lẫn động viên người địa phương ráng bươn theo, xã nhà mới tăng tốc phát triển theo các nơi khác. Ở Lấp Vò có anh Trần Văn Săng, thường gọi Tư Săng, tới xã Phú Thuận khơi mào mô hình nuôi tôm trên chân ruộng, dân sở tại làm theo, giàu lên nhanh ngó thấy, tạo tiếng tăm một thời ở Thoại Sơn. Ghé thăm cơ ngơi anh Nguyễn Duy Hải ở xã Vọng Đông, thấy được nhiều cái hay của người tha hương lập nghiệp trên vùng đất mới. Anh quê tận ngoài Thừa Thiên – Huế, vào đây sinh cơ lập nghiệp chưa bao lâu, nhưng cơ ngơi khá vững chãi với khu nhà vườn cặp tỉnh lộ 943. Xung quanh nhà, mấy giàn bầu hồ lô, nhiều luống dâu Đà Lạt sai trái, cùng vườn tược xanh tươi mát mắt, có cả mấy cây vả đem giống từ quê vào, đang trĩu quả mọng đỏ. Loại rượu dâu do anh ngâm ủ, đựng trong bình hồ lô là trái bầu có vẽ hoa văn tinh xảo, dòm lạ mắt lẫn hay ho, uống vào lâng lâng say men miền đất nặng ân tình với người xa xứ tới đây lập nghiệp. Đất Thoại Sơn màu mỡ, theo dòng phù sa vẫy gọi tương lai. Nghe lời đất gọi người bản địa lẫn người xứ khác cùng hội tụ khơi dòng sữa ngọt, đánh thức miền đất giàu tiềm năng vươn vai trỗi dậy.

Năm 2009, dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới của huyện Thoại Sơn, đọng lại nhiều cảm xúc. Bài diễn văn của lãnh đạo huyện, vừa báo công, vừa định hướng tới, không hề giống những diễn văn của các lễ trọng khác thường nghe. Nghe rồi ngẫm, đậm chất riêng có của vùng đất trẻ trung giàu sức sống, nhiều lắm chất mới và chất nhân văn ẩn chứa trong ấy. Ở đây, đậm đà chất nhân dân, chất quần chúng, chất thôn dân, được đưa lên hàng đầu. Khẳng định tinh túy anh hùng lao động thuộc về nhân dân, từ các bậc tiền nhân hàng trăm năm tụ hội lại để thế hệ hôm nay bừng sáng. Nghe qua ai cũng thấy lâng lâng như hòa quyện với hồn thiêng sông núi miền đất Thoại. Cũng tại buổi lễ, đã tôn vinh, tưởng thưởng nhiều gương sáng nông dân trên nhiều lãnh vực. Nơi hành lễ, tại Trung tâm Văn hóa huyện, sát bên hồ Thoại Sơn (còn gọi hồ Ông Thoại). Từ trong hội trường có thể rảo mắt dòm xuống mặt hồ mênh mông phẳng lặng. Nhìn xéo về phía xa thấy tượng Thoại Ngọc Hầu đăm chiêu với nhiều suy tư nhìn về hướng kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế. Xa hơn, đình Thoại Ngọc Hầu và bia Thoại Sơn trầm mặc mấy trăm năm, nay chứng giám một giai đoạn bừng sáng của miền đất Thoại Sơn từ dòng nước kinh Thoại Hà khai thông hai thế kỷ trước. Nhìn toàn cảnh, Núi Sập đã thay màu áo mới, có non xanh, có nước biếc, sơn thủy hữu tình, một hiện hữu của thuở khai cơ mở cõi hòa quyện tương lai giàu đẹp. Sau lễ, khách dự được ăn một bữa cơm quê đậm chất ẩm thực thôn dân Nam bộ, với món ruột là cá linh kho me ăn với bông điên điển, báo hại nhóm phục vụ chạy muốn rụng đầu gối, bởi vừa bưng tô cá đầy nhóc ra bàn tiệc, quay qua quay lại đã ráo trọi. Còn thực khách ra về lại thèm hoài món cá linh kho me.

Một bữa tới xã Định Mỹ rồi nhớ mãi miên những gì nghe thấy, lạ quá đỗi. Ghé trụ sở xã, ngỏ ý gặp lãnh đạo địa phương hỏi thăm tình hình. Mấy em nói các chú các anh ở ngoài chỗ làm cầu đường hết rồi, để đi kêu về. Khách vả lả, thôi để đi tới chỗ đó luôn tiện thể biết địa hình địa vật lẫn sự tình thường nhật. Tới nơi sao thấy ai cũng áo quần dân dã, lum khum, tất bật xúc cát đá, trộn hồ. Dòm tới dòm lui cho kỹ càng cũng chẳng thấy vị nào áo bỏ trong quần, đứng chỉ trỏ ra mòi lãnh đạo. Mò hỏi, té ra từ Bí thư tới Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch ủy ban, lãnh đạo ban ngành đoàn thể, đều xắn tay áo hòa đồng vào đông nghẹt người dân xăng xái làm cầu đường. Anh Ba Hưng, Bí thư Đảng ủy xã, trong bộ đồ bộ đội bạc thếch, nón tai bèo cũ mèm, nhễ nhại mồ hôi bước ra khỏi tốp đông, vói tay rót nước trong cái ấm nhôm phủ đầy bụi bặm, mời khách. Rồi anh nói một hơi tràng giang đại hải chuyện làm cầu đường nông thôn với gương mặt tươi rói như chẳng hề biết mệt nhọc là gì. Về lại trụ sở xã, nghe lãnh đạo cấp ủy, rồi mặt trận, các đoàn thể thông tin về các phong trào ở địa phương, cảm nhận rằng y như chuyện trong nhà của những cán bộ xã. Bí thư Đảng ủy thổ lộ rằng chính nhờ cán bộ trà trộn với dân nên chuyện xây dựng nông thôn mới thuận buồm xuôi gió, làm đâu được đó, nhất hô bá ứng. Mấy em nam nữ thanh niên ở các đoàn thể trong xã ca vọng cổ mướt rượt, ướt rệu, nghe xao xuyến tận tâm can. Lãnh đạo xã nói nhờ vậy nên thâm nhập vào dân quê ngọt sớt, có câu vọng cổ bôi trơn chuyện gì cũng trót lọt. Đi chung từ huyện xuống xã có anh Hai Qui, lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy, am hiểu nhiều tình hình của xã. Anh Hai là cháu ruột, gọi danh ca Tấn Tài bằng cậu, cũng hơi hám trong veo và mùi mẫn, đã góp vài câu vọng cổ lắng đọng ân tình. Anh Ba Hưng thỏ thẻ, cũng nhờ lăn xả vào phong trào, nhiều cán bộ trẻ tiến bộ nhanh, mừng lắm. Thuộc cấp kề cận của anh, có người sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thoại Sơn.

Nhiều dịp tới huyện, len lỏi xuống tận xã ấp, thâm nhập thôn dân, thấy nhiều lắm điều mới mẻ. Cũng chuyện đó, cũng nội dung đó, cũng yêu cầu đó, nhưng ở Thoại Sơn có cách nghĩ khác, cách nói khác, cách làm khác, không rập khuôn, không sáo mòn. Tới huyện hơi nhiều vào những năm anh Ba Nưng, Tỉnh ủy viên, làm Bí thư Huyện ủy, nghe cán bộ huyện xã trân quý nhiều lắm những ý tưởng mang tính đột phá và chỉ đạo sát sườn của người đứng đầu, tạo khởi sắc, tăng tốc phát triển của địa phương. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Thành Đô, rồi Sáu Lập, cũng được anh em khen ngợi nhiều. Mỗi lần tới Thoại Sơn, đều được nghe và thấy nhiều chuyện mới, nhiều cái mới, nhiều công trình mới. Rảo quanh giáp vòng các xã của Thoại Sơn, cảm nhận khó quên về những cung đường nhựa hoặc tráng xi măng sạch đẹp len lỏi khắp vùng quê, những chiếc cầu sắt vòng cung thanh thoát, những dòng kinh xanh trong  thơm mát tóc mây bao nàng thôn nữ mỗi độ hè về,  những hàng hoa hoàng anh vàng lườm trong ánh ban trưa miền thôn dã. Dịp về xã Tây Phú gần đây, thấy một trời một vực so lần đầu lọ mọ tới. Tỉnh lộ 947 từ cầu số 5, xã Vĩnh Bình, vô xã Tân Phú huyện Châu Thành, qua xã Tây Phú và An Bình huyện Thoại Sơn, tráng nhựa phẳng phiu, xe cộ đủ loại thong dong ngược xuôi như mắc cửi. Dưới kinh ghe tàu dập dìu khua sóng nước. Cảnh ngộ của xã Tây Phú đìu hiu hút gió, nhà cửa lẹp xẹp, đường mòn bờ đê của ngày xưa, mất tiêu hết rồi. Bây giờ lưỡng biên nhà ngói, nhà tường. Trường học, trạm y tế, chợ xã, trạm viễn thông…tất thảy đều khang trang nơi trung tâm xã.

3. Tỉnh lộ 943, đoạn từ Phú Hòa tới Núi Sập, giờ biến dạng đổi hình, phựt lên như Phù Đổng. Con đường lổn ngổn đất đá, bụi mờ ải nhạn, lèo tèo nhà tre lá, song đôi hàng me nước xác xơ, đã chìm nghỉm vào sương gió thời gian. Cung đường rộng thênh thang, vi vu xa giá, chỉ chút xíu xa hành, đã lướt qua lộ trình hai chục cây số. Cung đường đại lộ huyết mạch Long Xuyên – Núi Sập chỉ còn thắt cổ chai đoạn Mương Điểm – Phú Hòa, cũng đang mở rộng. Hồi xưa tiền hiền Thoại Ngọc Hầu mở đại giang từ Long Xuyên vào Núi Sập và Rạch Giá. Hậu thế hôm nay của An Giang mở đại lộ Long Xuyên- Núi Sập. Tiền nhân và hậu sinh cùng gặp nhau, “nhất cận thị nhị cận giang”, “đại lộ đại phú”.

Tạp chí Thất Sơn hồi nẳm, lúc anh Tư – Trần Quang Mùi làm Tổng Biên tập, anh Nguyễn Đình Chiến làm Thư ký Tòa soạn, có nhiều lắm bài viết hay về đất địa và con người làm rạng rỡ vùng đất An Giang. Thời đó giấy in vàng khè, cỡ chữ nhỏ xíu, ráng nhướn mắt đọc, nhưng bài vở lôi cuốn, nhiều bài đọc mê mẩn. Lung linh, sừng sửng hào khí An Giang với những bài của Mai Văn Tạo, Lê Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Minh Hồng… Tác giả Lê Thị Ngọc Hoa, gốc gác quê hương Núi Sập, là bác sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã cao tuổi, nhưng văn phong rất sắc sảo, thâm thúy từng câu chữ. Đọc những bài của cô Ngọc Hoa, hiện lên bóng dáng kiêu hãnh của những con người sinh trưởng miệt Núi Sập, đã làm rạng danh quê hương xứ sở, tái hiện những nhân tài một thuở của vùng đất địa linh gắn với tên tuổi danh thần Thoại Ngọc Hầu. Đọc những bài viết về soạn giả tài hoa Hoa Phượng – Lương Kế Nghiệp, về danh ca, hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài, cùng những nhân vật khác, thêm mến thương vùng đất Núi Sập – Huệ Đức – Thoại Sơn. Càng cộng hưởng khi huyện Thoại Sơn làm hồ Ông Thoại, dựng tượng Thoại Ngọc Hầu, tổ chức kỷ niệm lập làng Thoại Sơn, tưởng nhớ soạn giả Hoa Phượng… Từ đó ấn tượng xa xưa về một Núi Sập loang lổ tàn tạ, hình ảnh đáng ghét của những chủ hầm đá bất nhơn sát đức, tan biến trong phút chốc.

Một lần trên cung đường mới mở rộng Phú Hòa – Núi Sập, mê say nhìn cảnh vật, bỗng như hớp hồn, đôi mắt bị thôi miên dán chặt cảnh trí hai bên đường. Ngộ quá cỡ. Đẹp mê hồn. Lấp ló trong vườn tược xanh ngát, những cây ô môi đang độ dậy thì và sung sức, rực hồng màu hoa, sáng trưng một góc quê khi bình minh ló dạng. Hồi nhỏ ở quê, lứa tuổi ô môi, mê ô môi như điếu đổ, khoái ăn ô môi lắm, nhưng say mê màu hoa ô môi nhiều hơn. Lớn lên trộm nghĩ, nước Nhật họ tung hê hoa anh đào, Việt Nam mình cũng đem về một mớ bày ra ở Hà Nội để dân mình giành giựt tơi tả, xấu xí hết nói nổi. Trong khi mình có hoa ô môi, khiêm tốn tận cùng cũng có thể nói rằng đẹp không thua hoa anh đào của Nhật. Còn nói mạnh miệng, đẹp ăn đứt từ dáng vẻ của cây tới màu sắc của hoa. Đặc biệt ở lượng hoa dày đặc tàn cây, cánh hoa tròn trịa tựa hoa mai và màu hồng tươi rói, ẩn chứa một hồng phát, một niềm hy vọng sáng ngời tương lai. Ước chi suốt quãng đường hai chục cây số này, cả hai bên đều trồng ô môi, tới mùa hoa rực nở, mơn man trong gió chướng độ cuối xuân chớm hạ, hồng tươi một góc quê  hương, hẳn sẽ thu hút biết bao du khách tới chiêm ngưỡng “hoa anh đào của Việt Nam”. Miên man tơ tưởng, văng vẳng lên lời ca cháy bỏng tâm can của Tấn Tài trong bài Bông ô môi của soạn giả Viễn Châu. Sâu lắng tâm can, thấu cảm, rượi tình nhưng bài ca buồn quá. Chiến tranh loạn lạc, cô thôn nữ chồng chết phải vào chùa quy y thí phát, nhưng khói lửa đạn bom lại không tha nơi Phật tự, để rồi: “Ô môi rụng cánh tơi bời/ Chuông tắt lâu rồi tôi còn đứng mong ai”. Lại man mác trần tình của người chồng, người cha trong vở tuồng Tuyệt tình ca của đôi soạn giả nổi tiếng Hà Triều – Hoa Phượng: “Cứ mỗi lần nhìn bông ô môi nở hồng trong gió chướng/ Cứ mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang/ Cứ mỗi lần về Tân Ngãi, ghé chợ Trường An / Là tôi lại nhớ tới mùa xuân binh lửa…”. Cả hai cảnh tình đều gợi lại hình ảnh bông ô môi, như bao phận má hồng, tơi bời rã cánh vì khói lửa chiến tranh xâm lược. Bây giờ giải phóng quê hương, bông ô môi tươi hồng trên đất Việt.

Đang lúc căm cụi nghĩ suy và lụi hụi viết bài này, sáng ngày 17-7-2019, VTV1 phát tập phim ký sự  “Chuyện Thoại Ngọc Hầu ở Thoại Sơn”, xem quá hay. Trong phim, tiến sĩ sử học Ngô Quang Láng, nhà nghiên cứu văn hóa Thoại Sơn Nguyễn Văn Khảm, Trưởng Ban tế tự đình Thoại Ngọc Hầu, ba người am hiểu sâu đã tô đậm công đức sáng ngời muôn thuở của danh thần Thoại Ngọc Hầu, người có tầm nhìn chiến lược gắn liền với kinh Thoại Hà, con kinh đào tiên phong vùng đất mới Nam Bộ. Hai bữa sau, sáng ngày 19-7-2019, VTV1 phát tập phim nẻo về nguồn cội “Di chỉ Ba Thê”, trong đó Tiến sĩ Viện Khảo cổ học Việt Nam Lê Thị Lan, tô đậm nét về văn hóa Óc – Eo. Văn hóa Óc – Eo, kinh Thoại Hà, làng Thoại Sơn, bia Thoại Sơn đã ghi mốc son lịch sử phát triển ở địa phương và trường tồn cùng sông núi. Vương quốc Phù Nam đã một thời rực rỡ. Xưa Thoại Ngọc Hầu khai kinh, lập làng, mở cõi, dựng bia lưu truyền hậu thế. Hậu thế hôm nay miền đất Sông Thoại, Núi Thoại, đã viết tiếp bản trường ca bất tử Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, huyện Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh An Giang.

Bông ô môi dân dã, rạng ngời, thanh khiết của xứ Thoại khôi nguyên, đã rực hồng trong nắng sớm.

Trung Nguyễn
(Ảnh: Vương Lê)