Làm việc thiện như hơi thở cuộc sống
Với quan niệm “làm việc thiện như hơi thở của cuộc sống”, ông Vương Ngọc Minh – pháp danh Thượng tọa Thích Tôn Trấn – sư trụ trì chùa Huỳnh Đạo, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang được đông đảo phật tử và nhân dân trong vùng biết đến với công tác khuyến học, khám chữa bệnh, cấp phát gạo cho người nghèo cùng những đóng góp to lớn trong việc nối những nhịp cầu cho nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Từ câu chuyện Đức Phật
Chuyện kể rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) của dòng họ Thích Ca (Sakya). Ngài đản sanh trong một gia đình hoàng tộc, cha Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana) trị vì vương quốc Ca-tỳ-la-vệ, mẹ Ngài là hoàng hậu Ma Da (Maha Maya). Ngài trưởng thành trong tình yêu thương rất mực của vua cha và hoàng thân, nhưng có tấm lòng từ bi đối với chúng sanh vô hạn, Ngài không tự thỏa mãn và cho phép mình vui hưởng những lạc thú vương giả đó. Ngài luôn trầm tư về nỗi khổ đau của nhân thế, xót thương chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ sanh tử. Một ngày nọ, sau khi dạo bốn cửa thành và tận mắt chứng kiến những cảnh sinh – lão – bệnh – tử, thái tử đã quyết tâm rời bỏ hoàng cung, thoát ly đời sống thế tục để lên đường tầm cầu chân lý. Từ một vị hoàng tử giàu sang, vinh hiển tột bậc, Ngài đã từ bỏ tất cả để trở thành nhà hành khất vân du trên hành trình thiên lý…
Vốn là một con chiên ngoan đạo, tôi sinh ra và lớn lên trong tiếng kinh cầu, những hồi chuông ngân nga, vang vọng nơi tháp ngôi giáo đường. Rồi tôi lớn lên, đi học xa nhà mang cả một tuổi thơ êm đềm vào giảng đường. Lần đầu tiên tôi thấy mình nhỏ bé và thấy cả Chúa cũng “bé nhỏ”, khi lớp học của tôi – những bè bạn xung quanh tất tật đều là tín đồ của Phật giáo. Sự hiểu biết non nớt khiến tôi không thể biết rằng mảnh đất đang dung nạp tôi vốn được xem là “đất Phật”. Lâu dần, khoảng cách tôn giáo trong tôi đã mất ranh giới, tôi bắt đầu tâm sự và cầu nguyện với Phật như với Chúa của mình. Tôi mang lòng tôn kính và yêu mến các ni cô, sư thầy như các dì phước và linh mục của tôi…
Một ngày, tôi sực nhớ đến câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật mà tôi đã được nghe kể, khi tôi có cuộc hạnh ngộ với Thượng tọa Thích Tôn Trấn – sư trụ trì ngôi chùa Huỳnh Đạo, tọa lạc trên quốc lộ 91, từ thành phố Châu Đốc hướng về Núi Sam khoảng hơn 01km, chùa nằm bên tay trái, với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Đã nhiều lần đi chùa, nhưng trò chuyện với một vị cao tăng quả là việc tôi chưa từng nghĩ và cảm thấy thật chẳng dễ dàng trước “mớ” kiến thức lộn xộn và mơ hồ cả về đường đạo và đường đời. Tôi chẳng thể nghĩ ra một kịch bản hấp dẫn cho cuộc trò chuyện và còn khó hơn khi nó mang tính chất là một cuộc phỏng vấn. Tôi mang theo nhiều sự hồi hộp vào văn phòng trị sự của chùa. Tôi nhỏ bé cả về tuổi tác lẫn hình hài ngồi đối diện trước một con người lớn lao, uy nghi cả về mọi mặt. Sự trầm mặc, thanh thoát của cảnh chùa khiến tâm hồn tôi cũng nhẹ nhàng và thoải mái, tôi hít một hơi thật sâu, tự tin nhìn vào gương mặt thầy và khơi mào cuộc trò chuyện. Tôi có thói quen nhìn trực diện vào đối tượng giao tiếp nên đã kịp chụp vào trong đầu khuôn mặt phúc hậu, vầng trán cao rộng mở, đôi mắt thân thiện và rất đỗi khoáng đạt (có thể tôi đã dùng sai từ nhưng tôi không có từ nào để diễn tả đúng đôi mắt của sư thầy bao la mà gần gũi), ngay lập tức như một tivi được rà trúng sóng, tôi thấy thật dễ dàng trong những câu hỏi, và những ý nghĩ, những điều thắc mắc cứ thế tuôn ra. Thầy mực thước, điềm đạm kể cho tôi nghe những câu chuyện đã trở thành quá vãng. Nhà thầy cũng ở trong thành phố này. Thầy vốn là con của một thương gia giàu có lừng danh ở miền Tây thời chưa giải phóng, chuyên buôn bán kinh doanh bỏ sỉ kim hoàn (hột xoàn, kim cương, vàng, bạc). Thầy là con thứ sáu trong gia đình có tám anh chị em. Họ đều có gia đình, công việc ổn định chỉ riêng thầy là xuất gia, nương nhờ cửa Phật. Ông bà thân sinh yêu thương thầy lắm, khi ông bà đi làm ăn xa là giao chìa khóa rương hòm, két sắt cho cậu con thứ sáu này. Nhà giàu và được cha mẹ rất mực tin tưởng nhưng thầy rất ngoan, trông coi nhà cửa cẩn thận, ông bà rất vững dạ, yên lòng. Gia đình thầy vốn là tín đồ đạo gốc nên rất chú trọng đến phép tắc và giữ luật ăn chay nghiêm túc. Thầy kể cho tôi nghe kí ức thú vị về thời gian quyết định ăn chay trường. Năm thầy mười bốn tuổi, vào ngày mười bốn âm lịch tháng Năm, sau khi ăn cơm chay bữa trưa xong đến khoảng hai giờ chiều, tự nhiên thầy thèm ăn phở, nghĩ tới là nước bọt lại tiết ra miệng, trong nhà nhiều người giúp việc nhưng chẳng dám nhờ ai đi mua cho, thầy sợ người giúp việc kể chuyện này và cha mẹ biết sẽ bắt phạt. Thế là thầy lẻn ra chợ “ăn vụng”, nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, đang ngồi gắp từng sợi phở đưa lên miệng thì bị mẹ bắt gặp. Ngày hôm sau, mười lăm âm lịch – ngày ăn chay chính, cũng vào khoảng hai giờ chiều, đang nằm thiu thiu trên võng mắc bên hiên nhà, người chị thứ năm chạy đến, nháy mắt ra hiệu bí mật, rồi hai chị em kéo nhau ra sau nhà, chị hỏi: Mày ăn hột vịt lộn không? Đêm ấy, hai chị em đợi lúc cả nhà đi ngủ hết, mang mười trứng vịt lộn vừa luộc còn nóng hôi hổi, ra sau hè ăn ngấu nghiến, ăn “như chưa bao giờ được ăn”. Giấu đầu hở đuôi, tưởng ăn đêm sẽ không bị phát hiện, ai ngờ sáng ra đi đổ rác, người làm phát hiện có vỏ trứng vịt trong sọt… Sau đó, đến ngày mười bảy âm lịch, đang đêm ngủ giật mình thức giấc, thầy thấy mình tự nhiên thích ăn chay, một ý thích không có lý do và cũng chẳng có mục đích. Giống bao thiếu niên đứng trước những quyết định “lớn lao”, để đánh dấu sự kiện trọng đại này, thầy đã xem ngày. Và thấy ngày mai là mười tám tháng Năm, là ngày Lễ Phật đản nên đã chọn ngày này để làm mốc ghi nhớ. Thầy bắt đầu con đường chay tịnh được bốn năm, trong suốt quãng thời gian đó, lòng thầy luôn cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái, nhưng tuyệt nhiên không hề có chút ý định, hay khấn vái như người đời vẫn thường vái lạy khi ăn chay. Một hôm, cha mẹ gọi thầy lại và nói sẽ đi hỏi cưới cho thầy cô bạn gái đồng trang lứa ở ngôi nhà đối diện. Thầy vui vẻ đồng ý, không dám cãi lời nhưng khi còn ba ngày nữa sẽ cử hành hôn lễ, thầy viết “tâm thư” để lại và xách gói ra đi. Không mang theo bạc vàng, tiền bạc, vỏn vẹn trong hành lí chỉ là vài đấu gạo và một ít đồ chay đến nương nhờ cửa Phật. Sau này nhiều lần cha mẹ thầy khuyên can và thậm chí đưa gia thế và của cải để mong thầy hoàn tục, nhưng thầy đã giũ bỏ phú quý trần tục để khoác lên mình chiếc áo nâu sòng bần hàn, cơ cực. Một quyết định thật đáng khâm phục. Ở đời, thật hiếm người coi nhẹ vinh hoa phú quý và càng khó để vứt bỏ nó. Hình ảnh của thầy làm tôi không tránh khỏi những nghĩ suy, sự ẩn hiện đâu đó bóng dáng và hình ảnh của vị thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa. Dù biết rằng sự so sánh này là khập khiễng, nhưng ý nghĩ ấy cứ mãi quẩn quanh trong tâm tí tôi cho tới mãi sau này.
Những câu chuyện đạo, chuyện đời cứ mãi tiếp nối nhau. Thầy cởi mở và dành cho tôi những nụ cười hiền hậu, giọng nói từ tốn và cách kể chuyện lôi cuốn khiến tôi say mê. Ngoài kia, nắng đã lên đứng bóng, ánh nắng chan ra, rạng rỡ, khung cảnh chùa bỗng trở nên lộng lẫy hơn bao giờ. Những hàng cau thẳng tắp, vươn mình lên tít trời cao, vài cơn gió lạc rượt đuổi nhau trên những vòm cây xanh um làm trưa hè trở nên mát rượi. Phút chốc, tiếng ríu rít tìm bầy, tiếng lao xao chuyền cành của chim chóc bỗng nhiên nín bặt khi tiếng chuông chùa ngân lên từng hồi tỏa đi trong không gian, âm thanh có sức thu phục đến lạ. Tôi bỗng bồi hồi và hồn lâng lâng bay theo từng tiếng chuông, đến tận cõi nào. Xa xăm, diệu vợi. Tôi đưa mắt vô hồn đi theo thầy đến ngôi chánh điện mỹ lệ, rồi thầy chỉ cho tôi đây là nhà hậu Tổ, đây là điện Quan Âm… Ngôi chùa rộng lớn với lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt trước sân chùa là biểu tượng chín con rồng. Tính hiếu kỳ, tôi liền nhân dịp này để hỏi về quá trình thành lập và xây dựng ngôi chùa. Vì tôi biết chắc chắn để có một công trình kiến trúc tuyệt vời như thế, hẳn khó khăn và sự đánh đổi không ít. Thầy thở dài như để chuẩn bị cho sự hồi tưởng một thời gian đằng đẵng khó nhọc và gian truân. Thời mà ngôi chùa còn nằm trong khu phố (thành phố Châu Đốc ngày nay), chật chội và ồn ào. Xung quanh người dân nuôi heo tăng gia sản xuất nên ngôi chùa luôn bị ám mùi phân thối trong hương nhang nghi ngút khiến nơi cửa Phật mất đi sự trang nghiêm và linh thiêng. Thầy và thượng tọa Thích Công Quảng đã quyết định dời về đây. Hai thầy đã mượn tiền phật tử để cất chùa. Thầy nói đến đây, thì thầy Thích Công Quảng từ cửa bước vào. “Đệ lại đây uống nước trà, nói chuyện cho vui” – nói rồi thầy Tôn Trấn bỏ dở câu chuyện xây chùa, quay sang giới thiệu người em kết nghĩa sống chết bên nhau mấy chục năm qua. Thầy hơn thầy Công Quảng hai tuổi nên là huynh, thầy ấy bị thầy “lôi kéo” nên cũng xuất gia luôn. Thầy vừa cười vừa nói đùa vui vẻ. Nhưng nụ cười của thầy chứa nỗi niềm về cả quãng thời gian sau giải phóng, khi dời chùa; khi lao động cật lực để sinh sống với nghề làm nhang, làm đèn, làm thức ăn chay, để trả nợ xây chùa; khi bệnh tật hành hạ. Khác với thầy Tôn Trấn, thầy Công Quảng ít nói, nghiêm nghị. Khi tôi hỏi thầy về thầy Tôn Trấn, thầy chỉ trả lời ngắn gọn: “Huynh ấy xuất gia trước tôi, chúng tôi giác ngộ và hợp tính tình nên kết nghĩa và cùng nhau trông nom chùa Huỳnh Đạo cho đến bây giờ. Mấy chục năm rồi, sống chết có nhau, âu cũng là cái duyên”. Qua thầy Tôn Trấn, tôi còn biết được thầy Công Quảng là người đỡ đầu kinh phí tài chính cho trại nuôi và dạy nghề cho người khuyết tật huyện Tịnh Biên – An Giang. Thầy còn kể lần thầy bị phẫu thuật, thầy Công Quảng lo sợ đến mức các bác sỹ phải đến hỏi chuyện để trấn an tinh thần. Sau khi nghe xong câu chuyện gia thế của hai thầy đều xuất thân trong gia đình giàu có, các cô y tá bảo nhau: “Người ta nghèo mới nương nhờ cửa Phật, hai thầy con nhà giàu mà đẹp trai nữa mà cũng đi tu cho… uổng”. Người bạn đi chung với tôi bật cười rồi nói: “Cái gì chứ đẹp trai thì con công nhận”.
Làm việc thiện như hơi thở cuộc sống
Với quan niệm xuất gia nhằm góp phần đem cái tâm yêu thương – lòng từ bi và sự hiểu biết – trí tuệ để giúp đời, phổ độ chúng sanh nên khi được hỏi về công tác từ thiện của chùa nói chung và đặc biệt là riêng bản thân mình, thượng tọa Thích Tôn Trấn có vẻ ngần ngại. Tôi có cảm giác thầy nghĩ những việc thầy làm cho xã hội như một chuyện đương nhiên, là cái hạnh của kẻ xuất gia nên không có gì đáng nói. Chính điều này làm tôi đã mến càng thêm nể phục thầy. Thầy không soạn bản thành tích, giấy khen, kỉ niệm chương hay đại khái là một giấy tờ mang tính xác thực về những đóng góp của mình. Sự khiêm tốn của thầy cho tôi nguồn cảm hứng để viết. Với quan niệm vô thường của kẻ tu hành, thầy dường như không có bất kỳ mối bận tâm nào ngoài việc hành đạo giúp đời, thầy cũng không mong mỏi điều gì, không có gì để trăn trở như bao người khi được hỏi về những việc đã làm, sắp làm và muốn làm trong tương lai (dù biết rằng, đó chỉ là trả lời báo chí, trả lời cho câu chuyện để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đọc, người nghe). Tôi không dám hỏi thầy thêm, nhưng sự hiếu kỳ khiến tôi không thể không tìm hiểu. Tôi tìm đến chị Đỗ Quyên, cán bộ mặt trận thành phố Châu Đốc, người đã “mai mối” thầy cho tôi, chị nhiệt tình cung cấp: “Thầy thượng tọa Thích Tôn Trấn đã có rất nhiều đóng góp cho công tác từ thiện của thành phố Châu Đốc nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Thầy đóng góp trên nhiều lĩnh vực, về công tác khuyến học, hằng năm thầy phát khoảng 10.000.000 – 12.000.000 cuốn tập, rồi xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở các trường phổ thông trên địa bàn. Mới đây thầy trao 20 chiếc xe đạp cho mặt trận để chuẩn bị lễ khai giảng trao cho các em học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Vào mỗi dịp lễ, Tết thầy thường đi phát quà cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi. Hằng năm, thầy đều vận động các y bác sĩ địa phương và từ thành phố Hồ Chí Minh về An Giang để khám và điều trị miễn phí cho dân nghèo. Thầy còn dạy nghề làm nhang, làm các đèn cầy trang trí, dạy nấu các món chay cho người nghèo quanh vùng. Đặc biệt, trong các hoạt động từ thiện, nổi bật là hoạt động quyên góp và vận động quyên góp xây cầu của thầy. Năm 2017, thầy đã quyên góp 220.000.000đ để xây cầu Tân Tiến thuộc huyện Tri Tôn; 350.000.000đ để xây cầu Cần Thuận thuộc huyện Châu Thành. Năm 2018, thầy đã quyên góp và vận động phật tử quyên góp 50.000.000đ để xây cầu Tân Thành thuộc huyện Châu Thành; 20.000.000đ cho cây cầu Hòa Hiệp thuộc huyện Châu Thành; 500.000.000đ xây cầu Vàm Kinh nối liền phường Vĩnh Nguơn với phường Châu Phú A; 300.000.000đ xây cầu treo qua kênh Vĩnh Tế thuộc thành phố Châu Đốc”. Chị Quyên nói thêm: “Thầy đi dự lễ khánh thành cũng rất ít nói, không nhận công lao gì cả, chỉ nói nối những nhịp cầu, không phải công của mình mà chính là cái hạnh của người tu”. Với những đóng góp cho xã hội, thầy được nhận rất nhiều bằng công đức, bằng khen, kỉ niệm chương cấp thành phố, cấp tỉnh và trung ương về: Bảo vệ trật tự an toàn xã hội; Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tích cực tham gia vận động và đóng góp quỹ vì người nghèo; Thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi; Kỉ niệm chương vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam; Xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và công tác Phật sư của tỉnh Hội Phật giáo An Giang…”
Mới đây, thầy vinh dự được nhận bằng khen của thành phố Châu Đốc trong việc thực hiện tốt cuộc “Vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tôi hỏi thầy suy nghĩ gì về cuộc vận động lớn này và thầy nghĩ gì về Bác. Thầy điềm đạm đáp: “Thầy thấy đó là cuộc vận động thiết thực và quan trọng, chẳng hạn như cách Bác dạy ta cần, kiệm, liêm, chính trong cuộc sống, nhất là giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để xây dựng đất nước giàu mạnh. Thầy nghĩ những gương hạnh của Bác cũng không khác gì với lời Phật dạy”. Nghe thầy nói, tôi bỗng nhớ sinh thời Bác Hồ từng nói suy nghĩ của Người về Đức Phật, Chúa Giêsu: “ Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, mưu lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
Khi chia tay, thầy nói với chúng tôi: “Thầy xem việc tu hành và việc công đức như hơi thở của cuộc sống vậy”. Tôi không nói gì cúi đầu chào tạm biệt thầy, rồi ngoảnh nhìn lại cảnh chùa, trong tầm mắt tôi những cánh sen tuyệt đẹp dưới ao còn đọng những giọt nước lung linh của cơn mưa rào, nắng đã về chiều còn ánh lên rạng rỡ, nguy nga nơi cảnh chùa. Tôi bỗng thấy một cõi bồng lai hiện ra ngay chốn trần gian, nơi mà người ta không cần phải cầu đạo để trở thành thánh, thành Phật.
Hoàng Thị Trúc Ly