Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm

Mỗi người chúng ta được sinh ra trên đời này đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Nhưng sinh ra để sống trong vô nghĩa thì cái diễm phúc lớn lao kia lại trở thành một thứ bi kịch chua xót. Vì thế, trong tất bật lo toan cơm áo gạo tiền như hiện nay, việc giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, ốm đau bệnh tật là điều rất trân quý. Ngày nay, hầu hết những tờ báo, các kênh truyền hình đều có mục tôn vinh những người làm công tác thiện nguyện, họ mang tiếng cười đến cho những phận người khô héo tiếng cười, giúp những phận người kém may mắn có niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống.

Ở xứ sở hoa hồng Bungari có một câu ngạn ngữ rất hay: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Và tôi đã bắt gặp hương thơm ấy tỏa ra từ vùng núi xa xôi, nơi mà hạnh phúc được sẻ chia và tiếng cười được chắp cánh.

Chung tay vì những bước chân ngày mai

Sớm tinh sương, khi những chú gà rừng đập cánh cố kéo bình minh qua ngọn núi Ba Thê thì tôi đã có mặt tại ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Tôi không phải mất nhiều thời gian để tìm được nhà em Đào Thị Kim Loan (sinh năm 2001, học sinh Trường THPT Vọng Thê, thị trấn Óc Eo). Ngôi nhà mới của em được xây lại trên nền nhà lá xập xệ, nắng mưa đều có thể ghé thăm nhà một cách không thương tiếc.

“Đây là cả một ước mơ của gia đình con. Đôi lúc nằm mơ con cũng không nghĩ gia đình mình lại được một căn nhà ấm cúng như thế. Cũng nhờ nhiều cô chú có lòng hảo tâm vận động giúp đỡ, đặc biệt là chú Chính. Gia đình con mang ơn chú ấy nhiều lắm. Nhờ vậy mà con yên tâm đến trường, ba mẹ con đỡ vất vã hơn trước rất nhiều!” – Em Kim Loan chia sẻ với tôi trong nghẹn ngào.

Qua tìm hiểu, tôi được biết người mà em Kim Loan nhắc đến là anh Huỳnh Văn Lên (sinh năm 1964, ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Anh Huỳnh Văn Lên (soạn giả Quang Chính, là hội viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, chuyên ngành Sân khấu) hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Óc Eo. Trước khi làm công tác khuyến học từ năm 2016, anh Lên đã có hơn 10 năm làm trưởng ban đại diện hội cha mẹ học sinh thị trấn Óc Eo.

Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, soạn giả Quang Chính lập gia đình và sinh sống ở thị trấn Óc Eo hơn 30 năm nên anh hiểu và tường tận cuộc sống của người dân quanh núi Ba Thê heo hút. Người đàn ông có dáng người cao ráo, nhanh nhẹn trong cách làm việc lẫn suy nghĩ, luôn vui vẻ, luôn mang đến cảm giác thoải mái cho những ai tiếp xúc. Không những vậy, anh Huỳnh Văn Lên được biết đến là người gương mẫu, chuẩn mực trong lối sống. Chính vì lẽ đó, anh được mọi người quý mến, và đây là lợi thế rất lớn để anh kêu gọi, vận động mọi người chung tay, tiếp bước cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khuyết tật được đến trường như bao học sinh khác.

Trong vòng xoay cuộc sống ngày nay, có rất nhiều người làm công tác thiện nguyện, nhưng việc thiện nguyện không phải ai cũng làm được và làm như thế nào cho đúng, cho phải. Soạn giả Quang Chính là thợ sửa điện tử và máy may tại nhà, thu nhập rất thấp, vợ là cán bộ ngành y đã về hưu, nhưng hai vợ chồng đều có tâm giúp đỡ người khác mà chẳng đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Đúng như nhiều người từng nhận định: “Tình yêu thương là phương thuốc nhiệm mầu cho cho tất cả chúng ta, cho cả người trao lẫn người nhận nó”.

“Tôi quen biết anh Quang Chính rất lâu, anh ấy có một mái ấm cùng vợ và hai cô con gái. Vợ chồng anh ai cũng tham gia làm công tác từ thiện. Ở thị trấn này, hầu như ai cũng biết anh Quang Chính qua những việc làm thiện nguyện của anh. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể cho con em đến trường đều được anh Chính vận động, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Không nhiều lắm đâu, chỉ là tập, sách, cặp, bút, quần áo, xe đạp, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm tai nạn, học phí,… đã giúp đỡ được nhiều em học sinh bỏ học quay lại trường. Chỉ có vậy thôi mà nhiều năm liền ai cũng ủng hộ anh làm đại diện hội cha mẹ học sinh của thị trấn” – Anh Lê Quang Bi (chủ tiệm vàng Bi – Kiều thị trấn Óc Eo) cho biết.

Cũng theo anh Lê Quang Bi, vợ anh Huỳnh Văn Lên là chị Trần Thị Kim Dung (mọi người hay gọi là Y sĩ Dung) rất đồng tình và hết mình ủng hộ việc làm thiện nguyện của chồng mình. Chị ấy luôn tạo mọi điều kiện để chồng mình tham gia công tác khuyến học và nhóm Thiện nguyện. Không những vậy, chị Dung thường góp chút ít tiền từ lương hưu của mình giúp đỡ những người gặp khó khoăn, hoạn nạn, ốm đau bất thường. Chính vì lẽ đó, anh Huỳnh Văn Lên mới có nhiều thời gian góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho đời.

Sau hơn 2 năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học của thị trấn, soạn giả Quang Chính đã vận động mọi người chung tay vì thế hệ ngày mai mọi lúc mọi nơi. Nghe đâu đó có học sinh bỏ học, học sinh ốm đau, bệnh tật,… là anh cùng các ban, ngành, đoàn thể kết hợp với nhà trường đến tận nhà vận động để các em trở lại trường, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Chỉ hơn 2 năm đảm đương công tác khuyến học, soạn giả Quang Chính cùng các ban, ngành, đoàn thể, mạnh thường quân đã vận động được hơn 500 phần quà (tổng giá trị hơn 250 triệu đồng) để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh nghèo học giỏi, tiếp sức cho các em viết tiếp ước mơ của mình.

Khi được hỏi về soạn giả Quang Chính, ông Đặng Văn Lợi – Chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo nhận định: “Anh Quang Chính là mẫu người mà xã hội hiện nay rất cần. Để làm công tác thiện nguyện trong cuộc sống hiện nay thì cực kỳ khó. Nhưng anh Chính đã làm được chuyện đó. Từ gia đình đến công tác khuyến học và tham gia nhóm Thiện nguyện, anh Quang Chính đều làm tốt và được mọi người quý mến. Tôi rất mong xã hội chúng ta ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình như anh Chính để những hoàn cảnh kém may mắn được xoa dịu đi phần nào và giúp họ có động lực, niềm tin vào cuộc sống”.

Thực tế cho thấy, từ thiện là việc làm nhân đạo và mang nhiều ý nghĩa tích cực. Có người nói không ít tổ chức, cá nhân làm từ thiện chủ yếu với mục đích đánh bóng tên tuổi. Tôi cho rằng ý kiến này có phần cực đoan, tiêu cực và phiến diện. Bởi dù ở góc độ nào thì từ thiện vẫn là một việc làm tử tế. Bao đứa trẻ được đến trường, có sữa để uống, có áo ấm mặc vào mùa lạnh, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh được giúp đỡ, bao nhiêu người bệnh được cứu chữa bằng những đồng tiền hảo tâm này!

Như trường hợp của em Mỹ Linh (ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) hiện đang khỏe mạnh và có thể làm những việc nhỏ giúp đỡ gia đình. Vào tháng 4 năm 2017, em bị bệnh nhiễm trùng máu và không có tiền chửa bệnh. Gia đình em phải vay mượn nhiều nơi nhưng chỉ được vài triệu đồng để đưa em lên bệnh viện Chợ Rẫy chửa bệnh. Trước tình cảnh đó, soạn giả Quang Chính đã kêu gọi nhiều văn nghệ sĩ, mạnh thường quân qua trang Facebook cá nhân của mình để giúp em qua cơn nguy kịch. Sau vài ngày kêu gọi, anh đã khuyên góp được hơn 25 triệu đồng từ bạn bè, văn nghệ sĩ, mạnh thường quân giúp em Mỹ Linh vượt qua cơn bạo bệnh. Soạn giả Quang Chính cùng ông Nguyễn Thuận Thảo (Phó giám đốc Ban quản lý di tích Óc Eo) đã trao tận tay số tiền trên cho gia đình em tại bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.Hồ Chí Minh).

“Con rất biết ơn chú Chính cùng bạn bè, người thân của chú đã giúp đỡ con trong lúc hiểm nghèo. Hiện tại con đã khỏe mạnh và có thể giúp đỡ gia đình. Con đang cùng gia đình phụ hồ ở tỉnh Bình Dương. Con xin cảm ơn chú và mọi người nhiều lắm!” – Em Mỹ Linh chia sẻ với tôi qua điện thoại.

Không những vậy, nhờ sự giới thiệu của Hội Khuyến học thị trấn Óc Eo mà soạn giả Quang chính làm cầu nối đã giúp đỡ được em Ngô Kỳ Duyên, học sinh nghèo hiếu học (Trường THPT Vọng Thê, thị trấn Óc Eo) được chương trình Tiếp bước đến trường của Đài PT-TH An Giang tìm đến hỗ trợ học bổng 10 triệu đồng, để em tiếp tục thực hiện mơ ước bước vào giảng đường đại học.

Cuộc sống này vội vàng đến đến mức chúng ta không kịp nhìn lại mình trong một ngày tất bật. Nhưng khi chúng ta trao đi yêu thương một cách tự nhiên, chúng ta sẽ nhận lại hạnh phúc xứng đáng và nó được người khác nhìn nhận và lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời đó. Khi khổ đau được san sẻ sẽ vơi đi còn hạnh phúc được sẻ chia sẽ nhân đôi. Được yêu thương là một hạnh phúc, nhưng yêu thương người khác còn là một hạnh phúc lớn hơn. Bởi sự yêu thương ấy mở ra một chân trời mới không còn sự cô đơn và lạc lõng.

Chung tay vì những điều tốt đẹp

Nếu trong xã hội này ai cũng thích giữ khư khư những thứ tốt đẹp cho riêng mình thì xã hội ấy mới thật đáng sợ. Rất nhiều người không nhận ra rằng những điều tốt đẹp chỉ giữ được khi nó được trao đi. Khi ta trao tức là ta đã nhận được một điều gì đó. Nhìn cách soạn giả Quang Chính cẩn thận, chi tiết sửa chiếc máy may không công cho một người nghèo cùng thị trấn, tôi hiểu vì sao người đàn ông ngoài năm mươi tuổi này được mọi người yêu quý như vậy!

Không chỉ làm tốt công tác khuyến học, soạn giả Quang Chính còn tham gia công tác thiện nguyện rất nhiệt tình và là người luôn truyền cảm hứng làm việc cho cả nhóm. Theo lời ông Trương Văn Sừ, trưởng nhóm Thiện nguyện thị trấn Óc Eo, nhóm từ thiện thị trấn Óc Eo được thành lập từ năm 2006. Đến nay, nhóm có hơn 15 thành viên chuyên làm đường, đổ cột bê tông, hỗ trợ tu sửa, cất nhà cho người dân và cưa cây đóng hòm miễn phí. Các thành viên trong nhóm, mỗi người đều có chuyên môn riêng, nghề nghiệp ổn định, vì cùng tâm niệm giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó, xây dựng quê hương ngày một đẹp hơn nên họ luôn biết cách sắp xếp công việc gia đình, để khi nghe có trường hợp cần giúp đỡ là các thành viên chủ động tham gia ngay. Trong nhóm, anh Quang Chính là người rất xông xáo, nhiệt tình và là cầu nối giữa nhóm với bà con, với các ban, ngành, đoàn thể, với mạnh thường quân trong việc vận động, kêu gọi chung tay giúp đỡ mỗi khi có người gặp hoàn cảnh khó khăn, tu sửa hay cất mới nhà cửa, ốm đau, bệnh tật hay qua đời. Tôi nghĩ, thiếu một người làm công tác dân vận như anh Chính thì nhóm chúng tôi hoạt động sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tiếp lời ông Trương Văn Sừ, anh Nguyễn Văn Hoàng (nhóm phó, phụ trách kỹ thuật cưa, cắt hạ cây, xây nhà, đổ cột bê tông và chủ trại cưa) cho tôi biết: “Nhóm Thiện nguyện thị trấn Óc Eo chúng tôi hoạt động dựa trên cái tâm là chính. Ai có công góp công, ai có của góp của tùy theo khả năng của mỗi người. Hiện tại nhóm hoạt động rất nhịp nhàng, phân công công việc rất cụ thể, tạo điều kiện thoải mái cho anh em khi tham gia. Anh Quang Chính (với vai trò là phó nhóm, phụ trách ngoại giao) luôn tạo ra một không khí vui vẻ khi cùng anh em làm việc. Anh biết cách gây tiếng cười bằng những câu chuyện hóm hỉnh để anh em quên đi khó khăn trong công việc”.

Cũng theo anh Hoàng, soạn giả Quang Chính không chỉ cùng nhóm làm công tác thiện nguyện mà còn giúp cho Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Óc Eo có một nền đất ngay tại thị trấn với giá rẽ để xây tạm trụ sở hoạt động. Anh cùng gia đình mình nhượng lại nền đất của gia đình (ngang 12m, dài 40m với giá 220 triệu đồng so với giá bán ngoài thị trường 550 triệu đồng) để Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thuận tiện trong thờ cùng, hành đạo.

Giữa những bộn bề lo âu của cuộc sống, chúng ta rất cần nhưng yêu thương và sẻ chia, dù nó bình dị, nhỏ nhoi nhưng đó là một tấm lòng đáng trân trọng. Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương vốn dĩ là một quy luật trong cuộc sống. Đó vẫn là một mối quan hệ nhân quả mà bản thân mỗi người đều nhận ra. Tôi rất xúc động khi đứng trước một ngôi nhà gỗ lợp tôn, được cất mới vào tháng 8 năm 2018 (ở ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo). Có lẽ tôi không phải là người khách đầu tiên của nhà bà Lê Ngọc Lệ (gần 70 tuổi, sống neo đơn), nhưng khi chia sẻ với tôi về ngôi nhà ấm cúng hơn trước bà nói giọng run run như khóc: “Quý lắm con! Lâu rồi bà mới được ngủ nghỉ trong ngôi nhà ấm êm như vậy. Bà con quê này ai cũng vui vì có những người làm từ thiện luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Bà rất vui và biết ơn nhóm Thiện nguyện của thị trấn cùng những người giúp đỡ bà. Đặc biệt là chú Chính, chú ây thật tốt bụng!”.

Nhìn vào chốn mong lung, bà Lệ bảo xã hội mình ít ai được như chú Chính. Nghe nói chú ấy vận động khắp nơi để có tiền cất nhà cho bà. Trong những ngày bà khó khăn, chú ấy luôn động viên, thăm hỏi, gửi quà cho bà dù nó chẳng bao nhiêu nhưng bà rất cảm động với lòng biết ơn vô bờ bến. Bà mong chú Chính luôn khỏe mạnh để cùng nhóm Thiện nguyện của mình giúp ích cho đời – Bà Lệ chia sẻ thêm.

Khi được hỏi về ngôi nhà nhỏ nhóm Thiện nguyện vừa cất lại cho anh Trần Minh Lý (hơn 40 tuổi) ở ấp Trung Sơn (Kiên Hảo), thị trấn Óc Eo vào tháng 9 năm 2018, soạn giả Quang Chính vui vẻ cho biết: “Đây là kết quả của những tấm lòng hảo tâm gần xa và công sức của nhóm Thiện nguyện để dựng lại ngôi nhà tạm cho anh Lý. Do gia đình anh gặp khó khăn, lại là lực lượng dân phố thị trấn nữa nên chúng tôi cố gắng giúp đỡ để anh có thể yên tâm làm tốt nhiệm vụ của mình”.

Quả thật, với biết bao người, ngôi nhà nhỏ ấy của bà Lê Ngọc Lệ và anh Trần Minh Lý chẳng đáng là gì cả nhưng với họ đó là cả một gia tài, cả một nơi để về và hơn hết đó là cả một gia đình. Hai tiếng gia đình với họ giờ thiêng liêng biết chừng nào.

Khi cơn mưa vừa ngơi hạt, tôi trở lại UBND thị trấn Óc Eo để gặp ông Đặng Văn Lợi – Chủ tịch UBND thị trấn và được ông chia sẻ: “Các ban, ngành, đoàn thể lẫn mạnh thường quân ở địa phương rất ủng hộ việc làm từ thiện của nhóm anh Quang Chính. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện có thể để anh Chính có thể vận động bà con, các nhà hảo tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Vừa qua, khi nghe anh Chính thông báo vừa cất mới lại hai ngôi nhà cho bà Lệ và anh Lý tôi rất mừng vì thêm hai người nghèo nữa được nhóm anh Chính giúp đỡ. Tôi rất mong bà con mình chung tay cùng chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể, các mạnh thường quân để cùng nhóm Thiện nguyện thị trấn Óc Eo tiếp tục giúp ích cho xã hội”.

Khi tôi hỏi về những khó khăn của nhóm hiện nay thì soạn giả Quang Chính tâm sự: “Đến thời điểm hiện tại, nhóm Thiện nguyện chúng tôi đã sửa chữa, cất mới cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi 20 căn nhà và miễn phí tang lễ, rương hòm cho 140 người đã khuất từ nguồn vận động, đóng góp của những người hảo tâm gần xa. Tuy không nhiều nhưng được bà con, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân xa gần nhiệt tình ủng hộ. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là kinh phí hoạt động. Xã hội mình vẫn còn đó những con người khó khăn, thiếu thốn. Chúng tôi sức lực thì thừa nhưng tiền thì thiếu. Rất mong mọi người chung tay cùng chúng tôi giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh để họ tìm được niềm vui trong cuộc sống”.

Theo tôi tìm hiểu thì nhóm Thiện nguyện thị trấn Óc Eo hiện nay có hơn 15 anh em luân phiên làm việc trong nhóm. Ai bận việc gia đình thì báo vắng, khi nào việc gia đình hoàn tất thì tham gia cùng nhóm. Nhóm hiện có xe tang lễ, trại cưa cây, trại đóng hòm, những vật vụn hỗ trợ cho việc xây cất nhà,… bà con trong thị trấn lẫn cô bác ở các xã lân cận nếu cần giúp đỡ thì họ sẵn sàng với mọi điều kiện có thể.

Tôi lang thang về phía núi Ba Thê để cho lòng mình lúc này lắng lại. Hơn ai hết, ngay lúc này đây, tôi cảm thấy mình thấp kém với họ quá chừng. Họ làm việc một cách nhiệt tình, không câu nệ gì cả, có lẽ, ở đâu đó trong xã hội này vẫn cần những tấm lòng nhân đạo, những hành động nhường cơm sẻ áo như thế để tiếng cười được kết nối tiếng cười.

Trời về chiều ở núi Ba Thê hơi lạnh, bên mâm rượu toàn đặc sản miền núi (cóc, ổi, xoài, rau núi, ốc núi, gà rừng,…), tôi cùng nhóm Thiện nguyện của thị trấn Óc Eo vừa nhâm nhi vừa nghe nghệ sĩ Tấn Tường hát bài ca cổ “Nỗi đau và khát vọng”, bài hát gây quỷ từ thiện rất thành công của soạn giả Quang Chính. Chưa hết, anh em còn yêu cầu soạn giả Quang Chính phát bài ca cổ “Bài ca Cầu Phú Vĩnh” do soạn giả Lê Quang (Lê Quang Bi) hát trong dịp khánh thành cầu Phú Vĩnh, huyện Thoại Sơn nghe mùi thiệt mùi.

Không chỉ làm tốt công tác khuyến học và thiện nguyện, soạn giả Quang Chính còn có khiếu nghệ thuật rất tài tình. Tôi khá ngạc nhiên khi soạn giả Quang Chính sáng tác hơn 50 bài ca cổ và viết nhiều kịch ngắn phục vụ cho việc ca ngợi, tuyên truyền vùng đất Thoại Sơn anh hùng. Có lẽ nơi đây có phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, đã gợi trong anh nhiều cảm xúc, từ đó anh bắt tay vào sáng tác bài ca cổ mang đậm nét quê hương.

Gió núi chiều hiu hiu thổi, soạn giả Quang Chính ngẫu hứng khoe giọng của mình với những bài ca cổ mà anh sáng tác như: “Về thăm quê hương Bác Tôn, Về lại Thoại Sơn, Óc Eo sáng mãi gương anh hùng…” nghe như chính con người anh vậy. Vẫn nhiệt tình, vẫn say sưa. Ai đó đã nói rằng, khi nào nghệ sĩ bắt nhịp được với hơi thở của cuộc sống thì khi đó không ai có thể ngăn họ bộc lộ tài năng của mình. Đúng như vậy thật! Tiếng ca anh cứ âm vang và lan tỏa cả núi đồi Ba Thê hiền hòa, chất phác.

Có thể nói, truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau được truyền từ đời này qua đời khác, nó như một nét đẹp tiềm ẩn bên trong mỗi con người. Mỗi năm, mỗi tháng hay thậm chí mỗi ngày luôn có những chiến dịch ủng hộ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ở các trường học đều có những đợt quyên góp ủng hộ các bạn học sinh vùng sâu vùng xa hay những hòm từ thiện 1.000 đồng đầy ý nghĩa. Những hành động từ thiện nhỏ bé như thế của anh Quang Chính cùng nhóm Thiện nguyện nhưng lại ẩn chứa tình cảm, sự sẻ chia vô cùng lớn lao.

Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: Làm từ thiện được gì? Nhưng câu hỏi đó đâu có thực sự quan trọng với những người từ thiện. Họ làm từ thiện vì tâm họ bảo phải làm. Họ làm từ thiện để cho tấm lòng được thanh thản, làm để tạo phúc đức cho con cháu về sau. Họ làm để xoa dịu đi những thiếu thốn, những khó khăn bất hạnh trong cuộc đời. Chính những hành động từ thiện thật tâm ấy sẽ lan tỏa những điều tích cực đến toàn thể xã hội. Có như vậy, xã hội mới ngày một trở nên tốt đẹp hơn, lành mạnh và văn minh hơn.

Chia tay anh Quang Chính cùng anh em trong nhóm Thiện nguyện, tôi bắt tay từng người một ra về mà lòng mình nhẹ nhàng và vui lạ bởi “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.

Trần Thanh Tâm