Người đi trong mưa ảo
Xã hội cuộc sống con người rất là đa dạng ta không thể biết hết mọi điều. Vì sao người đọc sách, nhất là thơ. Vì đó cũng là cách người khám phá những gì ở cuộc sống và cũng học hỏi điều gì đó. Qua đó những thông tin đời sống tâm hồn của ai đó ở đâu đó qua những con chữ dần hiện ra. Dưới bàn tay người viết như có phép mầu con chữ như biến hóa những suy nghĩ tư tưởng ra những hình ảnh. Như bắt nhịp cầu nối liền thế giới bên ngoài và bên trong. Như chỉ lối đi để hiểu về tha nhân qua những trang viết. Tuần tự bài thơ có ba loại cảm xúc. Trước hết đọc lên làn da có cảm giác rờn rợn rồi từ từ thấm vô trong hồn gây xuyến xao. Và ba là bài thơ đọng lại ở đầu bạn đọc sẽ sống cùng với nó. Được trong một, hai cảm xúc là bài thơ cũng đã hay. Được cả ba viết nên bài thơ sống mãi theo thời gian phải là bậc tài hoa bản lĩnh, sống dữ dội mãnh liệt đúng nghĩa thi sĩ – Ai mua trăng tôi bán trăng cho. Nhưng những gì vừa viết hình như đã cũ. Thời hiện đại cuộc sống không như xưa khoa học, vật chất phát triển con người theo đó cũng đổi khác như phức tạp hơn. Thưởng thức âm nhạc hay thơ ca như không còn những cảm xúc trước kia mà nó đi quanh co như thách thức, trêu cợt người. Phải động não, phải nghe đi nghe lại. Đọc lại hai ba lần mới thấy cái hay, người viết muốn nói điều gì. Nhà thơ Phạm Nguyên Thạch với “Mưa ảo” – tập thơ vừa cho ra mắt bạn đọc là như vậy. Có thể nói đây là tập thơ kén độc giả. Mùa hạ đặc biệt năm nay thời tiết nóng bức người trông mưa không thấy, gặp tập thơ “Mưa ảo” nghe vui mở ra đọc để tìm cảm giác mát mẻ. Nhưng người không thấy mưa lại thấy Phạm Nguyên Thạch dẫn vào cơn mưa ảo. Trước hết về chữ nghĩa ảo cho ta liên tưởng đến ảo thuật, phù phép bằng chứng là những con chữ được nhào lộn qua tay nhà thơ. Phải nói người làm thơ già dặn như Phạm Nguyên Thạch mới tạo ra thế giới chữ cho riêng mình. Chữ của anh không là chữ thường thấy ở những bài thơ người thường đọc với các biện pháp tu từ để rồi nó trở nên mềm mại thành thứ thuốc giảm đau mà chữ của Phạm Nguyên Thạch cứng cáp, xù xì như quặng mỏ chưa tinh luyện. Tên Nguyên Thạch có nghĩa là đá nguyên khối không trau chuốt, chữ của anh cũng cho người đọc cảm giác vậy.
Tôi lâu năm đùm đề những sống sít cữ kiêng – Thấy người quét đốt bộn bề sạch mình gặp Tết – Hối hả tôi bên chiếc bếp – Quẹt cà nguồn lửa cạn rướm tay (Dọn mình).
Tôi biết tôi phải nhận ra tôi – Khi em cười cợt giải câu thề lọt qua vòng khóa – Xé thân chung tôi ôm lại nửa phần mình máu me xối xả – Quá cả tin nên nơi cấp cứu mù lòa (Nguội tàn).
Chữ ảo về ý đó là mặt để đối với thật. Nhưng ở đây thật với ảo lẫn lộn nhà thơ như gài chìm trong các câu thơ. Như câu nói của dân miền Tây nói vậy mà không phải vậy. Chỉ cho phép người nhìn bên ngoài, muốn thấy bên trong sâu trong hồn người thế giới nội tâm. Muốn vô nhà kết bạn với Phạm Nguyên Thạch phải cần chiếc chìa khóa. Tôi phải thú nhận đọc tập thơ “Mưa ảo” lần thứ nhất tôi có cảm giác như đang giải bài tính khó. Đọc lại lần thứ hai thật thú vị bất ngờ tôi thấy Phạm Nguyên Thạch như để chiếc chìa khóa ngay trước mặt mình. Đấy là bài thơ “Mưa ảo” được lấy là cái tựa tập thơ “Mưa ảo”. Muốn gì nữa mưa trái mùa – mưa cho tôi nhận ra tôi khô ráo ảo – Đầm đìa nỗi niềm cất giấu- Nơi vết thương tưởng không còn đùa cợt thuốc thang.
Hóa ra anh là người ướt át, lãng mạn. Bài thơ như là sự thú nhận chân thật nhà nghèo cũng khóc nhà giàu cũng khóc. Những chữ tôi khô ráo ảo nhất là đầm đìa nổi nhớ cho thấy hình ảnh một người ngồi tính lại sổ đời. Người thấy mình dư thừa hạnh phúc để rồi… mắc nợ nó. Nợ làng quê nghèo hình bóng cha mẹ vất vả với ruộng đồng nuôi đàn con. Lớn lên lại nợ nhiều thứ xung quanh đã cho mình, nhất là hình bóng của ai đó xa xa. Đâu ai biết. Đâu ai biết hạnh phúc của người lại làm con tim người như bị trúng tên thành vết thương không còn đùa cợt thuốc thang. Vì vậy tập thơ như chia làm 2 phần. Phần 1 là ký ức tuổi thơ với cánh đồng 6 tháng mùa khô đất nẻ dấu chân chim 6 tháng đồng hóa thành biển nước nổi lênh đênh. Mà cha với mẹ là hai vợ chồng nông dân lặn lội để tìm ra hột lúa nuôi đàn con – Ôm bình minh lặn mò mùa màng trong chân sóng- Mang chiều lạnh về nhà bằng dầm bơi quẩn – Xuồng đầm đìa lúa nhe nanh. Tức là lúa ngâm nước đã ra mộng. Có năm cánh diều tôi đói gió trên đồng nẻ dấu chân chim- Sâu rầy bay vào giấc mơ làm ác mộng- Đám bù nhìn không còn múa may áo quần lên ruộng trống. Từ đồng ruộng nhà thơ ra đi trở thành dân phố thị nhưng vẫn không quên nguồn gốc – hình như phố phường che lấp phía lưng tôi – phía cỏ lác múa mình xanh thách thức. Phạm Nguyên Thạch đã làm người đọc cảm xúc ray rứt: Đâu ai chờ tôi nơi đó nữa- Nơi cánh đồng vắt sức nuôi tôi- Có khi dép guốc quên mang dự đám mời– Mẹ cha tôi gánh gồng tận đời tận lực. Ở phần một người đọc có thể chia sẻ được nỗi nhớ nhung của tác giả vì hình ảnh đưa ra như là hình ảnh chung của người miền Tây nhất là đất Long Xuyên với cánh đồng mùa nước nổi. Qua phần hai tập thơ coi như nỗi niềm riêng của nhà thơ trăn trở, ray rứt dằn dặt. Từ thú nhận tôi khô ráo ảo trước hạnh phúc của mình đến: Tôi có bộ mặt đóng tuồng – Bộ mặt che tôi của hôm qua – che nỗi niềm vùi chôn lồng lộng – Che đầu đời trôi theo tháng năm nhoi nhói (Trợt). Chúng còn chia sẻ được nỗi niềm riêng của ai đó ta đành chịu mặc dù: Tôi mở rộng cửa vườn mình – Mùa đông vẫn đầm đìa già nua- Vẫn ẩm ướt triền miên từng góc khuất- Buồn không cớ gì lụn tốt tươi- Tôi mở rộng cửa vườn nhà mình – Mùa đông vẫn còn cho thấy bao thứ chết im không rã mục (Mùa đông ơi mùa đông). Rõ ràng đây là một người hạnh phúc vây quanh nhưng bên trong lại rất cô đơn.
Tập thơ “Mưa ảo” cho ta thấy một thế giới nội tâm ray rứt nhưng không dễ gì hiểu được. Tuy nhiên cuối cùng bạn đọc cũng đồng cảm với tác giả qua nỗi niềm bày tỏ một cách kín đáo. Sự gì tôi treo tôi vào đồng hồ đếm ngược thời gian- Gỡ mãi không ra sợi tóc dài vướng trong ký ức- Chân giật lùi vào bãi bồi nay hóa vực- Trồi ngụp khùng điên (Dọn mình).
Hóa ra đây là tập thơ tâm trạng của một người lớn tuổi nhìn lại quãng đời qua. Những gì ta được biết, về Phạm Nguyên Thạch. Tác giả có thơ in trong tạp chí Văn ngày xưa. Là tờ tạp chí văn học uy tín, ai có bài được đăng lập tức tên tuổi được cả nước biết đến. Sau giải phóng, thơ của anh được giới thiệu trong Tuyển tập thơ văn xuôi Việt Nam và nước ngoài (Nguyễn Văn Hoa – Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, Nxb Văn học). Phạm Nguyên Thạch là giáo viên dạy văn giỏi của tỉnh. Hội Văn nghệ An Giang thành lập nhớ tên anh kéo về làm Thư ký Tòa soạn báo Văn nghệ An Giang, sau là Tạp chí Thất Sơn. Nhà thơ đã trải qua những tháng ngày thăng trầm nhưng là một người có thể nói là thành đạt, lại trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một người như vậy đâu dễ gì quên những gì mình trải qua. Nhất là với những mối tình của thời trai trẻ. Nay Phạm Nguyên Thạch cũng như bao người lớn tuổi nhìn lại cuộc đời. Hình như là ai cũng có suy nghĩ- hạnh phúc có thật nhưng vì cuộc đời thấy ngắn ngủi sao nên nó như là ảo. Tóm lại tập “Mưa ảo” là vậy kén độc giả nhất là quan điểm của người viết – chữ nghĩa không quan trọng không cần phải bóng bẩy, trau chuốt mà là viết như thế nào cho mình và cho người ngộ ra: Nay biết thấm nơi sâu nơi cạn- Có nơi ta rời bỏ lại mong về- Bao năm chen chỗ ngồi chỗ đứng- Giật mình- Chưa chín một nồi kê.
Nhà văn Ngô Khắc Tài
(Ảnh: Vĩnh Thy)