Đôi điều về sáng tác văn học cho độc giả tuổi thiếu nhi, thiếu niên, tuổi mới lớn

Tôi là người đã từng viết nhiều truyện dài dành cho độc giả ở lứa tuổi thiếu nhi như: Trò chơi, Chú chó tinh khôn, Khả năng đặc biệt, Chiến công siêu phàm (dành cho độc giả  < 11tuổi; học sinh cấp I );  lứa tuổi thiếu niên như: Đứa con hoang, Cánh chim trời, Hạt bụi đời, Quê ngoại, Tình quê, Một miền quê, Đốm lửa trên đồng, Vua nói khoác (dành cho độc giả từ 12 đến 15 tuổi- học sinh cấp II) và lứa tuổi mới lớn như: Vầng trăng thơ, Cô bé mộng mơ, Ánh lửa đêm đông, Chuyện tình nhà thơ lớp (dành cho độc giả tuổi  16 đến 18 tuổi- học sinh cấp III)… Ba lứa tuổi kể trên là đối tượng độc giả chiếm số đông trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Thế nhưng, cũng như tôi, nhiều nhà văn viết cho đối tượng này chỉ xem đây là đề tài phụ, khó thành danh nên chỉ viết khi có điều kiện thuận lợi, thôi thúc như mỗi lần đi dự trại chuyên đề viết cho thiếu nhi… Thậm chí, nhiều người nói vui: “Viết cho thiếu nhi… viết cả đời cũng chỉ là nhà văn… nhỏ, nhà văn con nít… khó thành “nhà văn lớn”…” (Tôi cũng là nhà văn viết nhiều cho thiếu nhi thôi chứ không nhiều người biết tới) Tại sao vậy?

Ngay như những tổ chức có trách nhiệm lo cho tương lai đất nước như: Đảng, Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhất là Hội Nhà văn Việt Nam… cũng chẳng quan tâm đến đối tượng nắm vận mệnh tương lai đất nước… mặc dù trong các Nghị quyết, các phát biểu của các vị có trách nhiệm luôn khẳng định vai trò quan trọng của đối tượng này đối với sự “tồn vong” của dân tộc.

Các vị có trách nhiệm thường hay kêu ca đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa dân tộc bị đe dọa… Nhưng… thiếu nhi, thiếu niên, tuổi mới lớn trên đất nước chúng ta đang xem cái gì? Đang đọc cái gì? Bắt chước cái gì?… Và suy nghĩ, tình cảm, ước mơ, hoài bão và hành vi của đối tượng này đã và đang chuyển biến như thế nào?

Phải chăng các em đang lơ là với những ước mơ hoài bão tốt đẹp, xa rời lý tưởng; chẳng chút yêu thương quê hương, làng xóm; chẳng nghĩ đến trách nhiệm công dân, cống hiến cho xã hội, cho đất nước, chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ, thích nhận hơn là cho. Phải chăng các em đã và đang nhạt nhòa tình cảm đối với họ hàng thân tộc, với cha, mẹ, anh chị em… chỉ biết có riêng mình. Phải chăng là các em thích sống theo bản năng, đấm đá bạn cùng học, chửi mắng thầy cô giáo… vân vân và vân vân… những điều này đều có liên quan đến chuyện các em thiếu nhi, thiếu niên, tuổi mới lớn đã và đang xem cái gì, đọc cái gì, làm theo cái gì?

Nhiều người đổ trách nhiệm cho lực lượng viết văn… bỏ rơi đối tượng bạn đọc từ 7 cho đến 18 tuổi.  Các nhà văn nếu có viết cho đối tượng này thường nội dung viết về tuổi thơ của mình như viết để lưu giữ cho con cháu biết tuổi thơ của cha mẹ mình, chuyện xảy ra cách nay hằng vài chục năm khiến bạn đọc nhỏ tuổi bây giờ thấy xa lạ, không thích…

Tình hình chung chuyện xuất bản sách ngày càng khó khăn, nhất là bị xem là một doanh nghiệp, phải nộp ngân sách theo chỉ tiêu cho nên đề tài sách được xuất bản cũng chạy theo thị hiếu bạn đọc để kinh doanh có lời, mà người đọc sách bây giờ cũng không nhiều. Thử hỏi các vị lãnh đạo các cơ quan ban ngành đoàn thể, cán bộ công nhân viên chức… một năm đọc được mấy qyển sách? Ai cũng có đủ lý do biện minh cho mình: Nào là không có thời gian vì lo họp hội và trách nhiệm cá nhân nặng nề, nào là nội dung sách không phù hợp, nào là giá sách quá cao… Còn bạn đọc ở thành thị gia đình khá giả có điều kiện thì suốt ngày cắm đầu vô ti vi, máy tính, điện thoại… Bạn đọc ở nông thôn thì không có sách xem và giá sách quá cao…

Hằng năm cứ đến ngày Quốc tế thiếu nhi hay Rằm Trung thu thì các báo in cho vài bài thơ, truyện ngắn đề tài viết về thiếu nhi nhưng các em đâu có đọc báo. Ban văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đâu rồi?  Giải thưởng Văn học thiếu nhi hằng năm còn không?… Thực tế quá phũ phàng triệt tiêu động lực kích thích nhà văn viết cho các em.

Bây giờ, nếu như Ủy ban Thanh thiếu niên- Nhi đồng của Quốc Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam có trách nhiệm và quan tâm đến văn học dành cho các em thì tôi nghĩ không có gì khó.

Nếu như có cuộc thi sáng tác thơ, văn viết về đề tài tuổi thiếu nhi, thiếu niên, tuổi mới lớn với giải thưởng cao như  giải nhất, nhì, ba khoảng 100 – 150, 200 triệu… thì tôi nghĩ không ít nhà văn sẽ để tâm đến đề tài này ngay.

Nói như vậy không phải cho rằng nhà văn ham tiền, nhưng chỉ nói suông sứ mạng cao cả của nhà văn sáng tác để có tác phẩm cho các em mà không có cái gì minh chứng văn học thiếu nhi được xem trọng. Giải thưởng cao tự nó cũng phần nào nói lên tầm quan trọng của cuộc thi để cả xã hội quan tâm.

Qua cuộc thi, có tác phẩm hay thì đầu tư in với số lượng nhiều khoảng 50.000 đến 100.000 bản/tác phẩm, cung cấp cho hệ thống thư viện huyện, tỉnh và thư viện trong các trường học cấp II, cấp II, cấp III… Các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm quảng bá về cuộc thi và tác phẩm hay thu hút người đọc quan tâm mua cho con cháu của mình.

Hằng năm, tôi thường đi giao lưu với các em học sinh cấp II, cấp III, nhất là ở những trường vùng sâu, vùng xa và thấy rõ rất đông các em thích đọc sách văn học nhưng thư viện trường phần lớn là sách tham khảo, có sách văn học lại là sách dành cho đối tượng khác, ngoài chợ thì không có sách!

Nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4/2018, tôi đến trường Đại học An Giang giao lưu, nói chuyện sách, một bạn sinh viên đã phát biểu về một tác phẩm của tôi (Vua nói khoác) kể lại chuyện ngày hôm đó em ngồi chờ tôi từ 11g đến 14g để xin chữ ký. Em đã mượn quyển sách của bạn chạy đi photo và chờ tôi ở cổng trường để xin chữ ký, vì tôi không đủ sách tặng cho tất cả các em. Em mê văn chương, đọc sách của tôi và giờ em đã là sinh viên khoa Sư phạm Văn. Có lẽ, tôi viết văn đề tài về các em được cho đến hôm nay cũng là nhờ có những chuyến giao lưu gặp gỡ các em, trân trọng trước tình cảm của các em dành cho sách và cho mình…

Nhà văn Mai Bửu Minh
(Ảnh: La Lam)