Tự hào bộ đội Cụ Hồ
Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân ta gọi những chiến sĩ giải phóng quân, những quân nhân trong lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam là Bộ đội Cụ Hồ; bởi vì chính Bác Hồ là người đã sáng lập, rèn luyện, giáo dục và đào tạo nên Quân đội nhân dân Việt Nam của chúng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định muốn đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lấy độc lập tự do cho dân tộc không thể chỉ có đấu tranh chính trị mà lực lượng cách mạng còn phải thắng địch trên lĩnh vực quân sự. Muốn thắng địch ở mặt trận quân sự, chúng ta phải có lực lượng vũ trang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, viết nên tư liệu để các tổ chức Đảng xây dựng lực lượng vũ trang từ lúc còn là những đội quân du kích. Đó là tập tư liệu xác định rõ Du kích là gì? Tổ chức Đội du kích ra sao? Nguyên tắc cách đánh du kích, cách xây dựng căn cứ địa, mục đích của chiến thuật du kích, nguyên tắc chiến đấu của đội du kích… Và đến tháng 12/1944, Bác Hồ đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, trong đó Người đã khẳng định vai trò trách nhiệm và định hướng tương lai của lực lượng vũ trang chúng ta một cách rõ ràng: “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.” (1)
Xác định vai trò trách nhiệm của những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, Bác Hồ không muốn những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tự kiêu, tự đại, công thần và đã dạy: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm quân đội…” (2)
Chính nhờ thực hiện những lời dạy trên của Bác Hồ mà quân đội ta luôn được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở, thậm chí có lúc phải hy sinh tính mạng để bảo vệ Bộ đội Cụ Hồ.
Và Bác Hồ còn dạy tất cả chiến sĩ Giải phóng quân phải biết rằng, vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, người lính chấp nhận cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, sẵn sàng hy sinh. Trong lực lượng phải biết yêu thương và đoàn kết với đồng đội. Người dạy: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng…(3)
Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân, tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc nào cũng chênh lệch. Bọn chúng được trang bị vũ khí hiện đại, quân lính được đào tạo bài bản chính qui và nuôi dưỡng chu đáo nhưng thực chất cũng chỉ là những tên lính đánh thuê, chiến đấu không có mục đích lý tưởng. Còn lực lượng vũ trang của ta tuy vũ khí thô sơ, chiến sĩ của ta có lúc ăn đói mặc rách nhưng mang trong lòng trái tim yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Chiến sĩ của ta chiến đấu cho chính nghĩa, cho lẽ phải, cho sự trường tồn của dân tộc nên đã “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Muôn người như một, đoàn kết chiến đấu và chiến thắng. Cách mạng tháng Tám, rồi Chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh cho nhân loại thấy rằng dân tộc Việt Nam anh hùng đã sản sinh ra một quân đội anh hùng. Chúng ta đã chiến thắng những tên thực dân, đế quốc đầu sỏ mà nhiều nước trên thế giới khiếp sợ và đây là niềm tự hào không có dân tộc nào có được. Quân đội ta đã ngày một trưởng thành xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “…Toàn quân phải đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi” (4)
Ngày nay, đất nước ta đã độc lập, nhân dân ta đã tự do, vai trò vị thế của đất nước ta ngày càng lớn mạnh thì nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa của quân đội ta ngày càng quan trọng. Quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiếp tục phát huy truyền thống oai hùng, xây dựng lực lượng ngày càng tinh nhuệ, hiện đại. Muốn lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, từng chiến sĩ Giải phóng quân phải không ngừng học tập và rèn luyện theo lời Bác Hồ dạy: “Phải cố gắng học tập mọi mặt về chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng… Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc làu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu, v.v…( 5 )
Trong những năm gần đây, lực lượng vũ trang của ta đã không ngừng lớn mạnh, được đào tạo chính qui, hiện đại, đầy đủ các binh chủng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Quân nhân trong quân đội ta ngày nay không chỉ được rèn luyện về chính trị, quân sự mà còn phát huy truyền thống đạo đức phẩm chất của người chiến sĩ Giải phóng quân qua những chương trình dạy chữ cho đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quân đội ta đã hết lòng chăm sóc sức khoẻ cho dân nghèo, giúp dân sản xuất tăng gia, lo cho dân vượt qua gian nan thử thách khi gặp thiên tai lũ lụt , thực hiện đúng tinh thần đi dân nhớ, ở dân thương, xứng đáng là BỘ ĐỘI CỤ HỒ .
Mai Bửu Minh | Ảnh: Văn Tranh
- (1) (Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – Tháng 12/ 1944-Hồ Chí Minh.Toàn tập, t.3, tr 507-508 )
- (2)…Bài nói tại hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18, ngày 4/5/ 1951 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, t . 6, tr 206-207 )
- (3)…Bài nói tại hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18, ngày 4/5/ 1951 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, t . 6, tr 206-207 )
- (4 ) Bài nói chuyện tại trường Chính trị trung cấp quân đội –25/10/1951-Hồ Chí Minh .Toàn tập, t. 6, tr 316- 322 )
( 5 ) Bài nói với quân đội về tình hình và nhiệm vụ trước mắt tại Hội nghị cao cấp toàn quân – Ngày 20/ 3/ 1958 . Hồ Chí Minh .Toàn tập, t. 9, tr 139- 142).