Bác Hồ với thanh niên Việt Nam

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, xung kích trên các mặt trận, góp phần xây dựng hòa bình cho quốc gia, dân tộc. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng ở thanh niên – lực lượng hậu bị của Đảng và là lực lượng cách mạng cho đời sau. Chính vì thế, trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn dành những tình cảm tốt đẹp cũng như thời gian, công sức, trí tuệ của mình để giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Từ khi còn hoạt động ở nước ngoài cho đến khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác luôn nhất quán quan điểm: Muốn thức tỉnh một dân tộc, muốn tiến hành một cuộc đấu tranh để giải phóng, thì trước hết phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Từ đó, Người đã đặt niềm tin tưởng vào thanh niên, coi vận mệnh của dân tộc, sự hưng thịnh hay suy vong của dân tộc Việt Nam tùy thuộc vào sự giác ngộ cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ thanh niên. Trải qua 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024) đã minh chứng được quan điểm, nhận định đúng đắn của Người.

Trong các thư gửi thanh niên và trong các dịp trực tiếp gặp gỡ với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh vai trò to lớn của thanh niên và động viên kịp thời những thành tích mà thanh niên cả nước đạt được trong mọi lĩnh vực học tập, sản xuất, chiến đấu, rèn luyện… Người luôn nhấn mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào cách mạng: “Đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên(1). Tin yêu và hy vọng ở thế hệ thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật(2).

Người yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Đi đôi với việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng. Bởi đạo đức cách mạng là sự triệt để trung thành với cách mạng, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, sẵn sàng xả thân cho đất nước, điều đó được thể hiện ở ngay trong suy nghĩ và hành động hàng ngày của mỗi đoàn viên, thanh niên.

Để tuổi trẻ trở thành người cách mạng chân chính, những con người mới XHCN, Người nhấn mạnh việc cần thiết phải giáo dục đoàn viên, thanh niên tính trung thực, ngay thẳng, tác phong khiêm tốn, giản dị, tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo. Đoàn viên, thanh niên phải luôn có tinh thần cố gắng vươn lên, sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Không những thế, Người còn yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình, chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc, chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay… đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của đoàn viên, thanh niên.

Từ những bức thư tâm huyết gửi thanh niên Việt Nam hồi đầu thế kỷ đến lời “Di chúc” cuối cùng, Bác Hồ luôn dành cho đoàn viên, thanh niên tình cảm thương yêu, trìu mến, sự chăm sóc ân cần. Thương yêu hết lòng và đặt niềm tin trọn vẹn vào đoàn viên, thanh niên, Người nhấn mạnh: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi mới thật là thanh niên(3). Người đánh giá: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”; và căn dặn “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết(4).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh niên, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm chăm bồi và rèn luyện thế hệ trẻ. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc…”. Đồng thời: “Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại; phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên(5), tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ thành phố Long Xuyên nói riêng đã phát huy truyền thống của thế hệ trước, hăng hái, sôi nổi hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào: “Xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp”, tích cực tham gia các diễn đàn: “Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Tiếp lửa truyền thống – Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Thanh niên sống đẹp sống có ích”…

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Tuổi hai mươi làm sao không tiếc?/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc? (6) Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thanh niên Việt Nam sẵn sàng đi tới những nơi khó khăn gian khổ, dám nhận những việc mới, việc khó để phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành thành phố Long Xuyên dành cho ĐVTN luôn là nguồn động lực cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ thành phố Long Xuyên hăng hái, xung kích cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thành phố Long Xuyên trở thành nơi đáng đến và đáng sống trong thời gian tới.

Trần Thạnh Hữu


* Chú thích:

(1) Trích nội dung “Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc”, ngày 22/09/1962.

(2) Trích Bài nói chuyện của Bác với Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế, 01/9/1961.

(3) Trích trong bài viết “Nhiệm vụ của thanh niên ta” của Bác (Báo Nhân Dân số 657- Tháng 12/1955).

(4) Trích trong “Di Chúc của Người”, năm 1969.

(5) Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951.

(6) Trích “Trường ca những người đi tới biển” của nhà thơ Thanh Thảo.