Một trang lịch sử vô cùng chói lọi

Từ trong cảnh lầm than vong quốc, Nhân dân ta đã anh dũng vùng lên, lần lượt đánh bại nhiều đế quốc lớn mạnh như phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với những chiến công hiển hách ấy, dân tộc ta xứng đáng đứng vào hàng các dân tộc tiên phong đấu tranh cho những lý tưởng đẹp đẽ của loài người. 

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo Hiệp định Genève, tháng 7-1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ với âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới đã tiến hành cuộc chiến xâm lược “kiểu mới” với suy tính dễ dàng giành thắng lợi. Nhưng họ đã phạm sai lầm! Nhân dân ta đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và chiến thắng hết sức vẻ vang. Họ bắt đầu bằng chiến lược “chiến tranh một phía” và nhanh chóng thất bại (1954-1959). Đến cuối năm 1964, đầu năm 1965 đứng trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, họ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”: một “cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người”- đe dọa đẩy miền Bắc trở về “thời kỳ đồ đá”… Và họ liên tiếp thua đau; càng thua đau, Mỹ càng leo thang chiến tranh, như “… con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng”.

Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đế quốc Mỹ có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa… Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cả loài người tiến bộ kể cả Nhân dân Mỹ đứng về phía Việt Nam!

Tổng thống Nixon cay đắng thừa nhận: “Sai lầm nghiêm trọng của chúng ta là không biết một trong những quy luật của chiến tranh. Đó là, đừng bao giờ bước vào cuộc chiến tranh, nếu không biết cách nào để ra khỏi cuộc chiến tranh đó”. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ – Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” đã viết: “Chúng tôi ở trong chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam,… chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”. Ông ta thừa nhận: “Mỹ đã đánh giá sai khi đó và từ đó cho đến nay, những chủ đích địa chính trị của các đối thủ… và đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ… Mỹ xem xét tình hình của miền Nam Việt Nam chỉ bằng trải nghiệm của chính họ… và đánh giá sai hoàn toàn những lực lượng chính trị trong đất nước đó… quân đội Mỹ đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động Nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của Việt Nam”. 

Bên trực tiếp gây chiến đã thừa nhận thất bại, tự nêu nguyên nhân mà chúng ta có thể chia sẻ! Nhưng do đi theo các thế lực thù địch, hoặc bởi những động cơ thiếu lương thiện, cho đến nay vẫn có người cố tình xuyên tạc về cuộc chiến. Họ lập lờ khi nói đó là “cuộc chiến ủy nhiệm”, hoặc nguy hiểm hơn khi xuyên tạc, cho đó là “cuộc nội chiến” do Bắc Việt tấn công miền Nam… Giáo Sư Trần Chung Ngọc (một học giả có uy tín người Mỹ gốc Việt) đã từng nói: “Cá nhân tôi là một sĩ quan, xuất thân từ Khóa I Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, đã phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong hơn 8 năm, đã cầm súng chống Cộng… Sau khi giải ngũ lần thứ hai vào năm 1966, tôi đã phục vụ trong ngành giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày chót. Vậy vào những thời đó, tất nhiên không ít thì nhiều tôi cũng đã chống Cộng”. Sau 1975, khi sống ở Hoa Kỳ, bằng những kết quả nghiên cứu khoa học, Giáo sư khẳng định: “Tôi cho rằng cả hai từ “nội chiến” và “chiến tranh ủy nhiệm” đều không thể áp dụng trong trường hợp Việt Nam. Thật ra thì từ “ủy nhiệm” chỉ có thể áp dụng cho phía… “Việt Nam Cộng Hòa”… Mỹ dựng lên chế độ miền Nam, phá bỏ Hiệp định Genève và quyết định mọi việc, dùng miền Nam để chống Cộng cho Mỹ. Điều này thật là rõ ràng qua những tài liệu lịch sử hiện hữu”. “Bảo rằng vì Trung Cộng và Nga Sô tiếp tế vũ khí cho Bắc Việt là ủy nhiệm cho Bắc Việt chống Mỹ hộ cho Nga Sô hay Trung Cộng để thực hiện âm mưu bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản, đó là một lý luận rất ấu trĩ và ngớ ngẩn”. Ông còn nói: “Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến”, “Huyền thoại về một miền Nam độc lập như một quốc gia riêng biệt chỉ là sản phẩm do Mỹ dùng cường quyền thắng công lý tạo ra…”. Giáo sư còn nhận xét: “Đến bây giờ mà chúng ta còn nhìn lại cuộc chiến với tâm cảnh đặt căn bản trên sự thù nghịch Quốc – Cộng trước đây thì thật là ngu xuẩn, chỉ tự làm khổ mình mà thôi. Tôi nghĩ không có mấy người hiểu biết còn có tâm cảnh như vậy.”. 

Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Thắng lợi đó là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước ta – kỷ nguyên độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Trung Thành