Chiến trường An Giang trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 1977-1979

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, quân dân An Giang đã thể hiện ý chí và quyết tâm trực tiếp chiến đấu, vượt qua nhiều gian khổ hy sinh để giành thắng lợi. Đó là thắng lợi của tình đoàn kết hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau giữa các huyện biên giới với các huyện, thị tuyến phía sau và các tỉnh bạn trong nội địa.

I.NHỮNG DIỄN BIẾN CHÍNH CỦA CUỘC CHIẾN

1.Từ 30/4/1977 đến tháng 12/1977

Tại Châu Đốc, địch tấn công vào các ấp Vĩnh Chánh 1, 2, 3, 4 của xã Vĩnh Nguơn nhưng bị lực lượng du kích các ấp đánh chặn quyết liệt, buộc chúng phải dừng lại.

Tại Phú Châu, Công an nhân dân vũ trang và du kích các xã Phú Hữu, Khánh An, Vĩnh Xương kiên quyết bám đánh địch đến sáng ngày 01 tháng 5. Tuy nhiên, các xã Nhơn Hội, Khánh Bình do lực lượng tại chỗ không đủ sức ngăn chặn nên địch tràn vào bắn giết, cướp bóc, đốt phá nhà cửa, tài sản của nhân dân ta. Trong đêm, ta mất trạm Mương Hội Đồng (Khánh Bình) và chốt chùa Thầy Bảy (Vĩnh Xương). Đến sáng ngày 01 tháng 5, quân Pôn-pốt còn chiếm giữ ấp 1 của xã Vĩnh Nguơn, bờ Tây sông Bình Di thuộc các xã Phú Hội, Nhơn Hội, Khánh Bình và một đoạn Phú Hữu đến Vĩnh Xương.

Tại khu vực Bảy Núi, lực lượng đứng chân ở xã An Nông, An Phú, Nhơn Hưng huyện Tịnh Biên, đại đội 1 địa phương huyện Tri Tôn và lực lượng du kích… tổ chức phản kích. Phần lớn quân địch bị ta đánh bật phải lùi về bên kia biên giới, chỉ còn ấp Tà Bét B, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, ta không đẩy được địch ra khỏi địa bàn do lực lượng chúng quá đông.

Sau khi nắm chắc diễn biến tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, ta tổ chức  lực lượng mạnh phản kích trên toàn tuyến biên giới.

Trưa ngày 01/5/1977 ở Vĩnh Ngươn (Châu Đốc) ta đánh địch chạy về bên kia biên giới, bỏ lại 16 xác chết và 13 khẩu súng. Trong ngày 01/5, bộ đội tỉnh tăng cường cùng lực lượng tại chỗ đánh địch tại Phú Hữu, Nhơn Hội, Phú Hội. Do lực lượng địch mạnh nên chỉ đẩy chúng ra khỏi rìa làng. Có thêm lực lượng Quân khu chi viện Mặt trận Bảy Núi, từ ngày 03 đến ngày 09/5/1977 An Giang dồn lực lượng qua Phú Châu đánh địch giành lại được các điểm ở  Khánh Bình, Nhơn Hội, Phú Hội bị địch chiếm giữ từ đêm 30/4/1977.

Chỉ trong 10 ngày phát động chiến tranh xâm lược, quân Pôn-pốt đã bị các lực lượng vũ trang tỉnh tiêu diệt 203 tên (có 55 xác bỏ tại trận), 302 tên bị thương; thu được 63 khẩu súng các loại và đạn dược, đồ dùng quân sự và nhiều xuồng ghe, máy nổ mà địch đã cướp của người dân.

Ngày 13/7/1977, Quân khu 9 tập trung lực lượng lớn đánh địch ở xã Vĩnh Điều (Hà Tiên giáp Bảy Núi), khôi phục khu vực dài 5km mà địch đã chiếm đóng dài ngày sâu trong đất ta, tiêu diệt hơn 200 tên, thu 100 khẩu súng các loại.

Bị thua đau, từ ngày 15 đến 17/7, địch bắn vào thị xã Châu Đốc hơn hàng trăm quả đạn pháo, cối các loại gây rất nhiều thiệt hại về tài sản, làm chết 29 người dân, bị thương 150 người… Trước tình hình đó, ngày 18-7, Quân khu 9 ra lệnh cho các trận địa pháo các loại của ta tập trung bắn hủy diệt trận địa pháo địch ở Cả Hàng. Buổi chiều, 8 phi vụ máy bay A37 đánh bom vào các cụm quân địch ở khu vực Cả Hàng buộc chúng phải tháo chạy…

Ngày 30/7/1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn cán bộ của Bộ chính trị và Bộ quốc phòng về thăm An Giang. Tại cuộc gặp gỡ cán bộ của tỉnh, Đại tướng đã biểu dương lực lượng vũ trang An Giang trong thời quan qua đã có nhiều thành tích trong xây dựng, công tác và chiến đấu. Đồng chí nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân An Giang phải hết sức cảnh giác trước âm mưu của địch ở biên giới, đồng thời chúng ta cần phải đánh, đánh chúng thật đau. Phải xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc, có trận địa, hỏa lực mạnh, xã, ấp chiến đấu vững để vừa chiến đấu vừa sản xuất. Trong chiến đấu phải bắt nhiều tù binh, vừa giáo dục vừa giác ngộ để nhân dân Camphuchia đồng tình với ta… Đặc biệt Đại tướng còn nhắc nhở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh: “Cần phải phục hồi lại lực lượng Đặc công”…

2.Chiến dịch phản công mùa khô 1977 1978

Chấp hành chỉ thị của cấp trên phối hợp với chiến trường chung nhằm đánh cho địch một đòn thật đau, phá vỡ tuyến phòng thủ phía trước, đánh sâu vào hướng bố phòng của địch ở bên kia biên giới, rạng sáng ngày 15/12/1977, lực lượng vũ trang Quân khu 9, tỉnh, huyện, du kích xã trên toàn tuyến biên giới An Giang đã đồng loạt nổ súng tấn công địch.

Trên hướng Châu Đốc đến ngày 17/12, ta chiếm được toàn bộ khu vực Cả Hàng đối diện với xã Vĩnh Tế và Vĩnh Ngươn. Ở xã Phú Hữu (Phú Châu) trong ngày đầu phá vỡ tuyến phòng thủ của địch từ Đồng Đức đến ngọn rạch Cỏ Lau, phát triển lên Mương Lớn, Mương Nhỏ, vịnh Cái Kềm; đánh bật chốt quan trọng của địch ở Chùa Bắc Nam, tiếp tục phát triển chiếm Bưng Ven huyện Koh Thum

Giai đoạn 1 kết thúc ta chiếm được Cả Hàng, đồn Lá, đồn Trâm Bầu, Lợi Dân, Căn cứ B1 và toàn bộ tuyến công sự từ Vĩnh Xương đến Phú Hữu, từ Bắc Đai đến ngả ba Ông Đá (Châu Đốc); tiêu diệt gần 2 đại đội địch thuộc Lữ đoàn 11 Trung đoàn 12 Sư đoàn 2 biên phòng của chúng.

Bước vào giai đoạn 2: lực lượng ta đứng chân ở các xã Phú Hội, Nhơn Hội, Khánh Bình mở khu tam giác Bắc Đai – Vạt Lài – Chòm Tre sông Thạnh Hòa. Ngày 21 – 22 tháng 12 đánh chiếm bờ Tây sông Bình Di; ngày 26/12, đánh chiếm đến rạch Dung Sách, mở rộng trận địa sâu vào đất địch 2km.

Ở khu vực Bảy Núi từ ngày 15/12, ta đánh chiếm Giồng Trâm Bầu, Giồng Trôm, Giồng Ba Ca, sau đó phát triển đánh chiếm đoạn Quốc lộ 2, chiếm huyện lỵ Tà Lập, huyện Kirivông, đánh diệt cụm quân địch ở núi Thâm Đưng, núi Chíp Bà Đây và chiếm toàn bộ núi Som cách Tịnh Biên 28 km về phía Bắc…

Từ ngày 28/12 trở đi các lực lượng của ta dừng lại phòng ngự giữ vững những khu vực đã chiếm được. Ngày 04/01/1978, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên toàn bộ lực lượng của ta rút về nước củng cố lực lượng ở biên giới. Cuộc tấn công vào đất địch của quân và dân ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ của địch gây thiệt hại lớn cho chúng, phá vỡ kế hoạch tấn công ta vào mùa khô 1977 – 1978…

3.Kiên cường chiến đấu ngăn chặn địch xâm nhập sâu vào nội địa

Về phía địch, lợi dụng lúc ta rút quân về bên này biên giới đã nhanh chóng đưa lực lượng chiếm lại những khu vực đã mất, ráo riết khôi phục công sự trận địa dọc theo tuyến biên giới, điều động, bố trí lại  lực lượng tiếp tục tấn công qua biên giới.

Trên tuyến biên giới chính diện tỉnh An Giang từ xã Vĩnh Gia ở phía Tây cho đến bờ sông Tiền ở phía Đông (đến tháng 9/1978), địch bố trí các đơn vị do Quân khu Kandal và Quân khu Tây Nam chỉ huy, gồm có 3 sư đoàn (250, 210, 270), 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn bộ binh với 28 tiểu đoàn, 10 trận địa pháo 105 ly, 130 ly, cối 120 ly, 8 tàu cây, tàu sắt thường xuyên xuất hiện trên sông Hậu và sông Châu Đốc.

Từ ngày 07/01/1978 đến ngày 12/01/1978 hơn một trung đoàn địch tấn công chiếm được 2 xã Khánh An, Khánh Bình, vùng ven 2 xã Nhơn Hội, Phú Hội đến Cầu 15, đoạn này sâu vào đất ta 1,5km. Đây là lần đầu tiên địch chiếm được một vùng đất khá lớn của An Giang. Ngày 05/02/1978, quân ta hiệp đồng quân binh chủng cấp sư đoàn có không quân, hải quân, thiết giáp, pháo binh cùng phối hợp tấn công quét sạch quân xâm lược ra khỏi xã Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Phú Hội là nơi địch đã chiếm gần một tháng, tiêu diệt 800 tên và thu hơn 200 súng các loại…

Với âm mưu quyết chiếm cho được vùng Bảy Núi để lập tỉnh thứ 19 của Campuchia, ngày 15/01/1978, địch lại huy động một lực lượng lớn tiến công sâu vào nội địa chiếm xã An Nông, núi Phú Cường, đánh thẳng vào Ba Xoài. Đi đến đâu chúng đốt nhà đến đó. Quyết tâm tiêu diệt địch, ngày 19/01/1978, bộ đội Quân khu 9, bộ đội tỉnh, huyện Bảy Núi cùng máy bay ném bom tăng viện bao vây địch ở núi Phú Cường. Suốt 10 giờ chiến đấu không nghỉ ngơi ta đã giành được thắng lợi lớn, tiêu diệt hơn 1.200 tên địch và bắt sống 400 tên, thu 600 súng các loại, nhiều đạn dược và đồ dùng quân sự.

Quyết chiếm Bảy Núi cho bằng được, ngày 16/4/1978 địch sử dụng lực lượng cấp trung đoàn tăng cường đánh từ núi Sam đến Vĩnh Gia.

Tối ngày 17/4, địch đánh vào ấp Vĩnh Khánh (xã Vĩnh Tế) cách Ủy ban xã  hơn 3km, chiếm lộ Nhà Bàn, đánh sập 2 cầu và đốt nhà dân cặp lộ. Cùng lúc 2 cánh quân khác vượt qua kênh Vĩnh Tế vào sâu trong đất ta, một cánh đánh vào đầu núi Phú Cường. Một cánh đánh vào ấp Tà Ngáo (xã Xuân Tô) phát triển ra Cua 13, Cua 15 chiếm Ủy ban xã Xuân Tô và phát triển về phía thị trấn Tịnh Biên.

Ở Lạc Quới địch đánh vào các chốt phòng ngự của ta. Do lực lượng không cân sức, ta phải lùi dần bỏ mất xã Lạc Quới, Lê Trì và Ba Xoài, An Cư.

Chiều ngày 19/4, địch chiếm núi Cậu, núi Rô xã Văn Giáo, leo lên núi Cấm, đánh chiếm Kinh Mới tiến vào Lương Phi, cắt đứt giao thông lộ Tri Tôn – Ba Chúc và tấn công vào núi Tượng, buộc các trận địa pháo của ta phải rút khỏi Ba Chúc.

Đêm 21 rạng 22/4/1978, quân địch từ nhiều hướng tấn công vào Ba Chúc, Lương Phi, đi đến đâu đốt nhà đến đó. Đồng bào theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do mê tín nên chạy vào Chùa Phi Lai, Tam Bửu đọc kinh cứu mạng, một số chạy lên núi Tượng trốn vào các hang. Sau khi chiếm được Ba Chúc địch lùng bắt phụ nữ đưa ra đồng hãm hiếp rồi bắn chết, một số khác bị lột hết quần áo trần truồng đưa về vùng chúng kiểm soát làm trò tiêu khiển rồi sát hại. Tại Chùa Phi Lai, Tam Bửu địch ném lựu đạn, xả súng bắn giết hết số người ẩn náo tại đây, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em. Hơn 3.000 đồng bào Ba Chúc đã bị quân Pôn Pốt giết hại dã man, ghi đậm vết đau trong lịch sử của tỉnh…

Ngày 28/4/1978, địch từ núi Rô đánh chiếm Ủy ban xã Văn Giáo, đánh sập cầu Bưng Tiền cắt đứt lộ Nhà Bàn – Chi Lăng. Quyết giữ vùng Bảy Núi đã chiếm được, ngày đêm xe vận tải của địch chuyển vũ khí, đạn dược theo đường Lộ 2 từ  gò Tà Lập (huyện Kirivông) xuống huyện Tịnh Biên cung cấp cho quân chiếm đóng.

Ngày 01/5/1978 quân ta chính thức phản công đánh địch trên toàn vùng Bảy Núi. Đến ngày 03/5, ta chiếm lại toàn bộ những nơi đã bị mất và tiêu diệt 400 tên, thu 150 súng các loại và nhiều đạn dược, phá tan âm mưu chiếm Bảy Núi của địch.

Không từ bỏ ý đồ chiếm Bảy Núi, đêm 11 rạng ngày 12/5/1978 cho đến ngày 17/5/1978, địch tấn công chiếm đồi 3, 4 núi Phú Cường, Ba Xoài núi Nhọn, núi Bà Vãi, núi Đất, núi Dài Nhỏ, thị trấn Tịnh Biên, leo lên núi Cấm và đánh sâu vào xã Văn Giáo, Ba Chúc… Sáng sớm ngày 17/5, các lực lượng ở Bảy Núi bắt đầu nổ súng phản công đến ngày 19/5 ta chiếm lại các khu vực đã mất.

Ngày 16/6, địch lại ngoan cố cho 1 trung đoàn đột nhập vào núi Tượng, Ba Chúc, Vồ đá Bia Lương Phi. Ngày hôm sau Trung đoàn Đặc công 113 phối hợp với bộ đội huyện, du kích xã đánh phản kích tiêu diệt hơn 200 tên, có 50 xác bỏ lại, bắt sống một tên. Ta hy sinh 2, bị thương 14 chiến sĩ…

Bên phía Phú Châu, đầu tháng 4/1978, địch đánh chiếm xã Phú Hữu, xã Vĩnh Xương (Phú Châu). Ngày 08/4/1978, địch chiếm được núi Nổi xã Tân An cách Vàm Xáng 2km, uy hiếp thị trấn Tân Châu. Phía bờ Đông sông Hậu địch chiếm xã Phú Hữu, 1 ấp của xã Vĩnh Lộc và phát triển xuống phía Nam. Ngày 12/4, lực lượng ta phản kích đánh đuổi quân địch trên cánh đồng Phú Hữu và một đoạn trên Rạch Cả Tre ngược sông Hậu 2km đến Vàm Cỏ Lau và chiếm lại toàn bộ ấp Phú Hiệp dài 6km.

Bước sang tháng 6/1978, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 9 ra lệnh cho An Giang tổ chức đánh phục hồi một số xã bị địch chiếm ở huyện Phú Châu. Ngày 05/6/1978 ta bắt đầu nổ súng lần lượt chiếm lại khu vực nam Búng Bình Thiên lớn (Nhơn Hội), Ủy ban xã Phú Hữu, chợ Vĩnh Xương… Đến tháng 8/1978, ta và địch vẫn giằng co ở sát biên giới về phía đất ta từ 1 – 3km, từ xã Vĩnh Xương đến xã Phú Hội (Phú Châu)…

4.Phản công giải phóng toàn tuyến biên giới An Giang

Tháng 11/1978, nước bắt đầu rút nhanh, công việc chuẩn bị cho mùa khô rất khẩn trương. Ngày 16/11/1978 tỉnh An Giang quyết định thành lập 3 khu vực mặt trận trên chiến trường biên giới An Giang:

– Mặt trận Phú Châu gồm lực lượng của huyện Phú Châu, lực lượng huyện Chợ Mới, lực lượng huyện Phú Tân và Tiểu đoàn 3 tỉnh Hậu Giang chi viện.

– Mặt trận Châu Đốc: Lực lượng vũ trang Châu Đốc và Trung đoàn Bộ binh 163 An Giang.

– Mặt trận Bảy Núi: Lực lượng vũ trang Bảy Núi và Tiểu đoàn 263 tỉnh Bến Tre chi viện.

Lực lượng cấp trên tăng cường, phối thuộc gồm có: Sư đoàn 341, Trung đoàn 8, 9 thuộc Sư đoàn 339; ba trung đoàn bộ binh 1, 2, 3 và Tiểu đoàn công binh thụôc Sư đoàn bộ binh 330; Trung đoàn 30, Sư đoàn 4; Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 126 ở khu vực Bảy Núi; Tiểu đoàn Minh Hải…

Ngày 22/12/1978 ta nổ súng tấn công mở màn cho chiến dịch theo trục lộ Long Tiên và khu vực Cả Hàng đối diện với Châu Đốc thu thắng lợi lớn, chiếm 3 mục tiêu Giồng Trâm, Giồng Trôm và Giồng Bà Ca thuộc huyện Ko Ăng-đét, Tà Keo.

Ngày 01/01/1979 lực lượng Quân khu 9 tiến công địch từ Lạc Quới đến Lộ 2 phá vỡ tuyến phòng thủ bên ngoài của địch ở huyện Kirivông. Địch tháo chạy hỗn loạn về phía sau, thừa thắng ta tiến nhanh về hướng thị xã Tà Keo. Phối hợp chiến trường chung, lượng vũ trang An Giang đánh chiếm toàn bộ huyện Rề Minh, giải phóng Ko Ăng Đét.

Cùng lúc lực lượng tỉnh Hậu Giang cùng bộ đội các huyện Châu Phú, Phú Tân,Chợ Mới có công an vũ trang, du kích phối hợp đánh đuổi địch ở Nhơn Hội, Khánh An, Khánh Bình, Phú Hữu và bờ Tây sông Tiền buộc chúng chạy về bên kia biên giới.

Chiều ngày 07/01/1979, Lực lượng vũ trang An Giang cùng các các đơn vị Sư đoàn 4 Quân khu 9 tiến công vào thị xã Tà Keo. Ngày 08/01/1979, tỉnh lỵ Tà Keo được giải phóng.

Ngày 12 đến 15-01-1979, bộ đội tỉnh An Giang từ Angkor Borei, Tà Keo chuyển sang Kandal đánh chiếm các huyện Koh Thum, Tầm Bê, Sa An… thu nhiều vũ khí, đạn dược.

Đến thời điểm này ta đã quét sạch quân Pôn-pốt xâm lược ra khỏi biên giới An Giang và giúp bạn giải phóng tỉnh Tà Keo, một phần tỉnh Kandal. Lực lượng vũ trang An Giang đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tiến hành nghĩa vụ quốc tế giúp bạn truy quét tàn quân Pôn-pốt trên địa bàn tỉnh Tà Keo kết nghĩa.

Trong đợt tiến công này chỉ riêng lực lượng An Giang đã giải phóng được 4 huyện và phân nửa hai huyện khác của tỉnh Tà Keo và Kandal, cứu hơn 400.000 dân Campuchia khỏi bọn diệt chủng Pôn-pốt…

II.MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH

1.An Giang là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất về người và của trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam

Riêng Lực lượng vũ trang An Giang đã đánh tất cả 1.638 trận (không kể trận nhỏ lẻ), diệt 4.542 tên, làm bị thương 1.196 tên (có 2 đại đội trưởng, 5 cán bộ tiểu đoàn), bắt sống 1.555 tên, gọi hàng 1.410 tên (có 2 trung đoàn trưởng, 6 tiểu đoàn trưởng, 16 cán bộ đại đội); thu 5.804 khẩu súng các loại, hơn 70 tấn đạn các loại, hơn 2,5 tấn lựu đạn, 2 tấn mìn chống tăng và chống bộ binh, thu 1 xe M113, 5 xe tải, 5 tàu trọng tải từ 5 – 10 tấn, 46 ghe xuồng, gần 20 máy thông tin các loại, phá hủy 1 pháo 105 ly, 3 xe tăng, 2 xe tải, đánh chiếm Căn cứ Trung đoàn 11,16 và Sư đoàn 270 của địch, đánh tan rã Sư đoàn 270, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 11,12 và Sư 210… và góp phần giải phóng 2 tỉnh Tà Keo, Kandal cho bạn.

Tuy nhiên do An Giang là cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long là  nơi có đông đồng bào Khmer Nam Bộ sinh sống.nên địch dồn lực lượng lớn với các thủ đoạn tấn công tàn độc quyết tâm đánh chiếm lập thành tỉnh thứ 19 của Campuchia, gây thiệt hại nặng nề về người và của cho An Giang:

– Số dân bị chết: 4.158 người, bị thương 774 người (có 37 người bị tàn phế suốt đời), mất tích 57 người; số dân gốc Khmer bị bắt về Campuchia 20.004 người, 80 {fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}, số dân ở biên giới phải rời khỏi khu vực chiến đấu đi sơ tán về phía sau. Đặc biệt trong cuộc thảm sát ở Ba Chúc có 100/2.700 gia đình đã bị sát hại hoàn toàn không còn ai.

–  Gần 45.000 căn nhà bị đốt cháy và bị phá hủy. Hầu hết chùa chiền, thánh thất, nhà thờ, trường học, trạm xá của 14 xã, 1 thị trấn ven biên giới bị địch phá hủy. Ở 22 xã, thị trấn khác không hoạt động được, Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc phải ngừng hoạt động.

– Hàng trăm tấn lương thực các loại bị cháy, 112 con trâu, bò bị cướp và bị bắn chết, 127 máy bơm nước, 58 ghe, xuồng bị cướp đi, hơn 40.000 ha đất ruộng bị bỏ hoang (không kể vườn cây ăn trái).

– 36 xã, phường, thị trấn và thị xã bị địch bắn phá bằng mọi hình thức, trong đó có 8 xã bị hủy diệt hoàn toàn là Nhơn Hội, Phú Hội, Phú Hữu, Khánh An, Khánh Bình huyện Phú Châu và xã Vĩnh Gia, Lạc Quới, Ba Chúc và thị trấn Tịnh Biên huyện Bảy Núi.

– Lực lượng vũ trang tỉnh: Hy sinh 637 cán bộ, chiến sĩ ( có 2 Anh hùng quân đội), bị thương 2.105 người ( có 1 Anh hùng quân đội)…

Những thiệt hại đó ngoài những nguyên nhân khách quan mang lại như đường biên giới dài, trống trải, cư dân đông đúc, nhiều tôn giáo chi phối… còn bắt nguồn từ tư tưởng chủ quan dẫn đến bị động đối phó các thủ đoạn tân công tàn độc của địch vào sâu nội địa.

Ngay trong những ngày đầu chiến tranh nổ ra, dù đã phát hiện ý đồ của địch song ta vẫn không lường hết được quy mô, tính chất tàn bạo trong các đợt quân Pôn-pốt tấn công qua biên giới An Giang.

Về lực lượng: Địch sử dụng toàn bộ quân chủ lực Quân khu Tây Nam với đơn vị đột kích chủ yếu là Sư đoàn 2 bộ binh phối hợp cùng các đơn vị quân địa phương hai tỉnh Tà Keo, Kandal, các đơn vị tàn quân, phản động Việt Nam đóng dọc biên giới. Các đơn vị bộ binh trang bị hỏa lực cá nhân rất mạnh lại được sự yểm trợ tối đa hỏa lực pháo cối… Trong khi đó lực lượng ta đối đầu với địch chủ yếu là công an vũ trang biên phòng, dân quân du kích các xã biên giới.

Về quy mô tác chiến: Địch mở chiến dịch cấp sư đoàn tăng cường với chính diện mặt trận trên 100km bao trùm toàn tuyến biên giới An Giang với mục tiêu hoàn thành kế hoạch xâm lược bước 1 tức chiếm giữ dọc kinh Vĩnh Tế, sông Châu Đốc đến Bắc Đai Nhơn Hội, bọc qua sông Bình Di lấy hết các xã Khánh Bình, Khánh An, Phú Hữu về tới Vĩnh Xương, sông Tiền. Nếu thắng lợi, địch sẽ củng cố, tăng cường lực lượng thực hiện kế hoạch bước 2: chiếm Bảy Núi, Châu Đốc, Tân Châu lập thành tỉnh thứ 18 của Campuchia!

Về thủ đoạn: Địch phân nhiều mũi cùng lúc tấn công 14/14 xã và đồn, trạm, chốt biên phòng của ta có ở biên giới bằng xung lực và hỏa lực mạnh nhằm tiêu hao, tiến tới tiêu diệt hoặc đẩy lùi lực lượng ta ra khỏi đồn, trạm để chúng chiếm lấy làm bàn đạp tiếp tục tấn công… Vừa tấn công buộc lực lượng vũ trang của ta phải tập trung đối phó không thể chi viện cho nhau và cứu giúp dân, địch vừa cho nhiều mũi tràn vào khu dân cư thực hiện mệnh lệnh “ giết sạch, cướp sạch, đốt sạch”!

Hậu quả là ngay trong đêm 30/4 rạng 01/5/1977 địch đã giết hại 205 người dân, bắn bị thương 579 người, đốt cháy 426 nhà, phá hỏng và lấy đi 35 máy bơm nước, 23.035 giạ lúa, 9 con bò và nhiều tài sản khác. Tàn độc hơn cả là nhiều người dân bị chúng chặt đầu, trẻ em bị đâm thủng óc, phụ nữ bị hãm hiếp rồi mổ bụng, moi gan… Bằng chứng tội ác của bọn diệt chủng phơi bày trên khắp tuyến biên giới An Giang ngay trong những ngày đầu cuộc chiến…

2.Cuộc chiến tranh biên giới đã đem lại cho cả nước nói chung và Lực lượng vũ trang An Giang nói riêng nhiều bài học quý báu, đặc biệt là phải biết đánh giá đúng bản chất của kẻ thù để chủ động giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới tránh những thiệt hại không cần thiết cho nhân dân.

Trước các hành động vi phạm biên giới chủ ý một cách có hệ thống của quân Pôn-pốt từ sau ngày giải phóng miền Nam đến cuối năm 1976, nhưng nhiều cấp lãnh đạo Đảng và quân sự của ta vẫn đánh giá đó là của  một bộ phận bọn xấu và “bạn xấu” …

Thái độ thù địch của Khmer Đỏ đới với Việt Nam đã biểu lộ từ lâu. Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội An Giang đã nhiệt tình giúp đỡ nhân dân Campuchia chống Lonnol, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Kandal và Tà Keo. Khmer Đỏ chẳng những không đáp trả mà còn lộ dần thủ đoạn hai mặt chống lại, ngang nhiên nổ súng khiêu khích bộ đội ta, bắt bớ, thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ đi công tác lẻ tẻ. Ở cơ quan Tỉnh đội An Giang đã có 4 – 5 người bị chúng bắt giết, lấy vũ khí. Vì thế An Giang luôn đề cao cảnh giác đối với bọn Khmer Đỏ. Tuy nhiên, những báo cáo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội gởi về cấp trên về những vụ Khmer Đỏ gây hấn không được nghiên cứu nghiêm túc. Thậm chí các hành động thường xuyên bắn pháo, đưa quân đột kích cướp phá xóm ấp ven biên giới An Giang của chúng cũng được cấp trên cho là những “va chạm”, “xung đột lẻ tẻ” có tính “cục bộ địa phương”

Do đó, chỉ có chủ trương đối phó với tinh thần ngăn chặn, hòa hoãn để tranh thủ loại trừ bọn xấu cài vào chính quyền “bạn”. Thực tế bước đầu ta còn mơ hồ, ảo tưởng về “bạn” nên chưa mạnh dạn xác định đó là kẻ thù, chưa thấy rõ bản chất chế độ Khmer đỏ đang được nuôi dưỡng để thực hiện âm mưu bá quyền nước lớn. Do vậy, dù có nhiều biến cố lớn diễn ra trên biên giới nhưng ta vẫn đem thiện chí hữu nghị để tranh thủ nhằm tránh đụng chạm đổ máu vô ích, trong lúc đó bọn chúng đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tiến công xâm lược nước ta.

Bên cạnh đó ta còn mắc phải những sai lầm về tư tưởng chủ quan, khinh địch như có thái độ thỏa mãn vì đã đánh thắng 2 kẻ thù Pháp – Mỹ tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thậm chí còn cho rằng không có kẻ thù nào dám đánh Việt Nam… nên có tư tưởng “xả hơi”, nghỉ ngơi, lo làm kinh tế không duy trì tốt chức năng chiến đấu của quân đội. Vì vậy, sau ngày giải phóng mấy tháng thì cấp trên đã chủ trương cho ra quân nhiều cán bộ chỉ huy đã được thử thách, rèn luyện, có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh nên làm hạn chế chất lượng chiến đấu của lực lượng vũ trang các cấp. Mặt khác lại điều nhiều đơn vị thường trực đi xây dựng vùng kinh tế mới, lơ là việc “rèn cán, chỉnh quân” không quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang các cấp  mạnh về tinh thần, giỏi về chiến, kỹ thuật… đưa đến tình trạng mất cảnh giác, buông lơi tay súng, chưa có kế hoạch dự phòng, đối phó tích cực khi bị địch tấn công. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Sư đoàn 4 Quân khu 9 không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ địa bàn để quân Pôn-pốt xâm chiếm khu vực Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Lạc Quới… đưa đến cuộc thảm sát Ba Chúc vào cuối tháng 4/1978 khiến trên 3.000 người dân bị giết chết một cách dã man như thời trung cổ!

Việc đánh giá thấp khả năng chiến đấu của kẻ thù cũng là một sai lầm về chủ quan khinh địch. Ta nắm và hiểu biết về tinh thần chiến đấu của chúng quá ít, qua hiện tượng đánh phá lẻ tẻ lúc đầu cho là chúng chỉ đủ sức gây rối biên giới;  đánh giá quân đội Campuchia hèn yếu như lính thời Lonnol lúc chiến tranh Đông Dương, khi nghe quân giải phóng kéo đến đâu thì chúng rút đồn bỏ chạy. Ta không lường trước được rằng, từ sau ngày giải phóng Campuchia 17-4-1975, bè lũ Pôn-pốt đã xác định Việt Nam là kẻ thù số 1. Qua đó chúng đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh xâm lược với tư tưởng “giết sạch, cướp sạch, đốt sạch” khi xâm nhập nội địa Việt Nam. Do đó khi bị địch tấn công, ta chủ yếu “be bờ” chống đỡ vì không được phép đưa lực lượng đặc biệt thọc sâu, đánh hiểm phá hậu phương của địch.

Do không chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngự nên khi chiến tranh nổ ra, lực lượng cơ động chưa đủ sức bảo đảm tuyến biên giới dài 96,6km, lực lượng phòng thủ cấp huyện, xã, đồn trạm công an vũ trang có chiến đấu anh dũng nhưng còn đứt đoạn, chưa liên hoàn thành tuyến, khiến địch có điều kiện thọc sâu như ở Phú Cường, Ba Chúc, Văn Giáo, lộ Cây Trâm, Khánh Bình, Phước Hưng, Tân An, Vĩnh Hòa… gây cho ta nhiều thiệt hại.

Chiến tranh biên giới Tây Nam đã kết thúc hơn 40 năm nhưng với những biến động trong khu vực hiện nay thì những bài học kinh nghiệm xương máu mà cuộc chiến đã mang lại vẫn còn nguyên giá trị!

Lâm Quang Láng


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang – Lịch sử Bộ đội Biên phòng An Giang, tập hai (1975 – 2000), An Giang 2001.

Lịch sử Lực lượng vũ trang An Giang (1975 – 2010), NXB Chính trị quốc gia, HN, 2014.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang – Lịch sử Đảng bộ An Giang, tập III (1975-2010), An Giang, 2011.

UBND tỉnh An Giang – Địa chí An Giang, An Giang 2013.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tịnh Biên – Lịch sử Đảng bộ huyện Tịnh Biên (1930 – 2010), An Giang, 2012.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tri Tôn –  Lịch sử Đảng bộ Tri Tôn 1945-2015, An Giang, 2015…

Ảnh đầu trang: Ảnh tư liệu