Nghề đan giỏ ni-lon xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2014, làng nghề đan giỏ ni-lon xã Tấn Mỹ (Chợ Mới) ngày càng phát triển. Không những chất lượng sản phẩm được nâng lên, mà số lượng tiêu thụ giỏ ni-lon cũng tăng cao. Nhờ có nghề đan giỏ ni-lon mà những năm qua, nhiều lao động ở 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) có việc làm và thu nhập ổn định.

Ảnh 1: Nghề đan giỏ ni-lon ở xã Tấn Mỹ (Chợ Mới, An Giang) đã xuất hiện trên địa bàn xã cách đây trên 30 năm, và được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2014
Ảnh 2: Hiện làng nghề có khoảng 10 cơ sở sản xuất, 350 hộ tham gia, với gần 1.000 lao động. Bình quân hàng tháng, mỗi cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 sản phẩm các loại
Ảnh 3: Nghề đan giỏ rất dễ học, dễ làm, lại tiện lợi, nên các chị em vừa có thể làm công việc nhà, vừa tranh thủ thời gian để đan giỏ, cải thiện thu nhập cho gia đình
Ảnh 4: Học nghề này chỉ cần 2 tuần là có thể đan thành thạo, nếu nhanh hơn chỉ mất 1 tuần. Mỗi người thợ lành nghề đan được trung bình 8 – 10 cái/ngày. Một ngày ngồi thong thả đan giỏ, có người bỏ túi gần 100.000 đồng
Ảnh 5: Ban đầu, các chị em được UBND xã Tấn Mỹ phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện Chợ Mới mở lớp đào tạo nghề đan giỏ xách. Sau khi học nghề, các chị nhận gia công sản phẩm cho các cơ sở trong xã. Nghề đan giỏ ni-lon đã tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho nông dân, nhất là phụ nữ. Ngoài nhận đan gia công, các thành viên của làng nghề còn mua dây nhựa về đan, rồi tự bán tại nhà hoặc chào bán tại chợ
Ảnh 6: Hiện nay, sản phẩm của làng nghề tập trung vào 3 loại giỏ chính là loại nhỏ, vừa và lớn. Ngoài ra, các cơ sở còn nhận làm những mẫu hàng khác tùy theo nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm của bà con được đánh giá là sắc sảo, bền, đẹp và giá cả phải chăng nên được nhiều khách hàng đặt mua

Bên cạnh sản phẩm chủ yếu là giỏ, làng nghề đan giỏ ni-lon xã Tấn Mỹ còn nhận làm thêm một số sản phẩm khác như túi xách thời trang, hộp mỹ phẩm… theo yêu cầu của khách hàng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia.

Phóng sự ảnh: Lê Hữu Nghĩa