“Người lái đò” trên bến Thuận Giang

“Mới ngày nào trên bến sông vắng lạnh

Ðời buồn tênh như lỡ một cung đàn

Thuyền đò ông mang nặng sầu cô quạnh

Lặng lờ đưa bao khách lạ sang sông

 

Khách qua đò ngày xưa hờ hững quá

Trả công ông để lại một vài xu

Họ với ông hai cảnh đời xa lạ

Sang sông rồi không tiếng phân ưu”

(Người lái đò – Nhạc sỹ Hiếu Nghĩa)

Chiếc loa kẹo kéo của một hành khách vang lên “vừa đúng người, vừa đúng lúc”. Những ca từ trĩu nặng như những giọt buồn rơi vào hồn người. Con đò nối hai bến Thuận Giang như dừng lại, sóng nước Vàm Nao như dừng trôi. Tôi và thầy đều buồn. Sáng nay báo chí đưa tin có một học sinh giật lại chiếc điện thoại và tát cô giáo của mình, bản tin đã vô tình chạm đến tim của chúng tôi làm cho cả thầy và trò đều “thấy buồn ảo não”.

“Người lái đò” trên bến Thuận Giang

Thầy trò tôi kéo nhau vào quán để nhấp một ngụm cà phê đắng, cũng là để nghe lại bài hát quen thuộc vừa chạm đến cõi buồn. Người ta hay ví thầy cô là những người lái đò. Và lẽ sống của họ là đưa khách sang sông. Chẳng mong cầu gì nhiều chỉ hi vọng những khách qua đò đến được nơi cần đến trên hành trình cuộc đời của mình. Khác những hành khách trên chuyến đò qua bến Thuận Giang. “Khách ngày xưa” trên chuyến đò chữ nghĩa thường “không trở lại sang sông”.

Thầy Trần Văn Nốt cũng không nhớ nỗi mình đã đưa bao nhiêu lượt đò và bao nhiêu lượt người. Nhưng may mắn là những “khách ngày xưa” của thầy thỉnh thoảng lại trở về thăm ông lái đò khó tính làm cho lòng yêu nghề lại “chuyển mình lên hăm hở”. Thầy tâm sự: “Ngày xưa, nghề sư phạm không được người dân coi trọng lắm. Người người thường truyền nhau câu cửa miệng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Bởi lẽ lương giáo viên ngày đó không đủ nuôi miệng ăn của mình, thầy cô giáo lúc ấy đi dạy là vì lý tưởng cao đẹp là dẹp giặc dốt. Đem chữ nghĩa đến được với người dân đã là thắng lợi lớn. Mọi người đều vô tư vì lý tưởng, đều cống hiến vô vụ lợi. Được gọi bằng một tiếng “thầy” chính là sự đền đáp lớn nhất đối với nghề giáo ngày xưa.”

Thầy tiếp: “Ngày xưa, trường lớp tạm bợ, thiếu thốn sách vở. Không chỉ thầy mà cả học trò đều khó khăn, đều phải chạy ăn từng bữa. Người dân lúc đó chủ yếu đi học để biết đọc, biết viết chứ không ai nghĩ có ngày sẽ phổ cập được đến trung học cơ sở như ngày nay. Ngày đó không chỉ riêng thầy mà tất cả những người làm nghề giáo đều ghi lòng tạc dạ lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Lời dạy ấy được vẽ trang trọng trên vách ván, vách tre của những phòng học nghèo. Thầy cô lúc ấy tuy nghèo về vật chất nhưng rất giàu lý tưởng và nhất là tình thương đối với học trò. Không thương sao được khi thấy những ánh mắt sáng hơn với từng con chữ, con số, những bàn tay chai sần giơ lên sau những câu hỏi, những bàn chân trần chạy giỡn trước sân trường, những củ khoai, củ súng được mang tới lớp trong những chiếc túi nhái tòn ten. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất lúc mới vào nghề.”

Nghề nào mà không có khó khăn, tuy nhiên nhìn học trò mình được đi học như là chính thầy được bù đắp lại những ngày vất vả của tuổi thơ khó khổ. Ngày nay trường lớp khang trang, đời sống nhân dân được nâng cao không tưởng. Học sinh đến trường từ đi bộ đến xe đạp, rồi xe điện, xe gắn máy. Xã hội bây giờ phát triển hơn lúc trước rất nhiều. Điều đó minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước mấy mươi năm qua. Ngày đó đi học phải xin lại sách giáo khoa của anh chị lớp trên. Nay trò nào cũng đủ tập, đủ sách, chưa kể quần áo tươm tất sạch sẽ. Bấy nhiêu đó thôi đã thấy xã hội thay đổi theo chiều rất tích cực. Khi được hỏi động lực nào để thầy có thể vượt qua hơn ba mươi năm tuổi đời để theo cái nghề gõ đầu trẻ, thầy nói: “Có lẽ phần lớn là nhờ tình yêu đối với học sinh, mong muốn con em trở thành những người tốt cho xã hội. Thầy không dám nhận mình có tài hay đức nhưng luôn nhớ lời dạy của Bác để làm kim chỉ Nam cho mình: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Bác không chỉ là một nhà cách mạng, một nhà văn hóa lớn mà còn là một người thầy lớn đối với bất cứ người Việt Nam nào.”

Thầy Nốt (trái) và thầy Nguyễn Văn Hoà – Hiệu trưởng Trường Lê Triệu Kiết

“Khách ngày xưa trở lại sang sông” 

Ly cà phê bị tan đi bởi quá nhiều câu chuyện không đầu không cuối. Bài nhạc cũng đã qua đoạn khởi đầu buồn và chuyển đến đoạn kết vui tươi nhiều gợi mở làm cho người nghe cũng phơi phới cõi lòng:

“Nhưng một hôm ánh hồng lên rực rỡ

Non sông rền một điệu nhạc oai hùng

Dòng sông xưa chuyển mình lên hăm hở

Muôn hoa tươi căng thẳng nhựa sống hùng.”

(Người lái đò – Nhạc sỹ Hiếu Nghĩa)

Tôi ấn tượng với thầy từ khi bạn đồng nghiệp của tôi là cô Lê Thị Bạch Huệ, đang giảng dạy môn Tin học tại Trường Lê Triệu Kiết tay bắt mặt mừng với thầy Nốt để ôn lại tình thầy trò xưa. Hóa ra, cô Huệ chính là một trong những “khách ngày xưa trở lại sang sông” với thầy Nốt. Cô Huệ tâm sự: “Thầy như một người cha thứ hai dạy cho mình kiến thức trên ghế nhà trường. Mình là một trong những người may mắn khi theo đuổi nghề sư phạm để hôm nay rất vui khi được là đồng nghiệp cũng thầy. Ngày xưa học thầy ở kiến thức, ở chữ nghĩa, lễ phép nay lại học thầy ở trường đời với kinh nghiệm đứng lớp, với cách sống và cách dạy để trở thành một “người lái đò” vừa có tâm vừa có tầm. Thầy là “người nổi tiếng” khó với học trò, ngày xưa mình rất “sợ” thầy nhưng nay nghĩ lại thấy cái “khó” đó nó làm cho mình nên người, làm cho mình trở nên chỉnh chu và nghiêm túc trong học tập và trong công việc. Nay với vai trò là “người lái đò” tập sự mình lại nhờ thầy chở qua con sông khác để kế tục sự nghiệp “dạy chữ trồng người” trong một ngôi trường mang tên cuộc đời. Rất may mắn mình được thầy dạy đến hai lần.

Nói về thầy Nốt, thầy Nguyễn Văn Sỏi, Tổ trưởng chuyên môn tổ Hóa – Sinh cho biết: “Tôi có cơ hội làm việc với thầy đã hơn mười năm, thầy Nốt thật sự là người lãnh đạo, cấp trên đồng thời cũng là một đồng nghiệp thân thiết, thầy luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Đối với học sinh như đối với con em của mình. Thầy luôn chú ý rèn luyện, động viên các em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, thầy thường đứng ra vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm từng cuốn tập, từng bộ đồng phục để trao đến các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gần đây có những em thành đạt quay lại trường trở thành đồng nghiệp với thầy. Tôi thấy thầy Nốt là một tấm gương về người thầy cho anh chị em trong trường và cá nhân tôi học hỏi.”

Thầy Nguyễn Văn Hoà – Hiệu trưởng Trường Lê Triệu Kiết cho biết: “Thầy Trần Văn Nốt tốt nghiệp sư phạm năm 1987, được bổ nhiệm làm việc tại trường Phổ thông Cơ sở “A” Mỹ Hội Đông (nay là trường THCS Nguyễn Kim Nha). Năm 2001 thầy được đề bạt lên tổ trưởng chuyên môn tổ Lý – Kĩ Thuật. Năm 2005, thầy chuyển công tác về trường THCS Kiến An (nay là trường Lê Triệu Kiết), được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng từ năm 2008 đến nay. Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thầy đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và của tỉnh nhằm ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục như: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ Giáo dục năm 2017, Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh An Giang năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và nhiều Bằng khen khác. Đối với đồng nghiệp thầy Nốt luôn lắng nghe và giúp đỡ, đối với học sinh thầy luôn là tấm gương chuẩn mực, nghiêm nghị, thầy học tập và làm theo Bác ở tính giản dị, khiêm tốt, chăm lo bỗi dưỡng cho học sinh của mình.

Con đò từ khi sinh ra đã đem thân mình cõng khách sang sông. Mặc cho người nhớ hay quên, những chuyến sang ngang vẫn ngày ngày đưa rước. Đó là bổn phận là lẽ sống của con đò. Xã hội đã phân công cho thầy trò tôi một nghĩa vụ, một quyền lợi để cống hiến, để góp sức mọn của mình vào sự phát triển chung của đất nước. Ngày ngày nghe tiếng trẻ cười đùa, đọc sách là ngày ngày hạnh phúc. Chỉ mong một ngày nào đó các học trò của mình sẽ đưa đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ đã dạy. Vừa nhấp ngụm cà phê thầy Nốt vừa cười khoái chí đọc cho tôi nghe bài thơ Một chuyến đò ngang của Nhà thơ Bảo Sinh thầy vừa tìm được trên mạng:

“Cùng chung một chuyến đò ngang

Kẻ thì sang bến người đang trở về

Lái đò lái mãi thành mê

Sang về chẳng biết mình về hay sang”.

Bài và ảnh: Lý Thị Ở