Như cơn gió vô tình – khúc hát dạt dào cảm xúc của tuổi thanh xuân

Khoảng năm 1988, giai điệu bài hát Như cơn gió vô tình vang lên với giọng hát ca sĩ Lê Tuấn đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của người yêu nhạc, trong đó đặc biệt với lứa tuổi thanh niên nó đã trở thành bài hát trong tất cả các cuộc hát liên hoan hoặc sinh hoạt văn nghệ cộng đồng. Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, tác giả bài hát, đã đạt được thành công với ca khúc này là bởi đi đúng vào tâm lý thời đại. Lúc ấy, là giai đoạn đầu đổi mới của đất nước, vì vậy âm nhạc cũng không nằm ngoài dòng chảy của xu hướng chính trị – xã hội, nó cần phải đáp ứng tâm lý thời đại, đáp ứng mong muốn của người yêu nhạc phải có yếu tố mới, trẻ trung trong âm nhạc, phải có sự lột xác khỏi những dòng nhạc cũ.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương sinh ngày 13/5/1957 tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương là một người đa tài, đa năng. Anh bắt đầu với Đại học Sư phạm chuyên ngành Toán, tốt nghiệp năm 1980. Trong suốt quá trình học Đại học Sư phạm Toán, anh lại gắn bó với phong trào sáng tác trẻ của Nhà văn hóa Thanh niên Tp Hồ Chí Minh. Dưới sự cổ vũ của những nhạc sĩ đàn anh như Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên… anh đã có nhiều hoạt động sáng tác cho phong trào Thanh niên trên nhiều địa phương và cả nước. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán, niềm đam mê âm nhạc đã thôi thúc anh đi tiếp vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp qua việc học tiếp Lớp Đại học Sáng tác – Chỉ huy của Nhạc viện Tp Hồ Chí Minh, khóa 1983-1988. Trong giai đoạn thực tập của lớp này, anh được đưa về Trung Tâm Văn hóa huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang với một khoảng thời gian tương đối dài. Chính tại nơi đây, ca khúc Như cơn gió vô tình được ra đời. Ca khúc với tiết tấu sôi động, trẻ trung; lời ca khúc da diết nỗi nhớ của những người trẻ yêu nhau nhưng không sa đà vào bi lụy mà như có sự vượt thoát, bay bổng của niềm tin vào tương lai của tuổi trẻ. Chính vì vậy, khi vừa ra đời nó đã được giới thanh niên nồng nhiệt thưởng thức và cổ vũ. Riêng với Thoại Sơn nơi khởi thủy cho ca khúc, thì bài hát này đã trở nên niềm tự hào với những dấu ấn của nó mang đến cho quê hương mình.

(Nghe ca khúc “Như cơn gió vô tình” do ca sĩ Quang Linh thể hiện)

“Anh đi lên núi tìm một cành hoa,
Anh đi qua sông tìm một làn gió
Một làn gió ru bờ tóc em,
Một cành hoa như nói bao điều… 

 Quanh đây như có nụ cười của em
Trong tôi bâng khuâng nghe lòng thầm nhắc
Chiều xa vắng em về có hay
Và niềm vui như đến từng ngày 

 Ôi cơn gió vô tình nào đưa em đến nơi này?
Còn đây trong tôi tiếng hát
Như muôn tia nắng ban mai
Còn đây trong tôi nỗi nhớ
Dù chỉ một ngày xa vắng em thôi 

 Ngày mai đi xa sẽ nhớ
Tên ai trên vách đá kia
Ngày mai đi xa sẽ nhớ
Những ngày ta sống bên nhau”

Trong sáng tác, yếu tố tưởng tượng và hư cấu là điều thường xuyên có đối với người sáng tạo. Nó là sự thăng hoa từ hiện thực trở thành hình tượng nghệ thuật qua thủ pháp của người nghệ sĩ. Như vậy, hình bóng của người con gái trong tác phẩm Như cơn gió vô tình của Phạm Đăng Khương hay trong các tác phẩm của các nhạc sĩ khác chưa hẳn phải là một hình ảnh đang diễn ra thực tế. Có khi nó chỉ là hình ảnh được ánh xạ từ quá khứ, từ ký ức nhạc sĩ đi vào tác phẩm. Hay cũng có khi nó chỉ đơn thuần là hình ảnh hoàn hảo tưởng tượng cho những khát vọng thầm kín của nhạc sĩ mà thôi.

Tuy nhiên, trong ca khúc Như cơn gió vô tình, có hai hình ảnh hiện thực đã được nhạc sĩ đưa vào tác phẩm nhưng không hề bị vướng vào tự nhiên chủ nghĩa mà vẫn mang tính nghệ thuật cao. Đó chính là hình ảnh Núi Tên.

Điều chắc chắn, hình ảnh Núi trong câu hát “Anh đi lên núi tìm một cành hoa” trong bài hát Như cơn gió vô tình phải chính là Núi Sập (Thoại Sơn), nơi mà nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã trải qua một thời gian dài thực tập. Bởi vì theo lời xác nhận của nhiều người làm việc ở TTVH huyện Thoại Sơn cho biết, ca khúc này đã ra đời trong thời gian thực tập của nhạc sĩ ở Thoại Sơn. Biểu tượng NúiSông thường đi cùng nhau trong các tác phẩm thi ca, nó như cặp đôi trong Cổ mẫu đã thẳm sâu trong tâm thức của mỗi con người, và với nghệ sĩ thì Cổ mẫu này lại thường được thi vị hóa trong tác phẩm của mình. Núi ở đây bắt đầu như một cái cớ để khởi đầu cho nguồn cảm xúc của tác phẩm dâng trào. Núi vừa mang tính hiện thực của Núi Sập mà cũng là một Cổ mẫu được đưa vào nghệ thuật.

Hình tượng thứ hai bắt nguồn từ hiện thực chính là “Tên ai trên vách đá kia”. Ai đã từng đi viếng núi, non thường nhìn thấy những biểu tượng tình yêu vĩnh cửu hay những cặp tên ghép đôi như lời thệ ước trăm năm của những người yêu nhau được ghi, khắc trên đá. Trên các vồ đá ở Núi Sập cũng thế, có thật nhiều những cặp tên và những lời hẹn ước được du khách, tình nhân ghi khắc vào vách đá. Cái hiện tượng tự nhiên có được từ những cặp yêu đương lại một lần nữa được nhạc sĩ Phạm Đăng Khương thi vị hóa, đưa thành một hình ảnh đáng yêu, khó phai mờ cho người thưởng thức, vì ai cũng thấy có kỷ niệm của mình trong đó. Nhạc sĩ đã khéo léo hòa quyện hai yếu tố chung – riêng trong tác phẩm, có lẽ vì vậy nó dễ đi vào lòng người.

Chỉ với hai hình tượng có nguồn gốc từ hiện thực xuất phát từ địa danh Núi Sập của huyện Thoại Sơn, tác phẩm Như cơn gió vô tình của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã đưa vùng đất và con người nơi này đi vào thế giới âm nhạc. Mỗi khi nghe giai điệu bài hát này cất lên, những người biết đến hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này đều có thêm một cảm xúc tự hào về quê hương của mình. Tác giả đã đem lại cho Thoại Sơn nói riêng và An Giang nói chung một giai điệu đẹp, một tiết tấu trẻ trung sôi động và một hình tượng nghệ thuật đẹp, khắc họa sâu sắc đất và người nơi đây.

Ngoài giọng hát của ca sĩ Lê Tuấn, sau này có nhiều ca sĩ khác cũng thành công không nhỏ khi trình diễn tác phẩm này, có thể kể đến các ca sĩ: Thế Sơn, Ngọc Ánh, Quang Linh, Thanh Thúy…

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương còn có nhiều ca khúc khác viết cho thanh thiếu niên cũng thành công không kém so với Như cơn gió vô tình, như: Con đường đến trường, Thanh niên vì ngày mai, Thanh niên Việt Nam, Mùa hè sinh viên, Bài ca Thanh niên Công nhân, Khi Tổ quốc cần, Biển đảo quê hương, Lời chào thế kỷ…

Ngoài việc sáng tác, nhạc sĩ còn là người tổ chức các chương trình âm nhạc tôn vinh các nhạc sĩ khác rất thành công tại Nhà văn hóa Thanh niên. Theo thống kê, đã có hơn 40 chương trình âm nhạc qui mô được tổ chức thành công, đó là đêm nhạc của những nhạc sĩ: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Thương, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thế Bảo, Diệp Minh Tuyền…

Và đêm nhạc của cá nhân nhạc sĩ, tổ chức lần 3 lại được lấy tên “Như cơn gió vô tình” làm chủ đề đêm nhạc vào ngày 13/5/2017 tại Hội trường 1 Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM như một kỷ niệm đẹp chia tay với vị trí Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên trong nhiều năm kể từ sau khi đi theo lĩnh vực sáng tác âm nhạc. Việc lấy tên chủ đề đêm nhạc bởi tên ca khúc Như cơn gió vô tình như một lần nữa khẳng định giá trị của tác phẩm này trong tổng thể sự nghiệp của anh. Hơn như thế, người và đất Thoại Sơn lại được vinh dự nhắc đến, được khẳng định giá trị của mình qua tác phẩm nghệ thuật. Mà cái gì đi vào nghệ thuật thì sẽ có giá trị trường tồn.

Nguyễn Đăng Khoa – Nguyễn Quang Minh
(Ảnh: UBND Thoại Sơn)