Tài ở ngay trong lòng đức

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, đây là câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại khi nói về lựa chọn nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Chữ “tâm” ở đây có nhiều nghĩa, nhưng chung quy lại có thể thấy ý nghĩa chủ đạo của nó phản ánh đạo đức, nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của con người (lương tâm, tâm trí, tâm hồn, tâm trạng, tâm can, tâm địa,…). Trong Phật giáo cũng luôn coi chữ “tâm” là phạm trù quan trọng, cơ bản, chủ đạo của con người “tâm dẫn đầu các pháp”. Một người vừa có đức, vừa có tài thì được gọi là “có tâm, có tầm”.

Tài của người cán bộ cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là năng lực được biểu hiện bằng hiệu suất, hiệu quả hoạt động thực tiễn. Tài năng của người cán bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trí lực, thể lực… và là kết quả của một quá trình học tập, tích luỹ kinh nghiệm của mỗi người. Bởi vậy, trong sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải biết tùy tài mà dùng người, phải biết “dụng nhân như dụng mộc”. Theo Người, để có được tài năng, người cán bộ cách mạng cần phải tích cực học tập, kiên trì rèn luyện, phải thực hiện lời dạy của V.I.Lênin: Học, học nữa, học mãi.

Người xưa có câu “nhân vô thập toàn”, con người không có ai là thần thánh cả. Ai cũng đều có cái hay và cái dở, cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác… Muốn làm cho cái hay, cái tốt, cái thiện nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu, cái dở, cái ác mất dần đi thì phải có tâm trong sáng, tấm lòng bao dung rộng mở, phải biết trân trọng và phát huy tài năng. Triết lý ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn rõ ràng với một tầm nhìn chiến lược: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa – quan niệm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được thể hiện rõ khi Người nhấn mạnh đức là gốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt quan hệ đức – tài và tài – đức trong một thể thống nhất hữu cơ không tách rời. Càng coi đức là gốc thì càng phải coi trọng tài. Tài là cơ sở, nền tảng cho đức một cách thực chất, là đạo đức hành động trong đời sống, chứ không phải đơn thuần tu tâm dưỡng tính cho mình mà xa lánh cuộc sống, không giúp ích cho đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quý trọng tài năng, coi trọng đánh giá đúng, phát hiện, nuôi dưỡng và sử dụng khéo những tài năng thực sự. Người quan niệm, muốn “có nhân” và “thành nhân” phải có sự bảo đảm bởi “Trí – Dũng – Liêm – Trung – Nghĩa”; muốn đủ bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính để chí công vô tư, con người phải thực sự tỏ rõ hiểu biết, năng lực, hành động và có bản lĩnh. Có đức mà không có tài cũng vô dụng, làm việc gì cũng khó, thậm chí làm hỏng việc. Rõ ràng, tài ở ngay trong đức; đức chỉ trở thành hiện thực, thành sức mạnh đạo đức được đo lường, được chứng tỏ bởi tài. Không “chuyên sâu” làm sao “hồng thắm” được. Đức không chỉ là chính trị, mà còn là khoa học và văn hóa.

Tài không đồng nghĩa, đồng nhất với bằng cấp, danh vị, danh hiệu, mà phải là sự xác thực bằng kết quả việc làm, thành công, hiệu quả. Nguyên tắc, phương châm “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, “đã nói thì phải làm”, phải nghĩ cho kỹ “làm được thì hãy nói” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị đã cho thấy, đó là sự hội tụ đức – tài làm một trong nhân cách con người. Chỉ những người hiểu biết hời hợt, siêu hình mới xem xét tài – đức tách rời nhau. Siêu hình đi liền với giáo điều, dễ dẫn đến tuyệt đối hóa cái này, xem nhẹ, phủ nhận cái kia. Khuynh hướng “chính trị hóa” một cách cực đoan, tả khuynh thường đồng nhất đức – tài vào chính trị, nhất là thường xem nhẹ tài năng, thậm chí có hiện tượng định kiến, hẹp hòi, đố kỵ và dị ứng với những tài năng. Rõ ràng, nếu không nhận thức rõ, đúng mối quan hệ biện chứng giữa tài và đức sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối với con người, nhất là trong đánh giá, trọng dụng, đãi ngộ và ghi nhận cống hiến của những người tài, có tâm thực sự.

Người có trách nhiệm dùng người phải luôn xuất phát từ mục đích, động cơ trong sáng, cao quý vì Tổ quốc, vì dân tộc, vì Nhân dân, không phải vì mình, không được vị kỷ, thực dụng. Đồng thời, phải có bản lĩnh, đủ sáng suốt để không dùng sai, chớ để những kẻ xung quanh xu nịnh, tâng bốc mình và xuyên tạc, hãm hại những người chính trực, rồi chỉ quen dùng những người phe cánh với mình, xa lánh người tài giỏi, có đức, liêm, chính, cương trực. Bản lĩnh dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là sự sáng suốt của lý trí, mà còn ở cốt cách cao thượng khi Người căn dặn chúng ta ngay cả với những người mà mình không ưa nhưng họ là người có tài, cương trực, thẳng thắn, công tâm, vì dân, vì nước thì vẫn phải dùng mà đã dùng thì phải tôn trọng và tin cậy họ.

Thiết nghĩ, tài năng và đức độ của mỗi con người không phải là có sẵn, bất biến, mà phần lớn do tu dưỡng, rèn luyện mà nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: cán bộ phải rèn luyện đạo đức cũng như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở khi đánh giá cán bộ phải thực tâm, “có con mắt tinh tường”: “đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Khi mà cái “tâm” không sáng thì hành động ắt sẽ không thiện, thậm chí là “tối”./.

An Bình