Thanh niên Việt Nam làm theo lời dạy của Bác Hồ

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”(1) 

Với 23 từ, kể cả tựa đề “KHUYÊN THANH NIÊN”, Bác Hồ đã vào thổi vào tim óc bao thế hệ thanh niên Việt Nam một ý chí sắt đá, một sức mạnh vô biên đủ để lực lượng này thể hiện hết vai trò, trách nhiệm và khả năng của mình cống hiến cho Tổ quốc. Và lịch sử hào hùng của dân tộc đã có những dấu son chói lọi ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên trong hai cuộc kháng chiến đấu tranh giành lấy độc lập tự do cho dân tộc.

Kể từ khi có Đảng, thanh niên Việt Nam được tập hợp vào tổ chức Đoàn Thanh niên, một môi trường rèn luyện để phát triển toàn diện xứng đáng là đội hậu bị của Đảng, tiếp tục kế thừa truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước. Bao nhiêu năm qua, Đoàn Thanh niên ngày càng lớn mạnh, đã rèn luyện hết lớp người này đến lớp khác trưởng thành, đóng góp cho Đảng, cho Nhà nước những thế hệ vàng. Biết bao thủ lĩnh thanh niên trưởng thành từ phong trào đoàn đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, tài năng, đủ sức lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao sóng to bão lớn, đưa đất nước vững bước đi trên con đường phát triển. Đoàn có ở bất cứ mặt trận nào, bất cứ lãnh vực nào và sức trẻ đã dời non, lấp biển trên tinh thần “…  luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”” (2)

Không ngại hy sinh, gian nan khổ cực, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước đã trở thành lý tưởng cao đẹp của bao lớp thanh niên Việt Nam. Không thể kể hết những đóng góp hy sinh của bao thế hệ thanh niên trong chiến tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm; những con người sẵn sàng gác lại tình riêng, từ bỏ những lợi ích cá nhân để xung phong lên đường ra mặt trận. Ai chẳng sợ chết, ai chẳng mong muốn bản thân có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ… nhưng trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ, thanh niên Việt Nam đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, viết đơn bằng máu, tình nguyện nhập ngũ và nhanh chóng trở thành những chiến sĩ anh hùng, lập nên những chiến công hiển hách. Hàng triệu, hàng triệu thanh niên anh hùng như Nguyễn Văn Trỗi, Bế Văn Đàn, Đặng Thùy Trâm… âm thầm hy sinh lặng lẽ, đã có biết bao người ngã xuống…

Đảng ta đã khẳng định: “Thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình.” (3)

Từ khi đất nước thống nhất, thanh niên Việt Nam vẫn là lực lượng tin cậy của Đảng, kế thừa truyền thống hào hùng của bao lớp thanh niên đi trước, ra sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và đi đầu trong mọi phong trào xây dựng đất nước. Những công trình lớn, những chương trình quốc gia luôn có mặt lực lượng thanh niên xung kích, tấn công vào nghèo nàn, lạc hậu với khát khao cháy bỏng đóng góp công sức xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp, một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Mục đích lý tưởng của Đảng cũng là mục đích lý tưởng của Đoàn mà thanh niên là lực lượng nòng cốt, chủ lực thực hiện. Và Đảng ta đã nhận định: “Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước là đã xây dựng được thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, có nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; không ngại khó khăn gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú, môi trường sống an toàn…”(4)

Tuy nhiên, cũng chính trong thời kỳ đổi mới, với nhiều nguyên nhân, lực lượng thanh niên cũng đã bộc lộ những hạn chế làm cho những thế hệ cha anh phải quan tâm lo lắng, đó là tình trạng: “Một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc”(5)

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự tác động từ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thông qua phim ảnh, sách báo; chúng đầu độc vào suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm thanh niên Việt Nam, tạo nên tâm trạng hoài nghi, hoặc thờ ơ với chính trị. Một bộ phận thanh niên quá đề cao cái tôi của mình, đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, đòi hỏi nhiều mà cống hiến thì ít. Những người này quên rằng, Bác Hồ đã từng dạy: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”(6)

Rất nhiều cán bộ lão thành cách mạng băn khoăn lo lắng khi hoạt động Đoàn còn bộc lộ nhiều yếu kém. Đoàn không tập hợp được thanh niên ngoài xã hội để giáo dục, rèn luyện. Tư tưởng thanh niên diễn biến phức tạp vì liên tục chịu sự tác động của xã hội. Những giá trị tốt đẹp đã và đang bị đảo lộn, người cống hiến hy sinh bị xem là dại khờ, còn kẻ chỉ lo tranh giành lợi ích bất kể những thủ đoạn lại được xem là khôn ngoan v.v… Những tiêu cực tồn tại đâu đó trong hệ thống chính trị mà cụ thể diễn ra ở những người có chức, có quyền đã làm lung lay niềm tin của thanh niên vào lý tưởng cao đẹp của Đảng. Trong trường học, từ xưa đến nay vốn là môi trường thuận lợi nhất để tập hợp, giáo dục và rèn luyện thanh niên thì bây giờ cũng đã chệch choạc. Học sinh học lên cấp ba đương nhiên được kết nạp Đoàn, tiêu chuẩn xét kết nạp về tinh thần nỗ lực phấn đấu, rèn luyện thấp và nhận thức chính trị còn mơ hồ vẫn được xem là THANH NIÊN CỘNG SẢN. Chính vì vậy mà có những thanh niên không tha thiết gì với hoạt động đoàn. Không ít cha mẹ học sinh còn định hướng con cái xa rời hoạt động đoàn để dành thời gian cho việc học, mà cụ thể là học để thi vào một trường đại học nào đó sau này dễ tìm việc làm, có thu nhập cao. Không ít sinh viên, học sinh ngày nay xa rời hoạt động đoàn bởi vì cơ sở đoàn nơi đó không có những hoạt động thiết thực bổ ích thu hút họ tham gia.

Bác Hồ đã từng dạy rằng: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa…” (7)

Hiện nay, phải nhìn nhận rằng công tác thanh niên còn nhiều lúng túng, không tập hợp được lực lượng một cách tự giác; điều kiện hoạt động của Đoàn còn nhiều khó khăn; năng lực tổ chức phong trào thanh niên của cán bộ đoàn còn nhiều hạn chế. Nhiều cán bộ đoàn chỉ biết đổ lỗi cho những điều kiện khách quan, cho rằng thanh niên ngày nay thờ ơ với những sinh hoạt chính trị, đạo đức xuống cấp, đua đòi theo nhiều thói hư tật xấu bởi tác động của phim ảnh, sách báo nên có lối sống thiếu lành mạnh v.v… Có lẽ chúng ta cũng cần nhắc lại lời Bác Hồ dạy về công tác thanh niên rằng: “Cần phải đi sâu vào đời sống thanh niên, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách thiết thực” (8).

Đối với lực lượng thanh niên đông đảo trong xã hội, chúng ta cần có những phong trào sôi nổi, hấp dẫn, bổ ích thiết thực mới có thể thu hút, tập hợp để hướng dẫn họ vào những hoạt động có ý nghĩa. Đoàn phải tổ chức những phong trào thanh niên thi đua lao động sản xuất làm giàu chính đáng; giúp thanh niên có ý chí vươn lên quyết tâm học tập, phấn đấu lập thân, lập nghiệp và sẵn sàng tình nguyện cống hiến vì cộng đồng không ngại khó khăn, gian khổ. Thanh niên cảm thấy cuộc sống của mình có ích cho người khác, cho xã hội  và tích cực tham gia các phong trào hiến máu nhân đạo; xây dựng đường giao thông nông thôn, bắc cầu, dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình thương binh liệt sĩ v.v…

Từ trong hoạt động phong trào, tổ chức Đoàn khéo léo thông qua các diễn đàn giúp thanh niên có nhận thức đúng đắn để tự điều chỉnh hành vi, ứng xử cao đẹp trong các mối quan hệ với người thân trong gia đình, họ hàng và chòm xóm; có ý thức xây dựng cho bản thân mình và gia đình lối sống, nếp sống văn minh theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đoàn phải giúp cho thanh niên nhận thức đúng đắn về xã hội, hình thành và tô đậm lòng tin của mình về Đảng và Nhà nước; nâng cao ý thức công dân, tự chọn cho mình một lẽ sống cao đẹp, biết cống hiến và tránh xa điều xấu; biết lên án lối sống cá nhân ích kỷ.

Trong trường học, tổ chức Đoàn cần phải phát động nhiều phong trào thi đua hấp dẫn thanh niên và có lợi ích thiết thực; được tổng kết, khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích cao. Đoàn phải tạo điều kiện để nâng cao nhận thức của thanh niên về truyền thống cách mạng thông qua các cuộc giao lưu, nghe kể chuyện kháng chiến từ những cán bộ lão thành cách mạng. Tổ chức cho thanh niên tìm đến những địa chỉ đỏ v.v…

Để hoạt động đoàn ngày càng đạt hiệu quả cao, chúng ta cần nhớ lời Bác Hồ: “Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải thiết thực, nói được, làm được…”(9)

Đảng đã ban hành Nghị quyết 25 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nhà nước ta cũng đã ban hành Luật Thanh niên. Chiến lược phát triển thanh niên và nhiều chính sách về thanh niên, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Và nhất là, thanh niên chúng ta bây giờ phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng là Đội hậu bị của Đảng; xứng đáng với truyền thống anh hùng của bao lớp thanh niên đi trước tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trong tình hình mới.

Mai Bửu Minh

 

 

(1) Khuyên thanh niên Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 6, tr 95 )

(2)Thư gửi thanh niên. Ngày 2-9-1965. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t11, tr 503- 505 .

(3), (4), (5)Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008  Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa

(6)Bài nói chuyên tại buổi lễ khai mạc trường đại học nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 7, tr 454-457

(7) Bài nói chuyên tại buổi lễ khai mạc trường đại học nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 7, tr 454-457

(8)Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên lao động Việt Nam. Hồ Chí Minh :Toàn tập, t 10, tr 304- 308

(9) Thư gửi các bạn thanh niên. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t5, tr 185- 286