Trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Cùng với cả nước, ngày 19/02/2021 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTGTU về “Sơ kết 05 năm thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị về tiếp tục  đẩy mạnh việc “Học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh”. Nhân dịp này, tác giả bài viết xin có vài ý kiến về trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch – Người anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”(*) Đó không chỉ là lòng kính yêu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta khi nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ngay cả tổ chức Ủy ban Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất vì những đóng góp của Người trong phong trào Giải phóng dân tộc, trong lĩnh vực văn hóa giáo dục và nghệ thuật. Mặt khác, thế giới cũng đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sự tôn kính bởi vì ở Người đã toát lên một nhân cách, phẩm chất, đạo đức, tài năng, trí tuệ của một con người vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, dễ gần gũi …

Sau 35 thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành quả đáng kể, bước vào thời kỳ hội nhập với nhiều thời cơ và cũng lắm thách thức, chính vì vậy mà Đảng ta đang nhận lấy một sứ mạng lịch sử vô cùng trọng đại, lãnh đạo dân tộc ta xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh, mang đến cho nhân dân ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để hoàn thành sứ mạng vẻ vang và nặng nề này, Đảng ta cũng phải không ngừng đổi mới để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và giành lấy thắng lợi.

Trong quá trình sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, cho thấy Bác đã đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Thực tế, những năm gần đây hiện tượng suy thoái về đạo đức, về lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng cả đến sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy việc học tập học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh là một biện pháp quan trọng để mọi cán bộ đảng viên và tổ chức Đảng sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng. Với chúng ta, cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu học tập noi theo.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai trong hệ thống chính trị, được các cơ quan thông tin đại chúng tích cực đưa tin và phổ biến trong nhân dân đã tạo nên một phong trào rộng khắp, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Trước tiên là sự đồng tình của hầu hết cán bộ đảng viên và nhân dân vì chúng ta đã nhận ra đó là một việc cấp thiết phải làm ngay. Đã có những chuyển biến đáng kể trong lực lượng cán bộ đảng viên từ nhận thức đến thay đổi hành vi trong việc rèn luyện, giữ gìn, tu dưỡng đạo đức và trong các mối quan hệ của bản thân với nhân dân, với tập thể, với cộng đồng xã hội. Tạo được lòng tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có người chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập này nên chưa tích cực tham gia; có nơi, có lúc còn triển khai thực hiện theo kiểu “làm cho có” hoặc chỉ chú ý đến hình thức mà xem nhẹ kết quả thực chất của việc học tập. Không ít cơ quan đơn vị chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên một cách máy móc, thiếu sự sáng tạo, thiếu chủ động để tạo nên những cách làm hấp dẫn, thu hút đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân tham gia.

Đã là người thì ai cũng có khuyết điểm, chính vì vậy mà khi thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là chúng ta tự vận động bản thân mình cùng tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiêm túc phê và tự phê bình. Từ những bài học về tấm gương đạo đức của Bác Hồ mà chúng ta liên hệ tới bản thân để nhận ra những thiếu sót và quyết tâm sửa chữa. Ví dụ như, cán bộ đảng viên đã thực sự cống hiến hết mình cho công việc đã được Đảng và Nhà nước giao phó chưa? Ta có công thần, địa vị, lánh nặng, tìm nhẹ, ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mà xem nhẹ lợi ích tập thể, lợi ích của đất nước không? Ta đã thực sự kiên quyết chống thói quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí chưa hay còn nể nang, còn thỏa hiệp, còn vi phạm? Việc học tập này giúp cho cán bộ đảng viên có dịp để nhìn lại mình một cách nghiêm túc để tự điều chỉnh bản thân và tự tu dưỡng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Đối với cơ quan, đơn vị, qua việc học tập này không thể chỉ triển khai cho có hình thức và hô khẩu hiệu suông mà phải tập trung đưa ra những chương trình hành động thiết thực, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị mình.

Với lực lượng văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng thì việc học tập này này vô cùng thiết thực và có ý nghĩa quan trọng vì mục đích của việc học tập nhằm xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức tinh thần vững chắc cho xã hội ta, hướng tư tưởng xã hội đến những giá trị chân, thiện, mỹ để con người càng ngày càng sống cao đẹp hơn; đồng thời góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống; hạn chế những tiêu cực mà các văn nghệ sĩ đã từng cảnh báo, phản ánh, phê phán trong tác phẩm.

Ngay lúc này, chính là lúc các văn nghệ sĩ chúng ta phải tích cực tham gia học tập bằng chính khả năng sáng tạo, sự nhạy bén của người nghệ sĩ để chuyển tải cuộc sống sôi động đã, đang và sẽ diễn ra xung quanh ta vào những tác phẩm của mình. Thông qua các loại hình văn học nghệ thuật, những cá nhân, tập thể, những nhân tố mới điển hình, những con người ít nhiều đã nhận thức được những gì cao đẹp từ tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch và đã nỗ lực làm theo trong thực tiễn cuộc sống sẽ được các văn nghệ sĩ chúng ta đưa vào tác phẩm; khơi gợi cho người đọc, người nghe, người xem nhận ra những giá trị chuẩn mực quý báu của cuộc sống hiện tại và làm theo. Mặt khác, những hiện tượng tiêu cực cũng sẽ được các tác phẩm văn học nghệ thuật phán ánh, lên án một các quyết liệt không khoan nhượng để dư luận xã hội đồng tình và cùng đấu tranh.

Những hình tượng trong tác phẩm văn học nghệ thuật có thể sẽ thấm sâu vào lòng người, khơi gợi nên tình cảm yêu ghét đúng đắn và thúc giục con người sống tốt đẹp hơn cũng là cách mà văn nghệ sĩ chúng ta có thể đóng góp một cách tích cực và hiệu quả trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Mai Bửu Minh

 (*) (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969 )