Anh Ba Thù – một tấm gương học tập và làm theo gương Bác

1. Trước Tết Kỷ Hợi, tôi có dịp lên chùa sư Duyên (Duyên Phước tự) ở trên đỉnh núi Sập, một ngôi chùa nổi tiếng khắp vùng với việc làm từ thiện và hốt thuốc chữa bệnh. Đây cũng là thời gian con đường lên chùa được mở rộng, để trải nhựa thay cho đường bê tông nhỏ hẹp đã xuống cấp và phải làm nhanh cho kịp xong trước Tết.

Anh Trần Trung Thành (tự Ba Thù)

Đến đoạn đang làm, tôi thấy ngay không khí nhộn nhịp của đội thi công đang tăng tốc. Tiếng máy trộn hồ lạo rạo, giòn giã. Tiếng thợ gọi nhau khiêng đá, vác cát, xi măng. Mà người được gọi nhiều nhất là chú Ba. Chú Ba ơi gần hết cát rồi! Chú Ba ơi cho chở thêm xi măng! Chú Ba ơi cho thêm nước uống!…

Cứ ngỡ chú Ba là ông chủ thầu xây dựng, ai ngờ đến nơi thì là anh Ba Thù, một người mà khi nhắc đến thì ở xứ này hầu như ai cũng biết, bởi anh làm rất nhiều việc, ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng khi về hưu rồi vẫn chưa chịu nghỉ, vẫn lao vào công tác xã hội từ thiện.

Anh nói vui: “Tôi đang làm cu li của cu li đó”. Đúng là trông anh như một cu li thực thụ. Quần áo đẫm mồ hôi. Ai cần gì là anh phải lo ngay, vì con đường này là do anh tự nguyện đứng ra làm đầu mối vận động Mạnh thường quân đóng góp, và cũng do anh đứng ra đôn đốc thi công để phục vụ cho bà con lên chùa hốt thuốc hay lên núi vãn cảnh. Khi dự lễ khánh thành con đường, tôi được biết tổng số tiền các Mạnh thường quân đóng góp để nâng cấp, mở rộng lên tới 1.573.000.000 đồng. Một số khâu thi công cũng được xã hội hóa nên tiết kiệm chi phí rất lớn.

Mấy năm gần đây, anh cũng đã từng đứng ra làm đầu mối vận động Mạnh thường quân trong và ngoài huyện đóng góp gần 2.000.000.000 đồng để trùng tu, tôn tạo các công trình trong khuôn viên đình Thoại Ngọc Hầu để đình có một sân khấu và sân lễ rộng rãi, khang trang phục vụ cho hàng ngàn khách và bà con khắp nơi đến dự lễ hội, cúng Thần. Rồi bây giờ anh vẫn tiếp tục cùng với chính quyền địa phương giải quyết di dời cho các hộ ở nhờ đất của đình từ lâu nay, xác định rõ ranh đất xây hàng rào, bảo vệ cảnh quan của đình, để không gian đình được trả về đúng nghĩa với nơi linh thiêng, thanh tịnh. Từ khi nghỉ hưu, anh ít khi có mặt ở nhà nên mỗi khi muốn gặp là tôi phải điện thoại trước, và chỉ có thể gặp anh ở nơi công trình đang làm. Bây giờ ở địa phương có công trình gì lớn muốn thực hiện theo hình thức xã hội hóa là người ta nghĩ ngay đến anh.

2. Anh tên là Trần Trung Thành (tự Ba Thù), sinh năm 1957 tại xã Vọng Thê (nay là thị trấn Óc Eo). Tôi hỏi tại sao anh lại có cái biệt danh như vậy? Anh cho biết: thời Mỹ – chế độ cũ, gia đình anh có truyền thống cách mạng nên khi mẹ mang thai anh thì bị địch bắt. Chúng tra tấn, hạch hỏi đủ điều nhưng mẹ không hề khai báo để bảo vệ cơ sở cách mạng. Không có chứng cớ gì, chúng buộc phải thả mẹ. Tới khi sinh anh, tên khai sinh chính thức được cha mẹ đặt là Trần Trung Thành, nhưng anh có thêm biệt danh là Thù, tức là căm thù quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Anh thứ ba nên mọi người quen gọi anh là Ba Thù.

Sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, cũng là lúc anh đã trưởng thành. Anh tham gia cách mạng và giữ nhiều chức vụ như: làm công an xã Vọng Thê (1976 – 1979), Chủ tịch xã Tân Phú, huyện Châu Thành, rồi Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch xã (1979 – 1986), Phó Giám đốc xí nghiệp khai thác đá huyện Thoại Sơn (1986 – 1987), Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện (1987 – 1988), Bí thư Chi bộ xã Định Mỹ (1988 – 1994), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thoại Sơn (1994 – 2001), Bí thư Đảng ủy thị trấn Núi Sập (2001 – 2012) và về hưu.

Anh là một người nhiệt tình, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Suốt 36 năm công tác, anh có rất nhiều kỷ niệm với bạn bè, đồng nghiệp, với nhân dân mà nhiều người vẫn nhắc anh với sự trân trọng.

Anh kể về những kỷ niệm đáng nhớ của mình. Đó là khi về xã Định Mỹ, một điểm nóng trong huyện. Trước đó Chi bộ xã bị giải tán do cán bộ bao chiếm ruộng đất bị dân thưa kiện, bị xử lý. Khi đó, chân ướt chân ráo về nhận công tác nhưng anh đã phải bắt tay ngay vào việc củng cố tổ chức và giải quyết khiếu kiện của nhân dân. Mỗi ngày anh phải tiếp hàng trăm người dân đến khiếu nại về ruộng đất. Có khi anh không kịp ăn cơm mà phải mua bánh mỳ ăn cho đỡ đói. Giải quyết thấu tình đạt lý, trả lại ruộng đất, quyền lợi chính đáng cho bà con nên mọi người rất phấn khởi và ủng hộ Đảng, chính quyền. Nhân dân xã Định Mỹ hiện nay vẫn còn nhắc tên anh.

Sẵn đà tiến lên. Anh cùng với chi bộ, chính quyền bắt tay vào vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm thủy lợi để chuyển từ lúa 1 vụ sang 2 vụ, nâng cao năng suất và sản lượng lương thực. Ý Đảng hợp với lòng dân nên chỉ trong năm 1989, xã đã chuyển toàn bộ trên 3.000 ha đất sang làm lúa 2 vụ. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là một minh chứng sinh động ghi nhận công lao đóng góp của anh.

Khi về làm Phó Chủ tịch huyện phụ trách mảng văn hóa xã hội, anh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Đây cũng là thời gian ngành giáo dục bắt đầu thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục – chống mù chữ để góp phần nâng cao dân trí, bởi chỉ khi trình độ dân trí được nâng cao thì mới có thể tính đến chuyện phát triển bền vững – anh quan niệm. Với vai trò của mình, anh đã chỉ đạo quyết liệt và tạo điều kiện cho ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Khi về làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Núi Sập, một thị trấn trung tâm của huyện, anh luôn tâm nguyện làm sao để phát triển thị trấn xứng tầm với vị trí của nó. Và anh vẫn dành hết cái tâm của mình cho giáo dục. Hàng năm, anh chỉ đạo Thị trấn tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam cho tất cả các trường, mời tất cả giáo viên về làm lễ để tôn vinh các nhà giáo, cùng với việc tổ chức hội thi văn nghệ cho giáo viên và học sinh chứ không chỉ đơn giản là lãnh đạo chia nhau đi dự ở các trường. Việc tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam đã giúp cho các trường có dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trên một số lĩnh vực, giúp cho mối quan hệ giữa các trường ngày càng gắn bó hơn.

Đồng thời, anh cũng chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Anh trực tiếp, thường xuyên đôn đốc Ban Chỉ đạo của Thị trấn phối hợp chặt chẽ với trường để điều tra số học sinh trong độ tuổi bỏ học, tổ chức vận động học sinh ra lớp và tổ chức các lớp học vào buổi tối ở trường. Nhà trường thì chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy. Những trường hợp khó khăn, các thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp đến nhà đưa đón học sinh đi học và tham gia quản lý sĩ số. Với những biện pháp tích cực đó, thị trấn Núi Sập là địa phương đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, làm cơ sở để rút kinh nghiệm và nhân rộng cách làm ra toàn huyện.

Tôi đã từng dạy học, làm cán bộ quản lý trường học ở Núi Sập 10 năm trời, cũng là khi biết anh với cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện rồi Bí thư Đảng ủy thị trấn Núi Sập. Gặp và tiếp xúc với anh nhiều, kể cả trong làm việc, nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh lớn tiếng, quát nạt ai. Mỗi khi phát biểu là anh dùng tình cảm, lý lẽ giải thích, thuyết phục cho mọi người hiểu để phấn đấu với tinh thần tự nguyện. Thế nên, mọi người vừa coi anh là thủ trưởng, lại thấy gần gũi cứ như người thân vậy.

3. Khi về hưu, nhiều người có tâm lý muốn nghỉ ngơi, nhưng đối với anh thì không. Con lớn hết rồi nhưng còn cháu đi học. Với tâm huyết của mình, anh lại tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường mẫu giáo thị trấn Núi Sập. Trong thời gian đó, anh đã đứng ra vận động vật liệu, kinh phí để xây dựng nhà tiền chế, làm lưới lan, vận động trồng cây xanh bóng mát cho các cháu có chỗ vui chơi, và tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp (là trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên ở cấp mẫu giáo). Năm 2018, anh lại được địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ “Khuyến học khuyến tài” của thị trấn Núi Sập.

Và tất cả những công trình xã hội hóa anh đã làm, tất cả những việc anh đang và sẽ làm đều là để làm gương, để giáo dục cho thế hệ trẻ rằng: Làm những điều có ích cho xã hội thì không bao giờ đủ. Anh tâm sự: “Tôi muốn để hết cái tâm mình cho giáo dục, bởi vì chỉ có giáo dục mới có thể tạo ra những con người cần thiết cho xã hội. Mỗi khi làm được một việc gì cho xã hội, cho cái chung là tôi cảm thấy mừng và lòng mình thanh thản lắm”.

Những công trình anh đứng ra đôn đốc đều hoàn thành đúng thời gian quy định, góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu của huyện nông thôn mới. Có những công trình vẫn đang tiếp tục, như giải tỏa khu vực Đình Thần Thoại Ngọc Hầu, trùng tu, mở rộng sân và làm hàng rào bao quanh khu vực Đình1. Anh luôn mong muốn mình có sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho những công trình tiếp theo, giúp cho bộ mặt của thị trấn Núi Sập nói riêng và huyện nhà nói chung ngày càng khang trang hơn để phát triển kinh tế và du lịch, phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của nó. Anh đúng là mẫu người: “Tuổi già nhưng chí không già / Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh” như Bác Hồ từng căn dặn./.

(1) Ngày 29-01-2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 415/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Đình Thoại Ngọc Hầu và bia Thoại Sơn là Di tích quốc gia.

Nguyễn Quốc Khánh
(Ảnh: Internet – Quốc Khánh)