Ký ức chiến binh

Những ngày tháng Tư đổ lửa, nắng chảy nhựa những con đường mới láng thênh thang. Long Xuyên mới hơn với hệ thống đường xá vừa được nâng cấp, phẳng phiu và rộng rãi. Tôi bon bon trên con ngựa hai bánh đến thăm một cựu chiến binh, để nghe về những ký ức của một con người đã từng đấu tranh cho hòa bình, cho độc lập dân tộc. Để một hậu sinh không biết gì về binh lửa có được cái cảm, cái nghĩ sâu sắc hơn về một thiên anh hùng ca bất tử và đầy tự hào của quá khứ đã đi qua, để hiểu về ý nghĩa sâu sắc của hai từ hi sinh cao cả như thế nào.

Ra đón chúng tôi là một ông lão tuổi ngoài tám mươi. Đôi chân của ông từng ngang dọc khắp Nam Bắc Đông Tây giờ đã chùn xuống theo tuổi già. Ngôi nhà cấp bốn nhỏ gọn nằm trên một nhánh xương cá của đường Ung Văn Khiêm treo đầy những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, danh hiệu anh hùng ghi nhận một thời oanh liệt của anh Bộ đội Cụ Hồ nay đã quá “bát thập”. Nhưng gây ấn tượng và cảm xúc nhất chính là đứa cháu nội chưa tròn tuổi đang say giấc trên cánh võng trưa, những giò lan bung nở tím một góc nhà. Những hình ảnh mang tính biểu tượng của bình yên ấy chắc hẳn rất ngọt ngào và nhiều cảm xúc mỗi khi ông ngồi một mình hớp một ngụm trà suy tư về khói lửa của thời trai.

Đôi tay run run rót nước, gương mặt in nhiều vết thời gian, ông Nguyễn Đại Nguyên năm nay đã 82 tuổi, với chất giọng Bình Trị Thiên, ông khoe tôi những tấm ảnh ghi lại một thời sương gió với đôi mắt xa xăm nhiều nghĩ ngợi. Thế mới biết sức mạnh, sự phũ phàng của tháng năm, của thời gian, nó dần lấy đi tuổi tác và thanh xuân của nhân thế một cách không khoan nhượng. Ông xuất thân là công nhân ở Ty Lâm nghiệp Quảng Bình, năm 1963 ông tham gia Bộ đội và chiến đấu một năm rưỡi tại Lào. Năm năm sau ông mang hàm Trung sĩ, là Trung đội phó tham gia chiến trường Bình Trị Thiên Huế. Ngày miền Nam giải phóng ông là Chính trị viên ở Tỉnh đội Long Châu Hà với cấp bậc Chuẩn úy. Năm 1982 ông là cán bộ khung của trường Quân chính Tỉnh đội An Giang, trong đó có một năm tham gia chiến đấu và công tác tại Campuchia với cấp bậc Trung úy.

Cuối năm 1967 đến đầu năm 1972 là khoảng thời gian ông bị địch bắt, tù đày và tra tấn dã man đến “thừa sống thiếu chết”. Ông bị địch chuyển nơi giam giữ từ đồn Mang Cá Nhỏ ở Huế đến Trại giam Nước Mặn ở Đà Nẵng rồi đến Trại giam Phú Quốc ở Kiên Giang. Mỗi lần đến nơi giam giữ mới là mỗi lần bị tra tấn hành hạ từ bạo lực cho đến nhục hình. Người tù nhân ấy vẫn kiên gan đấu tranh với mọi hình thức từ đánh đập đến chiêu dụ nhằm moi thông tin để truy đến tổ chức Cách mạng. Các ngón đòn tàn độc của bọn cai ngục ngày đó đã in sâu vào ký ức, âm ĩ qua những vết thương, cứ mỗi lúc trái gió trở trời lại nhức nhối về tận những ngày xưa. Tôi thắc mắc với ông về việc đấu tranh trong tù khác đấu tranh trên chiến trường như thế nào, ông hớp một ngụm trà, thở một hơi dài rồi hồi tưởng lại:

Khi ở trên chiến trường họng súng nói chuyện với họng súng, lấy tính mạng ra để đánh cược cho chính nghĩa, chiến binh lúc đó “người ra đi đầu không ngoảnh lại” thì còn sợ sệt gì đến sự hi sinh. Nhưng thà là bắn nhau trên chiến trường, sống hoặc chết. Nếu bị thương thì có đồng đội, đồng chí chăm sóc thuốc thang. Mang kiếp tù binh, không được cầm súng chiến đấu với kẻ thù mà phải lấy thân thể bằng xương bằng thịt, lấy ý chí thiết thạch ra để chiến đấu với dùi cui, roi vọt của kẻ thù. Có người muốn chết để giữ bí mật cho đơn vị mà cũng không được. Chúng giữ tù nhân sống để có thể đánh đập và khai thác tiếp. Cuộc chiến ấy còn là cuộc chiến với các đồng đội cũ của mình, những người đã trót không chịu nổi đòn roi mà nghiêng về phía địch. Họ hiểu ta, nên cuộc đấu tranh càng cam go, càng nhiều máu và nước mắt. Ngay cả trong bản thân mỗi con người cũng có sự đấu tranh, giữa cái tôi chính nghĩa kiên trung và cái tôi tham sinh quý tử để đầu hàng. Những tù nhân lúc nào cũng bị giằng xé qua lại về tâm tư cũng như thể xác. Điều tự hào nhất của tôi cho đến lúc này là chiến thắng bản thân mình, để xứng đáng là người lính của Bác Hồ, để góp chút sức vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Tôi đến thăm ông đúng dịp cuối tháng Tư, trên những con đường mới láng, cờ bay theo gió lộng. Ông buồn khi tôi hỏi đến những người bạn tù cùng chiến đấu và cùng vượt ngục của ông. Họ hầu hết đã ra người thiên cổ, còn vài người thì kẻ ở Bắc người ở Đông. Gần nhất là anh bạn bị di chứng chiến tranh tâm thần bất định, nhớ nhớ quên quên. Hồi trẻ xẻ dọc Trường Sơn, bây giờ nghe hội hè ở đằng xa hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây kế bên tai mà chân không đi được. Tháng năm đã đè nặng lên đôi chân ấy, những bước tung hoành ông đã để lại khắp nơi cho đất nước, quê hương.

Ông nắm sợi dây kéo nhẹ chiếc võng để đứa cháu vừa trở mình quay về giấc ngủ. Tôi hỏi kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông với đồng đội là gì? Ông tâm sự tiếp:

Lúc đó tù nhân chúng tôi ở Phú Quốc bị bắt đi đào công sự, đào hầm cho địch để chống lại đồng đội của mình. Tôi với một đồng chí nữa thống nhất với tất cả anh em đình công, không làm với lý do “chúng tôi không muốn gián tiếp chống lại đồng chí của mình”. Hiển nhiên là chúng truy ra được và tôi bị một trận nát da nát thịt. Nhờ tình yêu thương và chở che, các đồng chí đã nhường cơm cho tôi, nhường áo cho tôi để tôi qua cơn nguy kịch. Lúc đó nhai cơm không nổi, phải nhờ anh bạn cùng phòng mài cơm với nước lã mớm cho. Sau đó mười hai anh em trong trại đã lên kế hoạch đào đường hầm vượt ngục. Đường hầm đào bằng muỗng ăn cơm, đất thì bỏ vào túi mang đi giậm xuống để địch đừng phát hiện, thay nhau đào gần năm tháng mới thông được ra ngoài. Chúng tôi báo cáo với Chi bộ trong trại và được cho phép vượt ngục. Hơn bốn mươi người thoát được trại giam nhưng chỉ có gần một nửa đến được Huyện đội Phú Quốc. Gần mười ngày lang thang tìm đường về với tổ chức chúng tôi ăn lá rừng để có sức mà đi.

Ông được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất ngày 21/3/1985, được Thủ tướng Phan Văn Khải tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày ngày 01/9/1998, ngày 27/4/2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc mà ông tự hào là có cả mình trong đó. Đất nước đã bình yên, lời ru bên cánh võng không còn thảng thốt với tiếng đạn, tiếng bom. Những nhánh lan lặng lẽ khoe sắc tri ân người đã vun cho nó nắm đất quê màu mỡ. Đứa trẻ vẫn ngủ say, những câu chuyện ký ức thay cho lời ầu ơ, cái loa bông bí đằng xa vang lên khúc hát Chiếc gậy Trường Sơn. Ông im lặng lắng nghe, đôi mắt nhìn vào xa xăm như hồi ức lại một thời gian khổ mà hào hùng của bản thân và dân tộc. Những đám mây kéo về làm dịu đi cái nắng như đổ lửa, cơn mưa đầu mùa trút xuống giữ chân kẻ hậu sinh. Ấm trà cứ vơi dần mà những câu chuyện kể cứ đầy thêm cảm xúc, thỉnh thoảng ông lại dùng đôi tay chai sần của mình xoa dịu những vết thương.

Bài & ảnh: La Lam