Tác phẩm vào vòng chung khảo dự định in sách để quảng bá

NHỚ QUÊ – Mạc Đình Nguyên (Bến Tre)

 

Chiều mưa ngồi nhớ đồng bằng

Sông Tiền, sông Hậu mây giăng trắng trời

Gió lùa từng vạt nắng rơi

Cù lao sóng vỗ hụt hơi mái chèo

 

Xuôi dòng con nước trôi theo

Bông bần rụng trắng mùa heo hút gầy

Con chuồn chuồn ớt thơ ngây

Đuổi theo mê mải không hay lạc đàn

 

Nhờ gió gọi chuyến đò ngang

Tiếng kêu trôi lạc giữa không gian chiều

Bìm bịp ngồi canh thủy triều

Báo tin nay nước lớn nhiều rồi nghe

 

Kênh rạch chằng chịt xuồng ghe

Nhớ ngày tháng cũ tròn xoe mắt nhìn

Mùa nắng hạn cuộc mưu sinh

Đêm nằm mơ thấy quanh mình rong rêu

 

Ô hay! Còn biết bao điều

Lo toan bề bộn ít nhiều bỏ quên

Rót vào khuya tiếng dịu êm

Nhớ dai dẳng nhớ mà đêm rất dài

 

Thương sông gọi tiếng đò ơi

Vòng tay giữ trọn chờ mơi mốt về

Ôm vào lòng bóng hình quê

Mẹ lau nước mắt… con về rồi sao?

 

 

XIN VỀ LÀM CỎ MẦN TRẦU GỘI THƯƠNG – Trần Ngọc Hòa (Kiên Giang)

 

Chân vừa chạm đất chín Rồng

Đã phù sa ngọt hương nồng nàn đưa

Đã châu thổ rõ hai mùa

Đã loang nước bạc dầm khua ơi… hò.

 

Đã tràm vũ khúc cánh cò

Lục bình, sen, súng, nở cho đẹp đời

Bên xuồng ba lá ai bơi

Vào câu vọng cổ ngọt muồi đồng quê.

 

Đêm nằm hóng chướng non về

Guộn mình ngủ chiếc nóp quê thử nào

Khuya nghe cuống rạ thì thào

Thương miền Tây thớ đất ngào phèn chua.

 

Áo bà ba dễ thương chưa

“Chịu thì ừa phứt, cò cưa chi trời!”

Chàng trai đã tỏ tình rồi

“Qua đây me Bậu, từ hồi nhổ chưn”.

 

Ruộng, vườn, biển, núi, rừng, bưng

Chuyện xưa quánh giặc rộn tưng xứ này

Lòng dân hoa trổ hương bay

Gần phèn tình vẫn ngọt ngay thiệt thà.

 

Đã mộc mạc chiếm hồn ta

Đã lòng yêu, chẳng muốn xa tý nào

Miền Tây ơi! Quá nặng sâu

Xin về làm cỏ mần trầu gội thương.

 

 

CÓ PHẢI ĐỒNG BẰNG LÀ CHIẾC TỔ – Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang)

 

Nè em, có phải Đồng bằng là chiếc tổ

cuộc đời khác gì những nhánh sông

chúng mình đã muôn trùng hết phần tư thế kỷ

giờ trở về, cho hỏi xíu nghe phù sa, muốn làm tiếng chim nằm lại nơi nào để thấy hết bóng dáng đồng bưng

 

À con sông quê, ơi con sông quê chảy về đâu mấy bận hò khoan

có phải sông khô rồi sông đầy lại

người Đồng bằng có bao giờ quên dấu chân bờ bãi

cảm xúc vẫn hoài nguyên như thuở bờ cõi mở mang nào

 

Nè em, có thấy tổ quạ bên loài cây sương sáo

mấy cọng rơm vàng cũng muốn nói thay lời bông lúa bông dưa

ghe xuồng nhỏ đời bán mua rộng quá

cây bẹo nào treo xuôi ngược kiếp thương hồ

 

Có phải Đồng bằng là chiếc tổ

chúng mình, những cánh chim trời bay đi tứ chiếng

cuối cùng cũng nhận ra không gì nhắc mình gần hơn xứ sở

trăm ngã muôn chiều rồi cũng về lại chiếc tổ bình yên…

 

 

VỀ THƯƠNG NĂM NGÃ SÔNG – Trần Thanh Dũng (Sóc Trăng)

1

năm ngã thương hồ đêm tụ lại

chén thù chén tạc kiếp mưu sinh

phiên chợ khai mào đầu í ới

chào nhau đánh tiếng mở bình minh

2

năm ngã sông thương* yêu quý lắm

người quê chơn chất bán mua quê

một ít trái cây dăm mớ cá

hỏi thăm tình nghĩa đặng ra về

3

năm ngã sông đi năm ngã nhớ

người về bến cũ khách còn đây

ngày lú mặt trời tan buổi chợ

nhớ thương con nước cũng vơi đầy

4

cũng như chợ, người đời tan hợp

năm ngã sông thương nặng một dòng

nước cũng vậy muôn đời tan hợp

mai chiều rồi biết có buồn không?

5

ngày đã rạng mai em về hợp phố

neo lòng chín sắc nhớ sông thương

năm ngã sông đầy năm ngã nhớ

ngã nhơn sinh ngã của vô thường.

________

*Ý thơ của Nhà thơ, nhạc sĩ Trần Hồng Sơn

(8/2020)

 

 

BÓNG MẮT PHÙ SA – Lê Quang Trạng (An Giang)

 

Mỗi lần úp mặt vào sông tôi lại thấy cha:

“lưỡi nước có bén đến đâu cũng không dứt được cái cột nhà”

cha khắc lên đó chi chít gương mặt năm qua

đặt cho chúng cái tên

bằng những được mất sau mùa nước nổi

những dấu ngấn tuổi sông thêm lần định chỗ

chúng mang một màu phù sa nguyên thủy đến lạ kỳ.

 

Cha không còn đôn nóng cột nhà mỗi lần cơn nước thiên di

tiếng thở ra nhưng không phải thở phào

sóng rủ nhau ra xa, ra xa

người trẻ lên phố

lên đời

dời nhà xa sông mẹ

cây cột cái trơ ra những vết búa bầm

con bìm bịp há miệng trong hủ rượu kêu không thành tiếng

bốn mùa điên điển trổ vàng mà đắng ngắt phù sinh…

 

Lần về nơi đêm nước dâng mẹ trở dạ sinh tôi

người già chỉ tay ra giữa con sông

không biết lá nhau, dây rốn của mình đã trôi đến nơi nào

chúng có thắp xanh cho bãi bờ đồng ruộng

hay bùn nâu trong dự án lấp nền

là cát sỏi dạt xứ người xa hút

và rã rời những trận cuốn cuồn, hốt hoảng chạy: Sông ơi!

 

Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời

tôi nhận ra sông phơi trơ lòng mình và ngửa mặt lên trời cao rộng, chơi vơi!

nghe những đứa con từ giã ra đi không biết chốn về

đêm phố nóng ran đánh thức bằng tiếng container vào bến

níu sợi khói nhang gầy

giấc mơ hóa kiếp một miền sông…

 

 

BẾN TRE CÒN HẸN EM VỀ – Nguyễn Giang San (Đồng Tháp)

 

Bến Tre còn hẹn em về

Để thương đến cạn cùng quê hương này

Chiếc rẽ quạt vẫn từng ngày

Hướng về phía biển gọi đầy cá tôm

 

Mình về ngủ với rạ rơm

Đang mùa Thạnh Phú lúa thơm trĩu đồng

Cổ Chiên ơi một đời sông

Nơi ta nguyên vẹn lớn ròng tuổi thơ

 

Hạt muối mặn tự bao giờ

Mà Ba Tri vẫn còn chờ đợi ta?

Chữ chở đạo, bút đâm tà (*)

Câu thơ Đồ Chiểu đêm ngà ngà trăng

 

Đất Mỏ Cày vẫn in hằn

Dấu chân đồng khởi mõ làng gọi nhau

Dừa xanh vươn ngọn trời cao

Nơi trang sử góp tự hào dừa ơi!

 

Trong cần mẫn giọt mồ hôi

Những cây giống thương nụ cười nhà nông

Từ Chợ Lách ra Cửu Long

Bao vườn trái trĩu giữa lòng tay cha

 

Châu thành nào có còn xa

Nhịp cầu Rạch Miễu nối qua sông Tiền

Con sông kẻ một đường viền

Vào lòng ta những bình yên quê mùa

 

Mẹ mình nhắc chuyện đời xưa

Lãnh binh kháng Pháp kể vừa lòng dân

Mồ hôi, máu thịt tiền nhân

Cho Giồng Trôm cuộc biến thân diệu kỳ

 

Những mùa xâm mặn biển đi

Vườn xanh Bình Đại chờ thì thầm mưa

Trong từng ngọt ngất vị dưa

Còn trằn trọc những ngày mùa nông dân.

 

Thành phố mình đến bao lần

Hẹn bao lần nữa để gần nhau hơn

An Hội ai rót tiếng đờn

Nghe ra hạnh phúc, giận hờn, yêu đương…

 

Dù xa đến mấy nẻo đường

Bến Tre vùng đất ta thương, em về!

_________

Chú thích:

(*) Chữ chở đạo, bút đâm tà: Lấy ý từ hai câu thơ cụ Đồ Chiểu:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

 

PHƯƠNG NAM NGẠO KHÚC – Trần Đức Tín (Cà Mau)

 

rạch trời rớt xuống

tay chống tay chèo

đầu đội nón lá

chân xỏ dép lào

kéo điếu thuốc gò

gác chân chữ ngũ

quăng chài dính điệu xuống xề ớ Vọng Kim Lang

những kẻ dong thuyền đời mình bạt dòng Cửu Long

làm tim tím Lục Bình cũng giật mình trong giấc mộng lang thang

phương Nam lộng gió

tui thương em đêm trăng lên giả đò đi đặt vó

mấy con cá lìm kìm ngửa cổ uống trăng tan

rạch trời rớt xuống

những kẻ bạt mạng theo dòng Cửu Long vu vu tiếng sáo

tẻ nhạt gì mà rêu phong phủ đầy ngày ông bà mình đi khai hoang

lập ấp lập làng đặt tên sông là Cái Răng, Cái Nước

đêm giăng lưới ngẫm thừa thãi buồn nên bắt đại nhịp song lang

rạch trời rớt xuống

núi đồi bạt ngàn

sông nước mênh mang

em có thương tui thì về nhà mẹ mà trồng lấy cọng Ngò

đừng cơ cầu chi cho đau lòng con cúm na cúm núm

ngày chúng tui rạch trời rớt xuống

tay chỉ có cây dầm

môi chỉ có điệu hát

và tim đập nhịp Cửu Long giang.

 

 

LẦN TAY ĐẾM MÁ ĐƠN COI – Trần Thế Vinh (An Giang)

 

Lần tay… đếm Má đơn côi

Lá khô chưa rụng, khóc đời lá xanh

Người thành bi kịch. Mật danh

Tám mươi tuổi. Còn thức canh tìm đàn!

 

Má lần đếm nhịp thời gian

Nghĩ ai khâm liệm kỹ càng cho con

Hỏi ai cắt nút áo tròn

Tấm áo chiến sĩ có còn nguyên trinh?

Hỏi chai dầu gió. Chung tình

Vợ con tặng. Còn bên mình hay không?

Vần xoay nước lớn nước ròng

Năm nay tháng Bảy gió giông tứ bề

Nhìn lên vũ trụ u mê

Ngôi sao nào đã rụng về núi non!

 

Đời nay. Hỏi chuyện sống còn

Má cứ đợi mõi. Đợi mòn tháng năm

Con đi… Ba cũng biệt tăm

Rụng như chiếc lá. Mỗi năm mỗi mùa

Năm Non gió lộng mây mưa

Bảy Núi huyệt mộ ai chừa cho Ba?

Trùng trùng ngả, nẻo… Hút xa

Nhìn hướng Má. Con mặn mà sắt son!

 

Quê mình cây mọc chồi non

Mẹ con trông ngóng đến mòn tuổi xuân

Má giờ theo suối, lên rừng

Lần về quê Mẹ hiệp phùng cùng Ba…

 

 

PHÙ SA NHỚ – Đình Thu (Bến Tre)

 

Ngày cúi xuống hôn đồng bằng

Gương mặt châu thổ tiếng trầm buông rơi

Con đò dọc nằm nghỉ ngơi

Sông đầy khát mái chèo bơi ngược dòng

Mẹ ngồi hát lý cây bông

Ngoài trời nắng hét đất giồng khô rang

Bông xanh, bông trắng, bông vàng

Còn bông nứt nẻ gió tràn lên lưng

Tiếng con lóc cửng ngoài bưng

Quẫy khan trên đám lục bình cháy khô

Chờ con nước lớn tràn vô

Bầy rô non mãi ngây ngô tắm sình

Thương mùa hạn cuộc mưu sinh

Cánh đồng loang dấu chân chim kiếm mồi

Ánh tà dương đỏ lịm trời

Buông câu vọng cổ hụt hơi xuống xàng

Chim cuốc kêu giọng đục khàn

Dường như tiếng gọi không còn đủ nghe

Rặng trâm bầu hốt hoảng che

Ráng chiều dụi mắt đỏ hoe dỗi hơn

Gió đưa tay níu hoàng hôn

Đò ngang vớt ngọn sóng chồm lên cao

Chơi vơi hàng đáy nghẹn ngào

Treo dàn lưới đợi từ bao lâu rồi

Bình minh nằm ngủ mớ hoài

Cành nghiêng rũ rượi đợi ngày tháng trôi

Mẹ buồn không nói nửa lời

Vết quầng thâm tím phận người thẳm sâu

Tháng ngày trăn trở lo âu

Cha buồn vít đọt sầu đâu xuống nhìn

Thở dài trong tiếng lặng im

Nhớ mùa nước nổi cá linh tràn về

Điên điển vàng bến sông quê

Chùm ký ức ngủ sau hè phôi pha

Còn đâu đó ở trong ta

Mùi phù sa thấm ướt nhòa cơn mê.

 

 

QUAY PHÍA NÀO ĐẤT NƯỚC CŨNG RƯNG RƯNG – Nguyễn Ngọc Tân (Cà Mau)

 

Em ạ, ở đây mùa xanh thẳm

Hạt giống niềm tin gieo con sóng bạc đầu

Cây bám đảo như tụi anh bám biển

Trúng thất mùa thương lắm phía ngư dân

 

Đồng đội anh từng ghìm cột mốc Gạc Ma

Gió nhắc mãi từng vòng tròn bất tử

Máu đã thấm đỏ bầm trang sử

Con sóng khơi xa từng nghẹn nấc chủ quyền

 

Tụi anh lại lao đi, con sóng bùng lên

Đảo nổi, đảo chìm thiêng liêng tổ quốc

Cột mốc đặt trong trái tim trước ngực

Sóng gió biên cương, sóng gió mịt mùng…

 

Em ạ, ở đây bàng vẫn vuông

Rau tươi xanh mướt đảo Sinh Tồn

Sóng giỡn hải âu và hải âu giỡn sóng

Biển cũng tươi và nắng cũng tươi

 

Anh vẫn biển ngàn năm em vẫn đảo

Tổ quốc ngàn năm Tổ quốc điệp trùng

Nơi dải đất miết cong oằn dấu hỏi

Quay phía nào đất nước cũng rưng rưng…

 

Phía trước mặt anh mây vẫn biếc xanh

Sau lưng anh đồng bào ngư dân đất mẹ

Gió bão nhắc anh thế vô lăng cầm lái

Định vị tầm nhìn định vị hướng biên cương…

 

Trang sử vẫn xanh ở phía thẳm xa

Gió đổi hướng là ùng oàng bão tố

Chỉ có hướng em là hướng hiền hòa

Đợi em nhé, anh sẽ về sau mùa giông bão…

 

 

ĐẬP KÉO – Nguyễn Ngọc Tân (Cà Mau)

 

Vẫn đập bến, vẫn mé sông

Bành bành tiếng máy cuộn trong dây tời

Mà như cuốn cả đất trời

Giữ nguyên cái thế nằm ngồi cùng qua…!

 

Cũng đường rầy, hệt hỏa xa

Ngồi qua đập kéo như là đu bay

Ào một cái, đổ xuống ngay

Lại thương kéo đập thân gầy năm xưa…

 

Ở nơi nước mặn đồng chua

Bao nhiêu nặng nhẹ đều đưa xuống xuồng

Sâu thì lạch, cạn thì mương

Chống chèo qua những con đường đầy sông

 

Người hun hút, gió mênh mông

Thênh thang đập kéo giữa dòng sao đây?

Cứ là lên xuống loay hoay

Lơ thơ trông ngóng cầu may đường về…

 

Sinh ra ở chốn thôn quê

Mà tài hoa máy mà mê mẩn người

Vui như con trẻ điểm mười

Mừng vui đập kéo hóa người tri âm…

 

 

TRÁI TIM HUYỀN THOẠI – Lâm Thị Thanh Trúc (An Giang)

 

Hạnh phúc là phép cộng

khi ta bắt gặp những rể cây vùi sâu vào lòng đất

cho ra bảy tán lá tròn kết chặt một trái tim

tình quấn quýt dịu xoa nắng núi

 

Hạnh phúc là phép trừ

cất giấu những niềm đau

chờ mưa vỗ về những tán tròn thốt nốt

xứ sở mình mưa nắng tụ vào nhau

xanh mượt rì rào

chòm cây đơn độc một góc trời An Tức

 

Hạnh phúc là phép nhân

xứ sở mình

những ô màu vuông vức

bát ngát cánh cò xa

Ôi hạnh phúc!

người bên người vi vu săn mây Dồ Hội

ước một lần đặt chân lên tảng đá đầu voi

để cả biển trời neo vào đáy mắt

 

Hạnh phúc là phép chia

dãy Cô Tô

hồ Soài So

đâu đó những hoang sơ

tiếng suối bạc chảy xuống lòng hồ bí hiểm

róc rách từng lời truyền thuyết

 

Hạnh phúc

là được sống giữa lòng quê hương đất nước

Vạn Lý Trường Thành miền Tây sử tuyệt

Tức Dụp ưỡn mình che chở đạn bom

 

Hạnh phúc

là được dạo giữa non cùng thủy tận

ngước nhìn mây đỏm dáng phía Cổng Trời

nghe góc bình yên chót vót điệu à ơi…

 

Hạnh phúc là dãy phương trình mà mỗi người tự đi tìm ẩn số

nghe muôn nỗi tự hào

giữa sừng sững bóng chiều thốt nốt trái tim!

 

 

NỖI BUỒN CỦA MẸ PHÍA BỜ SƯƠNG – Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang)

 

Lâu rồi chưa về vác chài quăng xuống lòng sông để ăn bữa cơm chiều cùng mẹ

lời ru nào còn không/ ký ức nào còn không khi đi qua những gò mối thời gian

bây giờ về mà lục lại với xóm làng

tìm xin lỗi mịt mùng ai giữ…

 

Em tìm đâu thúng mủng

mẹ đã từng đựng tôi bằng những tháng ngày thương nhớ

bao năm rồi còn dính đầy bông keo

hỏi những người muôn phương heo may giờ ở nơi nào mà lạt lẽo

may ra gốc gác dòng sông còn giữ được hồn

 

Mẹ ngồi bó tàu dừa/ bó những buồn vui lẫn lộn

đếm thời gian bằng tuổi của tôi

đêm nay vườn nhà mồ côi như cánh dế

không gửi được nỉ non buồn nên trời đất giải bày sương

 

Có thể đã đi qua gần hết dành dụm đoạn đường

không bóng mát ở đâu đẹp bằng bóng mẹ tôi ngồi bó những buồn vui vào nỗi nhớ

trễ nải chiều nay theo heo may về ra ngõ

gặp lại vĩnh hựu buồn nỗi buồn của mẹ móm mém phía bờ sương…

 

 

NHỚ MÙI NƯỚC MẮM NHỚ QUÊ HƯƠNG NỘI NGHÈO – Lê Tấn Vũ (Đồng Tháp)

 

Thu lùa ký ức tràn về

nhớ mùi nước mắm nhớ quê nội nghèo

hương đồng con mãi mang theo

nuôi thơm đời chữ thơ reo tâm hồn

 

con bày nỗi nhớ ra hong

mùa thu của nội thơm nồng tháng năm

vị quê còn rất thâm trầm

cá linh cũng biết đợi rằm tung tăng

 

hạt muối nghèo nặng nghĩa nhân

quyện tình con cá thơm rần rật thu

sông còn thao thức suy tư

mùa đi còn mãi lời ru ngọt dòng

 

lặng nghe cái vị hương đồng

thấm vào con chữ để hồn thơ loang

lặng nghe câu hát sắt son

vị quê khó nhọc còn thơm tới giờ

 

ta về Hòa Lợi gọi thơ

gặp miền ký ức trôi vô tận hồn

rẽ ra vòng xoáy thua hơn

gặp thơ xanh biếc giữa nguồn cội tâm

 

mình cùng hát khúc trăm năm

nghe mùi nước mắm thương đầm đậm thương!