Báo chí cần có chuyên mục giáo dục truyền thống Cách mạng

Sự kiện “nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc những năm qua đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, nhận thức về lý tưởng sống của thanh niên được khơi dậy đã làm vơi đi nỗi lo của bao người về sự phai nhạt về niềm tin, về lẽ sống của thanh niên hôm nay.

Những năm gần đây, trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, một bộ phận thanh niên xa rời lý tưởng cách mạng, hình thành suy nghĩ chỉ biết sống cho riêng mình, thiếu những khát khao cháy bỏng được cống hiến tài năng và nhiệt huyết cho xã hội, thiếu những hoài bão cao đẹp về một tương lai của đất nước có những đóng góp của thế hệ mình. Sự kiện anh Thạc, chị Trâm đã thành đề tài được nhiều báo đài nhắc đến, được khuấy nên thành phong trào góp sức cho hoạt động của tuổi trẻ cả nước thêm nhiều ý nghĩa; và được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là với những lớp người đã từng vào sinh ra tử qua hai cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.

Thực tế, khi tham gia viết về đề tài truyền thống cách mạng, tôi may mắn được gặp gỡ, trao đổi và biết thêm biết bao điều từ những cán bộ cách mạng lão thành; những gian khổ hy sinh, những mất mát đớn đau, những thử thách ác liệt của cả một dân tộc thà hy sinh tất cả để giành lấy độc lập, tự do… Trong đó có biết bao anh hùng liệt sĩ  trong lực lượng vũ trang, những cán bộ nằm vùng hoạt động trong lòng địch, bao gia đình nhân dân đã che chở, đùm bọc bảo vệ cán bộ cách mạng… Có người đã hy sinh mà đến nay hài cốt vẫn chưa tìm được, có người vì hoàn cảnh éo le phải chịu nhiều oan ức mặc dù đã hy sinh cả cuộc đời cho công cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm v,v… Tất cả như là những chuyện hoang đường, không tưởng… nhưng lại là sự thật một trăm phần trăm, bởi đó là chuyện dài của dân tộc anh hùng mới làm nên kỳ tích đánh đuổi được kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp trăm lần… Tôi biết, không lịch sử nào ghi lại hết được cho dù một số địa phương đang nỗ lực viết lại lịch sử của địa phương mình. Có những sự kiện, những con người xứng đáng được kể đến, được ghi nhận nhưng khuôn khổ của “chính sử” không thể chuyển tải hết được. Mà, có rất nhiều sự kiện, nhiều con người đã bị lãng quên…Chưa nói đến một điều đáng phải báo động là những “nhân chứng sống” đã từng trải qua, từng chứng kiến giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ngày một thưa dần vì tuổi già, sức yếu phải ra đi theo qui luật của tạo hóa.

Chính vì vậy, mà tôi đề nghị  các cơ quan báo đài nên dành riêng một chuyên mục có thể lấy tên là “Một thời hào hùng” để những cán bộ cách mạng lão thành có chỗ đăng tải những trang hồi ký thấm đẫm máu và nước mắt, những cống hiến hy sinh của đồng đội, của bản thân mình, của quần chúng đã từng che chở cho mình  gởi đến người đọc hôm nay. Có thể, đó là những ghi chép, viết hộ của các nhà văn, nhà báo, cộng tác viên v,v… viết từ những mẩu chuyện được các cán bộ cách mạng lão thành kể lại (lâu dần có thể chọn lọc in thành sách); và tôi tin rằng nó sẽ có tác dụng giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và kích thích người đọc thêm tin yêu đất nước, biết sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những lớp người đi trước…

Hy vọng rằng, các cơ quan báo đài nào đã có chuyên mục này tiếp tục phát huy, mở rộng; cơ quan báo đài nào chưa có nên cố gắng mở ra chuyên mục này để thực hiện tốt hơn chức năng thông tin tuyên truyền, định hướng tư tưởng, góp công bảo vệ và phát triển sự nghiệp cách mạng mà bao lớp người đi trước đã gầy dựng nên.

Mai Bửu Minh