Biennale mỹ thuật trẻ Sài Gòn lần V-2019

Biennale Mỹ Thuật Trẻ ban đầu là cuộc tuyển chọn và trưng bày các tác phẩm mỹ thuật tạo hình đương đại của các nghệ sĩ trẻ của thành phố Hồ Chí Minh nay đã mở rộng dần ra các khu vực trong cả nước. Biennale Mỹ Thuật Trẻ Sài Gòn – 2019, với thông điệp“Tinh thần mới!” nhà tổ chức và các nghệ sĩ hướng đến một diễn đàn mỹ thuật trẻ độc lập,  giàu sức sáng tạo.

Hội đồng nghệ thuật và Ban tổ chức Biennale Mỹ Thuật Trẻ Sài Gòn lần V- 2019; vòng 1:  chọn ra 186 tác phẩm qua ảnh chụp để tham dự vòng 2 từ 231 tác giả với 332 tác phẩm ở 25 tỉnh thành trong cả nước; vòng 2: có 163 tranh, tượng, nghệ thuật sắp đặt của 129 tác giả và 2 nhóm tác giả gửi tới tham gia trưng bày và dự giải.

Tại vòng 2, Hội đồng nghệ thuật đã trao giải cho 14 tác phẩm  gồm: 1 giải nhất, tác giả Nguyễn Thái Thăng với tác phẩm Di sản mới; 2 giải nhì của tác giả Đổ Hiệp với tác phẩm Hello, Good bye và tác giả Trần Đình Thắng với tác phẩm Rừng già; giải 3 thuộc về 3 tác giả, Nguyễn Thu Hương với tác phẩm Tôi đang nghĩ, Trần Mai Hữu Quí với tác phẩm Nhân đôi và Đinh Văn Sơn với tác phẩm Human; 5 giải khuyến khích cho tác phẩm của các tác giả: Trần Ngọc Hưng, Đặng Thị Thu An, Phạm Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Tân, Nguyễn Phương Quyên; 3 giải triển vọng cho tác phẩm của tác giả: Trang Quốc Duy, Hà Phước Duy, Nguyễn Đình Ngọc.

Biennale Mỹ Thuật Trẻ Sài Gòn lần V- 2019, được giới chuyên môn đánh giá có chất lượng nghệ thuật cao. Mối quan tâm nhiều nhất của nghệ sĩ trẻ thấy trong Biennale Mỹ thuật Trẻ lần này là gửi được thông điệp của cá nhân về cuộc sống hiện tại, những quan niệm về nghệ thuật, các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với con người. Các tác phẩm thể hiện ý tưởng rõ ràng, khúc triết mang hơi ấm của cảm xúc tác giả gắn liền với hơi thở cuộc sống đương đại. Những mối quan tâm của tác giả đối với môi trường tự nhiên, xã hội thể hiện rất thành công qua tác phẩm tạo hình đương đại ở nhiều góc nhìn khác nhau. Hình tượng dòng suối cạn khô trong khối hình hộp sắt hàn vuông vắn, rịn gỉ như đang chắt chiu những giọt nước hiếm hoi trong tác phẩm Rừng già của Trần Đình Thắng cho người xem hình dung ra một khu rừng thiếu nguồn sống, già nua cằn cỗi. Hình ảnh con người như một vị thần có thần hình to lớn, đôi cánh nhỏ yếu ớt không đủ sức nâng các loài động vật hoang dã đang hóa thạch trong bụng mình trong tác phẩm Human- tranh sơn mài của Đinh Văn Sơn cũng đã gửi tới thông điệp tương tự- sự tàn phá của con người đối với môi trường sống tự nhiên đang là vấn nạn xảy ra trong cuộc sống hiện đại.

Những triết lý của nghệ sĩ trẻ về cuộc sống hiện tại được nhiều tác giả đề cập thông qua nhiều hình tượng, chất liệu và phương thức tạo hình, tiêu biểu như tác phẩm Di sản mới- Tranh sơn dầu của Nguyễn Thái Thăng lấy ý tưởng từ những cuộc di dân trên biển. Tác giả dùng hình tượng cán cân công lý và ngọn đèn bão soi đường, đàn chim di cư tạo thành những mô típ trang trí  dàn đều trên 5 tấm ghép của tác phẩm, hướng người xem đi từ cái đẹp trong tạo hình đến những suy ngẫm những vấn đề lớn của cuộc sống: lý tưởng, chân lý, và sự mưu cầu cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Hello, Goodbye chất liệu tồng hợp của Đỗ Hiệp ẩn chứa một nghệ thuật so sánh, một triết lý rất phổ biến, đó là tính hình thức, tính thực dụng trong mối giao tiếp giữa con người với con người trong cuộc sống đương đại. Cách đặt vấn đề, lựa chọn hình tượng, chất liệu thể hiện đã hợp thành một thể thống nhất trong tác phẩm Hello, Goodbye, làm cho tác phẩm có đại diện cho phong cách sáng tác đương đại.

Chất liệu truyền thống vẫn được phần lớn các họa sĩ sáng tác. Bên cạnh các phong cách có tính truyền thống nhiều họa sĩ trẻ đã tạo nên được lối thể hiện riêng, mang đậm dấu ấn cái tôi trong tác phẩm. Tranh lụa Tôi đang nghĩ của Nguyễn Thu Hương mặc dù vẫn là chất liệu lụa truyền thống nhưng đã mang đến cho người xem cảm giác mới lạ bởi nội dung đề tài với gam màu lúc nhẹ nhàng trong trẻo lúc dồn dập đậm đà. Tác giả đã khá thành công trong việc  lấy cái tĩnh để thể hiện cái động, lấy cái hữu hình biểu đạt cái vô hình.

Triển lãm Mỹ Thuật Trẻ lần này, nhiều nghệ sĩ không chú trọng sáng tạo bố cục tạo hình, vẫn là những dạng thức bố cục kinh điển nhưng những mảng màu tươi mới đã làm thay đổi đáng kể không khí phòng trưng bày tác phẩm. Cách tạo hình phóng khoáng, đôi khi hơi vội vã, dở dang như chính cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra sau khi tác phẩm kết thúc.

Các tác giả trẻ đã thể hiện được sự làm chủ kĩ bố cục tạo hình, tận dụng được ưu thế của chất liệu, công nghệ hiện đại để đưa thông điệp, tình cảm của mình đến với người thưởng thức. Tuy nhiên, trong triển lãm lần này hội họa giá vẽ vẫn chiếm tỷ lệ lớn chưa có những nghệ thuật mới mang tính quốc tế như nghệ thuật trình diễn và Video Art.

Biennale Mỹ Thuật Trẻ được tổ chức lần đầu vào năm 2009 sau đó mở rộng quy mô và chất lượng nghệ thuật phát triển dần qua các năm 2011, 2013, 2015, 2017 và trở thành một trào lưu sáng tác lưỡng niên được Hội mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh phát động trong lực lượng sáng tác mỹ thuật trẻ từ nguồn ngân sách đóng góp của cá nhân và tập thể yêu thích sáng tạo nghệ thuật. Với mong muốn của Ban tổ chức, Biennale Mỹ Thuật Trẻ sẽ có sự hưởng hứng mạnh mẽ hơn của những tài năng mỹ thuật trẻ và các nhà tài trợ để vươn tới một trào lưu nghệ thuật Trẻ có tính khu vực, tính quốc tế góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của công chúng yêu nghệ thuật.

Biennele mỹ thuật trẻ Sài Gòn lần V- 2019 khai mạc lúc 10h ngày 20-4-2019 và trưng bày các tác phẩm tại Bảo tàng mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 20-4 đến ngày 30-4- 2019.

Họa sĩ Phạm Thanh Hùng
(Ảnh: BlueJune)