Bình yên tự có

A! Ba về, ba về mẹ ơi!

Bé Bo reo lên mừng rỡ khi thấy anh dừng xe ngoài cổng rào. Trong bếp chị ngừng tay nhìn ra, mỉm cười khi thấy cha con ôm nhau tíu tít. Anh vào nhà, tay xách lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ. Con trai dừng lại ở phòng khách, loay hoay xếp mấy hộp quà ba đem về lên bàn. Anh vào bếp, lúng túng chìa ra một bó hoa:

– Tặng em, chúc em vui vẻ!

Chị đỡ lấy bó hoa, khẽ cười. Nếu như là trước đây, chị sẽ cằn nhằn anh phí tiền. Vì hoa mau tàn, vì hoa cắm trong bình không thể đẹp bằng hoa mọc trong vườn. Biết tính chị như vậy nên mười mấy năm bên nhau, kể từ khi quen biết đến lúc cưới anh chưa bao giờ tặng hoa tươi cho chị. Ngay cả lần anh ngỏ ý muốn chuyển từ tình bạn thành tình yêu anh cũng chỉ tặng chị bông hồng… khắc trên gỗ. Chị bình thản đón lấy, đem đặt cạnh bó hoa chị vừa nhận sáng nay rồi trở lại làm bếp. Hoa hoét lãng mạn, cắm tỉa khéo léo gì gì tính sau. Bữa cơm vẫn quan trọng hơn. Anh muốn chở hai mẹ con đi ăn nhà hàng nhưng chị không đồng ý. Trước đến giờ chị luôn thích tự vào bếp làm những bữa tiệc nho nhỏ cho gia đình, vừa ngon vừa tiết kiệm, dù có lúc nhận ra mình dại, dù có lúc nhận ra chồng không phải lúc nào cũng thích những bữa tiệc tiết kiệm của vợ. Hôm nay chị vẫn nhất quyết làm theo ý mình.

Trời sụp tối, bữa tiệc của “mẹ và bé” hoàn tất khâu chuẩn bị. Anh có vẻ ngạc nhiên khi thấy chị xuất hiện xinh đẹp trong bộ đầm xanh – khác với gu thời trang gọn nhẹ “bà nội trợ” xưa nay. Chị cười:

– Lạ lắm à? Người thay đổi khi đời thay đổi mà. Mời ba bạn Bo nhập tiệc!

Bo lăng xăng, ríu rít bên bàn tiệc vì biết mình là nhân vật chính. Bo không cần mẹ tổ chức sinh nhật thật lớn, Bo chỉ cần có đủ mẹ và ba, chỉ cần ba đi công tác về đúng ngày sinh nhật. Và hôm nay anh chàng mãn nguyện. Anh trịnh trọng:

– Mừng sinh nhật bé Bo! Mừng sinh nhật mẹ Lan!

Cả nhà hát vang bài mừng sinh nhật. Bo hết ôm ba rồi quay qua ôm mẹ. Năm năm trước, đúng ngày sinh nhật mình, chị đã vượt qua biết bao đau đớn của cơn đau đẻ, rồi đau mổ để chào đón một thiên thần. Lúc đó, những người ở bệnh viện cứ trầm trồ khen chị tốt phúc khi có anh chồng cạnh bên lăng xăng pha nước, quạt mát cho vợ. Hàng xóm cũng khen gia đình chị hạnh phúc, chị có người chồng mẫu mực. Hai vợ chồng làm trong cơ quan nhà nước, tuy thu nhập không cao nhưng nhờ biết gói ghém nên đời sống khá ổn định. Sáng vợ chồng đưa con đi nhà trẻ, rồi đi làm, chiều cả nhà đầy ắp tiếng cười. Cuối tuần về thăm nội ngoại hai bên. Dù bình dị nhưng ở khu dân cư bình dân này họ vẫn được xem là gia đình kiểu mẫu. Vì ít ra vợ chồng không gây nhau om sòm, anh không uống say rồi rượt vợ quanh xóm, chị không đầu bù tóc rối mắt bầm ngồi khóc than với láng giềng… những cảnh tượng thường diễn ra nơi họ sống. Ba bốn anh chồng vũ phu, ba bốn người vợ cam chịu cứ luân phiên nhau “diễn” cái cảnh bạo lực ấy. Nay nhà anh ba, mai nhà anh tư, mốt nhà anh bảy. Chiều chiều đi làm về, các ông tụ lại lai rai vài xị đế cho dễ ngủ. Chút men hừng hừng, thêm chút chuyện nhỏ, chút cau có cộng lại thành lớn tiếng rộn xóm. Tỉ như chị bảy đánh bài về trễ để con đói, chị Tư cằn nhằn: “Làm hồ được nhiêu tiền mà nhậu nhậu miết”. Chị Ba than “Tháng này tiền điện tăng gấp đôi mà gánh xôi tui ế quá ế”, thêm thằng con nhăn nhó xin tiền học thêm… Anh bực vợ, anh buồn con, anh giận bản thân mình không lo được cho gia đình; cùng men rượu những thứ ấy bùng phát thành cãi vã, cãi không đã thì thành xô xát, bạo lực. Dù có lúc sai, có lúc chẳng biết mình làm sai cái gì, những người vợ vẫn trở thành vận động viên điền kinh bất đắc dĩ, chậm chân thì thành bao cát cho chồng “luyện công”. Chị vẫn tự hỏi chị Ba, chị Tư, chị Bảy và bao nhiêu người đàn bà nữa sao có thể chấp nhận một cuộc sống, một người chồng như vậy? Dẫu biết mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, dẫu biết “đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương” nhưng tại sao lại phải cam chịu, khổ sở? Càng nghĩ càng thấy phụ nữ luôn thua thiệt. Đàn ông ra ngoài làm việc kiếm tiền, phụ nữ cũng phải bươn chải kiếm tiền. Về đến nhà, trong khi người vợ phải làm hàng tá việc không tên khác thì người chồng có thể nằm ườn ra đó mà hưởng thụ, họ mặc nhiên xem việc nhà là vụn vặt, là chuyện của đàn bà. Chồng có lí tưởng đến mấy cũng chỉ có thể chia sẻ được một phần vất vả của vợ mà thôi. Ngoài mang nặng đẻ đau, phụ nữ còn đủ thứ trách nhiệm – tội lỗi phải mang vác. Con hư tại mẹ không biết dạy, con quấy tại mẹ không biết dỗ, con gầy tại mẹ không biết nuôi, con mập tại mẹ nuôi con không khoa học… Bên chồng không thương tại con dâu không hiếu thuận. Chồng đánh tại vợ làm cái gì đó sai. Chồng ngoại tình tại vợ như thế nào đó chồng mới chán. Nhưng vợ ngoại tình lại là một tội tày đình không thể dung thứ không chỉ đối với chồng, với gia đình chồng mà còn với cả thế giới! Và có hàng tỉ tỉ tội lỗi khác mà miệng đời sẵn sàng phun ra khi quy trách nhiệm gì gì đó cho phụ nữ. Là phụ nữ, chỉ hiểu nỗi khổ của phụ nữ cho nên chị vui khi con mình là con trai.

– Bớ người ta, thằng Bảy đánh tui!

– Mày đứng lại đó cho ông!

Tiếng ồn ào ngoài đường vọng vào. Kèm theo tiếng la ó là tiếng bước chân thình thịch. Anh Bảy lại đang đuổi đánh vợ. Ba Bo bước ra ngoài phụ cánh đàn ông can ngăn anh Bảy. Bo ngồi nép vào lòng mẹ. Những tiếng ồn ào này luôn làm bé sợ. Chị đem con vào phòng, dỗ cho con ngủ. Ngày trước, thấy cảnh rượt đuổi của vợ chồng hàng xóm, chị hay nói với anh “Anh mà đánh em kiểu đó thì đường ai nấy đi nha. Đau lắm!”. Sau này chị lại nghĩ có những thứ còn đau hơn bị đánh. Vết thương trên da thịt còn có thể lành nhưng vết thương lòng thì cứ âm ỉ đau theo năm tháng.

Tiếng ồn ào đã hết, những âm thanh lao xao tản mác dần. Anh rón rén mở cửa phòng. Chị ra hiệu im lặng. Anh vừa ghé xuống hôn con thì điện thoại rung lên báo cuộc gọi. Anh cầm máy, nhìn số đang gọi rồi từ chối cuộc gọi. Xưa, anh không bao giờ từ chối những cuộc gọi đến, dù là của ai đi nữa. Với anh lúc nào, việc gì, là ai cũng quan trọng. Ai cần anh sẽ có mặt dù đang đêm khuya hay đang chăm vợ đẻ. Chị chọn anh trong số những chàng trai đang theo đuổi mình chính vì sự hào hiệp, tốt bụng của anh. Khi thành vợ chồng thì lắm lúc chị phát bực vì sự tốt bụng quá mức của chồng. Ngày chị sinh con trong bệnh viện, những người trầm trồ khen ngợi đã không biết rằng chỉ đến ngày thứ ba sau khi chị mổ, anh đã để chị đói. Bảy tám giờ tối anh mới đem cơm vào vì đâu đó ngoài bệnh viện cũng có người cần anh giúp.

– Sao không nghe điện thoại? Người ta gọi hối chứ gì? Thôi, anh về đi!

– Em à… hay là tối nay cho anh… – Anh ngập ngừng.

Chị dứt khoát: “Anh về đi. Bo ngủ rồi. Cảm ơn anh đã đến dự sinh nhật mẹ con tôi.” Anh vẫn chần chừ: “Cho anh thêm cơ hội…”

Chị đứng dậy, đẩy anh ra cửa, kiên quyết: “Về đi kẻo người ta đợi”. Chị chợt khựng lại vì nhận ra trong câu nói của mình có chút trách móc. Không, không nên trách móc làm gì nữa, đã dặn lòng bao nhiêu lần điều đó. Anh miễn cưỡng bước ra. Mắt anh dừng lại nơi hai bó hoa đặt cạnh nhau, làm như vô tình hỏi:

– Ai tặng hoa cho em vậy? Khánh hả?

– Ai tặng kệ tui, không liên quan gì đến anh. Anh về đi.

Cổng rào đóng lại, chị nhìn theo bóng anh xa dần, mắt ráo hoảnh. Người đàn ông ấy không làm chị rơi nước mắt được nữa. Bao nhiêu nước mắt sót lại chị đã trút lần cuối cũng ở cánh cổng này gần một năm trước, ngày anh dọn ra khỏi nhà đến sống cùng người khác, ngày họ chính thức chia tay, kết thúc cuộc hôn nhân mà người ngoài nhìn vào cứ ngỡ vô cùng hạnh phúc. Mười tám tuổi họ chung giảng đường đại học rồi yêu nhau. Ra trường, đi làm thêm bốn năm năm đợi chờ nhau, đã vượt qua bao nhiêu thử thách để ở bên nhau. Tưởng không có gì thay đổi được tình cảm của họ, vậy mà…

Đêm. Trằn trọc mãi không ngủ được, chị đến bên cửa sổ nhìn xuống vườn, tâm trí lan man vào vùng kí ức. Dặn lòng phải quên chuyện cũ, quên người đàn ông bạc bẽo ấy đi mà mãi chị vẫn chưa làm được. Anh nổi tiếng hào hoa từ thời đại học, bao nhiêu bóng hồng xẹt đến xẹt đi bên anh nhưng chị vẫn tin, vẫn yêu, vẫn chọn anh. Chị là phụ nữ, yêu ai rồi là hết lòng hết dạ. Về chung một mái nhà, chị lo vun vén tổ ấm của họ. Cha mẹ hai bên đều thương anh chị như con ruột. Bé Bo đến với cuộc đời, chị đã tưởng mình rất hạnh phúc. Cũng có khi vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, vì người đàn ông hào hiệp của chị lại rất vô tâm vô tư với vợ. Người ngoài khen anh hết lời: tốt bụng, phóng khoáng, gần gũi… Còn vợ thì thở ngắn than dài vì sự hời hợt của chồng. Việc nhà: của vợ, chăm con: của vợ, vợ mệt mỏi than thở thì ừ hử rồi lại vội vàng đi giúp ai đó bên ngoài. Buồn nhưng xung quanh cũng có biết bao ông chồng vô tâm như vậy, thôi lại đành tự an ủi: đàn ông mà! Cái ngày anh “bỏ đói” chị trong bệnh viện, tuy có giận nhưng chị chẳng mảy may ngờ vực. Tiếp đó là những tháng ngày chị ở cữ, chăm con nhỏ. Anh đi trễ về sớm, tuy có buồn nhưng chị cũng chẳng nghi ngờ. Vì chị tin vào tình yêu của hai vợ chồng. Thời gian nghỉ hậu sản, chị đầu bù tóc rối quẩn quanh trong nhà. Có lúc nhìn bóng bà nội trợ lôi thôi trong gương chị thầm hỏi người ấy và cô gái trong “chùm tứ mỹ nhơn” của lớp đại học ngày xưa có chút liên hệ gì với nhau hay không? Rồi tự hứa sẽ “tân trang” lại nhan sắc khi con cứng cáp, kinh tế khá giả hơn một chút. Cả ở thời điểm đó chị cũng không sợ mất chồng, vì nghĩ mình đã hi sinh cho gia đình nhiều quá. Rõ ràng là chị đã lầm. Đàn ông yêu bằng mắt là một chân lý sao đàn bà có thể quên? Cho đến khi có người thương báo cho chị biết thấy anh tình tứ cùng một cô gái khác, chị âm thầm theo dõi và phát hiện sự thật phũ phàng: Anh có người khác! Cả một trời đổ vỡ. Chị tưởng cạn nước mắt lần đó. Không thể chấp nhận, không thể tin vào những gì mình thấy, mình nghe, mình biết, chỉ mong đó là một cơn ác mộng. Nỗi đau của người vợ bị phản bội chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu hết. Chị muốn ly hôn. Anh năn nỉ, hứa hẹn, thề thốt đủ thứ. Rằng đó chỉ là một phút yếu lòng, rằng đó chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn, rằng anh đâu dại dột đánh đổi gia đình êm ấm, vợ đẹp con ngoan với một người chỉ thoáng qua trong phút bồng bột… Cha mẹ hai bên cũng ra sức khuyên can, vun đắp cho cuộc hôn nhân sắp đổ vỡ. Mẹ chồng khuyên: “Nhân vô thập toàn, con tha cho thằng Khiêm một lần lầm lỡ, con thương mẹ, thương bé Bo nghe con!”. Mẹ ruột khuyên: “Đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại. Con rộng lòng, chịu thiệt một chút để Bo có đầy đủ mẹ cha, Bo nó còn nhỏ lắm”. Bao nhiêu người thân thiết cũng chỉ cho chị thấy gia đình nào cũng có vấn đề, không này thì nọ, cái người ta trưng ra cho người đời trầm trồ chưa hẳn đã là sự thật. Ở đâu cũng có góc khuất, có khiếm khuyết, vấn đề là người trong cuộc bỏ qua cho nhau, biết bao người đàn bà giữ nước mắt riêng mình để giữ nụ cười cho con trẻ và cho nhiều người khác…

Sau rất nhiều suy nghĩ đắn đo, dù niềm tin bị đổ vỡ, dù sự kiêu hãnh bị tổn thương nhưng chị đã tha thứ cho chồng. Có vì cha mẹ hai bên, có vì con thơ, có vì sợ thiên hạ cười chê, có cả một phần vì còn thương chồng. Lần ấy Bo được bốn tháng tuổi. Chồng chuộc lỗi bằng cách bớt đi sớm về trễ, bớt đi công tác qua đêm, biết quan tâm vợ hơn một chút. Trong mắt xóm làng, anh vẫn là người chồng mẫu mực. Chuyện xưa dần cũ đi theo năm tháng thì chuyện mới lại xảy ra. Năm đó Bo được bốn tuổi. Nàng năm cũ là một cô ất ơ nào đó mà anh quen khi hoạt động phong trào. Nàng lần này là một người quen cũ. Đó là Kiều, một trong bốn “tứ mỹ nhơn” của lớp năm xưa.

Người quen cũ từng chơi khá thân với anh thời đại học. Thân, hợp gu quán xá nhưng họ không chọn làm người yêu của nhau. Kiều có những giấc mơ cao hơn, xa hơn nên không chọn một anh chàng sinh viên miệng còn hôi sữa. Anh thích một người vợ biết lui về sau chăm sóc cho chồng con. Họ vẫn khá thân khi ra trường làm việc ở hai cơ quan gần nhau, có liên hệ qua lại trong công việc. Chị đã chủ quan không hề có ý đề phòng vì nghĩ họ ngay từ đầu đã không lựa chọn thứ vốn không thuộc về mình. Sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi, thất bại với người chồng đầy “tiềm lực”, Kiều ngày càng thăng tiến trong công việc. Giỏi, đẹp, sắc sảo, xung quanh là bao người đưa đón, Kiều vẫn không thèm đi bước nữa. Bạn cũ cứ ở vậy, trên đỉnh cao sự nghiệp, nổi bật trong các bữa tiệc, kiêu hãnh trước mắt đàn ông, lộng lẫy trong mắt đàn bà. Để đám bạn nữ cùng thời khi giận chồng sẽ ca thán: Sống như Kiều vẫn sướng hơn! Chị từng vừa ngưỡng mộ bạn, lại vừa thấy bạn thật cô đơn. Người đưa kẻ đón nhưng rốt cục về nhà cũng thui thủi một bóng. Phụ nữ đến một độ tuổi nào đó cần có mái ấm để về, cần một đứa trẻ để yêu thương. Trong những người đàn ông săn đón nhan sắc lúc mặn mà sẽ còn được bao nhiêu người mặn mà khi hương sắc ấy tàn phai?

Và có lẽ Kiều nghĩ đã đến lúc cần một điểm tựa. Người bạn khá thân của Kiều không còn là anh sinh viên quèn nữa mà đã có một địa vị kha khá. Người bạn tốt bụng ấy sẵn sàng có mặt lúc cô cần: Khi Kiều tranh chấp với hàng xóm, khi Kiều cần xem lại hệ thống điện, khi Kiều phải nhập viện vì đau bao tử… Bạn lại có một cô vợ ngốc nghếch! Cô vợ ấy chỉ biết nấu cho chồng những bữa ăn nho nhỏ quanh quẩn trong góc nhà và ngồi vào bàn ăn khi tóc còn ám mùi khói bếp. Cô vợ ấy không biết đôi khi chồng mình thích sánh vai với người đẹp tóc vươn hương nước hoa xịn, thời trang sành điệu dùng bữa trong nhà hàng sang trọng. Cô vợ ấy sẵn sàng để chồng đi giúp lúc bạn cần, không biết nguyên nhân chồng “bỏ đói” mình sau ba ngày vượt cạn thập tử nhất sinh vì phải giúp đưa bạn khá thân nhập viện vì đau bao tử…

Khi phát hiện mình bị lừa dối lần thứ hai, chị không bất ngờ đến độ không tin được như lần đầu. Nhưng đau khổ thì tăng lên gấp bội. Lòng tin vỡ vụn hoàn toàn. Trái tim tan nát. Tình yêu không cách gì cứu vãn. Cũng như lần trước, chị khóc, chị đau đớn nhưng chị không gào thét, không đánh ghen om sòm. Xấu chàng hổ thiếp, gào thét, la hét rồi có giải quyết được gì đâu hay chỉ làm mình thêm thảm hại? Dù sao cũng phải giữ thể diện cho người, giữ tự trọng cho mình. Chị dứt khoát chia tay. Anh lại xin cho mình thêm một cơ hội hàn gắn. Nhưng chút kiêu hãnh đàn bà còn sót lại không cho phép chị tha thứ. Hai bên cha mẹ tôn trọng quyết định của chị. Với kẻ thứ ba, chị cũng chẳng thèm giáp mặt. Chị không tin họ sẽ hạnh phúc khi đến với nhau. Một người quen được phục vụ, một người không quen phục vụ người khác. Anh đã phụ người dành cả thanh xuân cho anh, gắn bó, đồng hành từ thuở anh còn là chàng sinh viên hàn vi ngơ ngác với đời, cùng vượt qua khó khăn xây dựng sự nghiệp, gầy dựng cho anh một mái ấm. Vậy mà hết lần này đến lần khác anh phản bội. Suy cho cùng đó là một người ích kỉ trong tình cảm, chỉ biết nghĩ đến cảm xúc bản thân. Anh vừa muốn có một gia đình êm ấm với một người vợ biết hi sinh, một đứa con ngoan, lại vừa không từ chối niềm vui đến từ những rung động bên ngoài. Người đàn ông ấy có thể nào đem đến bình yên cho người khác?

Đến bây giờ, chị chỉ tự trách bản thân vẫn chưa buông bỏ được tình cảm với người. Phụ nữ luôn nặng tình hơn đàn ông thì phải? Ngày anh chính thức rời khỏi nhà đến sống cùng người ấy, chị đã khóc cạn nước mắt, lần cuối cho mối tình đầu – cho thanh xuân đã mất – cho con trai – cho mái ấm đã không còn. Bo còn quá nhỏ để hiểu chuyện đang xảy ra, bé chỉ biết ba phải đi công tác thường xuyên hơn, lâu lâu mới có thể về thăm nhà, chở bé đi chơi…

– Mẹ ơi! Con khát nước!

Tiếng con trai kéo chị khỏi dòng hồi tưởng. Rời khỏi cửa sổ, đến bên con, chị giật mình vì thân nhiệt bé hơi cao. Chị pha nước lau người cho Bo. Việc chăm con một mình như thế này chị đã quen, ngay cả khi họ còn ở chung một mái nhà. Lúc thì anh ngủ say chị không nỡ gọi, lúc thì anh bận rộn đâu đó. Buồn tủi, trách hờn chỉ làm mình thêm yếu đuối, từ lúc nào đó không rõ chị đã thôi trông chờ vào sự chia sẻ của chồng.

Khuya. Chiếc taxi dừng trước cổng nhà. Chị luống cuống bế con lên xe. Giọng tài xế lạnh lùng: “Đi đâu?” “Làm ơn cho tôi đến bệnh viện SN”. Bo sốt, nóng hổi, nằm thiêm thiếp trên tay mẹ. Chị lo lắng, hết nhấp nhổm nhìn đường lại thì thầm: “Bo ơi, cố gắng lên nha con. Con không sao hết. Con là nguồn sống của mẹ đó nghen con!”. Phải, bây giờ nguồn sống, niềm vui của chị là ở đây. Con trai là động lực để chị mạnh mẽ sống, mạnh mẽ bước tiếp… Đường khuya vắng lạnh người. Trên kính xe, gương mặt tài xế lạnh như băng, không chút biểu cảm. Chị hơi sợ khi nhớ đến những vụ án đăng đầy trên báo mạng. Chị muốn gọi cho ai đó để thấy mẹ con mình không cô đơn. Nhưng gọi cho ai đây? Gọi giờ này chỉ làm mẹ lo. Mẹ đã già, đã vất vả nhiều rồi. Gọi em trai? Em trai mai phải đi làm, em dâu lại vừa sinh em bé. Bạn bè lúc này cũng bận con bận chồng, khuya lắc khuya lơ thế này e là không tiện. Gọi cho ba Bo? Không! Giờ này anh ta cũng đang say ngủ bên người khác. Chị không cần, không để ai phải thương hại mẹ con mình. Chị không cho anh ta thêm bất cứ cơ hội nào để trở về. Đâu ai vấp ngã hoài một chỗ.

Cuối cùng cũng đến bệnh viện. “Hai trăm ngàn!” giọng tài xế cộc lốc, mặt vẫn lạnh băng. Thật khó hiểu khi người ta có thể tiết kiệm với đồng loại một nụ cười, một sự cảm thông? Chị ẵm con đi nhanh về phía phòng cấp cứu.

– Ủa, Lan, bé bị sao vậy?

Một thoáng bất ngờ khi gặp người quen, chị trả lời nhanh:“Bé bị sốt cao, đã làm nhiều cách hạ sốt mà không giảm” – Đưa bé cho anh!

Người quen giành lấy Bo từ tay chị, bế thẳng vào phòng cấp cứu, đặt lên giường bệnh. Thăm khám bước đầu, dặn chị: “Em cứ ngồi đó với bé!” rồi anh ta vội đi gọi bác sĩ, làm thủ tục. Bo được kiểm tra, lấy mẫu máu, cho thuốc. Nhìn con mà lòng chị xót xa muốn khóc. Suốt đêm chị túc trực bên con. Người quen bận rộn với công việc ở phòng cấp cứu vẫn không quên thỉnh thoảng ghé chỗ mẹ con chị xem bé ổn chưa, mẹ bé có cần giúp đỡ gì không.

Gần sáng, bé Bo đã tạm ổn. Nỗi lo lắng phần nào vơi đi. Mệt mỏi, chị nắm lấy bàn tay bé nhỏ của con trai, gục đầu lên mái tóc tơ của chàng để được tiếp thêm sức mạnh. Lúc ấy, một bàn tay đặt nhẹ lên vai chị, giọng người quen vang lên:

– Em có sao không? Uống tí nước cho đỡ mệt đi em.

Đón ly nước, chị cảm kích: “Cảm ơn anh Khánh đã giúp đỡ!”

– Có gì đâu em! Công việc của anh mà. Em có cần thì cứ gọi. Sáng anh hết ca trực nhưng anh sẽ có mặt lúc em cần!

– Khánh ơi! Qua đây phụ một chút!

Một đồng nghiệp gọi Khánh Anh đi nhưng vẫn kịp dặn với: “Sáng anh mua đồ ăn cho hai mẹ con em nhé?”

Chị nhìn theo anh, thầm nghĩ: “Không, Khánh à, mẹ con Lan sẽ không làm phiền, không nhờ vả Khánh hay người đàn ông nào khác. Mười mấy năm trước Lan đã không chọn Khánh thì bây giờ càng không”. Nếu tính ở mức độ quen biết thì thời gian chị biết Khánh còn lâu hơn thời gian biết chồng chị. Khánh là bạn học từ thời phổ thông của chị. Suốt ba năm cấp ba, suốt quãng thời gian chị học đại học, kể cả khi chị sắp làm đám cưới, Khánh vẫn kiên trì theo đuổi, mong chị chấp nhận tình cảm của anh. Cuộc đời thật may mắn khi được ai đó yêu thương. Chị cảm ơn Khánh vì tình cảm đã dành cho mình, nhưng chỉ coi anh là bạn. Ban đầu chị thấy sợ khi Khánh theo đuổi, về sau lại thấy tội nghiệp Khánh nhưng không thể có chút rung động thương yêu nào. Mãi đến khi chị sinh con, Khánh mới lấy vợ. Không chắc là vì mình, nhưng chị vẫn thấy có lỗi vì sự muộn màng hôn nhân của anh. Cũng không chắc là vì chị, nhưng Khánh vừa ly hôn vợ gần nửa năm nay. Và từ lúc ly hôn vợ, Khánh lại ra mặt theo đuổi chị. Dù rất trân trọng nhưng chị vẫn không thể nào đáp lại. Trong sâu thẳm lòng mình, chị chưa thể hết yêu chồng, vẫn không thể rung động trước người khác. Một phần, có lẽ chị vẫn chưa thể quên những tổn thương mà đàn ông gây ra cho mình, lòng tin vào tình yêu đã không còn. Tận cùng của tổn thương, người phụ nữ sẽ trở nên mạnh mẽ. Chuyện tương lai không thể nói trước, nhưng ở thời điểm này chị không cần người đàn ông nào đồng hành. Chị đã có chàng trai thiên thần bên cạnh. Mẹ con chị sẽ đi cùng nhau trên con đường tít tắp dù không có bóng mát cây tùng cây bách. Chị sẽ thay người cha che mát đời con bằng tất cả khả năng của mình. Tuy không thể làm tốt tất cả mọi việc trong cuộc đời nhưng phụ nữ vẫn sẽ sống tốt khi không có đàn ông!

Trời hửng sáng. Lúc này chị đã có thể gọi cho người giúp mình thêm phần sức mạnh. Dù có bất cứ điều gì xảy ra, dù chị có như thế nào đi nữa, người ấy vẫn luôn sẵn sàng là điểm tựa cho chị giữa cuộc đời. Chuông reo, đầu dây bên kia một giọng nói ấm áp cất lên:

-Mẹ nghe đây con gái…

Tác giả Nguyễn Ngọc Đào Uyên
(Minh họa: Vương Lê)