Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào

Tiếng còi tu huýt của Trung đội trưởng Trọng rạch một nét sắc và đậm vào sự yên tĩnh của đêm Tân Lập về sáng kèm theo tiếng khào khàn quen thuộc:

– Dậy, dậy các đồng chí chiến sĩ ới ời ơi, chuẩn bị tập hợp! Dậy, dậy, dậy!

My choàng tỉnh. Hình như là My đang mơ. Giấc mơ có một không gian thật quen, có mặt hồ nước xanh một màu lá cây rất ảo ở hồ Tà Pạ, có những vách đá được đẽo gọt thành những phông nền thật hùng vĩ mà rất lãng mạn.

Và giấc mơ đó có Lâm. Lâm đang đến gần My để nghe My định nói một điều thật quan trọng mà cũng thật đặc biệt. Và dù đang là giấc mơ nhưng My vẫn cảm nhận rất rõ đôi mắt Lâm với hàng mi dày ướt rượt, cái đồng tiền bên má trái làm nụ cười Lâm bừng sáng.

My thức dậy mà cứ ngẩn ngơ. Ông Trọng này thật là chọn đúng lúc để đánh thức đồng đội. Nghĩ vậy nhưng cũng như một thói quen tốt đã học được từ gần một tháng nay, My bấm màn hình điện thoại xem giờ và bật dậy thật nhanh để bắt đầu chuẩn bị cho kịp với mọi người.

Sáng nay cả trung đội tình nguyện Tân Lập sẽ có một ngày hội quân hứa hẹn thật xôm tụ trên núi Cấm trước khi chia tay với điểm đóng quân và trở về trường. Mấy chiến sĩ tình nguyện tụi My sau hơn 20 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng lăn lộn đổ mồ hôi sôi nước mắt với chiến dịch Mùa hè xanh… sẽ trở lại làm sinh viên ngày hai buổi ở giảng đường như trước.

Mọi người cố không nghĩ tới ngày mai để một lần cháy hết mình với ngày hội quân hôm nay. Cả bọn sẽ chinh phục đỉnh núi Cấm, tất nhiên không phải bằng cáp treo mà sẽ thân hành lội suối trèo đèo, dốc cao núi thẳm để thử thách bản thân và cũng là lần hội ngộ của cả trung đội Tân Lập trước thời khắc chia tay.

Nói là chia tay nhưng thực ra cả bọn đều là sinh viên chung một trường. Có điều tụi My, đến từ nhiều khóa, nhiều ngành học khác nhau. Như My là sinh viên Ngữ văn năm thứ nhất lần đầu trải nghiệm chiến dịch. Nhưng Lâm lại đến từ Khoa Kinh tế. Ông Trọng, Trung đội trưởng già làng – chuyên gia đi lùa quân và hối thúc mọi người sinh hoạt đúng giờ, tới từ năm thứ ba, Khoa Nông nghiệp. Rồi mấy bạn còn lại cũng từ các khóa năm nhất, năm hai… của các Khoa khác trong trường.

Ừ, bữa nay team Tân Lập đi dã ngoại, leo núi cùng nhau cho đã một ngày cuối cùng vui vẻ hết mình. Mai mốt về trường rồi, có khi năm thì mười thuở mới gặp lại nhau. Kiểu như ngẫu hứng cuối tuần, hay dịp sinh nhật một “chiến sĩ tình nguyện” nào đó trong Mùa hè xanh đã cũ. Mà thường cũng sẽ không đủ mặt bởi đứa thì bận học, đứa kẹt làm thêm, đứa lại tranh thủ về quê…

Chẳng mấy chốc, cả Trung đội Tân Lập đã tập hợp đông đủ, các chiến sĩ tình nguyện, với thói quen được rèn luyện suốt thời gian qua, ai cũng nai nịt gọn gàng trong tư thế sẵn sàng. Chú Năm, nhà gần Ủy ban xã, mượn ở đâu đưa đến cho tụi My hai chiếc xe ngựa rất là hoành tráng.

– Chú Năm ơi, tụi con tuổi trẻ, sức khỏe đầy mình, chú để tụi con “hành quân” lội bộ tới chân núi Cấm để trải nghiệm được rồi, không cần phải thuê mướn xe ngựa chi đâu chú! – Tiếng của Trung đội trưởng

Cũng may là chú Năm gạt phắt đi:

– Tụi mày ngon lắm, tao biết. Nhưng để cho mấy đứa con gái còn dưỡng sức để leo lên núi sớm. Chứ cả bầy cà rịch cà tang tà tà tới chân núi thì mặt trời lên tới đỉnh đầu, lúc đó quay về luôn cho lành.

– Dễ gì chú ơi! – Cả bọn cười và đồng thanh hô to – “Sinh viên An Giang. Ở dân thương. Làm dân tin. Đi dân nhớ. Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm. Không có việc gì khó, chỉ sợ mình không làm”.

Cả trung đội hô vang: “Không làm, không làm, không làm”. Rồi xô nhau cười. Nói vậy thôi, chứ có xe ngựa của chú Năm, tụi My mừng hết lớn. Ngay cả ông Trọng cũng vậy, nói thì hay nhưng lại là người leo lên xe trước hơn ai hết. Cả bọn cũng lục tục kéo lên ngồi xếp hàng ngay ngắn. Chú xà ích giật cương, Trung đội trưởng hô to:

– Nào, lên đường thôi – Tụi My vỗ tay reo lên – Ố dè. Vòng quay xe ngựa bắt đầu lăn bánh.

Lâm ngồi đối diện với My. Hơn 20 ngày qua, chưa bao giờ mà My cảm giác gần với Lâm như vậy, như thể My chỉ cần đưa tay ra phía trước là sẽ chạm được vào gương mặt Lâm, chạm vào chỗ râu mép lún phún mà My nghĩ đầu ngón tay mình sẽ cảm nhận được cả độ nham nhám nhưng êm ái đầy mời gọi đó. Và đang lan man với cái suy nghĩ ngộ nghĩnh kia thì trời mưa cái ào.

Một cơn mưa rào thôi mà. Khi trời ưng ửng sáng, My đã cảm nhận những làn gió chở đầy hơi nước thổi về từ phía Tây. Những đám mây lộ ra hình hài xám xịt khi trời sáng rõ hơn.

Cả bọn líu ríu ngả đầu vào phía người đối diện để tránh mưa tạt vào từ phía sau lưng của chiếc xe ngựa trống lốc cả hai bên hông. Xe ngựa mà thong dong trong tiết trời xuân ấm, hành khách sẽ hứng trọn gió núi hòa với gió đồng mát rượi. Nhưng trời mưa thì khác. Ướt và lạnh. Ai đó tung ra những chiếc áo mưa cánh dơi để che chắn lẫn nhau. May mà cơn mưa rào rất ngắn.

Những ngày hè xanh Tân Lập, những cơn mưa như thế này không hiếm. Sau một mùa khô đến cháy da, những cơn mưa hạ tưới tắm làm nên những vạt xanh của cỏ, của lúa, của màu lá cây thốt nốt, trải dài đến triền núi và lan rộng cả lên trên. Mùi mưa mát dịu đã quen thuộc đến mức My như hòa tan vào đó và hít thở từng khoảng không gian dịu dàng mà My biết là đâu đó cạnh mình, có một chàng trai mà My cứ hay tìm gặp trong những giấc mơ. Kể cả khi tỉnh giấc, chỉ cần ghé đầu sang phòng tập thể sát vách là My có thể nhìn thấy bằng xương bằng thịt. Nhất là những lúc cả Trung đội tham gia vào các công việc như sửa chữa cầu, đắp lề đường lộ, dọn dẹp vệ sinh phát hoang… hay mở lớp ôn tập hè, dạy tiếng Anh, Tin học và một số kỹ năng sống cần thiết cho bọn trẻ con dễ thương đầu trần chân đất ở đây… Khi ấy, My cảm nhận Lâm còn rõ nét hơn.

Buồn cười là những công việc mà khi ở nhà với mẹ, hay rời xuống Long Xuyên học, My chưa bao giờ làm, thì bây giờ, My lại thấy vui, thấy thích. Có phải vì mỗi thời khắc dấn thân làm chiến sĩ tình nguyện như thế này, My đều biết rất rõ là có một “đồng chí” đặc biệt với mình lắm, đang ở rất gần mình?

Mưa đến nhanh và đi cũng rất nhanh đúng kiểu mưa rào. Mấy bạn lúc nãy than thở kiểu như: Trời ơi, đi mà không coi ngày, mưa kiểu này trơn trợt nguy hiểm làm sao mà leo núi; hay là tụi mình đi cáp treo… thì bây giờ thở phào, hân hoan cho buổi hội quân đặc biệt này. Trọng nói: Mưa rào như vầy đủ mát rồi, đừng mưa dầm là được hé ông Trời!

My thì nghĩ, mưa gì rồi cũng tạnh. Sáng sớm, mưa rào như vầy leo núi mới vui và đúng chất thơ. Đường núi trơn trợt, biết đâu là cơ hội để có người sẽ nắm chặt tay mình? Ngày hội quân này cũng là cơ hội cuối cùng cho My nói điều mà bao lần My định nói mà chưa nói được. Mà có gì kỳ cục khác thường không ta? Ừ thì My là con gái, ai không biết điều đó. Nhưng con gái thì đã sao? Cái kiểu quan niệm cọc không nên lò dò đi tìm trâu đã xưa như Trái Đất rồi. My không phải là kiểu con gái đó. Bao lần trong hơn 20 ngày qua, gặp gỡ, đồng hành cùng Lâm trong chiến dịch, cùng đồng cam cộng khổ, từ những buổi cả trung đội tắm chung dưới cơn mưa rào mát mẽ ở một địa bàn luôn thiếu nước, đến khi quây quần ăn cùng một nồi cơm ba lớp – khét, sống và nhão thường trực của những bữa ăn chỉ trên dưới hai chục ngàn đồng cho cả bọn… My đã bỏ qua không biết bao nhiêu cơ hội rồi. Tín hiệu từ My phát ra đã nhiều nhưng My chưa nhận lại được từ đối phương một biểu hiện nào đặc biệt. Lâm đối xử với My không khác một chút nào với Ly, với Phụng, và những cô bạn “đồng chí” khác.

Nhưng hôm nay, trong cái không khí rất là khó tả của một cơn mưa rào đầu ngày xứ núi đã trở nên quen thuộc này, My sẽ có một bầu không gian lý tưởng cho một lời tỏ tình mùa hạ. My sẽ vững chân yên bụng hơn khi có bàn tay Lâm dìu mình leo núi bằng con đường mà cư dân xứ này ngày ngày gánh hàng lên xuống, để nếu Lâm vẫn im lặng thì My sẽ nói với Lâm những lời mà My đã nói bao lần trong giấc mơ của mình. Những lời thật quan trọng mà cũng thật đặc biệt với My. Và dù đang là giấc mơ nhưng My vẫn sẽ cảm nhận rất rõ đôi mắt Lâm với hàng mi dày ướt rượt, lúm đồng tiền của nụ cười bừng sáng.

Quyết định không đi cáp treo của Trung đội trưởng Trọng thiệt là sáng suốt. My hình dung, trong cái lồng kính ngồi cùng với một lũ bạn nghịch như quỷ sứ, dù phía bên ngoài, núi Cấm trong sương có lãng đãng mơ màng đến cỡ nào, My mà cất lời dành riêng cho Lâm, chắc chắn sẽ hóa thành những câu ngôn tình sến sẩm làm cả đám cười rú lên chế giễu. Kiểu như: Lâm ơi, cảm ơn cậu đã đi cùng tớ, cảm ơn cơn mưa rào mùa hè này như dành riêng chúng mình, Lâm hãy nắm chặt tay My và đừng buông rời nhau nhé…

My sợ sau khi chiến dịch chấm hết, tụi My về trường học tiếp. Nghĩ tới cái cảnh học sáng học chiều ở dãy khoa Sư phạm, có khi My phải khổ sở tranh thủ tối ngày lên canh rình cái thời khóa biểu bên Khoa Kinh tế của Lâm để xem ngày đó, buổi đó, tiết học đó, Lâm đang ngồi ở phòng học nào của cái trường rộng thênh thang này, cũng đủ buồn.

Mới nghĩ tới bây nhiêu thôi mà thấy xa cách quá chừng. Chả bù gần một tháng qua, ở điểm đóng quân tại trường Tiểu học Tân Lập, hai phòng ở sát vách, chỉ cần lấp ló ngoài cửa là ngay lập tức mấy bạn nam sẽ nhốn nháo lên, rồi đùn đẩy hết người này tới người kia ra tiếp khách. Có khi My nghe, “thủ môn” Văn Lâm đâu rồi, có fan nữ hâm mộ xin chữ ký kìa, mà nóng bừng cả tai. Và nhiều lần tim My đập thình thịch như tiếng trống cúng đình khi thoáng thấy Lâm tròng vội cái áo thun trắng ôm gọn khuôn ngực vạm vỡ. Mấy lần gặp nhau cũng chỉ là những câu hỏi vu vơ hay chỉ để dúi vào tay Lâm một quả mãng cầu ta vừa chín. Lúc đó gặp Lâm dễ ợt như bấm màn hình điện thoại lên là thấy ngay hình nền là Lâm đang nhoẻn miệng cười lúm đồng tiền mà My lén chụp hôm sinh hoạt trò chơi với bọn trẻ con ở trường Tiểu học.

Hôm nay là ngày hội quân cuối cùng rồi. Vậy mà ngày trôi nhanh như trêu ngươi. Cả bọn tập kết ở chân núi. Trung đội trưởng dẫn đầu và cả bọn nối đuôi nhau. Lâm mang vác theo rất nhiều đồ đạc cho cả team mà lúc nào cũng vượt lên phía trước. My dù rất cố gắng, nhưng hầu như đều rớt lại phía sau. Lên điện Bồ Hong, rồi chùa Phật Lớn, dừng chân ăn nghỉ và sinh hoạt tập thể ở khoảng sân mát rượi sau chùa Vạn Linh, hầu như không có bất cứ một tình huống nào ủng hộ My. Bạn bè trong trung đội gắn bó với nhau cả tháng ròng, dù có không ít lúc giận hờn nhưng ai cũng đáng yêu, đáng mến. My vừa muốn hòa vào đồng đội vui hết mình ngày cuối cùng – và My đã làm rất tốt; lại vừa muốn mọi người biến đi đâu đó, kéo đi tắm suối chẳng hạn, để My và Lâm sẽ nắm tay nhau xuống dạo hồ Tuyền Lâm, nói những câu trên trời dưới đất, kiểu như: Ủa, sao hồ này tên là Tuyền Lâm mà không là My Lâm vậy ta? Rồi cả hai bật cười, rồi My sẽ nói điều mà bao lần ngay cả trong mơ My định nói mà chưa kịp nói đã bị đánh thức…

Có vẻ như nỗi bồn chồn của My không qua mắt được Lâm. Ngày hôm đó, dường như không có một cơ hội nào cho đến đêm khuya, khi cả bọn quyết định tổ chức “Tiếng hát đêm không ngủ” bên một đống lửa nhỏ sưởi ấm khi sương núi làm khí trời Thiên Cấm Sơn lành lạnh như đêm Đà Lạt. Sau lời giới thiệu dành tặng riêng cho một bạn nam đặc biệt trong Trung đội, mặc kệ tiếng hú hét chọc ghẹo của mọi người, My cất giọng bản hit của ca sĩ Hương Tràm, Cho em gần anh thêm chút nữa, với những ca từ thiết tha mà khi hát, mắt cứ cố tình hướng về phía chàng trai có đôi mắt với đôi mi dày ướt rượt và nụ cười lúm đồng tiền bừng sáng.

Một chút ít hơi ấm,

Một chút thương âm thầm

Một chút yêu thôi nằm sâu như sóng ngầm…

Và điều kỳ diệu đã đến. Trong một khoảnh khắc hầu như không ai bắt gặp, Lâm dúi vào tay My một bức thư còn ấm. Một tình huống bất ngờ làm My trong khoảnh khắc cảm thấy ngạt thở vì hạnh phúc.

My mong trời mau sáng, và trời đã sáng. My mong cả đoàn mau lên đường trở về, và cả Trung đội đã trở về. My mong cuộc chia tay với anh chị em xã đoàn địa phương và bầy trẻ đa phần là người Khmer, những học trò đầu tiên của My sớm xảy ra; và buổi chia tay đầy bùi ngùi và xúc động đã đến với đủ cả nước mắt, nụ cười.

My cố không đọc bức thư đó của Lâm mà để dành cảm giác đó cho đến khi trở về trường, về nhà trọ. Và khi thật sự nghĩ mình đã đủ sự hân hoan để đón nhận tình cảm bất ngờ của Lâm chắc chắn thể hiện trong bức thư dành cho mình, thì My bắt đầu run run mở bức thư ra.

Thật bất ngờ, bức thư là một tờ giấy còn thênh thang trống, chỉ vỏn vẹn một dòng chữ của Lâm nhẹ nhàng vắt ngang qua.

My ơi, cho mình xin lỗi… Mình chỉ thích con trai.

Tác giả Trần Tùng Chinh
(Minh họa: Quang Vinh)