Chốn quay về

Tin Đỗ Quân gác bút, lui về ẩn cư ở một vùng quê hẻo lánh đã làm cả giới văn nghệ bàng hoàng. Tuổi đời mới tròn trèm năm mươi. Từ năm năm trở lại đây, anh như ngọn đèn vừa được khêu bấc, vụt lóe sáng lên. Năm năm, anh giật được ba giải truyện ngắn mà lại toàn là giải nhất. Hai giải thơ, một nhất, một nhì. Tên tuổi và hình ảnh của anh đi kèm những phóng sự, những bài ghi nhanh nổi đều trên các báo. Cuộc đời văn nghệ không biết có phải là nghiệp dĩ hay không mà có người ngồi viết quanh năm suốt tháng, đũng quần thì rách, mặt ghế thì mòn mà cả năm quanh đi quẩn lại chỉ đăng được vài bài với số nhuận bút chưa đủ uống cà phê, vậy mà họ vẫn viết. Còn anh, ba truyện ngắn đoạt giải đã được chuyển thể thành phim. Hay dở còn chưa biết, anh đã nằng nặng túi với ba chục triệu chào hàng. Anh sống độc thân mà không vui tính. Tính anh trầm lặng, lúc nào cũng như có một nỗi niềm. Người không biết thì cho là anh “màu mè” cho ra dáng nhà văn, “lập dị” cho “không đụng hàng”. Sự thật, chỉ có tôi – người bạn đã lớn lên cùng anh ở xóm lao động nghèo, quanh năm phải ngửi đủ mùi hôi thúi nồng nặc từ những đường cống bể của mấy căn nhà lầu ngoài mặt tiền mà mấy mùa mưa, là cả một ao tù ghê gớm – mới hiểu được anh. Tuổi thơ anh là những tháng ngày cơ cực. Ba chạy xe lôi đạp, má giúp việc cho những nhà giàu gần đó. Suốt thời tiểu học, bốn anh em của anh (anh là anh cả) ít khi lành lặn. Quần áo chỉ sắm một lần cho đứa con lớn nhất là anh, rồi chuyển dần cho đứa kế. Cũng may, cả bốn đứa đều là con trai. Thằng Toàn là em út, có lần đã mếu máo: “Em mà biết vậy, hồi đó, “đầu thai”  làm anh để đừng mặc đồ cũ”. Nó nói xong, ngồi khóc ngon lành. Lần đó, bác Năm, ba anh đã xách xe ráng chạy trong lúc đang nằm bịnh vì không đành lòng nghe con than như vậy. Buổi chiều, bác đem về hai bộ đồ mới tinh còn thơm mùi vải mới. Thằng Tín và thằng Toàn, mỗi đứa một bộ. Đêm hôm đó, thằng Toàn đã mặc luôn đồ mới mà ngủ. Nó còn nói “có đánh chết con cũng không cởi ra!”. Còn bác Năm, hôm sau phải nhập viện vì bịnh đã trở nặng.

Anh vừa ngoi ngóp tới lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) thì bác trai đã mất. Thằng Toàn vừa vô đệ thất (lớp 6). Má anh chỉ con cái xác. Gương mặt bác vốn đã nhỏ nhắn nay lại thêm tiều tụy bơ phờ. Xóm lao động dư thưa tình nghĩa trong cảnh thiếu thốn về vật chất nên cảnh đám tang bác Năm cũng ấm cúng lắm. Mỗi người một chút, rốt cuộc, người chết vẫn mồ yên mả đẹp. Không thể nào đi học tiếp trong hoàn cảnh gia đình như vậy, anh xin vào làm công cho một cơ sở hàn tiện của một ông lớn và tránh được lệnh Tổng động viên lúc chiến tranh đến hồi ác liệt.

Rốt cuộc, nhờ sự hy sinh của anh và tấm lòng bao la chịu thương chịu khó vì con của bác gái mà cả ba đứa em: thằng Trung, thằng Tín, thằng Toàn đều xong trung học.

Sáu năm sau ngày giải phóng, đến lượt bác gái ra đi. Bốn đứa con chưa có đứa nào có vợ. Bác gái đau lòng vì chuyện này nên đến phút lâm chung vẫn thều thào với Quân: “Con phải lập gia đình để mấy đứa em bắt chước. Đừng để lớn tuổi quá không nên!”. Cả bốn đứa con trai quây quần bên mẹ. Tôi cũng chứng kiến cảnh đau lòng nầy mà không cầm được nước mắt. Năm ấy, Đỗ Quân đã gần ba mươi tuổi.

Rồi định mệnh dẫn dắt anh vào con đường thi phú. Cơ sở làm nghề của anh ngưng hoạt động vì chủ cơ sở vượt biên ra nước ngoài. Anh thất nghiệp, thằng Trung, thằng Tín đã xong Cao đẳng và đi dạy ở một vùng quê. Thằng Toàn tốt nghiệp xong phổ thông đã chán học. Nó xin một chân trong đội Thông tin lưu động của Ty Văn  hóa Thông tin. Quân vốn có năng khiếu cắt dán chữ đẹp từ thời đi học nên thường giúp Toàn kẻ biểu ngữ, cắt dán mọi thứ trong các buổi lễ. Dần dần, tạp chí văn nghệ của tỉnh cũng ra đời, Quân thử viết. Anh viết và được chọn đăng. Từ báo tỉnh đến báo khu vực. Tiền nhuận bút không bao nhiêu nhưng anh vui vì nó. Mối tình đầu của anh đến khi anh đã ba mươi ba tuổi. Hân là một giáo viên vùng xa, đọc thơ của anh rồi tìm đến làm quen. Lần đầu, Hân tìm đến Hội Văn nghệ. Cô muốn biết mặt người đã viết bao vần thơ làm cô rung động. Tuy anh ăn mặc quá xuề xòa (vì lúc này anh đang thất nghiệp và vẫn gánh vác mấy đứa em) nhưng nét mặt và phong cách cũng không đến nỗi nào. Hân chủ động:

– Em đọc thơ anh nhiều rồi, có nhiều đêm em không ngủ được. Cứ nằm mà tưởng tượng ra gương mặt anh và tưởng tượng lúc nầy chắc anh đang ngồi viết.

Đỗ Quân ngồi im lặng lắng nghe những lời vàng ngọc thốt ra từ miệng đẹp như hoa và đỏ hồng với son môi thật bóng. Anh nghe hồn mình như bay bổng tận đâu đâu. Anh đâu ngờ lại có một ngày trong đời, anh được cô gái đẹp bày tỏ tình cảm với mình như vậy. Anh lớn lên trong căn nhà ngoại trừ bà mẹ gầy đét như que củi là một đống đàn ông con trai. Anh chẳng có bạn gái. Cả quãng đời thanh niên, anh chỉ biết làm ra tiền giúp mẹ nuôi em. Bây giờ, ngồi trước mặt anh là một cô gái như vừa bước ra trong trái thị, anh bỗng thấy mình lúng túng vụng về làm sao.

Đêm đầu tiên gặp Hân anh đã không ngủ được. Ánh mắt, làn môi và giọng nói êm như gió thoảng của nàng đã tạo nguồn cảm hứng dạt dào cho anh. Anh ngồi bật dậy, thắp nến và ngồi viết đến tờ mờ sáng. Anh đã khám phá được lòng mình: anh đã yêu Hân.

***

Đã mấy lần gặp gỡ, Hân vẫn chưa biết nhà Quân. Hân vốn là một cô gái thuộc tầng lớp trung lưu nhưng vì là con gái duy nhất nên rất được cưng chiều. Hân cũng muốn thưa chuyện với ba mẹ mình, và chủ nhật này, cô sẽ đến nhà Quân. Quân đã hẹn gặp Hân ở quán kem đầu đường. Anh sợ Hân không tìm được nhà trong con hẻm quanh co như cái thước xếp của thợ. Trời đã đổ một cơn mưa. Hân ngồi nhìn những giọt mưa rơi đều ngoài trời và tiếng nhạc du dương ấm cúng mà nghe mình đang thật sự hạnh phúc. Đối diện với cô là người cô thầm thương trộm nhớ. Người đã viết những bài thơ thật hay thật đẹp. Anh bình dị quá! Nhưng có sao đâu…

Rốt cuộc rồi trời cũng dứt mưa. Quân gọi tính tiền rồi sánh bước cùng Hân. Hôm nay, Hân ăn mặc rất đẹp: quần jean trắng, áo màu đỏ thẫm. Cô đang mường tượng ra nhà Quân, chắc cũng dễ thương như thơ anh. Nhưng kìa, sao anh lại dắt cô xuống con hẻm ngập đầy rác rưởi thế nầy. Vừa xong một đám mưa to, rác thải đủ loại đã tha hồ từ đường lớn trôi theo nước mưa xuống con hẻm thấp của xóm nhà nghèo. Nước thì đen ngòm như được múc từ dưới cống lên. Hân chùng bước. Cái quần jean  trắng của cô đã lốm đốm mấy vệt bùn. Cô nhìn sâu vào trong hẻm, mấy đứa con nít đang cởi trần tắm mưa cười đùa vui vẻ. Có đứa còn nằm sấp xuống nước mà bơi. Nước văng tung toé vào mặt vào đầu mà chúng vẫn cười giòn như pháo tết. Cuối cùng, cô cũng ráng mà bước theo Quân. Quân đưa Hân vào một căn nhà lá ở cuối xóm. Trước nhà là một khoảng sân nhỏ chất đầy những đồ sắt cũ. Toàn mặt quần đùi, cởi trần đang lui cui sửa xích chiếc xe đạp. Thấy Hân, Toàn luống cuống chào rồi rút lui. Hân cảm thấy ngượng. Ở nhà cô, ba luôn mặt quần dài: pyzama ở  nhà và chỉnh tể quần áo lúc ra đường. Cô không quen nhìn đàn ông mặc quần đùi mà lại cởi trần nữa. Quân mời Hân vào nhà và kéo ghế. Bộ bàn ghế bằng cây tạp rẻ tiền mua từ lúc ba má còn sống, nay đã cũ. Một tủ sách cũng chẳng mới mẻ gì. Bàn thờ ba má đặt giữa nhà trên một cái tủ thấp. Hân kín đáo đưa mắt nhìn dò xét. Quân đã bỏ ra sau. Lát sau, anh xuất hiện với một bình trà và vài cái ly bằng gốm sứ loại rẻ tiền mà các quán ở chợ thường dùng. Hân nghe như có một cái gì đã hụt hẫng trong cô. Cô không chờ đợi một thực tế như vầy. Quân vẫn tự nhiên vì ít ra, anh cũng quen với cái nghèo từ nhỏ. Anh không hề thấy khó khăn khổ sở khi sống trong hoàn cảnh như vầy. Anh không hiểu tâm lý nữ giới, nhất là những cô gái thuộc tầng lớp của Hân. Anh rót nước và mời. Hân khéo léo từ chối nói đã uống ở quán nhiều rồi. Thật ra, cô không dám đặt môi vào cái chung trà nhìn có vẻ không được sạch sẽ lắm. Chuyện trò qua loa một lúc, Hân viện cớ còn một cái hẹn và xin được ra về. Quân đưa Hân ra tới đầu hẻm. Đám trẻ con tắm mưa lúc nãy đứng tụm năm, tụm ba nhìn Hân với vẻ dò xét. Một đứa trong bọn bỗng nói to: “Ê! Bồ của anh Quân tụi bây ơi!”. Nói xong, nó liền bỏ chạy. Quân bật cười còn Hân thì tái mặt.

Hân không tìm tới thăm Quân nữa. Cuối cùng, Quân nhận được tin Hân lập gia đình với một đồng nghiệp của cô. Mối tình đầu của cô giống như một tia chớp lóe lên trong một đêm mưa bão ngập trời và cũng để lại trong lòng anh một nỗi đau không gì sánh nổi.

***

Tôi vì công việc phải đi xa vài năm. Lúc trở về, cái xóm lao động nghèo đã có vài thay đổi. Nhiều căn nhà tường mọc lên chẳng hàng ngũ gì. Nhà lá đứng thế nào, nhà tường mọc lên thế ấy. Có nhiều căn còn không quét vôi. Những đốm xi măng nham nhở được trét vội vàng. Những nền nhà được nâng lên tùy theo hoàn cảnh của chủ nhà, cái cao, cái thấp. Ai cũng muốn nhà mình cao thêm một chút để đỡ bị ngập.

Tôi tìm đến nhà Quân, anh đang sửa lại hàng rào. Hỏi thăm mới biết thằng Trung đã cưới vợ rồi về sống chung bên vợ, thằng Tín thì hai tháng nữa đám cưới. Tôi nhìn anh mà ái ngại, gần bốn mươi tuổi rồi mà xem chừng anh chưa có suy nghĩ gì về một mái gia đình riêng cho mình. Hai đứa kéo nhau ra quán khô đầu xóm, tôi gọi mấy chai bia. Anh đã già đi nhiều, nét khắc khổ làm anh ra vẻ một nhà văn hơn. Tôi hỏi: “Bộ anh định sống như vầy hoài sao? Phải lo chuyện vợ con chớ!”. Anh cười buồn: “Bây giờ, người ta sống khác, tìm được người hợp với mình, khó lắm!”. Tôi hiểu anh, lòng anh vẫn còn ngán ngẫm chuyện cũ. Có lần, thằng Toàn nói với tôi: “Anh Hai không hiểu ý con gái. Tụi nó bây giờ đâu cần tình cảm, miễn là có nhà cao cửa rộng, có xe, có tiền rủng rỉnh trong túi. Làm gì có tình cảm, bà Hân mới vô thấy cảnh nghèo đã chạy mất”. Thằng Toàn coi vậy mà hiểu biết nhiều. Tôi hỏi thăm việc viết lách của anh. Anh nói đã là hội viên Hội Văn nghệ. Bài vở cũng nhiều, nhuận bút tàm tạm cũng sống được. Anh là mẫu người an phận không thích chen lấn. Anh vừa xé một miếng khô vừa nói như tự nói với mình: “Cuộc đời thật ra cũng như một vở hát. Đạo diễn đã đặt mình vào vai nào thì cứ mà diễn. Như ông, bay nhảy lung tung, cuối cùng trở về cái xóm nước ngập nầy. Còn tôi, không biết bao giờ mới ra khỏi nó”.

Từ lần gặp đó đến nay, tôi không gặp lại anh, nhưng mọi thứ gì về anh tôi đều biết thông qua Toàn.

***

Tôi quyết định tìm gặp anh cho tỏ tường mọi lẽ. Đã bao năm cơm áo gạo tiền, bạn bè có nhớ có nghĩ đến nhau cũng đành… nhớ “chai” vậy thôi! Thằng Toàn cho biết với số tiền đoạt giải và tiền tác quyền chuyển thể kịch bản phim, anh đã cất lại căn nhà trong hẻm nước ngập và để thằng Toàn giữ phần hương hỏa. Còn anh trở về quê ngoại thừa hưởng mấy công vườn vì ông bà ngoại không có con trai. Tôi bắt đầu chuyến viếng thăm vào một buổi sáng trời đầy mây xám. Nhưng không sao! Tôi vốn thích mưa hơn nắng.

Tôi tìm được nhà Quân không mấy khó khăn. Đó là một căn nhà lá nhỏ mới cất, màu lá vẫn chưa kịp ngả vàng. Tôi dắt chiếc xe cà tàng của mình vào sân rồi cười giải thích: “Anh làm như tôi từ mặt trăng xuống không bằng, tôi hỏi thăm thằng Toàn, nó chỉ xuống đây”. Có một cái chõng tre và một cái võng giăng ở hàng ba, tôi không được mời đã nằm ngay xuống võng. Tôi đảo mắt quan sát, khung cảnh nên thơ quá đi chứ! Thôi thì dẫu sao những ngày còn lại anh cũng sống được ở nơi chốn thân tiên như vầy.

Quân trở ra với cái mâm nhựa trong đó có một đĩa cá chiên, một ít rau sống và một chén nước mắm tỏi ớt. Anh đặt chưn xuống chõng rồi quay vào trong vừa nói:

– Anh xuống đây đúng lúc quá! Tôi định ăn cơm. Về đây, không ăn sáng điểm tâm gì hết. Cứ sáng ra, thủ sẵn nồi cơm cho chắc ăn. Rồi cứ đói thì ăn, không lệ thuộc gì cái đồng hồ. Đứng bóng thì biết trưa, mặt trời lặn thì biết chiều. Bìm bịp kêu biết nước lớn nước ròng. Tôi thấy mình như sống ở một cõi nào đó không phải cái cõi chen lấn, giành giựt hơn thua như hồi trước nữa.

Anh nói một hơi rồi đem ra chai rượu đã lưng với cái chung nhỏ. Tôi ngồi bật dậy: “Bây giờ uống rượu được rồi sao? Tiến bộ rồi nghe!”. Anh ngồi xếp bằng trên chõng, biểu tôi: “Ông leo lên ngồi luôn đi, không sập đâu mà sợ, tôi đóng nêm lại kỹ rồi, chắc lắm!’. Tôi leo lên ngồi xếp bằng đối diện anh, tự nhiên tôi bỗng nghĩ hai chúng tôi là hai nhà sư, không phải đang tọa thiền mà đang “tọa thực”.

***

Nói là ăn cơm, thật ra chúng tôi chỉ uống rượu và nhấm chút cá chiên. Tôi hỏi thăm về mấy cái giải và nhất là chuyện anh bỏ viết. Rượu thường mở đường tâm sự. Anh nói với cái vẻ từ tốn quen thuộc của anh: “Tôi được giải giống như cánh cửa mở vào một ngóc ngách mới của đời mình. Thoạt đầu tôi vui lắm. Đùng một cái có danh tiếng, tiền bạc. Người ta tìm tới tôi như tìm mua một mặt hàng giá trị, người quen tìm người lạ cũng tìm. Tôi trở thành một hiện tượng người ta phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim… Tôi bận túi bụi, tôi không còn thì giờ làm những việc riêng của mình. Tôi bị cuốn đi trong cơn lốc của sự ái mộ, trong ánh hào quang của thành công. Có một số người trước đây vốn coi thường mình vì nghèo, vì chẳng bằng ai, nay cũng xun xoe tới chúc tụng. Tôi thấy ngán ngẩm cho đời. Ông biết tánh tôi mà, đâu phải cứ khen là tôi thích. Tôi vốn chúa ghét những lời phĩnh nịnh. Và tôi cũng nhận thấy từ trong những lời chúc tụng ấy những cái nhìn nghi kỵ, ghét ganh. Cái miệng nói một đàng con mắt nhìn một nẻo. Vài ba người bạn đã câu gần câu xa. Mình không có người ta coi thường. Mình được người ta ganh ghét. Ông có biết thằng Nguyễn X, nó chỉ là một tay đầu cơ văn nghệ, nó không có thực tài, viết được vài ba cái chuyện chẳng ra hồn ra vía gì, làm một đống thơ đọc nghe mắc nghẹn. Vậy mà nhờ giỏi chạy, giỏi luồn, nó cũng có mấy tập thơ, mấy tập truyện trình làng, cho dù có ai đọc hay không còn chưa biết. Thấy tôi giựt liên tiếp mấy giải, nó vạch lá tìm sâu. Nào là tôi đã từng làm công cho đại tá ngụy. Nào là tôi chưa đứng trên lập trường của quan điểm vô sản… Nhưng mặc cho nó nói gì, làm gì, đường tôi tôi cứ đi. Và cuối cùng, tôi đã mệt mỏi quá. Giống như Trình Giảo Kim ngày xưa lúc bị làm vua lại thấy đủ điều bất tiện. Tôi vốn thích cuộc sống lặng lẽ, yên phận. Tôi không là người của đám đông. Tôi càng không muốn là cái đích để người ta ngắm. Tôi đến với văn nghệ để giải bày mình. Tôi viết truyện cho những số phận quanh tôi. Tôi làm thơ cho trái tim tôi nhiều u uẩn, vậy thôi! Tôi ghê tởm những thứ vay mượn, giả tạm. Có lần, tay Chủ tịch Hội Văn nghệ của một tỉnh bạn bịnh nặng, sắp qua đời. Tôi tình cờ đang công tác ở tỉnh đó và cũng tình cờ nghe lóm được câu chuyện “cười ra nước mắt” nầy: Gã Tổng biên tập đang chực chờ tay kia chết để leo lên ngồi ghế Chủ tịch Hội. Gã đã chuẩn bị một bài điếu văn thật ai oán, người nghe không khóc không lấy tiền. Rồi mỗi ngày, gã như một người thân, chạy tới chạy lui lo lắng hết lòng. Sự thật, gã biết tay Chủ tịch Hội nầy không làm sao thoát chết được nên mới diễn tuồng như vậy. Mà ông còn nhớ câu chuyện hồi tiểu học, người cha gần chết, mấy đứa con bu khóc lóc thảm thiết, chỉ có đứa con út vẫn lặng lẽ ngồi nấu cho cha tô cháo hành mà ông vốn ưa thích. Mấy đứa con lớn khóc nhiều để được lắm của để lại. Đứa con út thương cha với cả tấm lòng mà người cha lúc đầu còn chưa hiểu. Câu chuyện của gã Tổng biên tập kia đã là giọt nước cuối cùng tràn ly. Tôi quyết định lui về thôn dã. Tôi sẽ vẫn viết, nhưng không phải để dự thi, để đăng báo, mà viết để mình đọc và cho những ai còn một tấm lòng cho nghiệp dĩ nầy.

Tôi nâng ly rượu đầy, sóng sánh mời anh: “Thôi! Cứ uống để chúc mừng cái được và cái mất của anh, uống cho tình bạn cũ xì của mình!”. Anh tiếp ly rượu và uống cạn. Trong ánh mắt xa xăm của anh, ánh lên một tia nhìn đầm ấm. Rốt cuộc, hơn hai phần chai rượu đã cạn. Trời đã lất phất mưa. Anh bỗng cất giọng đọc mấy câu thơ, tôi chỉ nhớ trong bài “Rượu giang hồ”, mà không biết của ai:

Rượu đào một chén pha lê

Môi càng uống mãi càng tê tái hồn

Uống đi! Uống lệch giang sơn

Uống nghiêng trái đất để buồn hóa vui

Uống đi! Em cất tiếng cười

Cho tan nộ khí muôn đời quanh đây…

Rồi anh ngưng đọc. Mưa vẫn rơi nhè nhẹ, hai thằng bạn khề khà chẳng ai buồn nói thêm lời nào nữa. Đến phút nầy, tôi mới cảm nhận được triết lý và quan điểm làm người của anh. Anh về đây là phải. Anh cần gì phải đánh mất mình trong cái đám bát nháo kia. Anh là gì, anh tự hiểu. Đâu cần dán nhãn đề tên.

***

Tôi từ giả anh lúc trời dứt mưa. Những giọt nắng mong manh phản chiếu những giọt nước mưa đọng buồn trên mắt lá trông như những hạt kim cương màu hổ phách. Quân thả bộ với tôi ra tới đường lớn. Bất chợt anh vỗ vai tôi cười nhẹ: “Tôi còn một bí mật nầy phải nói với ông, tôi sẽ lập gia đình!”. Tôi quay nhìn anh, ánh mắt anh vẫn ấm cúng: “Ông biết không? Cô ấy là người đọc thơ tôi từ mấy chục năm nay. Cô ấy chỉ thích thơ Đỗ Quân và yêu thầm nhà thơ Đỗ Quân không danh tiếng. Mặc cho tôi có được bao nhiêu cái giải hay không được giải nào. Chúng tôi đã tìm thấy nhau trong nửa đời còn lại của mình. Và từ đây, tôi lại có được một người đọc lúc nào cũng yêu thích tác phẩm của tôi. Ông có ý kiến gì không?”.

Bỗng dưng tôi lại phá lên cười. Nắng vẫn trải một màu vàng nhạt trên những cành lá ướt đẫm nước mưa.

Trầm Nguyên Ý Anh
Thất Sơn số 253
Minh họa: Vương Lê