Đọc Di chúc học tập đạo đức Hồ Chí Minh

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt nhân dân ta, vĩnh biệt đồng chí và bạn bè khắp năm châu, bốn biển – trùng hợp với thời điểm mà trước đó hai mươi bốn năm (2/9/1945), với bản Tuyên ngôn độc lập, Người đã thay mặt nhân dân Việt Nam tuyên bố với toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam độc lập, dân chủ ở Ðông Nam Á.

Trái tim Người ngừng đập nhưng “tên tuổi, hình ảnh và sự nghiệp của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ sống trong các thời đại” (1). Bởi vì, “Người có cái gì đó không thể chết được và sẽ không bao giờ chết, nó đang được tiếp thụ và sẽ ngày càng được tiếp thụ nhiều hơn nữa những thế hệ trẻ, bởi tất cả những ai tin tưởng rằng loài người sau này sẽ vĩnh viễn thoát khỏi những xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc và mọi hình thức bóc lột”. (2)

Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ để lại cho Ðảng, cho nhân dân một bản Di chúc lịch sử tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn, những tình cảm lớn của Người, phản ánh đầy đủ nhân cách tỏa sáng của một con người mà “Cuộc đời của Người là một tấm gương sáng chói của những đức tính cách mạng và đạo lý làm người cao cả”. (3)

Ðọc lại Di chúc, chúng ta suy gẫm xem Chủ tịch Hồ Chí Minh di huấn những gì về đạo đức cách mạng để tiếp tục học tập, tiếp tục thực hành cho thỏa lòng mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn  Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc).

1. Tinh thần triệt để của đạo đức cách mạng gắn chặt với con đường cách mạng triệt để tạo nên niềm tin sắt đá vào thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp cách mạng.

Ngay trong những dòng chữ đầu tiên của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ rõ niềm tin tưởng chắc chắn vào sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết được Người viết lại trang đầu Di chúc vào thời điểm đất nước Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn: Quân xâm lược Mỹ có mặt ở miền Nam đông nhất, đánh phá ác liệt nhất (tháng 5/1969). Do đâu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có được niềm tin sắt đá đó? Có phải nó xuất phát từ sự mong muốn chủ quan của Người hay không? Quả là một câu hỏi khó một khi chúng ta chỉ quen xem xét sự vật dưới góc độ thực tiễn đơn thuần.

Ngược dòng lịch sử, khi người thanh niên Nguyễn Ái Quốc vừa mới biết đến chủ nghĩa Mác-Lênin, ngồi một mình ở một nơi cách xa đất nước gần nửa vòng trái đất, đã kêu lên rằng: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” thì đã có mấy ai tin rằng hai mươi lăm năm sau (1920-1945), những ước mơ đó trở thành hiện thực và Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh của một nước Việt Nam độc lập, dân chủ. (Từ đây, những câu trong ngoặc kép “…” không có chú dẫn là trích từ bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh – TG). Nói cách khác, niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đảm bảo cho dân tộc giải phóng hoàn toàn” xây dựng trên sự kết hợp chặt chẽ giữa lòng yêu nước nồng nàn với lý luận cách mạng khoa học, giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp… đã được lịch sử chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Trở lại công cuộc chống Mỹ, cứu nước – chúng ta biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn theo sát từng bước đi của công cuộc giải phóng miền Nam, ngày đêm tưởng nhớ đến đồng bào và các chiến sĩ miền Nam với lòng yêu thương vô bờ bến. “Miền Nam trong trái tim tôi”. Người nói: “nước ta là một, dân tộc ta là một’’  . ‘’Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Người kêu gọi: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là nguyện vọng, ý chí sắt đá của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta với muôn đời con cháu. Ðó chính là tinh thần triệt để của đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh.

Còn con đường cách mạng triệt để? Người viết tiếp trong Di chúc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Ðồng bào ta có thể sẽ hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn” (Di chúc). Nói cách khác, một khi chúng ta buộc phải mở ra cuộc chiến tranh cách mạng thì phải theo đuổi cho đến thắng lợi cuối cùng. Dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”… Con đường cách mạng triệt để chính là con đường mà những ai “Tận trung với nước. Tận hiếu với dân” phải chấp nhận hy sinh với cả tấm lòng chí công vô tư, trong sáng.

Hiện nay, Đảng và nhân dân ta đang thực hiện công cuộc đổi mới trong một hoàn cảnh rất khó khăn, phức tạp, đầy thử thách mà có lúc tưởng chừng cách mạng Việt Nam khó có thể vượt qua, nếu như chúng ta không có đủ niềm tin sắt đá vào tương lai của một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Cách đây gần 30 năm, khi Ðảng ta đề ra đường lối đổi mới quả là có nhiều người không thể tin được một đất nước còn phải nhận hàng tỉ đô la viện trợ giành cho cái ăn, cái mặc, lại trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới! Và vị thế chính trị của Việt Nam ngày càng xứng tầm quốc tế. Thực ra nếu so với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì những thành tựu mà đất nước chúng ta đạt được hiện nay cũng chỉ là bước đầu. Nhưng đó là thắng lợi cụ thể của niềm tin, là biểu hiện sinh động của tinh thần cách mạng triệt để.

Thật không có gì dễ hiểu cho bằng: tinh thần triệt để của đạo đức cách mạng ngày nay chính là quyết tâm làm cho dân giàu nước mạnh; con đường cách mạng triệt để ngày nay chính là con đường đổi mới. Từ đó chúng ta tin chắc rằng, cách mạng Việt Nam nhất định thắng lợi.

2. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. (Hồ Chí Minh)

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mỗi Ðảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Chúng ta tìm hiểu xem đạo đức cách mạng là gì mà tại sao Người lại di huấn: phải thật sự thấm nhuần?

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng chính là:

+ Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho lý tưởng của Ðảng, cho cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.

+ Ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, dù khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết thực hiện đúng chính sách và nghị quyết của Ðảng.

+ Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, thiết tha phê bình và tự phê bình và thành tâm phê bình cho đồng chí mình cũng tiến bộ; hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.

Vì vậy người cán bộ Ðảng viên phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm trước Ðảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân, thật sự tôn trọng quyền dân chủ, tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh, ra oai. Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, dựa vào quần chúng, lãnh đạo quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, thực sự cầu thị, không được kiêu ngạo, chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống quần chúng với tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. ..

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, “đó là đạo đức của người cộng sản”, của những người mà khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung mà không ngần ngại hy sinh lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần thì sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cũng không tiếc. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo hoàn thành nhiệm vụ mới cho tốt, không kèn cựa về danh lợi, không quan liêu, kiêu ngạo, hủ hóa…

Chúng ta lưu ý điều này: không phải không có quan niệm cho rằng là người cách mạng thì đương nhiên phải có đạo đức cách mạng. Nếu như vậy thì tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, mất đoàn kết… tại sao vẫn còn, đã và đang làm nhức nhối xã hội? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Ðến đây, ta có thể hiểu được bước đầu những chữ “phải thực sự thấm nhuần” trong Di chúc, nghĩa là: có đạo đức cách mạng mà không biết giữ, không chịu giữ thì đạo đức đó mất đi, người cách mạng sẽ thoái hóa, biến chất. Hiện nay, trong lúc đại đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ gìn phẩm chất cao quý của người cộng sản biết chịu đựng khó khăn chung với cả dân tộc, ra sức thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ mới của Ðảng, thì tiếc thay, có một bộ phận đảng viên lại tham ô, hủ hóa, làm việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, gây mất đoàn kết nội bộ, làm mất uy tín của Ðảng, làm mất lòng tin của dân. Họ đã bị kẻ địch thứ ba của cách mạng là chủ nghĩa cá nhân chi phối, bịt mắt, dẫn đường, lôi xuống dốc.

Muốn giữ được đạo đức cách mạng trước sau như một, trước hết chúng ta phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân với thái độ thật kiên quyết, triệt để. Nếu nó còn lại trong mình, dù ít thôi thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ phục vụ Ðảng, phục vụ nhân dân. Nó là kẻ thù vô hình nên rất gian giảo, xảo quyệt, nguy hiểm, là “một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Tuy nhiên, Người lưu ý chúng ta, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng , đời sống riêng của bản thân và gia đình, lợi ích cá nhân phù hợp với lợi ích tập thể, với lợi ích xã hội thì được Ðảng và Nhà nước bảo vệ, tạo điều kiện để cải thiện đời sống, phát huy tính cách nhiều hơn nữa. Hiện nay Ðảng ta khuyến khích mọi người làm giàu và chỉ nghiêm trị những kẻ làm giàu bất chính.

Thứ hai, muốn nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cán bộ, đảng viên “phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” (Di chúc).

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một hệ thống căn bản nhất về những giá trị đạo đức do Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát bằng sự hiểu biết của cả cuộc đời mình, kết chặt đạo lý làm người của dân tộc ta trên nền tảng Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm với chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin: Tinh thần cách mạng triệt để chính là đem lòng chí công vô tư đối với mọi người, đối với công việc. Người luôn nhắc nhở: “Mọi người chúng ta phải biết đặt lợi ích của dân tộc của giai cấp lên trên lợi ích của cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn’’.

Cần, kiệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên làm quốc sách, chúng tỏ ý nghĩa của nó là rất quan trọng. Ông cha ta thường nói: ”Phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Nghèo đói cũng là một thứ giặc cần phải chống như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Cánh mạng tháng Tám năm1945 thành công. Cần, kiệm là vũ khí sắc bén dể chống lại “giặc đói”, là cách thúc đẩy mọi người làm giàu cho mình, cho xã hội. Dẫn lời Khổng Tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ cho ta cách cần, kiệm dễ hiểu, dễ làm: “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng, tiêu chậm tức là đầy đủ”. Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm. Mà dân giàu thì nước mạnh. Cần, kiệm là quốc sách ở ý nghĩa đó.

Liêm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham người tâng bốc mình. Vì vậy mới quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm cũng như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần. Có kiệm mới liêm được vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Cần, kiệm, liêm là gốc rể của Chính.chính không có gì khác hơn là lòng chí công vô tư của mình đối với mình, mình đối với người, mình đối với công việc. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý!

Có người cho cần, kiệm, liêm, chính là đạo đức thủ cựu, phong kiến nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đó là đạo đức cách mạng, là nếp sống mới. Người cho rằng: “Một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm chính, là dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Ðể làm cho chúng ta thấm nhuần những giá trị đạo đức của cần, kiệm, liêm, chính, người dùng hình tượng của thuyết “Thiên-Ðịa-Nhân” mà dạy rằng:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông

Ðất có bốn phương: Ðông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người”…

Là một con người chân chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta những điều Người đã thực hiện, đã làm gương cho đến giây phút sau cùng. “Người là tấm gương tiêu biểu nhất cho đạo đức Cộng sản chủ nghĩa ở Việt Nam và là kết tinh những đức tính tốt đẹp nhất của dân tộc. Người đã phát huy truyền thống đạo đức phương Đông là trí, nhân, dũng trên cơ sở hoàn toàn mới” (Trường Chinh)

Hiện nay không ít người cho rằng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một khuôn mẫu đạo đức cứng nhắc chỉ có những bậc thánh nhân như Bác Hồ mới làm được. Bởi vì đã là con người, ai lại không ham muốn danh vọng, tiền tài. Người có công với cách mạng đòi hỏi địa vị, đòi hỏi Ðảng, Nhà nước “trả ơn” là điều bình thường hợp lý!

Lý lẽ trên là thực tế hay ngụy biện? Rõ ràng là ngụy biện nhằm che đậy cái tư tưởng cá nhân, vị kỷ, thực dụng tiềm ẩn trong những người muốn làm “quan cách mạng”. Còn chúng ta, nếu ai cũng chú tâm nghiền ngẫm, học tập, noi gương những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh làm, những điều Người dạy về đạo đức cách mạng với tinh thần vô tư trong sáng thì thấy rất dễ hiểu, rất dễ theo. Còn không hiểu, không theo được là bởi cái tâm của mình không chính.

Ai cũng biết tham ô, lãng phí là xấu, nhưng tại sao tham ô, lãng phí vẫn còn? Ai cũng biết siêng năng, trong sạch là tốt. Thế vì sao làm không được, làm hay hơn mà còn làm trái lại? Còn biết sai thì kiên quyết sửa, biết đúng thì kiên quyết làm, biết hại thì kiên quyết tránh. Chính tâm là như vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy tính Ðảng để đặt lại trên cơ sở mới cái lẽ “Thiện căn ở tại lòng ta” (Nguyễn Du) thành một lời truyền trong sáng: “Người Đảng viên, người cán bộ muốn trở nên một người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Hoàn toàn do mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Ðảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến tới chỗ chí công vô tư”.

Còn lòng ham muốn, ai mà chẳng có! Nhưng ham muốn cái gì, mức độ ra sao, trong hoàn cảnh nào… để không trái với lương tri, với đạo lý? Chủ tịch Hồ Chí Minh không bảo mọi người phải sống như thầy tu khổ hạnh mà chỉ khuyên ta nên bớt lòng ham muốn vật chất, địa vị, để tăng lòng ham học, ham làm, ham tiến bộ. Ai không muốn ăn ngon mặc đẹp? Nhưng phải biết ăn ngon, mặt đẹp cho đúng thời, đúng cảnh. Trong lúc nhân dân còn thiếu thốn mà người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp thì không có đạo đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống trọn cuộc đời đúng như điều mình muốn: thanh bạch, giản dị, “Trong suốt như pha lê” (Brê-giơ-nhép – TBT Đảng CS Liên Xô) cho đến cả lời dặn sau cùng của Người:

“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức cúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” (Di chúc).

Ðó là cuộc đời của một con người chỉ có “một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Lòng ham muốn đó chi phối cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo ra sự nhất quán của lời nói với việc làm, giữa đời hoạt động chính trị rung trời, chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị khiêm tốn. Ðến khi “phải từ biệt thế giới này”, Người “không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (Di chúc).

Thứ ba,có học tập  lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Ðảng giao phó cho mình” (Hồ Chí Minh – Ðạo đức cách mạng).

Ai cũng hiểu được rằng, đạo đức cách mạng nếu không thể hiện ra được bằng hành động cách mạng cụ thể thì đạo đức đó chẳng mang lại điều lợi nào cho xã hội, dần dần sẽ mất đi vì thiếu sức sống. Ðạo đức chân chính, đạo đức thật phải là đạo đức cách mạng trong hành động. “Hoàn thành nhiệm vụ cách mạng” là cái đích mà đạo đức phải hướng tới thông qua hoạt động thực tiễn của mỗi người. Ðây cũng chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát lên thành mối quan hệ giữa Ðức và Tài: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người”. Như vậy, tính hiệu quả cho hành vi đạo đức mang lại cho tập thể, cho xã hội mới là thước đo giá trị đạo đức. “Tu thân” để mà “tề gia”, “trị quốc” chứ không phải chỉ biết giữ điều tốt cho riêng mình. Mình tốt phải giúp người khác tốt, phải đấu tranh chống cái xấu, nếu không cái tốt đó chẳng có giá trị gì.

Làm được những điều đó cần biết cách học để làm cho đúng, nếu không sẽ giống như điều mà Lê-nin đã nhận định: người có nhiệt tình cách mạng nhưng ngu dốt sẽ trở thành kẻ phá hoại. Không biết cách làm đúng, làm lợi cho xã hội thì Nhân trở thành mềm yếu, không phân biệt được bạn thù; Trí trở thành gian trá, thủ đoạn; Dũng trở thành độc đoán, bạo tàn. Thương người nghèo là phải biết cách chỉ bảo, giúp đỡ cho họ tự thoát khỏi cảnh nghèo. Ðem tiền của bố thí, cứu đói chỉ là hành động ban ơn chứ không phải là hành vi đạo đức đúng đắn.

Như vậy, người cách mạng phải học lý luận cách mạng – học chủ nghĩa Mác-Lênin để biết cách thể hiện đạo đức cách mạng, phải hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, mang lại điều lợi cho dân, cho nước và cho bản thân mình đúng như quan điểm “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Học chủ nghĩa Mác-Lênin trước tiên là học “Cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình”. Ðọc lại cuốn “Ðường Kách mệnh” (1927), ta thấy đó là bài giảng đầu tiên – bài “Tư cách một người cách mệnh”. Học cái “tinh thần xử trí” ấy chính là học phép biện chứng “của chủ nghĩa Mác-Lênin đã cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng vấn đề theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng”. Ðó cũng là phép “đối nhân xử thế” của triết học phương Ðông, là sự biết điều của mọi người trong cách giải quyết các mối quan hệ xã hội.

Kế đến là “học tập các chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết cách mạng của giai cấp công nhân tất nhiên là có những chân lý đặc thù mang nặng tính đấu tranh giai cấp để đưa xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Việt Nam vận dụng sáng tạo học thuyết đó và giành được nhiều thắng lợi như lịch sử đã chứng minh. Tuy nhiên, không phải không có những vấp váp, sai lầm. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, lợi ích dân tộc và giai cấp là một khối thống nhất nên không thể rập khuôn, giáo điều mà làm tổn hại đến lợi ích chung của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê phán: “Nghe người ta giai cấp đấu tranh mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”. Người cũng thường chỉ trích những kẻ chỉ học một số sách Mác-Lênin rồi cho mình hiểu biết hơn ai hết nhưng khi gặp thực tế thì hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng rồi làm bậy, làm càn gây hại cho dân, cho nước.

Đường lối đổi mới hiện nay được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện tính dân tộc và thời đại sâu sắc. Nó cũng chứng minh bản chất cách mạng và khoa học của Ðảng ta: biết sửa chữa sai lầm để làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh, đồng thời, nó chứng minh được sức sống của chủ nghĩa cộng sản. Thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn giữ gìn trong sáng chủ nghĩa Mác-Lênin thì trước hết tự mình phải trong sáng”; “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không nghĩa lý gì”, chúng ta cần phải dứt khoát từ bỏ cách hiểu, cách làm cũ, ra sức thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới để trả lại cho Chủ nghĩa xã hội nội dung tốt đẹp đích thực của nó.

Ðiều quan trọng nhất là học chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để mà hành động. “Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông”. Lời nói đi đôi với việc làm không chỉ là vấn đề phương pháp mà còn là vấn đề đạo đức: người cách mạng không thể là một kẻ ba hoa, lừa bịp ! Ðối với dân tộc ta, “đạo quí ở thực hành” (Nguyễn Trãi) đâu khác gì đạo lý ở chủ nghĩa Mác-Lênin: gắn chặt lý luận cách mạng với thực hành cách mạng.

Chúng ta có thể hiểu vì sao, khi đến thăm trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc ở Việt Bắc năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi lên trang đầu tiên của Sổ vàng những chữ:

“Học để làm việc

               làm người

              làm cán bộ.

Học để phụng sự đoàn thể

            phụng sự giai cấp và nhân dân

           phụng sự Tổ quốc và nhân loại.

Muốn đạt mục đích thì phải

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Bằng những dòng chữ trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát toàn bộ nội dung đạo đức của người cộng sản rất rõ ràng và dễ hiểu.

Ðể càng hiểu rõ ý nghĩa đạo đức của việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin chúng ta cần nhớ lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa, nếu thuộc bao nhiêu sách mà không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin”. Ðọc lại Di chúc, chúng ta càng thắm thía những lời dạy về tình nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người mong muốn, sau khi thắng lợi sẽ đi khắp hai miền đất nước, đi khắp năm châu để thăm hỏi, chúc mừng, cám ơn đồng bào, đồng chí và bạn bè gần xa. Người mong muốn thực hiện: “Ðầu tiên là công việc với con người” (Di chúc). Ðó là sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách đối với người: từ những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp cách mạng cho đến những nạn nhân của chế độ xã hội cũ; đối với việc: từ xây dựng vườn hoa, bia lịch sử, xây dựng thành phố, làng mạc đẹp đẽ hơn, cho đến việc miễn thuế nông nghiệp, việc phát triển kinh tế, giáo dục…

Ðó là tình nghĩa, là tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là truyền thống đạo lý của dân tộc: “Khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu, bền gốc” (Trần Quốc Tuấn). Và mỗi con người Việt Nam chúng ta, trái tim ai lại không rung động, thổn thức khi đọc những dòng Di chúc: ”Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Ðảng, toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Thật đâu khác gì lời trăn trối của người cha già để lại cho chúng ta trước lúc ra đi mãi mãi!

Trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập, nhưng “cái chết là mầm sống của sự sống” (Fidel Castro – TBT Đảng CS Cu Ba). Hàng triệu triệu trái tim con người Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đập mãi theo nhịp đập của trái tim Người để làm tỏa sáng di sản tinh thần vô cùng quý báu của Ðảng và dân tộc ta:  Tư tưởng Hồ Chí Minh.

LÂM QUANG

Chú thích

(1), (2) – Ðiện chia buồn của Ðảng Cộng sản Ý ngày 4/9/1969

(3)  – Ðiện chia buồn của đồng chí Fidel Castro, Chủ tịch Nước cộng hòa Cu Ba ngày 4/9/1969