Tháng Năm về Làng Sen quê Bác

Tháng Năm tôi về với quê Bác – Làng Sen… Cũng giống như bao làng quê trên đất nước Việt Nam – một làng quê dung dị, hồn hậu. Ẩn giữa lũy tre xanh mộc mạc, có một nếp nhà tranh đơn sơ đó là ngôi nhà xưa của gia đình Bác. Nơi Bác đã cất tiếng khóc chào đời, với những kỷ vật đã cũ như: chiếc phản gỗ, chiếc khung mẹ Bác thường ngồi dệt cửi… Vẫn còn đó những hàng cau, gốc mít, hàng rào dâm bụt đỏ rực, dẫn lối vào nhà. Vẫn những hồ sen quanh năm nở hoa dâng hương thơm ngào ngạt giống như tên gọi làng Sen. Về thăm làng Sen quê Bác hôm nay, nhìn những kỷ vật ngày xưa trong ngôi nhà của Bác gợi cho tôi nhớ về một thời cuộc sống của người dân nước Việt đã chịu nhiều thăng trầm, đau khổ. Một đất nước đã mấy nghìn năm “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, phải đương đầu với những đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX. Thì lời căn dặn của Bác càng thấm thía hơn bao giờ hết: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Và đến nay cả dân tộc ta đã làm được điều đó, thỏa lòng mong ước của Bác. Về với làng Sen hôm nay, hoa sen như những bàn tay dịu dàng, thân thương chào đón con cháu và những vị khách thập phương về với quê hương của Bác. Hoa Sen được ví là vẻ đẹp với cốt cách thanh cao của con người Việt Nam vậy cho nên được tôn vinh là “quốc hoa”. Và cũng ở chính nơi làng Sen này có một con người được cả dân tộc Việt Nam tôn vinh “Tháp mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Làng Sen, có lũy tre xanh, biểu tượng cho khí chất của người dân Việt Nam, ngay thẳng, dẻo dai, vừa có cái mềm mại, uyển chuyển, cả lũy tre hợp lại với nhau ken thành một một khối, tựa vào nhau, tượng trưng cho khối đại đoàn kết. Rễ tre bám chặt vào đất ôm ấp những đụn măng non tơ liên kết thành bờ, thành lũy, vậy nên không có một thế lực, sức mạnh nào có thể đánh bật nó được. Làng Sen – làng Kim Liên (Sen vàng) quê Bác. Hoa sen là loài hoa có một không hai: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Vậy nên hoa sen đã trở thành lô-gô biểu tượng của đất nước Việt Nam trên những cánh bay của hãng Vietnam Airlines để đến với bạn bè quốc tế năm châu. Về với làng Sen, tôi ngắm nhìn cây đa làng nơi mà hai lần Bác về thăm quê, đó là năm 1957 và năm 1961. Bác đứng dưới bóng cây đa cổ thụ xanh tốt, căn dặn bà con làng Sen, Kim Liên với giọng trầm ấm của người con xứ Nghệ, dù bao năm đi xa, Bác đã tiếp xúc với nhiều loại ngôn ngữ của các nước khác nhau nhưng vẫn với chất giọng quê quen thuộc, vẫn những lời thân thiết, mộc mạc, gần gũi như một câu Kiều: ‘‘Quê hương nghĩa nặng tình cao – Qua bao năm ấy biết bao ân tình’’. Tôi ngắm nhìn hai hàng dâm bút đơn sơ nở hoa đỏ au dẫn lối vào ngôi nhà tranh của Bác, tôi mới hiểu vì sao ở lối đi vào ngôi nhà sàn của Bác ở Hà Nội, Bác cũng trồng những hàng rào bằng hoa dâm bụt, xén gọn  đều tăm tắp như vậy. Giờ đây ngôi nhà Bác ở làng Sen- Kim Liên đã thành ngôi nhà chung cho mọi người con dân tộc Việt Nam dù là ở trong nước hay ở nước ngoài về đây hội tụ.

Ngôi nhà tranh ba gian của Bác dù đã trải bao sương gió nhưng vẫn một màu mộc mạc đồng quê. Những tấm liếp cửa bằng tre đã nhẵn bóng với thời gian vẫn mở ra đón con cháu và khách bốn phương về đây với Bác. Về thăm làng Sen quê Bác, tôi đã được chạm tay vào bao ký ức một thời tuổi thơ của Bác. Tôi lại được nghe ở đây giọng nói của nhiều vùng, miền quê khác nhau, cùng với bao lứa tuổi trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam về đây với Bác. Bởi bây giờ làng Sen không còn là quê riêng của Bác mà là quê chung cho tất cả con cháu mang dòng máu Lạc Hồng.

Võ Hoàng Nam
Thất Sơn số 253
Ảnh: Hữu Huỳnh