Đồng hành tuổi hai mươi

1. Dõi theo tường tận tiến trình khai mở và phát triển ở địa phương qua từng chặng đường thăng tiến, có người nói vui rằng, miền đất Long Xuyên có duyên với con số 9. Bởi, những dấu mốc lịch sử trọng đại gắn nhiều với năm có con số 9 sau cùng. Năm 1789, lập Thủ Đông Xuyên và tạc chấm son khai cơ mở cõi vùng đất này. Và năm 1899, Long Xuyên trở thành tỉnh lỵ. Đúng một trăm năm tiếp theo, năm 1989, hình thành khu chợ mới Long Xuyên, nâng lên tầm cao mới của bến chợ Đông Xuyên xưa, mở đầu giai đoạn bừng khởi về cải tạo, chỉnh trang và phát triển để nâng tầm đô thị tỉnh lỵ. Năm 1999, thành lập Thành phố Long Xuyên và Trường Đại học An Giang. Năm 2009, Long Xuyên được công nhận đô thị loại II và khánh thành công trình xây dựng Trường Đại học An Giang khu mới. Năm 2019, Long Xuyên được Thủ tướng Chính Phủ công nhận hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học An Giang là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia –TP. Hồ Chí Minh . Trong những dấu ấn lịch sử này, dấu ấn năm 1999 rực sáng qua hai sự kiện in sâu vào tâm can và nỗi nhớ trên quê hương Bác Tôn. Ngày 1/3/1999, Chính phủ ra Nghị định số 09/1999, về việc thành lập Thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang và tháng 12/1999, Chính phủ ra Quyết định thành lập Trường Đại học An Giang, trực thuộc UBND tỉnh An Giang.

Trước giải phóng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có hai thành phố là Cần Thơ, Mỹ Tho và một trường Đại học Cần Thơ. Thành phố Long Xuyên và Trường Đại học An Giang được thành lập đầu tiên sau hai mươi bốn năm giải phóng, trở thành thành phố thứ ba và trường đại học thứ hai trong vùng. Tiếp sau, thành phố Cà Mau – cuối năm 1999, Đại học Cửu Long tỉnh Vĩnh Long – năm 2000. Đi trước nên lắm nỗi nhiêu khê diễn ra trước mắt. Thành phố Long Xuyên đô thị loại III, nhưng phạm vi đô thị còn hẹp, yêu cầu mở rộng và tăng nhanh diện tích đô thị hóa đang nóng hơ nóng hổi, cũng để hướng tới đô thị loại II. Trường Đại học An Giang buổi đầu còn sử dụng cơ ngơi trường Cao đẳng Sư phạm An Giang, vừa chật, vừa cũ và xuống cấp, nhu cầu tạo dựng cơ sở mới như dầu sôi lửa bỏng. Lãnh đạo Long Xuyên đi qua thị xã Cao Lãnh, vô thị xã Rạch Giá, đều được tấm tắc khen về niềm vui nhân đôi khi Long Xuyên vừa được lên thành phố, vừa có trường đại học đứng chân trên địa bàn thành phố trẻ. Hồi xưa ở miền Tây biết tiếng với Trung học Cần Thơ, Trung học Mỹ Tho rồi Trung học Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên. Đậu tú tài một hoặc tú tài hai, những ai thích nghề giáo đều muốn vào học sư phạm Vĩnh Long hoặc sư phạm Long Xuyên. Long Xuyên, sau Cần Thơ và Mỹ Tho, thành nơi tiên phong phát triển đô thị và giáo dục cho cả vùng. Các anh lãnh đạo Long Xuyên nói rằng, mừng gấp đôi nhưng lo gấp ba bốn lần, bởi mặt bằng cho các dự án kinh tế lẫn văn hóa giáo dục và phúc lợi xã hội phải tăng tốc như ngựa phi nước đại mới kịp theo yêu cầu. An Giang và Long Xuyên lo cho Đại học An Giang cũng đồng thời lo chuyện học hành cho con em của tỉnh nhà lẫn tỉnh bạn Đồng Tháp, Kiên Giang và một phần Thành phố Cần Thơ. Nghe vậy các anh lãnh đạo địa phương lân cận chia sẻ cảm thông và mong mỏi Long Xuyên, nơi có cảnh đẹp sông nước hữu tình, một đô thị xinh tươi lung linh in bóng nước, quê hương Bác Tôn kính mến, sẽ có nhiều vượt tiến trong vùng. Yêu cầu về tạo mặt bằng mở rộng đô thị và xây dựng công trình văn hóa giáo dục, phúc lợi xã hội, trở thành mục tiêu hàng đầu của cấp ủy Long Xuyên trong hai nhiệm kỳ VIII và IX, của giai đoạn 2000 – 2010.

Mặt bằng Trường Đại học An Giang, qui hoạch chung khu vực với trường Cao đẳng Y tế, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tỉnh, trên diện tích 50 ha ở phường Mỹ Phước và Mỹ Xuyên (sau này tách ra thuộc phường Mỹ Phước và Đông Xuyên). Thời điểm địa phương đa đoan, bề bộn dự án và công trình, hễ đụng vô thu hồi đất, đa phần chắc mẻm có đơn khiếu nại gởi tỉnh, gởi trung ương. Cùng thời điểm này địa phương cũng giải tỏa nhà dân khu hành chính Tỉnh và những dự án khác, gian nan khôn xiết. Nhiều lúc thấy cán bộ thuộc cấp mệt đừ, thần thái ỉu xìu, anh Hai Hùng – Bí thư Thành ủy, phân tích cặn kẽ trách nhiệm cao cả trên thành phố trẻ, phải làm sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước còn gian lao cực nhọc gấp nhiều lần để nên hình nên vóc một đô thị loại III. Anh nhấn rất sâu về dự án cơ sở vật chất Trường Đại học An Giang , dù phải tốn hao công sức đến mấy cũng phải xong xuôi tốt đẹp, bởi đây là vinh dự và uy tín của Tỉnh, của thành phố Long Xuyên với cấp trên lẫn láng giềng xung quanh. Phần Long Xuyên lo việc tạo mặt bằng, dù đây là dự án có diện tích lớn nhất ở địa phương từ trước đến giờ, cũng phải ráng hết mức để kịp thời gian quy định. Rồi cùng lúc Long Xuyên triển khai đầu tư mở rộng đường Hà Hoàng Hổ, mở mới đường Ung Văn Khiêm để kết nối đường Hà Hoàng Hổ vào khu đại học tương lai, mở mới đường Nguyễn Hoàng để kết nối với khu vực Bình Khánh. Dù bề bộn, dù gian nan, dù khó khăn cỡ nào đi nữa, cũng phải vượt qua, bởi tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng chẳng những của tỉnh, còn ra các tỉnh xung quanh. Góp công góp sức để ngôi trường đại học thứ hai vùng ĐBSCL thật xứng danh, quí lắm. Tâm đắc huấn thị của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, chị Thanh Giang rồi anh Chín Bình, luôn theo sát mọi diễn biến của tiến trình thu hồi đất, bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư, giải quyết rốt ráo và thấu lý đạt tình các đơn thư khiếu nại. Anh Sáu Thành, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy – Chủ tịch HĐND Thành phố, cùng các đại biểu HĐND Thành phố lắng nghe thấu đáo, ghi nhận những ý kiến xác đáng của cử tri để đề xuất giải pháp phù hợp ý Đảng và lòng dân. Lãnh đạo Thành phố xông vào, cán bộ Long Xuyên có thêm dũng khí, thêm sức mạnh, hoàn thành đúng thời hạn để bàn giao mặt bằng cho Tỉnh xây dựng cơ ngơi Trường Đại học An Giang.

Mùa thu năm 2008, An Giang tiến hành diễn tập phòng thủ khu vực AG 08. Lúc đó cơ sở vật chất Trường Đại học An Giang đã xây dựng gần xong. Phòng ốc các khu chức năng, các khoa, khu học tập… đã nên hình nên dáng. Tất cả chỉ còn phần hoàn thiện, sơn phết là xong và nghiệm thu. Trong chương trình diễn tập AG 08 có nội dung được tiến hành tại khu vực Trường Đại học An Giang. Bước qua khỏi cổng, một khuôn viên trường rộng thênh thang hiển hiện trước mắt. Phía trước lẫn hai bên, khoảng không trống trải xa tít tạo cảnh quan và tầm nhìn bao quát, toàn cảnh ngôi trường mới xây hết sức bề thế. Lực lượng của khung tập, chỉ đạo, đạo diễn, quan khách và người xem lên đến cả ngàn người, nhưng lọt thỏm trong khung trường mênh mông thoáng đãng. Quan khách từ ngoài theo dõi khung tập cũng hướng nhìn toàn cảnh khung trường mới xây. Đại biểu trong tỉnh, ngay cả ở tại Long Xuyên cũng lần đầu nhất cử lưỡng tiện, được quan sát cả diễn tập và ngắm nhìn thỏa thê toàn cảnh khung trường. Lãnh đạo thành phố Long Xuyên mừng thầm trong bụng, lâng lâng khôn tả trước công lao hạng mã tạo mặt bằng, nay đã nên dáng vẻ một ngôi trường thật xứng tầm liên tỉnh và vai vế trong vùng. Quan khách tham quan diễn tập có những lãnh đạo các tỉnh lân cận. Các anh chị nói Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh An Giang đã rất hay khi đưa một phần nội dung diễn tập vào khuôn viên trường đại học, toát lên phương châm gắn kết giáo dục đại học với giáo dục quốc phòng, nâng cao cảnh giác cách mạng trong giới trẻ. Rồi lãnh đạo tỉnh bạn cũng hết lời khen ngợi cơ ngơi ngôi trường, vừa rộng rãi vừa hiện đại, đẹp lắm. Lãnh đạo Long Xuyên nói do Tỉnh chăm lo hết mức, mời tư vấn thiết kế có tầm cỡ ở nước ngoài, nên mới được vậy. Các anh nói, hèn chi, thấy hay đáo để về bố trí lẫn kiến trúc, nhìn na ná như trường đại học ở nước ngoài. Cán bộ trong tỉnh có người nói, công trình trường Đại học An Giang đẹp và hiện đại nhất tỉnh, tôn lên nét kiến trúc trên thành phố trẻ tươi đẹp. Cũng năm 2008, tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên công viên Nguyễn Huệ ở trung tâm thành phố Long Xuyên, đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người. Thành phố quê hương Bác Tôn bật lên dung mạo mới. Năm 2009, kỷ niệm 10 năm thành lập, thành phố Long Xuyên được công nhận đô thị loại II, trường Đại học An Giang cũng kỷ niệm 10 năm thành lập và khánh thành đưa vào sử dụng khung trường mới, một cơ sở giáo dục khang trang bậc nhất từ trước tới nay. Mười năm đồng hành trên thành phố trẻ, Đại học An Giang hãnh tiến với tư thế và cơ ngơi mới. Năm 2018, dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Tôn, thành phố Long Xuyên thông xe đưa vào sử dụng đường Lý Thái Tổ nối dài, công trình ấp ủ hai mươi năm đã thành hiện thực, nối kết một mạch gần sệu bằng con đường rộng rinh từ trung tâm nội ô tới trường Đại học An Giang. Nay, năm 2019 là hai mươi năm thành phố Long Xuyên và Trường Đại học An Giang đồng hành trên từng cung bậc, từng chặng đường phát triển, như những đóa hoa rực rỡ tỏa sắc hương trên quê nhà Bác Tôn tươi đẹp.

2. Trong công tác cán bộ, tỉnh An Giang có hai đề án tầm vóc lớn. Một, Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010, về xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Trong đề án có yêu cầu, mục tiêu tập trung đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2015 nâng tỷ lệ đạt chuẩn trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từ xấp xỉ 40{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} lên 100{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}, tức phải có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, riêng cán bộ chủ chốt tất cả phải có trình độ đại học. Hai, Đề án 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 về tạo nguồn và quy hoạch dài hạn cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Hai đề án này bao trùm công tác cán bộ từ tỉnh tới cơ sở, khác nhau ở điểm nhấn. Đối với cán bộ cơ sở, dồn sức nâng lên trình độ của đội ngũ đương chức kết hợp tuyển chọn người mới để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Đối với cán bộ lãnh đạo cấp huyện, thị, thành phố và sở ban ngành tỉnh, phải nhìn xa theo chiến lược cán bộ, cần có thời gian lâu dài để xây dựng đội ngũ, phải tạo nguồn từ lúc còn trẻ, trải qua đào tạo trình độ cao ở trường lớp và rèn luyện trong thực tiễn để đủ trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh lãnh đạo trong tương lai.

Cả hai đề án đều liên quan trực tiếp đến Trường Đại học An Giang, từ lúc khảo sát, điều tra xã hội học, phác thảo đề cương, dự thảo văn bản, tọa đàm hội thảo, cho tới lúc tổ chức thực hiện. Nhiều nội dung trong hai đề án rất mới về nhận thức lẫn thực hiện, vừa mang tính khoa học vừa giá trị thực tiễn cao. Đề án 01-ĐA/TU mới chong trong từng khâu và đến từng chi tiết, đặc biệt khâu đào tạo sau đại học kể cả trong và ngoài nước cho cán bộ trẻ dự nguồn. Phải đưa đi học cao học hoặc nghiên cứu sinh thuộc ngành nào, học ở đâu, học lúc nào, cần có trình độ ngoại ngữ ra sao mới mang lại hiệu quả và tác dụng thiết thực. Trường Đại học An Giang thành lập Tổ Tư vấn, Tổ giúp việc và thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài, đã tư vấn sát đúng, tham gia tận lực và tổ chức thực hiện rốt ráo những phần việc liên quan trong nhiều năm liền. Thầy Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, một thành viên gạo cội của Ban Chủ nhiệm, với trình độ, khả năng và tầm nhìn của một Phó Giáo sư – Tiến sĩ, tiếp cận nhiều với các trường đại học nước ngoài, góp phần to lớn trong tiến trình xây dựng và thực hiện đề án. Học sau đại học, khó nhất ở trình độ ngoại ngữ và kỹ năng tiếp cận chuyên sâu. Thầy Thắng đề xuất, được UBND Tỉnh phê duyệt, tổ chức các lớp ngoại ngữ cho cán bộ dự nguồn, có tác dụng thiết thực. Từ khâu mở đầu của Đại học An Giang, kết hợp với Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài bằng kinh phí nhà nước, qua mấy năm bám theo sát sườn, nhiều cán bộ trẻ ở An Giang đã được đào tạo căn cơ để phát triển lâu dài và bồi dưỡng thực tiễn chuyên môn rất phong phú, sinh động ở các nước phát triển, sẽ là nhân tố cho sự tiến bộ ở địa phương trong tương lai. Phần lựa chọn cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch dài hạn, rồi đào tạo bồi dưỡng và rèn luyện trong thực tiễn để trưởng thành nhanh, vốn đã công phu, phải chắt chiu, nâng niu từng nhân tố. Nhưng phần tạo nguồn từ xa, rồi chăm chút, dõi theo từng bước phát triển để thu hút, sử dụng tài năng trẻ của địa phương, lại quá mới mẻ và chi li. Trường Đại học An Giang cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham vấn xác đáng, trực tiếp phát hiện, lựa chọn nhiều nhân tố nổi trội đang còn ngồi trên giảng đường đại học để Ban Chủ nhiệm Đề án 01-ĐA/TU đưa vào diện quản lý tài năng trẻ.

Đề án 02-ĐA/TU được Ban Tổ chức Tỉnh ủy dày công, chắt chiu trong việc khảo sát, tham vấn, lấy ý kiến ở nhiều địa phương và cơ sở, nội dung hàm chứa tinh thần chỉ đạo của Tỉnh hòa quyện với nguyện vọng và nhu cầu cũng như mong đợi của cán bộ ở cấp xã. Một đề án thật cụ thể, rất thiết thực, đúng thời điểm và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên. Vai trò tham mưu nghiêng về phía Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhưng khi cụ thể hóa thực hiện lại nghiêng hẳn về phía Trường Đại học An Giang và Trường Chính trị Tôn Đức Thắng. Hai đơn vị này gắn bó với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ trong tiến trình thực hiện. Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, nắm chắc nhu cầu, số lượng cần đào tạo để mở nhiều lớp Trung cấp Chính trị – Hành chính với các hình thức học tập phù hợp. Nhiều sinh viên Trường Đại học An Giang ra trường về địa phương tham gia công tác cấp xã, đã dần thay thế những cán bộ không đạt chuẩn nhưng không có khả năng học hành cao hơn. Đến năm 2015, tất cả cán bộ, công chức cấp xã ở An Giang đều đạt chuẩn theo quy định. Trong lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến An Giang làm việc về vai trò của cấp ủy lãnh đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, có một nội dung chưa nằm trong phần chuẩn bị trước, nhưng được Tổng Bí thư đặt vấn đề tại buổi làm việc. Tổng Bí thư muốn biết, địa phương làm gì để nâng tầm đội ngũ cán bộ xã nhằm đủ sức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo phân công của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo, nhờ thực hiện theo Đề án 02-ĐA/TU, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã đạt chuẩn theo quy định cả về trình độ chuyên môn lẫn trình độ chính trị và nâng tầm theo yêu cầu. Tổng Bí thư khen An Giang chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ xã được như vậy là tốt lắm, bởi cán bộ nào phong trào nấy, nếu cán bộ yếu kém, non nớt, không đủ tầm thì phong trào sẽ ì ạch, không thể có nông thôn mới được.

3. Bước vào giai đoạn đổi mới kinh tế, tăng tốc phát triển, nhiều địa phương nêu phương châm điều hành phải bám theo những chữ C. Chữ C đầu tiên, cơ sở hạ tầng. Tiếp theo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, cán bộ, cơ sở Đảng… Làm tốt những lĩnh vực có nội dung khởi đầu bằng chữ C này, sẽ phát triển toàn diện và bền vững. Trong đó có chữ C – cải cách hành chính, rất mới và khó cả về nhận thức lẫn thực hiện. Nhưng với yêu cầu hội nhập, phát triển và văn minh tiến bộ, từng địa phương phải dốc sức thực hiện. Điểm đầu tiên và mấu chốt, lãnh đạo từng địa phương đơn vị phải tiếp cận những vấn đề mới về khoa học quản lý và phương pháp tiên tiến ở các nước phát triển. Tiến trình thực hiện các bước về cải tiến phương pháp quản lý và cải tiến thủ tục hành chính, trường Đại học An Giang liên kết với các nơi mời chuyên gia am tường, tổ chức các đợt tập huấn về khoa học quản lý cho cán bộ lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Trực tiếp tham dự một khóa trong một tuần lễ, được mở mang rất nhiều điều hay trong công tác quản lý và cải cách hành chính. Tỉ như quản lý thuộc cấp theo vị trí việc làm và phân công cũng như đánh giá bên dưới theo mô tả công việc, vốn đã thường tình ở nhiều nước, nhưng với mình còn xa lạ lắm. Phải tiến tới vị trí việc làm và mô tả công việc, sẽ sát sườn và hiệu quả, quản lý hành chính và cải cách thủ tục hành chính sẽ thuận buồm xuôi gió. Trường Đại học An Giang đã khơi mào, tác động vào điểm nhấn chủ đạo về nhận thức một bước đột phá cho các giai đoạn kế tiếp.

Những cán bộ đã từng xem văn bản, tiếp xúc, làm việc với Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa, phòng của Trường Đại học An Giang, đều có chung cảm nhận về lối hành văn, phong cách làm việc ngắn gọn, cô đọng và sát sườn theo nội dung đề cập. Viết cũng như nói, luôn đi thẳng vào vấn đề, cụ thể sự việc, nêu bật ý tưởng tham vấn, không sáo mòn, không quanh co rào đón. Các thế hệ hiệu trưởng để lại nhiều cảm kích lẫn dấu ấn đẹp. Thầy Võ Tòng Xuân, tầm cao Giáo sư – Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động, nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật nông nghiệp, trong giảng dạy và quản lý, quan hệ rộng với nước ngoài. Nhưng thầy Xuân vẫn với phong thái gần gũi như thời xuống ruộng đồng và “xáp” vô nông dân, dùng từ ngữ dung dị thấu tâm đúng tầm người nghe, để lại cảm xúc sâu lắng về vị Hiệu trưởng đầu tiên xây nền móng vững chắc cho trường. Thầy Thạc sĩ Lê Minh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn hóa – xã hội, kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, có cung cách làm việc đáng quí. Phụ trách một khối đa lãnh vực, làm trưởng rất nhiều ban chỉ đạo, công việc ở UBND tỉnh và trường đại học rất đa đoan, các cuộc họp ban chỉ đạo, làm việc chuyên đề, đều rất ít thời gian, có khi chỉ một giờ hoặc nửa buổi. Vậy nhưng thầy Tùng đều lắng nghe thấu đáo, cho ý kiến và chốt lại ngắn gọn, mạch lạc rõ ràng từng vấn đề cho bên dưới thực hiện. Phong cách ấy được thuộc cấp mến phục và làm theo. Thầy Võ Văn Thắng từ lúc giữ nhiệm vụ Hiệu trưởng, tạo nhiều sức bật, khởi sắc trong giảng dạy, quản lý, liên kết đối ngoại và các phong trào ở Trường Đại học An Giang. Với học hàm Phó giáo sư, học vị Tiến sĩ, hiểu biết rộng lãnh vực văn hóa xã hội, thầy Thắng góp phần xây dựng, phát triển Đại học An Giang ngày càng lớn mạnh và nâng cao những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Hướng dẫn học viên cao học là người trong tỉnh làm luận văn tốt nghiệp, thầy Thắng luôn hướng về chiều sâu tinh hoa văn hóa – lịch sử, những giá trị nhân văn cao quý của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL như đờn ca tài tử, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, văn hóa Óc – Eo… Góc độ nghệ thuật, nhạc sĩ Võ Thắng – hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với những ca khúc đạt giải cao, ca ngợi con người cùng quê hương sông nước An Giang tươi thắm và hữu tình, thầy Thắng lan tỏa hương sắc An Giang và Trường Đại học An Giang lên cao và bay xa. Văn thơ của các thầy cô Trần Tùng Chinh, Ngô Thị Hy, Vương Học Vinh… tạo âm hưởng tốt đẹp trong và ngoài nhà trường. Phong thái rộng mở, phong cách khoa học, tác nghiệp rành mạch, cán bộ giảng viên Trường Đại học An Giang đã hai mươi năm lan tỏa làn gió mới trong cung cách quản lý, cải cách thủ tục hành chính, lan xa những giá trị văn hóa của địa phương.

Theo thống kê trong những năm gần đây, số người có học vị cao, tiến sĩ, thạc sĩ ở tỉnh nhà tăng lên nhanh ngó thấy. Từ thuở ban đầu chỉ số chục, sau một thời gian tăng lên số trăm và sắp sửa lên con số ngàn. Trong đó, cán bộ giảng viên của Đại học An Giang có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm hơn phân nửa trong tổng số toàn tỉnh. Khi mới thành lập, cán bộ giảng viên trình độ sau đại học còn ở mức khiêm tốn. Sau mười năm, rồi hai mươi năm, tăng vọt theo nhu cầu mới. Nhiều lần được nghe cán bộ, giảng viên nói rằng, làm thầy của sinh viên đại học phải làm gương về tinh thần cầu tiến, phải “Học, học nữa, học mãi”, phải luôn tiếp cận tri thức mới, để các em noi theo. Hầu hết thầy cô vừa giảng dạy vừa học nâng cao học vị theo yêu cầu mới. Học trong nước và học các trường nước ngoài, mang tri thức mới và tầm cao mới về cho quê hương. Có lần, một lãnh đạo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, theo thủ tục và lộ trình sang Australia dự tập huấn về tạo nguồn nhân lực và quản lý nhân sự theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương, đã gặp gỡ những cán bộ, giảng viên ở An Giang đang học tại  Hà Nội. Lúc này, thầy Nguyễn Thanh Bình, thạc sĩ, nguyên Phó khoa Sư Phạm Trường Đại học An Giang, chuyển sang Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đang làm nghiên cứu sinh. Thầy Nguyễn Thanh Hải, thạc sĩ, Trưởng phòng Tổ chức – Chính trị, học lớp Cao cấp lý luận chính trị. Thông tin cho biết, cán bộ giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng và Trường Đại học An Giang, học giỏi, bảo vệ luận văn hoặc luận án tốt nghiệp đều điểm cao. Hai thập kỷ, một ngôi trường đại học trên tỉnh nhà, đang độ tươi trẻ, rạng tỏ tinh hoa hiếu học, cầu tiến, vươn lên theo kịp thời đại trong môi trường hội nhập với nhiều lắm nhân tố tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tỉnh nhà.

4. Một cán bộ Đoàn nói rằng, tuổi mười tám đôi mươi, tuổi chắp cánh vào đời với bao hoài vọng cháy bỏng tương lai sự nghiệp và khát vọng cống hiến cho quê hương đất nước. Tuổi trẻ anh hùng của quê hương anh hùng An Giang, với Huỳnh Thị Hưởng, Neáng Nghés, Lâm Thanh Hồng, Huỳnh Vũ Hùng… Một thời hoa lửa và rực rỡ chiến công đã in sâu trong tâm khảm. Một thời hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0 đã tới. Tuổi trẻ An Giang vui mừng có trường đại học tại quê nhà, để chắp cánh ước mơ cho những mầm xanh quê mẹ. Nghe vậy, mới sực nhớ trong đội ngũ cán bộ Đoàn từ tỉnh tới cơ sở, có nhiều em học vị cử nhân giáo dục chính trị, học sư phạm giáo dục chính trị tại Trường Đại học An Giang. Hỏi thăm cấp ủy lãnh đạo trực tiếp, được biết, các em học sư phạm giáo dục chính trị ra, tham gia công tác Đoàn rất phù hợp, do nói tốt, viết tốt, phương pháp truyền đạt mang tính sư phạm nên thu hút được người nghe, sau này hết tuổi Đoàn sang các đoàn thể khác hoặc làm công tác tuyên giáo, công tác Đảng đều tốt. Các em thổ lộ, gia đình không khá, tằn tiện lắm, nhưng nhờ học đại học tại tỉnh nhà, học sư phạm được miễn học phí, ra trường được làm cán bộ Đoàn, bản thân và gia đình mừng lắm. Lắng nghe từ lãnh đạo tới những cựu sinh viên đại học tỉnh nhà về bản quán làm cán bộ Đoàn, khấp khởi cho tương lai thế hệ trẻ An Giang. Tới những xã vùng sâu, vùng biên giới như Vĩnh Phước, Vĩnh Gia của Tri Tôn, An Nông của Tịnh Biên, Phú Lộc của Tân Châu, nơi xa lắc và heo hút nhưng không ít cán bộ, công chức trẻ có trình độ đại học. Cán bộ lãnh đạo khóm ấp trong tỉnh, một ít cũng có trình độ đại học. Điểm lại cán bộ cơ sở có bằng đại học, từ Trường Đại học An Giang ra khá lắm. Mỗi năm cả hai hệ đại học và cao đẳng, tỉnh nhà và lân cận có thêm trên dưới hai ngàn tân khoa, trong đó mười phần trăm tốt nghiệp loại giỏi, nguồn nhân lực trẻ sung mãn cho quê hương. Một thế hệ cán bộ trẻ ươm mầm từ Trường Đại học An Giang đã đâm chồi xanh nảy lộc biếc, lớp măng non đang vươn ngọn trên quê hương Bác Tôn. Trong lớp măng non tươi mầm, nhiều em đã vào Đoàn, vào Đảng ở Trường Đại học An Giang, được trải nghiệm thực tiễn phong trào Đoàn từ trong trường học rồi ở địa phương, nhiều em đi lên từ Bí thư Đoàn xã phường, tới lãnh đạo Đoàn huyện, thị, thành phố rồi vươn tới những vị trí cao hơn ở địa phương.

Thời xưa, học sinh miệt vườn ra tỉnh đi học hoặc đi thi, thật trần ai khoai củ. Đường sá xa xôi bụi mờ ải nhạn, chuyện nhỏ. Khổ thân nhất, cái thân phận như trôi sông lạc chợ nơi đất khách quê người rồi bị đối xử tệ bạc như vôi. Trước giải phóng có mấy thư sinh thiệt thà như đếm, chơn chất tựa cây lúa đồng quê, từ Lấp Vò lót tót lên xóm ngã tư Xã Bổn – Long Xuyên, tìm chỗ trọ học. Chỗ cần tới, nó ở sát hít một bên, nhưng hỏi một thị nữ mặt hoa da phấn, liền bị nàng chu cái mỏ đỏ chót son môi rồi nguýt ngang cái rẹt như dội gáo nước lạnh, rồi bị bà chủ nhà trọ tru tréo, hoạnh hẹ đủ điều. Mấy chàng thư sinh miệt vườn buồn tê tái, ngán ngẩm thói đời người kênh kẻ chợ, nói rằng mới tới Long Xuyên sao đã gặp ngay con Cám và mụ dì ghẻ. Bây giờ gặp lại mấy anh, cho biết học trò thôn quê ra tỉnh lỵ Long Xuyên học hành và thi cử, được o bế tận tình từ đầu tới cuối, chẳng bao giờ thấy lẻ loi đơn thân độc mã chốn thị thành, như thời xưa. Mấy anh thò lỏ ngạc nhiên, hỏi sao được vậy? Khi cho biết hiệu ứng từ chương trình tiếp sức mùa thi do Phòng Công tác sinh viên cùng Hội sinh viên, Đoàn trường Đại học An Giang, Tỉnh Đoàn An Giang và Thành Đoàn Long Xuyên, chung tay thực hiện. Mấy anh rạng môi cười, nói vậy là mừng lắm cho con em mình. Mấy năm trước, có năm Trường Đại học An Giang được giao tổ chức kỳ thi chung cho hai tỉnh An Giang và Kiên Giang để xét tốt nghiệp phổ thông trung học và xét tuyển đại học. Đưa con ra Long Xuyên thi, vài anh chị cán bộ của tỉnh Kiên Giang khen đáo để lực lượng tiếp sức mùa thi tại Trường Đại học An Giang. Cung cách tiếp đón chu đáo, chỉ vẽ tận tình, đối xử ân cần, thí sinh và thân nhân từ Kiên Giang ra An Giang như người nhà thân thiết từ lâu. Dù trong tỉnh hay ngoài tỉnh, thí sinh cần chỗ trọ, cần cơm nước, sẽ có miễn phí để toàn tâm lo chuyện thi cử. Vậy đó nên nhiều lắm con em nông dân tay lấm chân bùn, đồng sâu xa tít, không ít hoàn cảnh bi thương đã được nâng tay dìu bước vào giảng đường đại học với cảm giác lâng lâng như có phép màu. Em Nguyễn Minh Trí ở tận miệt Láng Linh, Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, thật đáng quí bởi sinh ra không có đôi tay, mọi việc chỉ đôi chân, rồi đậu vào Trường Đại học An Giang, khoa Công nghệ thông tin trong sự mừng vui của mọi người, y như trong chuyện cổ tích. Đúng rồi, cổ tích của thời nay. Xưa, mấy anh bạn bi quan than thở, đất Long Xuyên có con Cám và mụ dì ghẻ. Nay, xin thỏ thẻ với các anh rằng, từ khi có Trường Đại học An Giang và chương trình tiếp sức mùa thi, qua hai mươi năm thành lập cũng chừng ấy mùa xuân tươi rói, thành phố Long Xuyên và Trường Đại học An Giang có nhiều và nhiều lắm cô Tấm thảo hiền cùng bà Tiên nhân hậu, đang dang tay nâng đỡ những mầm xanh của quê hương Bác Tôn và láng giềng lân cận.

Ngay phía trong cổng chính Trường Đại học An Giang, câu nói thâm thúy của Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, hiển hiện trang trọng, luôn thôi thúc một thế hệ tuổi hai mươi, ngồi ghế giảng đường một trường đại học hai mươi năm hình thành và phát triển, trên một thành phố trẻ hai mươi năm thăng tiến. Hai mươi năm đơm hoa kết trái, Trường Đại học An Giang hãnh tiến trên tư thế mới, thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả cùng đồng hành ươm mầm cho quê hương Bác Tôn, cho An Giang anh hùng một tương lai rạng rỡ.

Tác giả Trung Nguyễn
(Ảnh: AGU)