Hai mươi bốn năm

Tiết trời gắt nắng, nhưng vừa nắng đấy lại mưa đấy, vừa ướt đẫm mồ hôi khi từ ngoài bước vào trường lại “rào” một cái – một cơn mưa vội vã của những ngày vào thu. Gọi là “vào thu” nhưng thực ra miền Nam quê tôi chỉ đôi mùa mưa – nắng. Quả thật không sao trách nổi, bởi đã yêu mất rồi cái nắng gắt mưa rào nơi đây. Hôm nay, vẫn là một ngày nắng gắt như thế, tôi vô tình bắt gặp một hình dáng thân thương mà tôi hay gọi cũng bằng một cái tên thân thương như chính dáng hình ấy – ông Ba.

Tôi chẳng hiểu sao lại gọi thế, bởi “ông Ba” vốn dĩ tên là Nguyễn Minh Luận hay Chín Luận (Đội phó Đội bảo vệ Trường Đại học An Giang) nhưng vì nghe anh chị lớp trên gọi thế, bạn bè cũng gọi thế nên tôi cũng lần lần gọi theo và thành một thói quen tự khi nào mà không hay. Chẳng thể nào lẫn vào đâu được dáng hình gầy gầy cùng với bộ đồ bảo vệ rất chỉn chu và nụ cười thật đôn hậu ấy. Tôi hay bắt gặp ông Ba với chiếc xe máy chạy vòng vòng quanh trường vào mỗi khi chúng tôi tan học, tôi đã quen dần với hình ảnh ấy. Thật giản dị làm sao!

Với chất giọng khàn khàn ông Ba kể với tôi rằng ông đã làm nghề bảo vệ này, đã gắn bó với Trường, với học sinh sinh viên trong suốt hai-mươi-bốn năm. Phút chốc đôi mắt hằn sâu những nếp nhăn qua bao năm tháng ấy nhìn xa xăm cùng giọng nói đầy nghẹn ngào nơi cuống họng, bởi ai trong chúng ta cũng biết rằng đời người thì hữu hạn chỉ vỏn vẹn mấy mươi năm mà cuộc đời lại vô hạn và con số hai-mươi-bốn năm ấy là quá lớn so với một đời người. Như một cái chớp mắt thôi mà ngần ấy năm đã trôi qua mang đi bao ước mơ, hoài bão của một đời người. Để rồi giờ đây bên cạnh tôi là dáng hình đã hao gầy qua bao năm tháng cùng lấm tấm những đốm đồi mồi trên đôi bàn tay chai sạm. Đôi bàn tay ấy đã suốt hai-mươi-bốn năm tận tụy với công việc của mình. Có những người dành cả đời mình cho việc nghiên cứu bên phòng thí nghiệm như Marie Curie, có những người hiến trọn tuổi thanh xuân để mỗi ngày cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ như anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” ngày nào mà tôi đã được học. Vẫn luôn có những người như thế và ông Ba trong tôi là thế. Đi qua bao thăng trầm ông vẫn luôn gắn bó với nghề, vẫn hết lòng yêu cái nghề mà mình đã gắn bó trong suốt khoảng thời gian qua.

Ông kể với tôi như một người ông đang kể lại với chính đứa cháu của mình: “Vui nhất là cái ngày khai giảng, mặc dù cực nhưng mà vui lắm, mấy cháu mặc áo dài mình thấy mình cũng nhớ lại những kỷ niệm xưa…”. Hóa ra, trong suốt những năm tháng trôi qua ấy, mỗi một mùa khai trường là mỗi một mùa nhớ.  Nhớ về cái thời ước mơ vẫy vùng trên bầu trời tuổi trẻ, nhớ về chiếc áo trắng tinh khôi trong những ngày khai trường. Và sau những mùa khai giảng ấy, ông lại yêu thêm cái nghề của mình. Một nghề dẫu bình thường thôi, dẫu chẳng cao sang hay thu nhập cao nhưng tôi biết rằng ông vẫn luôn hạnh phúc, tự hào và dành trọn cả tình yêu vào đấy. Những ngày khai giảng như thế, tôi thấy ông cực lắm, dù năm sau đến tuổi về hưu nhưng ông vẫn “xắn” tay cùng làm với mọi người, hết khiêng lẵng hoa, khiêng cái này cái nọ thì ông lại chạy vòng vòng xem mọi thứ đã đầy đủ, đã hoàn tất hết chưa. Ông luôn muốn mọi thứ thật hoàn hảo để chuẩn bị chào đón thế hệ mới vào trường và với ông những điều như thế dẫu giản dị thôi nhưng thật ý nghĩa biết bao.

Tôi chợt nhớ lại câu nói của Frank Tyger – một nhà báo, một họa sĩ tranh biếm họa nổi tiếng của Mỹ: “Doing what you like is freedom. Liking what you do is happiness.” (“Làm điều bạn thích là tự do. Thích điều bạn làm là hạnh phúc.”). Có những người dành một khoảng thời gian đi tìm hạnh phúc và đã tìm được nó, có những người không ngừng đấu tranh để có được hạnh phúc và có những người dành cả cuộc đời đi tìm hạnh phúc ở những nơi xa tầm với nhưng đâu biết rằng hạnh phúc vốn dĩ hiện hữu quanh đây. Những năm tháng  đó tin rằng, trong suốt cuộc đời, ông Ba vẫn luôn hạnh phúc với những gì đã và đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Dẫu mồ hôi và nước mắt, dẫu buồn hay vui, dẫu phải thức cả đêm khi trường tổ chức cắm trại hay mệt nhoài vào những ngày khai giảng; nhưng đó là những kỷ niệm, là những gì mà ông có thể giữ riêng cho mình khi vài tháng nữa thôi ông chính thức rời mái trường – nơi mà ông đã gắn bó bao năm. Ông Ba làm tôi nhớ đến lời Hồ Chủ tịch răn dạy: “… Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to” .

Được ngồi nói chuyện với ông Ba chốc lát thì ông chuẩn bị đi làm công việc của mình. Tôi xin ông chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm ông vui vẻ nhận lời, đứng lên chỉnh sửa trang phục thẳng thớm và cười thật phúc hậu hỏi tôi: “Đẹp chưa con?”. Và có lẽ đây là bức ảnh “hoàn mỹ” nhất và ý nghĩa nhất từ trước đến giờ mà tôi đã chụp.

Hai-mươi-bốn năm “lặng lẽ dâng cho đời”, thoáng có chút buồn man mác nhưng lại pha lẫn chút hạnh phúc, ấm áp nơi trái tim. Cảm ơn ông Ba và thầm cảm ơn những người đã âm thầm, lặng lẽ như thế…

Huyền Trân
(Ảnh: H.C)