Không thầy đố mày làm nên!

Dân tộc ta có truyền thống văn hiến lâu đời, Nhân dân ta rất coi trọng sự học, quan niệm: “Nhân bất học bất tri lý” (người không học không biết lý lẽ); “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Ý thức về tầm quan trọng của sự học luôn gắn với đề cao vai trò của người thầy, với câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy; có thờ thầy mới được làm thầy… Thành ngữ “lừa thầy phản bạn” là câu chỉ trích, phê phán những kẻ vong ân bội nghĩa,…

Một bậc đại nho đã tổng kết: “Học nhiên hậu nhi bất túc, giáo nhiên hậu tri khốn!”. Tạm dịch: Có học sẽ biết không bao giờ đủ, có dạy mới biết là khó! Người thầy phải luôn đề cao ý thức, phẩm chất, vai trò “mô phạm”; phải là tấm gương sáng cho học trò nhìn vào đó noi theo. Thầy giáo không chỉ dạy chữ mà quan trọng hơn là dạy đạo lý ở đời và làm người. Thầy giáo vừa truyền dạy kiến thức vừa tận tâm bồi đắp cho mỗi tâm hồn người học thêm tốt đẹp để vừa phát triển về trí tuệ, vừa hoàn thiện về nhân cách. Nhà thơ Quách Mạt Nhược khẳng định: “Mặt trời mọc, mặt trời tắt. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết. Nhưng ánh sáng người thầy không bao giờ tắt”…

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã sinh ra biết bao người thầy, nhiều người được tôn vinh. Đó không chỉ là người dạy chữ thánh hiền, mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất. Đặc biệt có những vị thuộc hàng “lương sư hưng quốc”. Điển hình như “vạn thế sư biểu” Chu Văn An – người từng trực tiếp dạy học cho thái tử, cũng là trung thần đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém đầu lũ gian thần rồi cáo quan về quê dạy học, sống cuộc đời thanh bạch. Đó còn là các bậc minh sư cao quý như Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp… Đất Nam bộ có danh sư Võ Trường Toản, Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh, vừa là nhà thơ lớn hết lòng yêu nước thương dân…Trong công cuộc đấu tranh kháng Pháp có biết bao Thầy giáo đi tiên phong, tiêu biểu là Cụ Phan Bội Châu,… Nhiều Thầy giáo trở thành lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, Võ Nguyên Giáp, …

Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, song Bác Hồ luôn quan tâm đến nhiệm vụ giáo dục nhằm diệt “giặc dốt”, nâng cao trình độ dân trí. Người rất đề cao sứ mệnh của người thầy giáo Bác nói: “… Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…”. Bác khẳng định “Nhiệm vụ giáo dục rất vất vả nhưng thật vẻ vang, không có thầy cô giáo thì không có giáo dục”…

Thực hiện chỉ dạy của Người Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đội ngũ giáo viên. Giáo dục và đào tạo trong những năm qua tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Chi đầu tư cho giáo dục được tăng cường.

Để đủ sức “sánh vai” với các cường quốc, trong thời gian tới đây Đảng ta xác định phải “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Cùng với đó là thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó với sự nghiệp khai sáng dân trí, chấn hưng giáo dục, vun đắp tài năng, ngày nay, nhà giáo phải tiếp tục là những người trực tiếp đáp ứng yêu cầu không ngừng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài vì sự phồn thịnh của đất nước. Nhà giáo còn có vai trò rất quan trọng trong xây dựng xã hội học tập – một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Sự có mặt của những nhà giáo vững về chuyên môn, nhiệt huyết và được hỗ trợ đầy đủ có tầm đặc biệt quan trọng đối với tất cả các hình thức và cấp độ giáo dục. Dù xã hội ngày càng có những thay đổi to lớn, nhưng người thầy luôn giữ vai trò định hướng về tri thức, và phương pháp, là tấm gương về nhân cách đối với người học.

Nhân dân ta khẳng định: Không thầy đố mày làm nên!

Trung Thành