Lương y như từ mẫu!

Kế thừa truyền thống văn hiến, trong đó có truyền thống y đức của ông cha ta và tiếp thu tinh hoa y đức nhân loại, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc trau dồi, rèn luyện y đức – đạo đức của người thầy thuốc. Trong Thư gửi Hội nghị quân y vào tháng 3/1948, Bác viết: Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền… Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu. Bác còn viết rất tha thiết: Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn…

Và hầu như mỗi lần có dịp Hồ Chí Minh đều nhắc tới yêu cầu: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Bác cũng căn dặn cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự Nhân dân “Lương y kiêm từ mẫu”. Nhấn mạnh luận điểm: “Lương y phải như từ mẫu”- “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” là xuất phát từ quan điểm “đạo đức là gốc” của con người, của người chiến sĩ cách mạng; và đặc biệt phải là gốc, là nền tảng của người cán bộ nhân viên ngành y tế. Bởi vì trong tình thương yêu, có lẽ không có tình thương yêu nào đầm ấm, sâu sắc bằng tình thương của người mẹ. Trong cuộc sống, không có mối tình nào so sánh được với tình mẫu tử. Người thầy thuốc tận tâm, tận lực cứu sống những bệnh nhân, nhất là những trường hợp “thập tử nhất sinh” được coi, được đề cao như người mẹ hiền đã tái sinh ra họ.

Với thiên chức nói trên, thường nhật tại hầu khắp các bệnh viện, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc; tận tình, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc; ân cần, tỉ mỉ lúc động viên, dặn dò… của đội ngũ Thầy thuốc đối với bệnh nhân. Và trong những trường hợp bùng phát dịch bệnh hiểm nghèo; tình hình khó khăn, nguy kịch thì những “từ mẫu” đều sẵn sàng hy sinh, quên mình để làm tròn phận sự cứu người.

Đất nước ta từ ngàn xưa đã có rất nhiều danh y với y đức chói sáng, y thuật cao siêu. Từ ngày có Đảng, nhiều cán bộ ưu tú của ngành y tế đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, thấm sâu những chỉ dạy về y đức vô cùng sâu sắc của Bác Hồ, luôn nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; sẵn sàng quên mình vì người bệnh! Biết bao Thầy thuốc đã ngã xuống trên các mặt trận, trong các cuộc kháng chiến; gần đây nhất là cuộc chiến đẩy lùi đãi dịch Covid-19…

Để tiếp tục hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh cao cả của mình, đội ngũ Thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao kiến thức y học, y sinh, làm chủ các phương tiện khám, chữa bệnh “…để luôn luôn tiến bộ”… Cùng với đó là rèn luyện nâng cao đạo đức, y đức “yêu nước, yêu dân, yêu nghề,…”. Về phía lãnh đạo, quản lý cần coi trọng hơn nữa việc chăm bồi đội ngũ Thầy thuốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng được đội ngũ cán bộ y tế đủ số lượng, chất lượng ngày càng cao. “Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của Nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam xin gởi các lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những “chiến sĩ áo trắng”, kính chúc quý Thầy thuốc luôn giữ vững truyền thống “Lương y như từ mẫu”, cầu chúc quý Thầy thuốc luôn khỏe mạnh để mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn nữa./.

 TRUNG THÀNH