Những Bà mẹ anh hùng, trung hậu, đảm đang!

Phụ nữ Việt Nam trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước đã hình thành những phẩm chất vô cùng đặc sắc. Trước nhất, quan trọng nhất, là những người nông dân luôn gắn bó với công việc cấy hái “trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ anh cày, em cấy, con trâu đi bừa”. Các bà, các mẹ, các chị là những người lao động đảm đang: làm việc rất bền bỉ, dẻo dai với tinh thần kiên trì, nhẫn nại rất cao; rất căn cơ tằn tiện, tính toán cẩn thận, chi ly. Riêng những lúc người đàn ông phải lao mình vào cuộc chiến giữ nước, những người mẹ, người vợ thủy chung bao tháng ngày đằng đẳng cày bừa nuôi con, nuôi quân đánh giặc, bất khả kháng họ còn phải tay cày – tay súng…

Gắn với con người lao động Phụ nữ luôn là con người nội trợ (quán xuyến việc nhà) đóng vai trò “nội tướng” giữ yên giềng mối gia đình – làng nước. Đây thực tế người chủ gia đình: “gánh vác giang san nhà chồng”, trợ thủ đắc lực để người chồng đủ sức hoàn thành nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội. Cái điều mà ai cũng biết: “Lấy gì đóng góp cho chồng/ Lấy gì giỗ chạp Thổ công, ông bà./ Lấy gì nuôi mẹ nuôi cha,/ Lấy gì thu xếp việc nhà chàng ơi…”. Phụ nữ nước ta bao đời là những người vợ thuỷ chung son sắc, là những người mẹ luôn nêu cao đức hy sinh, đồng thời là những người con gái, con dâu, nết na, thảo hiền…

Đất nước ta phải trải qua nhiều năm tháng phải cầm súng, cầm gươm đánh giặc rất hung bạo. Trong đó Phụ nữ bao đời đã có vai trò rất tích cực, hình thành nên truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”. Đây là truyền thống đặc biệt của phụ nữ Việt Nam. Sử sách tô đậm vai trò của người chiến sĩ – phụ nữ dưới lá cờ của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân… cỡi voi đuổi giặc: “Ru con con ngủ cho lành,/ Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi./ Muốn coi lên núi mà coi,/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng./ Túi gấm cho lẫn túi hồng,/ Têm trầu cánh kiến cho chồng ra quân.”. Gần đây trong cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc tiếp tục có những Chị Minh Khai, Mẹ Suốt, Chị Lý, Chị Út Tịch… “đánh giặc còn cái lai quần cũng đánh!”… Những người mẹ, người chị khắp cả nước luôn đi đầu trong tất cả các mặt trận chiến đấu và sản xuất, khiến cho quân thù khiếp sợ! Bác Hồ tổng kết: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh ra và nuôi dạy nên những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Trong những năm gần đây cả nước đã diễn ra phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều chị em gương mẫu tham gia cuộc vận động phụ nữ học tâp, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”…

Trong thời gian tới đây toàn xã hội mà trước nhất là Phụ nữ cần góp phần thực hiện tốt quan điểm: Lấy phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ…. Hội phải chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội.… Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả…

Ra sức xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Vận động phụ nữ phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khuyến khích phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt. Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, nhất là phụ nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức, doanh nhân, phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực…  Kết nối, tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn và phát huy vai trò của một số nhóm phụ nữ đặc thù.

Tập trung xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Thực hiện tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình, tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; vận động xã hội xây dựng cộng đồng an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Thí điểm và nhân rộng các mô hình bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong phát hiện, lên tiếng, bảo vệ, kiến nghị, giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho phụ nữ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phải hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Vận động, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”; Hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; Phát huy vai trò, thế mạnh của Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ nữ doanh nhân. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đề án/chương trình Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tập trung hỗ trợ phụ nữ phát huy nội lực, giúp nhau giảm nghèo bền vững; Nâng cao chất lượng các hoạt động tín dụng, tiết kiệm, tài chính vi mô. Mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động.

Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vững mạnh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.

Trung Thành