Những ngày cuối tháng Tư năm Bảy Lăm

Ngày 27: Tôi đến lớp theo thời khoá biểu. Khu giảng đường Vàm Cống của Viện Đại học Hòa Hảo ngày càng thêm trống vắng. Lớp chúng tôi còn chưa được 20 đứa. Trước đây để tránh bị lôi vào cuộc chiến, thanh niên tứ xứ lũ lượt tìm đến cái Viện đại học “không giống ai “này, đóng tiền hàng tháng để đổi lấy tấm giấy hoãn dịch vì “lý do học vấn”. Bây giờ chiến tranh gần kết thúc, họ tự tản ra, mất dạng như chưa từng có mặt ở đây vậy.

Buổi học kết thúc sớm hơn thời gian quy định. Cả thầy lẫn trò chẳng ai muốn kéo dài những âm thanh rời rạc, khô khan của bài giảng được đón nhận bằng những ánh mắt thờ ơ, trống rỗng. Trong phút chốc chỉ còn tiếng gió thổi từ sông Hậu mang theo tiếng máy rì rầm của chiếc phà sang sông tràn vào giảng đường mênh mông, vắng lạnh…

Căn phòng duy nhất của Ðại học xá trong khuôn viên trường ở cạnh Ngã tư Đèn bốn ngọn nóng bức, ngột ngạt như mọi ngày. Gọi là Ðại học xá cho oai chứ nó không hơn gì cái nhà trọ rẻ tiền nhất ở đất Long Xuyên này. Những chiếc giường sắt hoen rỉ, thứ đồ phế thải của Tây Ðức viện trợ cho Ðại học Hoà Hảo từ năm 1971, càng phơi bày rõ hơn sự tồi tàn, bẩn thỉu khi mấy chủ nhân tạm thời của nó tóm dẹp đồ đạc ra đi.

Ðến nay, bám lại cái Ðại học xá như nhà thương thí này còn lại năm anh em đều là dân miền Tây. Chỉ còn năm mống nhưng thái độ về cuộc chiến đang diễn ra chẳng ai giống ai. Anh Minh lớp Sử – Ðịa 4 luôn miệng thở than: “Chẳng biết có lấy được cái bằng Cử nhân hay không?”. Thằng Sang lớp Anh văn 3, kẻ hầu như có mặt ở Ðại học xá chỉ để ngủ qua đêm, thì thường chửi đổng vào thời cuộc, không muốn có sự xáo trộn nào cả trong xã hội. Thằng Thuấn chung lớp Văn 3 với tôi thì có thái độ chờ xem và câu triết lý cửa miệng: “Cái gì đến thì nó sẽ đến!”. Người thứ năm là Bình, anh chàng Nông nghiệp 3 lầm lì ít nói, thường lẫn tránh các cuộc tranh luận công khai. Chúng tôi chẳng biết anh ta nghĩ gì nhưng có thể biết tình hình chiến sự diễn ra hàng ngày qua tấm bản đồ Bình treo trên tường từ đầu tháng 4/1975. Chiều nay, phòng tuyến từ Xuân Lộc kéo dài qua Long Thành, nơi quân đội Sài Gòn đang dồn sức cố thủ được gạch đậm thêm nhiều nét. Chúng tôi biết là chiến sự ở đó đang diễn ra ác liệt và có thể sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường trong những ngày tới vì nó rất gần Sài Gòn.

Tin tức, tin đồn, tin vịt… rối rắm, đủ loại thông tin nhưng chúng tôi chẳng thiết tha gì đến việc bàn luận thời cuộc nữa. Có lẽ kết quả cuộc tranh luận tối ngày 21/4 của anh em Ðại học xá đã làm chúng tôi bớt cởi mở với nhau về chính kiến. Tối đó, sau bài diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu, gần 20 sinh viên có mặt ở đây chia thành bốn nhóm: Nhóm chửi Mỹ bênh Thiệu; nhóm chửi Thiệu bênh Mỹ; nhóm chửi cả Mỹ lẫn Thiệu và nhóm chót là nhóm… can ngăn một cuộc ẩu đả sắp xảy ra!

Bình vẫn còn thức với chiếc radio một băng bé nhỏ áp sát bên tai. Sáng mai, chúng tôi lại biết thêm tin tức từ tấm bản đồ nhiều màu xanh đỏ của nó.

Ngày 28: Người dân của thị xã Long Xuyên sinh hoạt có vẻ bình thường. Ðường phố, chợ búa, hàng quán vẫn đông người qua lại, mua bán, ăn nhậu…

Chị Bảy bán cơm tháng ngạc nhiên khi thấy tôi còn ở lại. Chị quan tâm đến giá cả hàng hoá hơn là tin tức chiến tranh. Như nhiều người dân theo đạo Hoà Hảo hiền lành chất phác, chị tin là chiến tranh không xảy ra ở vùng “thánh địa” này giống như tết Mậu Thân 1968. Như chứng minh cho niềm tin của chị, nhiều chiếc xe đò chở đầy đồ đạc của dân tản cư ở miền trên về đến Long Xuyên trưa nay ngày càng nhiều. Và nó được đón nhận bằng những ánh mắt thương cảm của người dân tỉnh lỵ.

Chiều xuống. Các quán cà phê vẫn đông người, đèn màu nhấp nháy mờ đi trong khói thuốc. Những bài tình ca êm dịu chen lẫn âm thanh cuồng loạn của nhạc Rock and Roll; nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn hoà lẫn các bài hát ca ngợi lính Cộng hoà… cùng bao nhiêu loại âm thanh khác tạo nên một đêm Long Xuyên như mọi đêm. Ở bến xe, công viên, đài Tự cường… người tìm hoa và kẻ bán hoa vẫn đông vui như mọi lần. Chiến tranh hình như ở đâu đó, xa lắm!

Ðêm nay, tất cả số sinh viên khoa Văn – Sư phạm còn ở lại Long Xuyên tổ chức “Ðêm không ngủ” mong dựng lại cái không khí xuống đường sôi động của năm 1974. Ðã có kế hoạch phối hợp với anh em khoa Thương mại – Ngân hàng và Bách khoa – Nông nghiệp sau khi họ kết thúc buổi tiệc chia tay. Quanh đống lửa đốt bằng vỏ xe, anh em Sư phạm còn quá ít, căng thẳng chờ đợi bằng những bài hát phản chiến rì rầm như thánh ca. Không ổn rồi! Bọn cảnh sát chìm lợi dụng đám đông ồn ào đã len lỏi xâm nhập vào cuộc chia tay của hai  khoa kia. Thế là bọn họ lần lượt giải tán… Chúng tôi lặng lẽ ra về, bỏ lại chiếc vỏ xe còn bốc khói nằm lẻ loi trên sân trường. Mấy chị cằn nhằn trách móc: Đám sinh viên con nhà giàu chết nhát!

Hôm nay chế độ Sài Gòn có Tổng thống mới: Tướng Dương Văn Minh, người hùng tảo thanh lực lượng vũ trang Hòa Hảo – Dân Xã ở Miền Tây dưới nền Đệ nhất cộng hòa thời Ngô Đình Diệm.

Ngày 29:  Không khí chiến tranh đã thật sự lan tới Long Xuyên. Xe chở dân tản cư đổ về ngày càng nhiều chen lẫn xe quân sự qua lại liên tục trên đường và tiếng máy bay trực thăng rền rĩ trên bầu trời bay về hướng biển Rạch Giá. Nhiều chốt chặn của cảnh sát, quân cảnh mọc lên khắp nội ô; cờ ba sọc được cắm trên các cao ốc như đối chọi lại truyền đơn, bích chương của Mặt trận Giải phóng xuất hiện đầy trong khu lao động.

Viện Ðại học gần như đóng cửa, không có thời khoá biểu cho tuần tới. Anh Minh về quê, thằng Sang thì bỏ đi đâu mất, Bình đi lại nhiều hơn. Thuấn làm một chuyện khôi hài: cạo một bên ria mép. Hắn ta giải thích; đây là kiểu râu mang tên “đợi chờ”, để kết thúc một cái gì đó!

Chiều nay lính Bảo an quân Hoà Hảo xuất hiện trở lại trên những chiếc xe quân sự như năm 1974, mặt lạnh lùng. Tin đồn về một vùng “tự trị” của tôn giáo đang lan rộng dệt nên một bức tranh “tự trị” nhuốm đầy mùi huyền thoại.

Tôi và Em im lặng bên nhau. Ghế đá công viên Nguyễn Du loang loáng ánh trăng. Cô em “Bắc kỳ nho nhỏ” của tôi mất đi cái nhí nhảnh thường ngày. “Bố mẹ em đang chuẩn bị đi xa”. Còn Em? Tiếng nức nở trả lời câu hỏi. Còn Anh? Tôi im lặng. Những ngọn núi quê hương luôn hiện lên trước mắt tôi thật thân thương, bình dị như tuổi thơ vẫy gọi…

Ngày 30: Từ chín giờ sáng Ðài Sài Gòn gần như câm bặt, thỉnh thoảng vang lên tiếng khọt khẹt như tiếng thở người bệnh nặng trong cơn hấp hối. Ðường phố chết lặng, chỉ còn đám cảnh sát đi tới đi lui như con rối. Lính đào ngũ chạy về Long Xuyên ngày càng đông. Nghe nói họ đã bắn nhau với  lính quân cảnh trên đường Cần Thơ – Long Xuyên. Trực thắng đáp xuống, bay lên nhiều lần ở sân vận động.

Sự hoảng loạn bùng lên khi Ðài Sài Gòn phát đi tuyên bố ngừng bắn. Cầu Hoàng Diệu, Duy Tân đông nghịt người qua lại bằng mọi phương tiện để về nhà, âm thanh hỗn loạn, khóc cười lẫn lộn. Bến xe Long Xuyên chật cứng người, hành lý. Bảo an quân Hòa Hảo chốt chặn tước vũ khí lính đào ngũ từ các nơi chạy về. Nhiều nhà ở phố chợ đóng cửa. Dân lao động kéo nhau mua nhu yếu phẩm tích trữ…

Chiều tối. Tự xưng là Uỷ ban hành chánh lâm thời tỉnh An Giang, Bảo an quân Hoà Hảo ra lệnh thiết quân luật, hô hào trang bị vũ khí cho đàn ông từ 18 đến 45 tuổi để “tử thủ bảo vệ thánh địa chống Cộng sản xâm lăng”!…

Ðêm 30/4 dài vô tận!

Ngày 1-5: Hai chiếc thiết giáp M.113 án ngữ ngay cổng Ðại học, súng đạn quay vào phía đường vào Núi Sập. Trên xe, Bảo an quân Hòa Hảo lăm lăm súng trên tay hướng về phía đường đi Núi Sập. Chiếc nón sắt không che được cái búi tóc sau ót người lính đạo! Không còn một binh lính Sài Gòn nào xuất hiện trên đường phố…

Chỉ còn người vú già ở nhà Em. Căn phòng vẫn ngăn nắp như xưa. Bên cửa sổ chùm bông giấy trắng đong đưa trước gió. Tôi ra về mang theo tấm ảnh hai đứa đứng dưới tượng đài Bông lúa vươn cao còn ghi ngày 09/01/1975 đầy kỷ niệm. Em đã dặn vú đưa lại cho tôi kỷ vật sau cùng này.

Châu Ðốc đã giải phóng. Tôi phải về ngay với quê hương Bảy Núi!

Ngày 16-5: Ðêm mừng chiến thắng. Ðường phố Long Xuyên tràn ngập biển người và cờ hoa. Trôi theo dòng người như nước cuốn, tôi nhìn lên ngọn cờ chiến thắng trên đài Tự Cường. Bông lúa không còn nữa giống như như tôi đã vĩnh viễn mất Em…

Ngô Thụy Lang